Thursday, 25 July 2019

BẢN TIN NGÀY 25-07-2019 (Báo Tiếng Dân)





25/07/2019

Bài Mới Nhất

25/07/2019
25/07/2019
25/07/2019
25/07/2019
25/07/2019
25/07/2019
25/07/2019
25/07/2019
25/07/2019

*
*

Tin Biển Đông

Hơn một tuần trôi qua, kể từ khi chính quyền CSVN chính thức thừa nhận tình trạng đối đầu căng thẳng ở Bãi Tư Chính, các báo “lề đảng” được “cởi trói”, đã xuất hiện những bài viết lên án Trung Quốc mạnh mẽ, đặc biệt là yêu sách “đường lưỡi bò”, sự kiện hiếm khi xuất hiện trên báo “lề đảng”, báo hiệu khả năng một bộ phận lãnh đạo CSVN sẽ cứng rắn hơn trước “bạn vàng”.

Báo Thanh Niên có bài: Cơ sở pháp lý cho khả năng Việt Nam khởi kiện. Khi được hỏi về khả năng VN kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 quấy phá khu vực bãi Tư Chính và một số hành động phi pháp khác của TQ ở Biển Đông, TS Trần Thăng Long bình luận: “Trong bối cảnh leo thang phức tạp như hiện nay, giải pháp khởi kiện nhằm áp dụng luật biển quốc tế cần được xem xét đến”.

TS Long cho biết: “Tòa trọng tài về luật biển… sẽ không trả lời những vấn đề không có tính pháp lý, kiểu như phục vụ ý đồ này kia…, nhưng sẽ khẳng định đường cơ sở 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý (ta gọi là bác yêu sách đường cơ sở). Từ đó, đối chiếu với trường hợp bãi Tư Chính thì suy ra hành vi của Trung Quốc là vi phạm luật biển quốc tế”.

VietNamNet viết: Nhìn đường lưỡi bò do Trung Quốc tự chế, không ai có thể yên lòng. Bài viết vạch trần bản chất hai mặt của “bạn vàng”: Một mặt luôn nói “giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp tình hình gây tổn thương tình bạn ‘bốn tốt’, không phá vỡ đại cục”, mặt khác, “trong hành động thì họ làm những việc trái ngược hoàn toàn với lời nói, lúc thì lén lút xây căn cứ quân sự, tiến hành các hành động leo thang ngoài biển đảo, lúc thì công khai đưa tàu quân sự xâm nhập lãnh hải” của VN ở Biển Đông.

Bài báo so sánh căng thẳng ở Biển Đông với Biển Hoa Đông: “Đảo Senkaku của Nhật có khoảng cách địa lý đất liền giữa Bắc Kinh và Tokyo bất lợi hơn rất nhiều so với Việt Nam nhưng Trung Quốc không thể hành xử như chốn không người ở biển Nhật Bản”, vì bản thân Nhật Bản từ lâu đã là cường quốc về kinh tế và hải quân, cũng như nằm trong liên minh quân sự ở vùng Đông Á do Mỹ dẫn đầu.

Báo Pháp Luật TP HCM có đồ họa thống kê 10 năm nhìn lại biển Đông: Trung Quốc từng bước leo thang.

VTC dẫn lời ông Saifuddin Abdullah, Ngoại trưởng Malaysia: Biển Đông không thể là nhân tố gây chia rẽ, phải là tác nhân kết nối đoàn kết trong ASEAN. Trong bài phát biểu mới đây, ông Saifuddin nhắc lại tuyên bố hồi tháng 5 của Thủ tướng Mahathir Mohamad, rằng Kuala Lumpur ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối hành động triển khai lực lượng đóng quân tại đó.

Ngoại trưởng Malaysia nhận định: “Nếu ASEAN vẫn giữ chắc vị thế trung tâm, sẽ không có chuyện 1 hay 2 quốc gia thành viên đơn lẻ đàm phán song phương với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Kịch bản sẽ chỉ có thể là cả 10 quốc gia thành viên cùng đàm phán với Trung Quốc”.


Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Báo Thanh Niên đưa tin: Nhà thầu thi công cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận căng băng rôn đòi nợ. Do không được “rót” vốn ngân sách và ngân hàng không đồng ý giải ngân, Công ty Cổ phần Cầu 12, đơn vị thi công gói thầu số 13 – XL13 của dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận “đã ngưng thi công, căng băng rôn đòi nợ, cản trở việc thi công tại dự án”.

Đại diện tại công trình của nhà thầu này cho biết, “sở dĩ họ phải làm vậy vì chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận không có tiền thanh toán trong suốt thời gian qua, khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều tuần qua không có tiền chi trả lương cho công nhân, mua nguyên vật liệu”.

Chủ gói thầu số 13 dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận căng băng rôn đòi nợ chủ đầu tư. Ảnh: Bắc Bình/ TN

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ngừng thi công dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ tháng 8 vì hết tiền? Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, một trong các đơn vị liên danh thực hiện dự án, thừa nhận: “Dự án hiện đã cạn vốn vì trên dưới 3.000 tỷ đồng vốn của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đã giải ngân hết vào đây”. Với tình trạng cạn vốn hiện nay, nhiều khả năng dự án sẽ dừng thi công từ tháng 8 tới.

Chỉ là một dự án cao tốc ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, mà đã trầy trật thế này, có thể suy đoán về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với số vốn đầu tư mà Bộ GTVT đưa ra gần 60 tỉ Mỹ kim ra sao. Phải chăng, đó chỉ là cái “bánh vẽ” để các lãnh đạo ngành giao thông tranh thủ “kiếm chác”, trước khi về vườn “làm người tử tế”?


Mường Thanh

Trong khi đang bị khởi tố điều tra ở Việt Nam, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh nhận giải một trong những chuỗi khách sạn tư nhân hàng đầu Đông Nam Á, báo Dân Việt đưa tin. Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng Best Hotels – Resorts Awards 2019, diễn ra tối 17/7/2019 ở Hàn Quốc, tên Tập đoàn khách sạn Mường Thanh đã được xướng lên. Đây là giải thưởng “nhằm vinh danh các khách sạn và resort trên khắp thế giới vì những nỗ lực và thành tựu của họ nhằm mang đến kỳ nghỉ tuyệt vời cho du khách”.

Thương hiệu khách sạn Mường Thanh được nhận giải “Một trong những chuỗi khách sạn tư nhân hàng đầu Đông Nam Á” và giải “Nhà điều hành chuỗi khách sạn xuất sắc nhất năm 2019”, trao cho cho bà Lê Thị Hoàng Yến, TGĐ Tập đoàn Mường Thanh. Ban tổ chức giải thưởng này không quan tâm đến vụ ông chủ Mường Thanh là Lê Thanh Thản vừa bị khởi tố?

Bên Hàn Quốc, người ta trao giải cho Mường Thanh, còn ở trong nước, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị khởi tố Mường Thanh Đà Nẵng ‘tội lừa dối khách hàng’, theo báo Một Thế Giới. Cơ quan này đã “chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu lừa dối khách hàng của chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà sang cơ quan công an để xem xét đề nghị khởi tố”.

Theo ông Thái Ngọc Trung, PGĐ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, “hồ sơ 161 căn hộ ở dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (quận Ngũ Hành Sơn) có dấu hiệu chủ đầu tư bán những sản phẩm này không có pháp lý cho khách hàng”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Điểm mặt những dự án sai phạm ‘choáng váng’ của Mường Thanh giữa thủ đô. Bên cạnh tổ hợp chung cư Bermes đã bị điểm danh với nhiều sai phạm xây dựng, còn có “hàng loạt dự án sai phạm tiêu biểu như tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, VP6 Linh Đàm, khu đô thị Đại Thanh, chung cư Kim Văn – Kim Lũ, khu đô thị Thanh Hà, chung cư cao cấp CT6 Kiến Hưng”.

Hà Nội xem xét cấp sổ hồng tại dự án sai phạm của Mường Thanh, theo VnExpress. Chiều 23/7, UBND Hà Nội họp báo về vụ thu hồi hàng trăm sổ hồng ở nhiều tòa chung cư do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1, tỉnh Điện Biên và Công ty Bemes, đều thuộc tập đoàn Mường Thanh đầu tư hoặc hợp tác đầu tư.

