Saturday 7 April 2018

TẠI ANGRES, NHỮNG DI DÂN VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG ĐI TỚI NHỮNG TRẠI TRỒNG CẦN SA BÊN ANH . . . (Elisa Perrigueur - Báo Mediapart)




Elisa Perrigueur 
Phóng sự của báo Mediapart (Pháp)
Bản dịch của Kiến Văn
07/04/2018

Trên đường sang Anh, mỗi năm có hàng trăm người Việt Nam dừng chân ở xã Angres, tỉnh Pas-de-Calais (cực bắc nước Pháp), nơi có một trại tạm trú cho di dân, được gọi tên là « Vietnam City ». Sang đến bờ bên kia của eo biển Manche, phần đông sẽ trở thành những nô lệ trong các trại « trồng cỏ » (cần sa), khác xa những lời hứa hẹn của bọn đầu gấu dẫn đường.


Angres (Pas-de-Calais), Londres (Royaume-Uni), đặc phái viên Mediapart

Hoàng hôn phủ xuống căn nhà gạch, những cái đèn lồng màu đỏ đung đưa trong gió bấc, ánh đèn le lói trong nhà kho bện cạnh. Chiều nay, 20 tháng hai 2018, trong ngôi nhà này, khoảng ba mười người ngồi giết thời gian. Mấy người mũ chụp kín đầu, xoa tay chống lạnh. Hai người đang bổ củi. Trong căn phòng ngủ, tường sặc sỡ những nét vẽ nguệch ngoạc, dăm ba người đứng hút thuốc chung quanh lò sưởi. Vài giờ nữa, khi bóng đêm bao phủ cánh rừng bên cạnh căn trại,

Họ sẽ đi bộ mấy trăm mét, tới trạm xăng BP ven xe lộ A26 – được gọi là « xa lộ người Anh ». Như mọi đêm, họ sẽ tìm cách leo lên những cam-nhông trên bãi đậu, tạm dừng trên đường qua Anh. Căn trại xập xệ nằm ở xã Angres, thuộc tỉnh Pas-de-Calais, người di dân đặt tên nó là « Vietnam City ». Từ ngày thành lập trại năm 2010 đến nay, chỉ có người Việt Nam đến ở. Ít ai đặt chân tới căn nhà hẻo lánh ấy, nằm sau cơ quan kỹ thuật của xã Angres. Chiều nay, những con người đăm chiêu đó tỏ ra dè dặt. Nhưng cũng có một cậu trẻ lại gần chúng tôi, tươi cười. Cậu ta là người Việt Nam rất hiếm biết tiếng Anh ở đây. Quê vùng Hà Nội, cậu ta đã « mất ba tháng trời mới đi xuyên qua châu Âu » : Ukraina, Đức, Paris, rồi cuối cùng đặt chân tới xã Angres, 4000 dân, nằm giữa vùng mỏ than cũ. Cậu ta chưa kịp kể xong câu chuyện cá nhân và dự án sang Anh lập nghiệp, thì đã có mấy người tiến đến đứng xunh quanh, dò xét. Theo nhà cầm quyền và các hội đoàn ở Angres, bọn đầu nậu đưa người ngủ ngay tại chỗ, sống chung với « khách hàng ».

“Welcome to Vietnam City”

Cách thành phố cảng Calais 100 km về phía nam, trại Angres là một địa chỉ không mấy ai biết ở Pháp. Nằm bên cạnh một xưởng máy đã bị xếp loại « nguy hiểm cấp Seveso », « Vietnam City » là trạm chót cùng của những di dân kinh tế Việt Nam đã đi chui xuyên qua châu Âu, từ đông sang tây, trước khi vượt được eo biển sang Anh. Họ dừng chân ở đây sau khi phải trả từ 13 000 đến 15 000 euro cho lộ trình xuyên lục địa. Vincent Kasprzyk, đại uý thuộc lữ đoàn lưu động tầm nã (BMR) đóng tại Coquelles (Pas-de-Calais) cho biết : «  Nói chung, họ bay tới Nga rồi vượt biên giới nhiều nước bằng đường bộ rồi mới tới Pháp ». Đi bộ, hay ngồi trong thùng xe cam-nhông, họ băng qua Biélorussie hay Ukraina, Ba Lan, Cộng hoà Séc, Đức rồi Pháp, với hi vọng sang Anh. Theo lời cô Mimi Vũ, thuộc tổ chức phi chính phủ Pacific Links có trụ sở ở Việt Nam, người đã tới đây nhiều lần : « Bình thường ở đây có khoảng 10-15 % thuộc lứa tuổi dưới 18, 20% phụ nữ, 80% nam giới, tương đối trẻ ». Ít có gia đình. Tuỳ theo từng thời kỳ, con số lên xuống giữa 70 và 150 tạm trú trong căn nhà do thị xã cộng sản cung cấp. Rất khó kiểm kê chính xác vì sự luân vòng diễn ra nhanh chóng. Benoît Decq, thuộc collectif Fraternité migrants bassin minier 62 (tập thể Huynh Đệ di dân vùng mỏ 62), một nhóm ủng hộ di dân từ hơn mười năm nay và được họ tin cậy, cho biết thêm : « Những năm gần đây, có hàng ngàn người Việt Nam đã đi qua đây. Chỉ vài tháng sau là không còn nhận ra ai nữa ».

