Thursday, 4 July 2019

THỜI KỲ HẬU G-20 OSAKA (Trần Khải)




02/07/2019

Thế giới sẽ không như cũ, sẽ không như những ngày trước hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản cuối tuần qua.

Bất kể cuộc chiến tranh thương mại và  chiến tranh khoa học kỹ thuật gay go giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều chính phủ trên thế giới vẫn nương tựa vào chính phủ Bắc Kinh để học các môn võ bá đạo. Nổi bật là học nghề công an theo dõi: bản tin UPI kể rằng trong một cuộc khảo sát 65 quốc gia, có 36 quốc gia đã gửi các viên chức sang TQ để huẩn luyện kỹ năng an ninh mạng, sử dụng kỹ thuật camera giám sát và nhận diện dân chúng. Đó là lời của Sarah Cook, một nhà phân tích tại viện nghiên cứu Freedom House.

Trong đó, các viên chức Việt Nam được huấn luyện từ năm 2017, một năm trước khi Hà Nội thông qua luật an ninh mạng tại VN năm 2018 gần như copy từ luật an ninh mạng TQ

Nhưng nỗi lo chung của thế giới là kinh tế. Tạp chí về vận tải giao thương Freight Waves ghi nhận rằng các nước Đông Nam Á đang nhìn thấy giao thương suy giảm và knh tế dao động, chủ yếu vì kinh tế Hoa Lục yếu hơn và vì căng thẳng chiến tranh thương mại giữa Mỹ-TQ.

Mức tăng trưởng GDP chung của khu vực các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã giảm trong khoảng 2018 tới 2019. Viện nghiên cứu Analyst Oxford Economics hạ thấp bản tiên đoán mức tăng khu vực này còn 4.8% năm nay. Dĩ nhiên có nước tăng hơn các nước khác, vì không đều nhau; trong đó, Việt Nam vừa đưa ra báo cáo có mức tăng kinh tế 6.76% trong nửa đầu năm 2019, và có thể giữ vững mức tăng này cho cả năm nếu không có gi bất ngờ.

Nhưng kinh tế Châu Á có thể suy thoái, nếu các diễn biến sắp tới có nhiều bất lợi thêm.

Prasenjit K. Basu, nhà phân tích kinh tế ở viện CrossASEAN Research đưa ra bản phân tích qua mô hình Smartkarma nói rằng kinh tế TQ suy yếu đã làm nhập cảng TQ co cụm 8.5% trong tháng 5/2019, tức là mức giảm nhiều nhất trong vòng 3 năm, và tổng thương vụ xe hơi co cụm 16.4% trong tháng 5/2019. Trong khi đó, sản lượng kỹ nghệ TQ  tăng chỉ 5% trong tháng 5 này, mức thấp nhất trong 17 năm.

Trong khi đó, các nhà phân tích ở viện Oxford Economic nói rằng ba nước Singapore, Malaysia và Việt Nam đặc biệt nguy hiểm vì phân nửa xuất cảng của các quốc gia này là vào thị trường Hoa Lục.

Trong cuộc thương chiến nhiều tháng qua, có một nạn nhân thầm lặng là: kỹ nghệ rượu vang California. Trump tăng thuế quan với hàng TQ, và Tập Cận Bình đánh trả, thế là giá rượu vang đỏ California  tăng vọt ở Bắc Kinh.

Bản tin Bloomberg ghi rằng như trường hợp công ty Honig Vineyard & Winery, bản doanh ở Napa, California, đã xuất cảng sang TQ từ năm 2007: trước khi thương chiến leo thang  năm 2018, một chai rượu vang hiệu Cabernet có giá khoảng 50 đôla khi xuất xưởng, và giá 70 đôla tại TQ, và sau ba đợt thuế quan qua lại, giá bán tại Bắc Kinh lên tới 170 đôla/chai. Đó là nếu tìm được nơi bán. Nhưng Honig, nơi xuất cảng 1,000 thùng rượu sang TQ năm 2016, trong năm 2018 đã chi còn zero thùng. Nghĩa là, kỹ nghệ rượu vang Califonia thê thảm.