Ông Lê Tự Lực, Phó Chánh Văn phòng UBND Hà Nội, thừa nhận, trong quá trình kiểm tra, rà soát các dự án của Mường Thanh, Sở TN&MT TP Hà Nội phát hiện có sai sót, nhầm lẫn trong chuyện cấp sổ cho người mua nhà tại một số tầng xây dựng không đúng quy hoạch: “Trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra, thành phố sẽ xem xét việc giải quyết cấp sổ hồng cho người đã mua nhà ở bao gồm cả các trường hợp tại dự án có vi phạm”.


Cập nhật vụ bê bối của công ty Asanzo

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP HCM (PC03) vừa khởi tố vụ đồ điện tử hiệu Asanzo nhập ‘nguyên con’ từ Trung Quốc, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Công an khởi tố vụ án “buôn lậu” đối với Công ty Sa Huỳnh. Hành vi phạm pháp của công ty này bị Cục Hải quan TP HCM phát hiện, rồi chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Công ty này đã tạm ngừng hoạt động có thời hạn kể từ ngày 6/3/2019.

Trước đó, ngày 7/9/2018, hải quan TP HCM kiểm tra một container chứa hàng hóa do Công ty Sa Huỳnh nhập từ Trung Quốc về cảng Phước Long. Công ty này khai báo hàng nhập khẩu là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh, nhưng khi kiểm tra, hải quan phát hiện toàn bộ hàng hóa là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo. Dù hồ sơ ghi hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc, “toàn bộ lò nướng trong container này hoàn toàn không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Chủ tịch Asanzo Phan [Phạm]Văn Tam nói gì về công ty Sa Huỳnh? Theo đó, ông Phạm Văn Tam khẳng định: “Chúng tôi không có bất kỳ quan hệ thương mại hay sở hữu gì với Công ty Sa Huỳnh. Việc công ty Sa Huỳnh sử dụng tên Asanzo trên các sản phẩm nhập khẩu của họ là vi phạm thương hiệu của chúng tôi”.


Hà Nội: Thu phí vào nội đô để hạn chế kẹt xe hay tận thu?

Đúng một tuần trước, Sở GTVT thành Hồ đề nghị UBND chi 250 tỷ đồng từ ngân sách, để xây 34 trạm thu phí xe ô tô, bao vây trung tâm TP,  trên danh nghĩa “hạn chế kẹt xe”. Theo đề xuất, mức thu phí từ 40.000-60.000 đồng/lượt xe riêng, không thu phí xe công vụ.
Không chịu thua, hôm qua Sở GTVT Hà Nội cũng trình UBND thành phố đề cương dự thảo thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội từ đường vành đai 3, báo Tiền Phong đưa tin. Thật ra, đề xuất này đã có từ năm 2018, khi UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, để thu phí xe ô tô. Mục đích đưa ra là giảm ùn tắc giao thông, nhưng theo người dân, chính phủ muốn “tận thu”, bởi nếu giảm ùn tắc, thì phải hệ thống giao thông công cộng phải được nâng cấp, để phục vụ người dân.

Hà Nội chuẩn bị thu phí ô tô vào nội đô từ vành đai 3, theo VietNamNet. Cụ thể, “TP sẽ lập trạm thu phí tự động với công nghệ hiện đại tại khu vực vành đai 3… Khi thực hiện phương án thu phí, TP yêu cầu chủ phương tiện ô tô mở tài khoản ngân hàng, trang thiết bị thu phí phát tín hiệu tự động để tự nhận biết và trừ tiền trong tài khoản”.

RFA có bài: Dựng trạm, thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM để giảm kẹt xe hay nhắm vào túi tiền dân! KTS Võ Kim Cương, cựu Phó KTS trưởng TP.HCM cho rằng, việc thu phí sẽ không giải quyết được chuyện kẹt xe: “Khi thu phí sẽ xảy ra tình trạng các xe né trạm, lúc đó các con hẻm sẽ trở thành điểm kẹt xe. Khi ấy, nạn ùn tắc ở trung tâm không giải quyết được triệt để.  Bên cạnh đó, việc xây các trạm thu phí còn gây mất cảnh quan đô thị”.