Di dân và đầu gấu dẫn đường từng đợt kế tiếp nhau. Đợt này vượt qua được eo Manche thì đợt sau thế chân. Julien Gentile, giám đốc OCRIEST (Cơ quan trung tâm trấn áp di dân bất hợp lệ), nói : « Có nhiều buổi tối trong tuần, chính quyền cảng Calais phát hiện tới hai ba chục người Việt Nam. Công an không thể đi lùng sục mỗi ngày được. Ước đoán của chúng tôi là luồng di dân từ Pháp sang Anh khá lớn. Điều này cũng lạ vì dung lượng của trại Angres là nhỏ so với lưu lượng ước tính ấy ».

Dòng buôn người diễn ra đều đặn, bọn đầu gấu dẫn đường rất có tổ chức. Theo Julien Gentile, « trong trại, có nhiều đường dây khác nhau, có khi lên tới bốn năm đường dây ». Đầu gấu căn dặn « khách hàng » : cảnh giác đối với người dân bản địa, kín miệng. Theo các hội đoàn, thì bọn « gác cổng » (họ gọi bọn tổ chức đường dây như vậy) theo dõi chặt chẽ. Chúng tổ chức lộ trình Việt Nam – Anh rất chi li cặn kẽ. Chúng bám sát « khách hàng », cũng là con nợ của chúng.

Khác với di dân các nước khác – Kurdistan, Afghanítan, Erythrée, Soudan – có mặt ở miền bắc nước Pháp, người Việt Nam không trả tiền trước, mà lao động trên đường đi để từng bước trả tiền lộ phí – họ làm việc trong các quán ăn, xưởng dệt…, Vincent Kasprzyk cho biết. Trả lời cuộc phỏng vấn của France Terre d’Asile (báo cáo công bố tháng ba 2017), Cam, 32 tuổi, kể rằng đã làm việc tại « một quán ăn Việt kiều ở Varsovie trong ba tháng trời » để trả phí lộ trình trước khi sang Pháp. Đoạn cuối lộ trình, họ được đưa tới Angres – mà họ cũng chẳng biết tên địa danh này – bằng taxi. Đại uý Kasprzyk nói tiếp : « Đoạn đường taxi – mang biển số vùng Paris – có khi phải trả tới 600 euro. Còn tiền phí vượt biển từ Calais có thể tới 10 000 euro » (vào cảng Calais rất khó vì những hàng rào kẽm gai, chú thích của ban biên tập Mediapart).

Họ chấp nhận cuộc phiêu lưu đắt tiền như vậy, có thể kéo dài nhiều tháng trời, vì di dân Việt Nam bị lôi cuốn bởi những lời hứa hẹn hấp dẫn của bọn tổ chức đường dây, rằng sang Anh sẽ kiếm ra công ăn việc làm dễ dàng, lương bổng cao. Mimi Vũ, thuộc Pacific Links, giải thích : « Họ đến từ những vùng nghèo khó ở bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Những vùng này không có công ăn việc làm, mà lại có truyền thống di cư kiếm sống. Mục tiêu của họ là kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Bọn lái buôn hứa chắc là hàng tháng họ sẽ kiếm được từ 1 500 đến 2 000 bảng Anh (từ 1 680 đến 2 250 euro), nên họ chấp nhận trả giá cao để đi cho bằng được. Họ tin tưởng sẽ trả xong nợ và hàng tháng sẽ gửi về nhà 1 000 bảng Anh ». Số đông cũng biết là ở Anh, họ sẽ đi làm chui. Nhưng khi đặt chân tới Angres, họ cũng chưa biết cuộc sống của họ ở Vương quốc Anh sẽ thực sự như thế nào.

