Sunday 8 April 2018

TRUNG QUỐC SẼ MẤT NHIỀU TRONG MỘT CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI, NHƯNG TRUMP CÓ MỘT ĐIỂM YẾU LỚN (Heather Long - The Washington Post)




Heather Long  -  The Washington Post
DCVOnline dịch
Posted on April 6, 2018 by editor

Trung Quốc đánh thuế nhập cảng vào sản phẩm của Mỹ. Việc này ảnh hưởng như thế nào đến chính trị của Hoa Kỳ? Trung Quốc đã áp đặt mức thuế nhập cảng trên 128 mặt hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 4. Đây là hành động trả đũa cho những khoản thuế nhập cảng Tổng thống Trump công bố đánh vào nhôm và thép của Trung Quốc. (Victoria Walker/The Washington Post).

*
Khi cuộc giằng co về mậu dịch Hoa Kỳ-Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn, người dân ở cả hai nước đang hỏi: Ai bị thiệt nhiều hơn? Và cuộc giằng co sẽ kết thúc ra sao?

Trong một cuộc chiến thương mại toàn diện Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất cảng, và gần 20% hàng xuất cảng của Trung Quốc sang đến Hoa Kỳ. Năm ngoái, Trung Quốc đã bán sản phẩm và dịch vụ sang Mỹ trị giá 506 tỷ đô la Mỹ. Ngược lại, Hoa Kỳ đã bán 130 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ cho Trung Quốc. Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, người đã giúp tư vấn cho chính quyền Trump về Trung Quốc nói,

“Ở chiến trường kinh tế, Hoa Kỳ thắng. Không có thắc mắc gì về việc này.”

Nhưng đây không chỉ là một cuộc chiến kinh tế, nó cũng là mặt trận chính trị, và chắc rằng Tổng thống Trump sẽ không thể chịu nổi một cuộc xung đột kéo dài hơn Trung Quốc có thể chịu dược — đặc biệt là vì cuộc bầu cử giữa tháng 11 kỳ năm 2018 sắp tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lãnh đạo một quốc gia cộng sản vừa cho ông quyền cai trị cả đời. Ông ta hoàn toàn kiểm soát các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc và cũng đang ngồi chễm chệ trên đống tiền tươi 3 ngàn tỷ đô-la thặng dư.

Tất cả cho thấy Xi có thể phản ứng nhanh hơn Trump. Họ Tập thậm chí có thể tài trợ giúp các công ty Trung Quốc bị thiệt hại trong những tháng tới và trợ giá đậu nành để người tiêu dùng Trung Quốc không phải đối phó với cú sốc lớn tại cửa hàng. Người Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009, chi tiêu rất nhiều bằng nguồn tiền mặt dự trữ dư thừa của họ để kích thích nền kinh tế và che chắn cho người dân bớt bị ảnh hưởng. Dự trữ tiền mặt của Trung Quốc hiện nay không lớn như xưa, nhưng họ vẫn còn nhiều tiền hơn Hoa Kỳ.

Năm 2018, “Trung Quốc có thể chịu đựng được nhiều hơn Mỹ”

Con đường Trump đi cũng không thẳng tắp, phẳng lỳ. Ông đã nhận được những cú điện thoại từ các dân biểu nghị sĩ đảng Cộng hòa, họ đang tức giận về chuyện ông đang đánh thuế nhập cảng. Ông phải đối đầu với phản ứng dữ dội từ Wall Street, từ giới quản lý của các công ty như Boeing và từ những nông dân trồng đậu tương ở miền Trung Tây nước Mỹ, nhiều người trong số đó đã bỏ phiếu cho Trump và cảm thấy họ bị phản bội. Một số trong giới lãnh đạo đảng Cộng hòa (GOP) lo sợ hành động của Trump có thể làm mất ghế của đảng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018.

Evan Medeiros, giám đốc điều hành của tập đoàn Eurasia và cựu cố vấn cao cấp của Tổng thống Barack Obama về châu Á nói:

“Trong 12 tháng tới, Trung Quốc có thể chịu đựng được nhiều hơn Hoa Kỳ có thể chịu được. Trung Quốc không bị hạn chế vì một chế độ pháp trị hoặc một nền dân chủ đại diện.”