Cập nhật vụ công ty Nhật Cường

Bộ Công an đề nghị Chủ tịch Hà Nội phối hợp, cung cấp thông tin liên quan Nhật Cường, báo Thanh Niên đưa tin. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi văn bản đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, “đề nghị phối hợp, đôn đốc chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án”. Theo phía công an, vụ này đã xuất hiện nhiều tình tiết phức tạp, nhất là dấu hiệu của tội rửa tiền.

Phải chăng Bộ Công an đang yêu cầu ông Chung tự giác khai ra sân sau của mình để còn có đường lui? Một số nguồn thạo tin khẳng định Công ty Nhật Cường có mối quan hệ với ông Chung khá phức tạp, nên mới có thể từ một công ty phần mềm, kiêm dịch vụ viễn thông nhỏ, trở thành doanh nghiệp ôm thầu nhiều gói dịch vụ công lớn ở thủ đô.


Mạng xã hội “Ma-dze in Việt Nam” gặp sự cố

Báo Thanh Niên đưa tin: Mạng xã hội Gapo ra mắt, đang gặp nhiều lỗi khi sử dụng. Mạng xã hội “cây nhà lá vườn” VN này chính thức ra mắt ngày 23/7, nhưng chỉ sau một ngày sử dụng, “nhiều người dùng đã phản ánh tình trạng chập chờn của mạng xã hội này”. Cụ thể,  “khá nhiều người dùng gặp phải tình trạng chập chờn hoặc không kết nối được với máy chủ, dù việc đăng ký và đăng nhập vẫn có thể thực hiện bình thường”.

Trước đó, mạng xã hội Gapo của Công ty CP công nghệ Gapo đã gây chú ý khi công bố nhận được khoản cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ quỹ G-Capital cho giai đoạn 2019-2021 với mục tiêu 50 triệu người dùng, hướng đến mục tiêu thay thế Facebook, vốn là “mơ ước” của bộ máy tuyên truyền CSVN.

Báo Thời Đại có bài: Bị ‘sập’ ngày ra mắt, sếp MXH Gapo ‘mượn’ Facebook để giải thích. Ông Dương Vi Khoa, Giám đốc chiến lược của Gapo đã phải dùng MXH Facebook để đăng tải dòng trạng thái chia sẻ về sự cố mà người dùng đang gặp phải: “Làm MXH cũng gần như thời làm game online vậy, ngồi xem chỉ số nhảy mà sướng rồi anh em báo hệ thống crash, tắc nghẽn mà trong lòng chỉ muốn khóc”.



Gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Hai người bị khai trừ khỏi đảng

UBKT Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Hoà Bình vừa khai trừ đảng Trưởng, Phó phòng khảo thí liên quan tới gian lận thi cử ở Hoà Bình, theo báo Người Đưa Tin. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục và bà Diệp Thị Hồng Liên, cấp dưới của ông Vinh, bị khai trừ khỏi Đảng bộ Sở GD&ĐT Hoà Bình vì đã sửa chữa, can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình.

Bà Liên đã “thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Quang Vinh, lợi dụng chức vụ” trong Hội đồng thi THPT 2018 ở Hòa Bình, tiếp nhận danh sách mã phách bài thi tự luận để yêu cầu 3 Tổ trưởng và các giám khảo tổ chấm thi tự luận môn Ngữ văn chấm nâng điểm cho 18 thí sinh theo “điểm yêu cầu”.


Thêm tin giáo dục

VOV có bài: Không đủ giảng viên, nhiều trường ĐH “khai khống” để được mở ngành mới. Thông tin này đã được Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng chỉ ra trong Hội nghị về công tác tuyển sinh đại học được tổ chức mới đây: “Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường hiện nay không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án”.

Có trường hợp các trường đại học do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên, nghĩa là sẽ không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy, nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao mà không đúng năng lực thực tế. “Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới khi tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng”.


***







No comments:

Post a Comment

View My Stats