Saturday, 13 July 2019

HỒNG KÔNG : "RUỒI MUỖI" TRÊU TỨC BẮC KINH (RFI / Điểm Tuần Báo Pháp)




Thụy MyRFI / ĐIỂM TUẦN BÁO PHÁP
Đăng ngày 13-07-2019 

Hồng Kông trong ngõ cụt, mối đe dọa nguyên tử quay trở lại, ứng viên Dân Chủ nào có thể đối đầu với Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đó là mối quan tâm chính của các tuần báo Pháp kỳ này.

30 năm sau Thiên An Môn, đàn áp có tái diễn ?
« Hồng Kông, sự bất khả của một hòn đảo », đó là tựa đề bài viết của Christian Makarian trên L’Express. Tác giả nhắc lại câu nói của Đặng Tiểu Bình : « Nếu Trung Quốc mở cửa, ruồi muỗi chắc chắn sẽ bay vào ». Chắc rằng chính quyền Bắc Kinh ngày nay coi lớp trẻ biểu tình ở Hồng Kông như những chú ruồi muỗi vo ve, khó mà đập chết được, tuy nhiên không phải là mối nguy hại lớn.

Cuộc xuống đường vĩ đại với 2/7 triệu dân tham gia, không bạo lực, của những người trẻ có giáo dục, hoàn toàn cởi mở với thế giới - di sản của 155 năm dưới sự điều hành của Anh quốc - đã chứng tỏ sự chín chắn của phong trào : bất tuân dân sự chứ không nổi dậy lật đổ. Họ đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, và phổ thông đầu phiếu. Đây chính là lời hứa « Một đất nước, hai chế độ » mà Trung Quốc đã nuốt lời. Cuộc Cách mạng Dù năm 2014 có cùng yêu sách đã bị dập tắt bằng bàn tay sắt.

Nếu chuyển sang giai đoạn đàn áp, Hồng Kông không có bất cứ cơ hội nào trước Bắc Kinh. Nhưng ba mươi năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, cường quốc trong thời kỳ toàn cầu hóa này sẽ phải dùng những thủ đoạn để giấu đi khuôn mặt sắt máu.

Trung Quốc vẫn còn cần đến chiếc tủ kính Hồng Kông
Hồng Kông vẫn nằm trong số bốn thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, là nơi đặt trụ sở chính của 1.300 tập đoàn tầm vóc toàn cầu ; nhưng GDP nay chỉ còn chiếm chưa đầy 3% Trung Quốc, so với năm 1993 là 25%. GDP của Thâm Quyến đã vượt qua Hồng Kông. Năm ngoái, Tập Cận Bình khai trương chiếc cầu dài đến 55 km nối Hồng Kông, Macao với Quảng Đông, nơi có các đại tập đoàn Tencent, Hoa Vi (Huawei). Gọng kềm đang siết lại.

Tuy nhiên Bắc Kinh không thể vừa bán công nghệ 5G của Hoa Vi ra khắp thế giới, vừa đàn áp thô bạo Hồng Kông. Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn còn cần chiếc tủ kính cựu thuộc địa Anh để tô vẽ cho nguyên tắc « hai chế độ ».

Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc « nhất thiết không thể theo con đường phương Tây về tư pháp độc lập ». Nhưng một mặt lợi dụng sự tự do kinh tế của toàn cầu hóa, mặt khác lại bóp nghẹt tự do chính trị, là một thử thách khó khăn cho Bắc Kinh. Thủ lãnh sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) nhận định : « Hồng Kông là chiếc phong vũ biểu về những gì mà Trung Quốc có thể hành động ». Và điều này, theo tác giả, thật đáng lo.

Những thanh niên Hồng Kông quyết tử
« Hồng Kông, cuộc kháng chiến lên đến cực điểm », đó là nhận xét của tờ China Digital Timesđược Courrier International dịch lại. Theo đó, vụ xâm nhập vào Nghị Viện Hồng Kông hôm 01/07/2019 cho thấy sự tuyệt vọng của lớp trẻ, những người không chấp nhận các định chế bất lực trước sức ép của Bắc Kinh.