Mặc dù cho đến nay phần lớn đều tập trung vào thuế nhập cảng — Trump đã dọa đánh thuế nhập cảng vào hàng hoá Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ đô la Mỹ và Trung Quốc đã phản ứng với bằng những đe dọa tương tự đối với hàng hoá của Hoa Kỳ — Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn để có thể trừng phạt Hoa Kỳ.

Trung Quốc có thể ngừng hợp tác với Bắc Hàn, họ có thể bán một số nợ của Mỹ để khuấy đục và họ có thể gây thêm khó khăn cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, chẳng hạn như Nike, Disney hay Apple. Những hành động này của Trung Quốc được xem là khó xảy ra, đặc biệt là bán công khố phiếu của Hoa Kỳ. Đối với chính quyền Trump, các hành động tương ứng thậm chí không có sẵn trên bàn vì chính phủ Hoa Kỳ không có quyền kiểm soát trực tiếp nhiều đối với các công ty hoạt động ở Mỹ.

Trump đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Ông Trump cảm thấy tự tin sau khi chính quyền Mỹ đã thương lượng lại thỏa thuận thương mại tự do với Nam Hàn để cho các công ty sản xuất Mỹ đi vào thị trường này một cách tốt hơn. Nhưng Nam Hàn là nước có nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới, và nước này phụ thuộc vào Hoa Kỳ về mặt viện trợ quân sự. Trong lúc đó Trung Quốc là nền kinh tế số 2 và nó không cảm thấy bị áp lực tương tự như vậy để phải nhượng bộ Trump.

Trong nước, các chính khách Trung Quốc phải đối phó với áp lực để phô bày quốc gia của họ là một cường quốc thế giới, quy phục một Tổng thống hiếu chiến của Hoa Kỳ về mặt kinh tế một đề nghị không được hoan nghênh.

Phil Levy, một thành viên cao cấp của Hội đồng Chicago về vấn đề toàn cầu nhận xét,

“Không thể có chỗ nào trên mặt đất này để người ta thấy Trung Quốc có thể khấu đầu trước Hoa Kỳ về vấn đề này. Xi không thể nói rằng: OK, Trump đe dọa chúng ta, vì vậy chúng ta nên chịu thua.”

Trung Quốc phản công vào những điểm yếu chính trị của Trump

Phản ứng mạnh và nhanh đến độ đáng kinh ngạc từ Trung Quốc trong tuần này dường như là một tin nhắn cho Trump biết rằng Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể chơi một ván cờ dai dẳng.

Hiện nay, Trump đang đe dọa đánh một số thuế tương đối nhỏ. Chúng không làm hại đến nền kinh tế nói chung hoặc tăng giá một cách đáng kể (Trump đã cẩn thận không đánh thuế vào giày dép, quần áo và nữ trang rẻ tiền của Trung Quốc đang xếp đầy những cửa hàng mua sắm), nhưng một số khu vực ở Mỹ đang sắp cảm thấy bị thua thiệt lớn nếu Trung Quốc nhất định thực hiện lời đe dọa trả đũa của họ. Thật khó cho giới làm nông và sản xuất rượu hiểu lý do tại sao họ lọt vào sôt thương vong trong cuộc chiến tranh chống lại việc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ và bí mật kỹ nghệ.

Viện Brookings đã xem xét tất cả các sản phẩm mà Trung Quốc đang đe dọa đánh thuế nhập cảng. Cuộc tấn công mạu dịch này sẽ ảnh hưởng đến 2,1 triệu việc làm trải dài trên 2.783 quận lỵ ở Hoa Kỳ. Dân ở tám mươi hai phần trăm trong số các quận này đã bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử trước.

J. Stapleton Roy, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời tổng thống George H.W. Bush và tổng thống Bill Clinton, nói,

“Có lẽ Xi đang phân tích tình hình thực tế hơn là chính quyền của Trump dường như đang làm. Chính phủ Trump dường như không hiểu được thực tế là họ đang làm hại không đúng người (nông dân)” trong cuộc chiến mậu dịch này.

