Wednesday, 18 April 2018

VĂN HÓA, VĂN HÓA, VĂN HÓA (Từ Thức)




Từ Thức
April 18, 2018

Trước Gramsci, có người nghĩ văn hóa giải thích tất cả. Sau Gramsci, người ta ‘Biết’ văn hóa giải thích tất cả, quyết định tất cả. Antonio Gramsci, một lý thuyết gia chính trị Ý, ít được nhắc tới ở Việt Nam, trước đây là cẩm nang của những phong trào chính trị, cách mạng trên thế giới, ngày nay là tác giả gối đầu giường của các chính trị gia, thuộc mọi khuynh hướng, từ cực tả tới cực hữu, ở Âu Châu.

Gramsci (1891-1937)

Gramsci (1891-1937) đã hệ thống hóa lý thuyết dùng văn hóa để giải thích xã hội, chính trị và, từ đó, coi văn hóa là võ khí để đấu tranh. Những yếu tố khác, đứng đầu là kinh tế, chỉ là thứ yếu.

Muốn thay đổi xã hội, không thể hà tiện một cuộc cải cách văn hóa từ gốc rễ. Phải thay đổi tư duy, nếu muốn thực sự thay đổi xã hội. Nếu không, sẽ chỉ là những cuộc nổi loạn, những cuộc đảo chánh.

Tranh tối tranh sáng
Hãy thử dùng một câu nổi tiếng nhất của Gramsci để giải thích hiện trạng băng hoại của xã hội Việt Nam ngày nay.

Gramsci: “Cái khủng hoảng nằm trong hiện tượng thế giới cũ đang chết trong khi thế giới mới chưa thành hình. Trong tình trạng tranh tối tranh sáng đó, người ta chứng kiến những hiện tượng bệnh hoạn dưới mọi hình thức” (La crise consiste dans le fait que le nouveau monde se meurt et que le nouveau tarde à apparaître, et dans ce clair-obscur surgissent les phénomènes morbides les plus variés).

Chế độ Cộng Sản đang chết, nhưng chế độ dân chủ chưa thành hình, xã hội khủng hoảng băng hoại. Người ta chứng kiến những hiện tượng bệnh hoạn mỗi ngày, trước mắt: Bộ trưởng Y Tế đồng lõa làm thuốc giả; “học giả” cải đổi chữ quốc ngữ cho giống tiếng Tàu; một đám no cơm ấm cật nhẩy múa tại nơi và ngày đáng lẽ là nơi và ngày tưởng niệm những đồng bào đã bị giặc Tàu thảm sát; nhà nước võ trang cướp đất của dân; quân đội thay vì chống ngoại xâm giữ nước đã tổ chức đội ngũ dư luận viên để “chiến đấu’’ chống tử thù là những người còn có chút lòng với đất nước, những cảnh sư quốc doanh nhảy nhót trác táng một cách thô bỉ, và, ở hải ngoại, những tổng thống tự phong thi nhau múa may, quay cuồng.

Một thí dụ điển hình nhất là chuyện cô giáo bị bắt quỳ. Một “chuyện dưới huyện” nhưng cho thấy cả một xã hội băng hoại. Một cán bộ quèn, nghĩ có “thẻ đảng” là có quyền sinh sát, một cô giáo không còn tự trọng, một hiệu trưởng sẵn sàng cộng tác làm chuyện thô bạo để bảo vệ nồi cơm, những đồng nghiệp bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để được yên thân, một nền giáo dục lạc hậu thầy giáo bạo hành (bắt học sinh quỳ) thay vì hướng dẫn, dạy dỗ.

Những hiện tượng mà Gramsci gọi là “monstrueux” (quái dị) của thời tranh tối tranh sáng, xẩy ra mỗi ngày, trước mắt.

Nếu thời gian tranh tối tranh sáng kéo dài quá lâu, những hiện tượng đó dần dần trở thành bình thường. Trong một xã hội bệnh hoạn, không chuyện gì đáng ngạc nhiên nữa, không cái gì trơ trẽn, lố bịch nữa. Người ta hết cả khả năng bất bình

Vô cảm
Người ta nói rất nhiều tới hiện tượng vô cảm trong xã hội Việt Nam. Nhiều người tìm hiểu tệ trạng vô cảm, nhưng có lẽ ít người giải thích ngắn gọn hơn Gramsci: “Cái bất hạnh có hai hậu quả : thường thường nó dập tắt tất cả tình thương của chúng ta đối với người bất hạnh, và, không hiếm hơn, nó dập tắt tình thương nơi những người bất hạnh đối với những người bất hạnh hạnh khác.” (1)

Gramsisme
Rất khó tóm tắt lý thuyết của Gramsci, cũng như rất khó tóm tắt lý thuyết Marx. Raymond Aron nói cái lợi hại của chủ nghĩa Marx là người ta có thể “giải thích trong 5 phút, 5 giờ, 5 ngày, 5 tháng, 5 năm hay 5 thế kỷ.”