Có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số cho rằng không nên tiến vào Nghị Viện bằng cách đập phá, làm xấu đi hình ảnh tích cực lâu nay của cuộc phản kháng. Người khác nghi ngờ mafia được phe thân Bắc Kinh điều khiển từ xa trà trộn để gieo tiếng xấu. Và giờ lại nổi lên luồng ý kiến thứ ba : đó là những thanh niên « quyết tử » với chính quyền.

Đêm hôm đó, có những dân biểu phe dân chủ vội vã đến làm « trái độn » giữa hai phe, sợ rằng những người đang tấn công vào Nghị Viện có thể bị thương hay bị bắt. Khi nữ dân biểu Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) can ngăn vì có nguy cơ lãnh đến 10 năm tù, một thanh niên trả lời : « Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để bị bắt, các vị cứ giao nộp ! ». Vài dân biểu khác dùng xe đẩy chặn lại, những người trẻ đang cố phá cửa la lên : « Hãy để yên, chúng tôi chấp nhận bị bắt. Còn chờ đợi gì nữa, giải pháp ở đâu ? »

Đâu là giải pháp cho những người trẻ đang tuyệt vọng ?
Một nhân viên xã hội có mặt tại chỗ nhận định, có khoảng hơn một chục thanh niên sẵn sàng hy sinh kể cả mạng sống. Kể từ đầu phong trào, đã có ba vụ tự tử.

Những người phản kháng đã thử làm hết mọi cách. Đi bầu ? Họ đã bỏ phiếu, nhưng các ứng cử viên mà họ ủng hộ bị cấm tham gia tranh cử vì có tư tưởng ly khai. Một phong trào chiếm đóng ? Họ đã tiến hành trong 70 ngày rồi bị dùng vũ lực giải tán. Biểu tình ôn hòa ? Một triệu rồi hai triệu người đã xuống đường, nhưng chính quyền không nhúc nhích.

Tác giả lưu ý, người biểu tình hôm đột nhập Nghị Viện đã cẩn thận chắn lối vào phòng lưu trữ và phòng triển lãm quà tặng của lãnh đạo các nước, để bảng « Cấm làm vỡ các mẫu vật văn hóa cổ ». Những ai muốn lên án họ, có biết vì sao ra nông nỗi này ? Kẻ phải lên án thực sự là những ai đã gây ra sự tuyệt vọng cho tuổi trẻ Hồng Kông, và câu hỏi nhức nhối « Đâu là giải pháp ? » vẫn luôn vang vọng.

Khát vọng tự do là vĩnh cửu
Nhìn chung toàn cảnh thế giới, tác giả Nicolas Baverez trên Le Point tỏ ra lạc quan « Không, dân chủ chưa chết ! ». Từ Sudan đến Hồng Kông, Kazakhstan, người dân đang kháng cự mạnh mẽ trước độc tài.

Nền dân chủ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ thập niên 30, dưới áp lực của những kẻ độc tài khoác áo dân chủ, thánh chiến, dân túy. Tuy nhiên khát vọng tự do luôn là vĩnh cửu.

Gần một phần ba dân số Hồng Kông đã xuống đường chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tại Istanbul ông Erdogan đã lãnh một cái tát vào mặt khi nhất quyết không muốn mất đi thành phố chiếm đến 31% GDP Thổ Nhĩ Kỳ. Tại các nước thuộc Liên Xô cũ, từ Gruzia đến Armenia, Kazakhstan diễn ra những cuộc biểu tình đòi độc lập thực sự với Matxcơva.

Ở Algérie, người dân nổi dậy khiến ý định bám ghế đến nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống Bouteflika phải thất bại. Tương tự, tại Sudan, những cuộc biểu tình của dân chúng dẫn đến việc tổng thống Bechir bị truất phế…

Tuy vẫn còn mong manh, nhưng những cuộc đấu tranh này đã chứng tỏ các nhà độc tài không phải là bất khả xâm phạm. Điểm chung : có đầu tàu là giới trẻ và giai cấp trung lưu thành thị, có học vấn và quen thuộc với internet ; thông qua các mạng xã hội, theo mô hình phi tập trung. Với mô hình này, khó thể có sự xuất hiện của các thủ lãnh và cương lĩnh chính trị, nhưng ngược lại cũng khó thể đàn áp được.