Sau một trận thư hùng ở Angres, « đầu gấu » Việt đã « chiến thắng »

Tại thành phố nhà gạch màu đỏ này, người dân Angres cũng quen dần với sự hiện diện của những người di dân kín đáo ấy. Tổ chức Huynh Đệ đã quyết định « giúp người Việt Nam », bởi vì, theo lời Benoît Decq, « họ là những nạn nhân ». « Tất nhiên có bọn khốn kiếp tổ chức đường dây, nhưng chúng tôi phải giúp những nạn nhân. Cho nên, mỗi cuối tuần, người trong  nhóm chúng tôi đưa họ đi tắm [trại có căn nhà, nhà kho, cầu tiêu, nhưng không có nhà tắm – CT BBT], mang củi đến cho họ, giao dịch với họ bằng bàn tay và máy dịch Google… Về phần họ thì họ phải đi chợ bằng tiền riêng ».

Trong nhà kho lộng gió, kê mấy dãy bàn dài. Trên trần, treo một quả cầu lóng lánh những mặt gương nhỏ. « Chúng tôi tổ chức những bữa ăn chung với họ, như trong dịp tết vừa rồi [ngày 16.2.2018 – CT BBT] », Benoît Decq giải thích.  Cơ ngơi không chính thức này do chính quyền Angres cung cấp, coi đó là giải pháp đỡ xấu nhất. Một nguồn tin giấu tên cho biết, « từ năm 2006, mọc lên rất nhiều trại như vậy. Trước đó, người Việt Nam sống trong các cánh rừng, gần những trạm xăng, rất là khổ. Ít nhất bây giờ họ cũng có được một chốn trú chân. Trại này mà bị phá đi, tất nhiên sẽ có một trại mới mọc lên đâu đó ở gần thành phố ». Đúng như thế, từ cuối thập niên 1990, Angres đã trở thành một trong những địa điểm mà nhiều tổ chức mafia đưa người tranh chấp giành giật nhau.

Ngày 6.2.2018, những đội OCRIEST đã phát hiện ra cả một thế giới dưới lòng đất. Trong một cuộc hành quân « chống mafia đưa đường » hàng năm vẫn triển khai, họ đã tìm ra hầm bí mật ở giữa rừng. Buộc dây cáp vào gốc cây, họ đã xuống dưới sâu 3 mét, và phát hiện ra những hành lang xây bằng gạch từ thời khai thác mỏ, hành lang dẫn tới những hang lớn. Một trong những địa đạo dẫn tới bên dưới nhà kho « Vietnam City ». Trong cuộc hành quân này, công an đã bắt giữ bảy người bị tình nghi nằm trong tổ chức buôn người. Tổng cộng 35 người Việt Nam bị bắt, trong đó có 4 phụ nữ và 8 vị thành niên. Theo nhà cầm quyền, những địa đạo ấy có thể đã được dùng làm nơi ẩn náu cho những người di dân trong những cuộc ruồng bố trên các con đường xuyên qua rừng, dẫn tới trạm xăng BP.

Hệ thống hậu cần cho thấy sự tổ chức kỹ càng của « chiến luỹ » này. Đối tượng của nó là trạm xăng BP cạnh đó. Trạm xăng này đúng là mục tiêu chiến lược, nó hấp dẫn các mafia tổ chức đường dây như một hòn nam châm. Trạm xăng BP là trạm dừng cuối cùng khi tới cảng Calais hay đường hầm xuyên biển Eurotunnel. Các xe vận tải nặng đậu ở đây, di dân phải tìm cách ẩn mình trong đó.

Bãi đậu xe này, các nhóm người Việt đã giành được sau một trận chiến trường kỳ của cuộc « chiến tranh parking » vào giữa thập niên 2000. Những năm ấy, các nhóm đầu gấu tranh giành nhau các trạm đậu xe dọc theo các xa lộ đi qua tỉnh Pas-de-Calais, trở thành chiến trường của những cuộc giao đấu vũ trang. Đại uý Vincent Kasprzyk, lữ đoàn BMR, hồi tưởng : « Người Việt Nam sang Pháp khoảng năm 2002, họ nắm một bãi đậu xe trên xa lộ đi sang Bỉ, nhưng sở cảnh sát tỉnh đã đóng cửa bãi đậu này. Vì thế, họ mới tiến về phía Angres ». Bãi đậu BP lúc đó « thuộc » về tay một người Albanie, tay này bị Ali Tawil, một đầu gấu người Kurdistan, hạ thủ để chiếm lĩnh. Tawil bị truy nã, phải trốn sang Bỉ, trao bãi đậu cho « bộ hạ ». Bọn này không cầm cự nổi trước nhóm Việt Nam. Nhóm này đã làm chủ bãi BP sau mấy tuần. Đến phiên nhóm này bị tấn công mấy lần, đặc biệt bởi nhóm Tchetchen năm 2009. Nhưng họ đã bám trụ suốt 12 năm qua, mặc dầu công an đã tảo thanh nhiều lần. Benoît Decq nhận xét : « Ngày nay, không khí « khép kín » hơn mấy năm trước. Sau các cuộc tảo thanh, chúng tôi [nhóm Huynh Đệ] khó nói chuyện với người Việt Nam hơn, bọn cầm đầu rất nghi ngại ».