Hãy tạm tóm tắt lý thuyết Gramsci (Gramscisme, Gramscism) trong 5 phút, qua 2 chữ: Hégémonie Culturelle (lãnh đạo văn hóa). Người ta có thể chiếm chính quyền bằng võ lực, nhưng chỉ có thể tồn tại và cải tiến sâu rộng xã hội qua văn hóa.

Gramsci phân biệt xã hội ra 2 thành tố mà ông gọi là 1) Société politique, hay pouvoir politique (xã hội chính trị, quyền lực chính trị) và 2) Société civile (xã hội dân sự).

Pouvoir politique, hay quyền lực chính trị, bao gồm các cơ chế nhà nước, bộ máy chính quyền: chính phủ, quân đội, công an, cảnh sát… Société civile, hay xã hội dân sự, là tất cả những gì thuộc địa hạt tư nhân, lãnh vực tinh thần, sở hữu của mỗi cá nhân, địa hạt của văn hóa, tôn giáo, tri thức, đạo đức, nhân sinh quan, triết lý sống tiềm tàng trong một xã hội. Tóm lại: tư duy của một dân tộc.

Lật đổ một chính phủ, một tập đoàn cầm quyền, chiếm pouvoir politique, chỉ là một cuộc đảo chánh.

Muốn bền vững, muốn thay đổi xã hội, phải đấu tranh và chiến thắng trên địa hạt văn hóa, phải nắm société civile, phải thay đổi tư duy. Phải đặt một nền tản văn hóa mới.

Chính quyền phải được một sự hậu thuẫn ngầm, đương nhiên, của một xã hội cùng chia sẻ những giá trị tinh thần tiềm tàng, sâu kín trong tiềm thức của một dân tộc.

Gramsci giải thích tại sao cách mạng “vô sản” chỉ thành công ở Nga nhưng thất bại ở Âu Châu. Bởi vì trong xã hội Nga, và nói chung, xã hội Ðông Phương, nhà nước là tất cả, xã hội dân sự còn sơ khai, chỉ cần chiếm vài cơ sở huyết mạch là chiếm được quyền lực.

Trái lại, các nước Tây phương, xã hội dân sự, nói khác đi, quyền lực văn hóa phức tạp, sâu xa (với văn chương, nghệ thuật, triết học…), xã hội dân sự phong phú (với các hội đoàn, các nghiệp đoàn, báo chí, đảng phái…), nắm được chính quyền không dễ, áp đặt một chế độ mới là chuyện không thể xẩy ra.

Chính vì vậy, Cộng Sản chỉ cần chiếm vài cơ sở chính yếu ở Nga đã thành công trong cách mạng 1917, người dân hầu như không hay biết gì. Nhưng sau đó, vì không có cội rễ văn hóa, không có sự đồng thuận tư duy, Staline không có cách gì khác hơn để duy trì quyền lực là sự khủng bố (terreur).

Không có đồng thuận, nhà nước phải dùng terreur. Nhưng người ta không xây dựng gì trên sự khủng bố. Tất cả tài nguyên, nhân lực quốc gia chỉ dành cho ưu tiên hàng đầu: củng cố guồng máy đàn áp. Guồng máy quốc gia tê liệt, kinh tế khủng hoảng, luân lý suy đồi, xã hội băng hoại.

Hai chân
Trong một xã hội có dân trí cao, không thể có quyền lực chính trị lâu dài, nếu trước đó không chuẩn bị, đặt nền móng văn hóa. Nhận xét này của Gramsci giải thích tại sao ở những nhiều nước Phi Châu hay Á Châu, thường trực có những cuộc đảo chánh, trong khi ở một xứ dân trí cao, không ai nghĩ đến việc lật đổ chính quyền bằng bạo lực. Không phải bởi vì có chế độ dân chủ, nhưng bởi vì có sự đồng thuận về dân chủ, có văn hóa dân chủ.

Gramsci nói một cuộc cách mạng, muốn bền vững, phải đứng trên hai chân: nắm những cơ cấu chính quyền và thành công trong việc cai trị qua văn hóa, qua mọi sinh hoạt có ảnh hưởng tới tư duy: báo chí, kịch nghệ, văn chương, tôn giáo, triết học.

Nắm quyền không phải chỉ một cuộc nổi dậy, nhưng là cả một cuộc chuẩn bị văn hóa, ý thức hệ lâu dài trước đó.

Gramsci quả quyết muốn nắm được đa số chính trị (majorité politique ), phải có đa số ý thức hệ (majorité idiologique), bởi vì chỉ khi nào xã hội bị ngậm nhấm bởi những ý tưởng mới, khác hẳn ý tưởng họ có trong đầu, kết quả của giáo dục, của môi trường xã hội, hay của chính sách nhồi sọ, lúc đó nên tảng chế độ hiện hữu mới lung lay, người dân mới sẵn sàng tiếp nhận và ủng hộ những thay đổi.