Cộng Hòa của Trump nghiêng sang hữu, Dân Chủ trở nên thiên tả
Tại Hoa Kỳ, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, đảng Dân Chủ có số ứng cử viên kỷ lục là 24 người. Thế nhưng bài viết trên L’Express lại mang tựa đề « Đảng Dân Chủ tuyệt vọng tìm kiếm ứng viên ».

Chưa bao giờ một đảng lại có nhiều khuôn mặt ra tranh cử sơ bộ như thế, quyết tâm chiến đấu với tổng thống mãn nhiệm. Còn một năm rưỡi nữa mới đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 03/11/2020, đã có 7 thượng nghị sĩ, 2 thống đốc, 6 phụ nữ, 3 người da đen, một người Mỹ la-tinh…tham gia cuộc « sơ tuyển », và đặc biệt không thể quên cựu phó tổng thống Joe Biden.

Dưới thời Donald Trump, đời sống chính trị Mỹ đã thay đổi một cách sâu sắc. Đảng Cộng Hòa nghiêng về phía hữu nhiều hơn, và Trump cũng làm cho đảng Dân Chủ đối địch trở nên thiên tả hơn. Nếu năm 2015 thượng nghị sĩ Bernie Sander là người duy nhất tự cho mình có khuynh hướng xã hội, thì nay nhiều ứng cử viên khác cũng có cùng chủ trương, nhất là thượng nghị sĩ bang Massachusetts, bà Elisabeth Warren. Bà đòi thay thế chế độ bảo hiểm y tế hiện nay bằng an ninh xã hội như kiểu châu Âu, nhưng chi phí sẽ vô cùng lớn.

Sự « thiên tả » của đảng Dân Chủ càng nổi rõ hơn dưới mắt người Mỹ trong cuộc tranh luận đầu tiên hôm 26/6. Tối hôm đó khi người điều khiển chương trình hỏi 10 ứng cử viên có ủng hộ việc phi hình sự hóa nhập cư bất hợp pháp hay không, hầu như tất cả đều giơ tay đồng ý, bất chấp nỗi lo về sự bùng nổ các vụ bắt giữ ở biên giới Mêhicô : trên 100.000 vụ/tháng. Những người lén lút vượt biên sang Mỹ sẽ chỉ phải đóng tiền phạt thay vì lãnh án.

Và khi các ứng viên Dân Chủ nói về việc mở cửa biên giới, giải thể cơ quan cảnh sát biên phòng và hải quan (ICE), giảm nhẹ điều kiện xin tị nạn, họ không chỉ khiến cho các ủng hộ viên của Trump phải đổ mồ hôi lạnh, mà còn gây hoang mang cho cả cử tri của đảng mình.

Ai đối đầu được với Donald Trump ?
Phe Dân Chủ gặp khó khăn vì cử tri rất đa dạng, từ giới tinh hoa, green millenial (giới trẻ chống biến đổi khí hậu), người Mỹ da đen, Mỹ gốc la-tinh và nhất là giai cấp công nhân ở miền trung tây (Michigan, Ohio, Wisconsin…). Phải biết cách thuyết phục được tất cả, như Bill Clinton và Barack Obama đã làm được. Hiện nay, dường như chỉ có ông Joe Biden là có hy vọng « đi dây » thành công.

Vấn đề là các cuộc bầu cử sơ bộ như một cỗ máy dẫn đến thất bại. Muốn nổi bật lên, ứng cử viên phải có những tuyên bố nảy lửa và biết cách tấn công người khác. Về điểm này, bà Kamala Harris, cựu chưởng lý bang California rất giỏi : bà đả kích ông Biden về các quan điểm của ông tận vài thập niên trước, gây bối rối cho ông. Nay nhiều người cho rằng cặp Biden-Harris sẽ dẫn đầu cuộc đua.