Trong khi đó bản tin Fox/Fortune kể rằng hãng Apple chuẩn bị lên kế hoạch sản xuất máy tính hiệu Mac Pro tại một cơ xưởng trên lục địa TQ, nghĩa là chuyển dây chuyền lắp ráp  từ Mỹ sang.  Apple đã chọn xong đối tác là công ty Quanta Computer Inc. làm nhà thầu sản xuất các máy tính để bàn trị giá trung bình 6,000 đôla tại nhà máy ở Thượng Hải. Nghĩa là, Apple né đòn thuế quan của hai phía: Tập và Trump.

Nỗi lo là rào thuế quan lúc nào cũng hại. Bản tin NHK kể về mối lo đặc biệt của Nhật Bản về bảo hộ thương mại: Các lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka đã kết thúc 2 ngày họp với tuyên bố cam kết thực thi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế. Với tư cách là lãnh đạo nước chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hoan nghênh nỗ lực của các lãnh đạo trong việc hợp tác hướng tới phát triển toàn cầu và ngăn chặn các rủi ro đối với sự thịnh vượng. Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh tâm lý bảo hộ gia tăng tại một số nước, trong đó có Mỹ.

Ông Abe phát biểu: "Chúng ta đã tái khẳng định rõ ràng các quy tắc cơ bản của thương mại tự do, như tính tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, cũng như thị trường mở cửa và điều kiện cạnh tranh công bằng".

Tuyên bố chung không nhắc tới việc cần đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ. Điều này cũng không được nhắc tới trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G20 trước ở Buenos Aires, khi đó các thành viên bất đồng về tập quán thương mại. Về vấn đề môi trường, Thủ tướng Nhật Bản nói các lãnh đạo đã thông qua khuôn khổ giảm rác thải nhựa ở đại dương.

Dù là thỏa hiệp của Trump/Tập chỉ là tạm ngưng bắn thuế quan, nhiều nước cũng tạm nhẹ nhõm. BBC ghi nhận sau G-20 rằng Ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán là "tuyệt vời", trong khi ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời nói hai nước không nên "rơi vào cái bẫy xung đột và đối đầu."

Nhưng Trump vẫn liên tục làm khó kể cả đối với đồng minh: VOA cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy cho biết ông đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng một hiệp ước an ninh hàng thập niên giữa hai nước phải thay đổi, nhắc lại chỉ trích của ông đối với hiệp ước này là không công bằng.

Ông Trump nói ông không định rút khỏi hiệp ước, vốn lâu nay được xem là rường cột cho sự ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nói nó đặt gánh nặng quá lớn lên Mỹ.

“Tôi nói với ông ấy rằng, chúng ta sẽ phải thay đổi nó,” ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh hai ngày của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Nhật Bản.

“Tôi nói, nếu ai đó tấn công Nhật Bản, chúng tôi sẽ đáp trả toàn lực,” ông nói thêm. “Nếu có ai đó tấn công Mỹ, họ không phải tấn công lại. Như vậy là bất công.”

Nam Hàn cũng dày mối lo, theo tin KBS: Phát biểu tại phần một Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn) khai mạc ngày 28/6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh kinh tế thế giới cần phải thoát khỏi "thế cân bằng co hẹp" do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, quay trở lại thế "cân bằng mở rộng", tức tất cả các bên đều được hưởng lợi từ nền thương mại tự do.

Tổng thống Nam Hàn nêu rõ một trong những nguyên nhân chính khiến Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) gần đây liên tục hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Đã đến lúc G20 phải cùng phát huy khả năng lãnh đạo, bởi những thách thức hiện nay không thể giải quyết triệt để trên phương diện một quốc gia riêng lẻ.

Moon bày tỏ lo ngại về xu hướng đi xuống của nền kinh tế thế giới do mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, đề nghị các quốc gia G20, vốn là những nước có tầm ảnh hưởng lớn với kinh tế thế giới, phải cùng hợp sức tìm giải pháp cho tình hình hiện nay.

Thôi thì, lo thì cứ lo vậy. Chờ xem.

----------------------------

XEM THÊM








No comments:

Post a Comment

View My Stats