Gramsisme, ông là ai?
Antonio Francesco Sebastino Gramsci sinh năm 1911 tại Sardaigne là một người Ý gốc Albanie. Ông nội của Antonio phục vụ trong ngành cảnh sát Ý, kết hôn với một phụ nữ Ý và định cư ở Gaète (gần Naples). Bị lao xương từ năm ba tuổi, nhưng không thuốc men và chỉ được chẩn bịnh khi ở trong tù, suốt đời bịnh tật, khiến thân thể không lớn được, nhưng trí óc minh mẫn khác thường, khiến ông được nhiều học bổng tại các đại học có uy tín và tip xúc với nhiều trí thức.

Chống phát xít một cách tích cực, Gramsci gia nhập đảng Cộng Sản Quốc Tế ở một thời đại Cộng Sản là lực lượng chống phát xít hữu hiệu nhất, và chưa ai biết gì về Goulag.

Gramsci bất đồng với cả Staline và khuynh hướng xét lại, về nhiều vấn đề. Có lẽ vì vậy mà Ðảng Cộng Sản đã im lặng khi ông bị phát xít Ý cầm tù.

Gramsci bị kết án phản loạn, nhưng mục đích chính của Mussolini khi bỏ tù Gramsci là “ngăn cản cho bộ óc Gramsci khỏi phát triển.” Nhưng đó là ảo tưởng. Giam giữ, tàn phá thân thể không cấm được bộ óc hoạt đông. Nhiều khi kết quả ngược lại, nhất là với những bô óc như Antonio Gramsci, Stephen Hawking.

Bị bắt giam từ 1927, ông chết trong tù năm 1937, hưởng thọ 46 tuổi, nhưng trong mười năm ngồi tù, Gramsci say sưa, cặm cụi viết 33 tập sách nhỏ, gọi là Cahiers de Prison (Prison Notebooks, Ghi chú trong tù). Gramsci nói muốn viết một tài liệu để đời. Những trang viết tay, trên những tập vở học trò, được xuất bản năm 1940, Cahiers de Prison đã gây tiếng vang lớn, một ảnh hưởng đáng kể trên khắp thế giới, đã hướng dẫn những phong trào chính trị từ Ấn Độ, Phi Châu tới Nam Mỹ từ 1920.

Từ tả tới hữu
Gramsci là một trí thức thiên tả, nhưng ngày nay, lý thuyết Gramsci được học hỏi, áp dụng từ tả sang hữu, từ cực tả tới cực hữu.

Ở Pháp chẳng hạn, không có chính trị gia nào, đảng phái nào không trích dẫn, nghiên cứu Gramsci. Sarkozy, cựu tổng thống hữu phái nói: “Tôi đồng ý với Gramsci: quyền lực chỉ có thể chinh phục qua tư tưởng.” Ðảng Xã Hội tổ chức những buổi hội luận về Gramsci. Ðảng Cộng Sản đã học tập Gramsci từ lâu. Lãnh tụ cực tả Jean Luc Mélenchon, áp dụng lời khuyên của Gramsci, đã lập một đài truyền hình riêng (Le Média) và những khóa huấn luyện cán bộ để võ trang tư tưởng. Marion Le Pen, cực hữu, dự tính mở trường để đào tạo đảng viên có ý thức văn hóa, thấm nhuần tư duy cực hữu.

Tất cả đều đồng ý: nếu chỉ nghĩ tới bầu cử, sinh hoạt hời hợt, những chiến thắng đạt được chỉ là những chiến thắng nhất thời. Chiến thắng trong một cuộc bầu cử này, một cuộc bầu cử khác sẽ đạp đổ.

Chỉ có một chiến thắng lâu dài, nếu tạo được một nền tản văn hóa, trong tư duy của mỗi công dân, ít nhất nơi đa số công dân.

Phải làm thế nào để đa số người dân đồng thuận trên những giá trị tinh thần chung. Nếu cử tri tin tưởng ở bậc thang giá trị hữu phái, anh ta sẽ bầu cho hữu phái, anh ta sẽ lựa chọn ứng cử viên hữu phái hợp ý nhất, nhưng không bao giờ nhìn sang bên cạnh.

Nếu không có văn hóa, tư duy tả hay hữu, anh ta sẽ lang thang, đổi ý, đổi phe, tùy cơ hội, hoàn cảnh.

Một người còn tin tưởng ở chủ nghĩa Cộng Sản, sẽ tìm mọi cách bào chữa cho các chế độ CS. Trước những bằng chứng hiển nhiên về sự tệ hại của chế độ, anh ta sẽ đi tới lý luận cuối cùng: đó chỉ là sự sai lầm của người thi hành, không phải của chủ nghĩa.