Chiến lược của Trung Quốc dường như là: làm cho nông dân, giới lãnh đạo doanh nghiệp và đảng viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội giận dữ đủ để áp lực Trump lùi lại. Chiến lược này có vẻ thành công với nhiều quốc gia bị thuế thép và nhôm của Trump. Theo Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, khi Trump mới công bố thuế nhập cảng nhôm và thép thì chúng phải áp dụng cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Đến lúc chúng có hiệu lực thì 63% kim loại nhập cảng được miễn thuế.

“Chiến thắng” như thế nào?

Một vấn đề quan trọng đối với Trump là ông không có đòi hỏi rõ ràng và mạch lạc đối với Trung Quốc. Ông và nhóm của ông nói về ba vấn đề: thâm hụt thương mại với Trung Quốc, việc trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) của Trung Quốc và chính sách kỹ nghệ của Trung Quốc (gọi là “Made in China 2025”).

Nhưng chính quyền Trump không có một yêu cầu cụ thể nào, và như thế là cho phép để Trung Quốc đóng vai nạn nhân trong hoàn cảnh mà Hoa Kỳ đang cố gắng sửa những sai lầm đã có từ lâu.

Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nói,

“Tôi muốn thấy Hoa Kỳ chống Trung Quốc nhiều hơn, nhưng tôi muốn Hoa Kỳ làm nhiều hơn với một kế hoạch. Chúng ta cần đòi hỏi Trung Quốc phải thực hiện những vấn đề cụ thể và chi tiết. Nhưng chúng ta chỉ nói, ‘chúng tôi muốn bạn thay đổi.’”

Tổng thống Trump và nhóm của ông đôi khi nói những điều khác nhau về thương mại và mục tiêu là gì. Trump thích sử dụng sự rối rắm như là một chiến thuật đàm phán, nhưng nó cũng mở ra nhiều cách để “giành chiến thắng.” Medeiros nói,

“Những gì gọi là thành công đối với Trump rất khác so với những gì mà cố vấn của ông ta muốn. Trump có thể hài lòng với một số biện pháp để giảm thâm hụt thương mại. Các cố vấn của ông muốn Trung Quốc viết lại toàn bộ chính sách kỹ nghệ của họ.”

Trận sau cùng sẽ như thế nào

Trump đã nổi tiếng khi nói rằng sẽ “dễ dàng để giành chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại. Xi không nói như vậy. Xi đã nói rõ rằng ông không muốn có một cuộc chiến thương mại, nhưng ông sẽ trả đũa bất cứ điều gì Trump làm. Xi dường như đang chuẩn bị cho mình một chiến thắng chính trị dễ dàng hơn nếu có điều gì xáo trộn trên mặt trận kinh tế.
Nhưng trong chính trị, Trump đã chứng tỏ ông là một người bán hàng giỏi. Nhiều ngườ trong giới chiến lược và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại cho rằng kịch bản có khả năng xẩy ra nhất là Trump có được một số nhượng bộ nhỏ từ Trung Quốc và tuyên bố chiến thắng.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang cho biết rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để cho các công ty của Mỹ vào thị trường dễ hơn và ngừng bắt buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao bí mật kỹ nghệ. Nếu Trump có được những nhượng bộ này bằng văn bản, ông sẽ có thể nói rằng ông đã làm nhiều hơn cho Mỹ, chống lại Trung Quốc hơn là Obama, Bush hoặc Clinton đã làm được.

Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ chẳng làm thay đổi thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc hoặc ngăn cản Trung Quốc lên kế hoạch cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ở nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao. Nếu Trump muốn có những nhượng bộ lớn, ông ấy phải sẵn sàng để chống lại Trung Quốc nhiều hơn nữa.

Cho đến nay, Xi dường như đang đánh cá rằng Trump sẽ lùi bước vì áp lực chính trị trước khi điều đó xảy ra.

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: China has more to lose in a trade war, but Trump has a key weakness . Heather Long, The Washinton Post, April 5, 2018.








No comments:

Post a Comment

View My Stats