Hai cuộc tranh luận tiếp theo được tổ chức vào tháng Bảy và tháng Chín, trước cuộc bầu cử sơ bộ chính thức tháng Giêng năm 2020. Để có thể tồn tại, ứng viên phải đạt được mức ủng hộ nhất định do bốn cơ quan thăm dò dư luận ghi nhận và gây được quỹ. Cũng giống như vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới, mục tiêu không phải là chơi đẹp hay thắng tất cả các trận, mà là cầm cự được để vào các giai đoạn tiếp.

Nếu ông Biden thành công đi nữa, liệu cựu phó tổng thống của Obama có đấu nổi với Donald Trump ? Ông Trump có lợi thế rất lớn là không phải tranh đua với ai trong đảng Cộng Hòa. May mắn cho đảng Dân Chủ là có đến 57% người Mỹ không muốn bỏ phiếu cho đương kim chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng họ có bầu cho Dân Chủ đang nghiêng về phía tả hay không, thì lại là chuyện khác.

Iran-Bắc Triều Tiên : Trump « bên trọng bên khinh »
Hồ sơ của Courrier International gióng lên tiếng chuông cảnh báo từ các chuyên gia : vũ khí nguyên tử sắp vượt khỏi vòng kiểm soát, các quốc gia có bom hạt nhân mà đứng đầu là Nga ra khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thái độ nghịch lý : tuy thương lượng với Bắc Triều Tiên nhưng lại rút khỏi hiệp ước nguyên tử với Iran, và chuyển giao công nghệ cho Ả Rập Xê Út.

Trong bài « Iran, Bắc Triều Tiên : Bên trọng, bên khinh » được Courrier International dịch lại, CNN đặt câu hỏi, vì sao ông Donald Trump có thể dễ dàng thương lượng với nhà độc tài Kim Jong Un mà không thể làm như thế với Iran ? Trong khi Kim Jong Un là một trong những bạo chúa cuối cùng trên thế giới, sở hữu ít nhất 60 vũ khí nguyên tử, cho bắn hỏa tiễn sang Nhật Bản và đe dọa Hàn Quốc, còn tình trạng nhân quyền Bắc Triều Tiên thì vô cùng tệ hại.

Iran là một hồ sơ cũ đầy gai góc, khiến nhiều người tiền nhiệm của ông Trump phải nhức đầu. Hiệp ước ký với Teheran là kết quả những nỗ lực của Barack Obama – một lý do đủ để Donald Trump xé bỏ, như đã rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch TPP, hiệp định khí hậu Paris.

Nguy cơ Thế chiến III tại vùng Vịnh
CNN cho rằng nếu Bắc Triều Tiên là vấn đề nhạy cảm đối với chính giới Mỹ, thì Iran còn phức tạp hơn gấp mười. Sự chống đối ngay trong đảng Cộng Hòa và phe bảo thủ, cũng như một số khuôn mặt Dân Chủ, là trở ngại lớn cho bất cứ chính quyền nào muốn đàm phán với Iran. Hơn nữa còn phải tính đến nhân tố Israel, với một thủ tướng sẵn sàng phá hiệp ước bằng mọi giá.

L’Obs lo lắngđặt câu hỏi « Đại chiến thế giới lần thứ ba sẽ xảy ra tại vùng Vịnh ? » khi cuộc xung đột Mỹ-Iran đã tiến thêm một bước mới. Các tàu dầu bị tấn công tại eo biển Ormuz, các căn cứ quân sự Mỹ trở thành mục tiêu của dân quân Shia ở Irak, Israel không kích các mục tiêu Iran ở Syria, phe Houthi ở Yemen được Iran hỗ trợ bắn vào hướng Mecca…Vào thời điểm tệ hại nhất của cuộc chiến tranh lạnh trước đây, vẫn luôn có đường dây nóng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Còn bây giờ, không có sự liên lạc nào giữa Iran, Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út và Israel.







No comments:

Post a Comment

View My Stats