Mặt trận văn hóa trường kỳ
Alain de Benoist, lý thuyết gia cực hữu số 1 của Pháp, nghiên cứu và dùng Gramsci như một phương tiện để giành đất với phe tả.

Benoist nói nước Pháp, nhất là trí thức, có khuynh hướng khuynh tả vì đó là kết quả một mặt trận văn hóa trường kỳ. Cách mạng 1789 chỉ có thể thành hình bởi vì ý tưởng cách mạng đã được gieo rắc từ những Năm Ánh Sáng (années des lumières), trong hàng ngũ trí thức, quý tộc, trưởng giả, là những trung tâm quyết định.

Benoist diễn giải Gramsci: Trong tương lai, sẽ không còn là những cuộc giáp chiến, nhưng là những cuộc chiến tại chỗ.

Mỗi phe tìm cách bành trướng ảnh hưởng của mình. Yếu tố quyết định của trận chiến đó, Gramsci gọi là “guerre de positions” (chiến tranh vị trí), trái với “guerre de mouvement” (chiến tranh di động), trong đó võ khí là văn hóa, văn hóa được coi là địa bàn hoạt động, bộ tổng tham mưu (2).

Khi tư duy đó đã trở thành mẫu số chung, người ta sẽ phân tách thời cuộc, thời sự, lịch sử dưới lăng kính đó. Ðưa những dữ kiện khách quan không đủ thuyết phục, phải thay đổi tư duy.

Phong trào nổi loạn Tháng Năm 68 (Mai 68) mà nước Pháp sắp kỷ niệm 50 năm, đã thay đổi xã hội Pháp, và, trên địa hạt chính trị, đã củng cố tư duy thiên tả của trí thức Pháp. Người ta nhìn chiến tranh Việt Nam chẳng hạn, qua lăng kính đó, bất chấp những dữ kiện khách quan. Ngày nay, cái nhìn đó đã thay đổi, tư duy thiên tả không còn là đa số, một phần nhờ sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, những hình ảnh bi thảm của boat people, nhưng cũng nhờ những “guerre de positions” trường kỳ của các triết gia, trí thức như Raymond Aron, Jean Francois Revel…

Tư tưởng là chuyện viển vông, nhưng trong lịch sử, bao giờ tư tưởng cũng dẫn đường nhân loại. Tới ánh sáng hay tới vực thẳm.

Ðể nói về những hiện tượng thay đổi chính trị nhất thời, Gramsci dùng chữ “Césarisme.”
Những lãnh tụ (César) nhờ tài năng, nhờ cá tính mạnh, có khả năng thu hút quần chúng, nắm được chính quyền, nhưng không có căn bản văn hóa hỗ trợ, sẽ chẳng làm được gì, sẽ bị các Césars khác lật đổ, thay thế. Trước sự thờ ơ của dân chúng. Lãnh tụ giỏi không đủ, nếu không có chuẩn bị văn hóa.

Tư duy Dân Chủ
Trở về với Việt Nam, người ta có thể rút tỉa gì từ Gramsci? Khi nào tư duy của một dân tộc bị nhồi sọ gần một thế kỷ chưa thay đổi, chuyện thay đổi sẽ còn gian nan. Có thể những người bất mãn với chế độ Cộng Sản càng ngày càng đông, nhưng người ta khó xây dựng gì vững vàng trên sự chống đối. Chỉ có thể xây dựng xã hội mới trên tư duy mới, khi đa số tin tưởng ở những giá trị mới.

Người dân chỉ chủ động trong việc xây dựng dân chủ, khi nghĩ dân chủ sẽ thay đổi cụ thể đời sống của mình, tương lai của con cháu mình. Khi nào những ý niệm dân chủ chỉ là những khẩu hiệu, sự thờ ơ vẫn còn, và chính sách khủng bố vẫn hữu hiệu.

Tóm lại, mặt trân văn hóa luôn luôn là một ưu tiên, ngay cả trong hoàn cảnh cấp bách.
Ismaỳl Kadaré, nhà văn hàng đầu của Albanie, nói: ngay cả trong những lúc khốn cùng, người ta cũng phải có thái độ trân trọng đối với văn hóa.

(tuthuc-paris-blog.com)
——-

(1) “Le malheur a habituellement deux effets: souvent il éteint toute affection envers les malheureux, et non moins souvent, il éteint chez les malheureux toute affection envers les autres.” (Gramsci)

(2) L’avenir n’est plus à la guerre de mouvement, mais à la guerre de positions. Et l’enjeu de cette “guerre de positions” est la culture, considérée comme le poste central de commandement et de spécification des valeurs et des idées. (Alain de Benoist)








No comments:

Post a Comment

View My Stats