Nô lệ trong các trại trồng cần sa

Ở trại Angres, người Việt di dân rất kín tiếng. Bên kia bờ eo biển Manche, họ gần như tan biến như những bóng ma. Họ đi làm chui, số đông rơi vào kiếp nô lệ mới. Báo cáo của National Crime Agency (Cục quốc gia tội phạm) cho biết trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 – 2017, người Việt Nam là một trong ba nhóm người bị bóc lột nặng nề nhất (có thể bị lao động cưỡng bức, bóc lột bằng tính dục hay hành hạ tại gia…) ở Vương quốc Anh – hai nhóm kia là người Albanie và chính người Anh.

Mimi Vũ (thuộc tổ chức Pacific Links) kể cho chúng tôi : « Những người tôi gặp ở trại Angres và trại Coquelles, tất cả đều nói với tôi là họ tính sang Anh làm việc ở các tiệm ‘neo’ [sửa móng tay]. Tháng 12-2016, chính quyền Anh đã khám xét hơn 280 quán ba làm ‘neo’ ở London, Edimbourg và Cardiff, trong khuôn khổ chiến dịch Magnify, nhằm truy lùng nạn buôn người. Khoảng 100 người, « đa số là người Việt », đã bị giam cầm vì « vi phạm luật lệ về nhập cư », theo bản tin của đài BBC ».

Tranh cần sa

Mối quan tâm nữa của chính quyền và các hội đoàn là nạn buôn người trong các trại trồng cần sa « indoor » (trong nhà) mà nhân công là người Việt Nam. Những đơn vị « trồng cỏ » lan tràn khắp nước Anh, thành một thương vụ đen khổng lồ. Công an phá án liên tục. Mimi Vũ giải thích : « Chế ngự thị trường này là các nhóm mafia Việt Nam » (sau đó là các nhóm người Albanie và người Anh, theo tin của Ecpat UK, tổ chức bảo vệ những trẻ vị thành niên).

Các nhóm mafia này đã biến di dân Việt Nam thành nô lệ. Mimi Vũ nói : « Trên đường sang Anh, di dân người Việt ai cũng nói là họ sẽ làm việc tại các quán ‘neo’, nhưng sự thật là họ kết thúc cuộc hành trình ở các trại trồng cần sa ». Theo Cục quốc gia thống kê vùng England và Wales, trong hai năm 2014 và 2015,  chính quyền đã tịch thu mỗi năm 366 841 cây cần sa, nghĩa là mỗi ngày hơn 1 000 cây (báo cáo của uỷ viên độc lập chống nạn nô lệ). Ngày 23 tháng hai 2017, công an Wiltshire (một hạt ở tây nam vùng England), đã phát hiện một xưởng trồng cần sa trong một bunker phòng chống bom hạt nhân kiến tạo trong thập niên 1980, trị giá 1,12 triệu Euro. Trong vụ phá án này, ba người Việt Nam ‘trồng cỏ’ – trong đó có một vị thành niên –, « lao động như những nô lệ », đã bị bắt tại trận.

Những trại ‘trồng cỏ’ chui đã được phát hiện tại Vương quốc Anh « cách đây mười hai năm, khi người ta bắt được một trẻ em Việt Nam tại một trại như vậy », theo lời Chloé Setter, thành viên Ecpat UK, một phụ nữ đã có dịp tiếp xúc với những người đã từng bị cưỡng bức ‘trồng cỏ’, trong đó có những em mồ côi bị bắt cóc từ Việt Nam. Trong phi vụ đen tối này, người ta chưa biết gì mấy về những khổ ải mà các nạn nhân đã trải qua. Họ bị giam cầm, có người đêm phải ngủ trên sàn nhà, có người ngủ trong những căn hộ cho thuê. Họ phải chăm bón cần sa, một công việc phải làm theo đúng quy trình tưới nước, nhiệt độ và ánh sáng. Làm không kể ngày giờ, trong những phòng ốc tồi tàn, thiết bị điện khí thô sơ đầy nguy hiểm.

Bọn đầu gấu dùng món nợ lộ phí để hăm doạ và kiểm soát nạn nhân của chúng. Chúng để họ ở một nơi, còn chúng thì ở nơi khác. Chloé Setter kể : « Mấy tháng đầu, chúng không trả lương, nói là tiền lương được dùng để trừ vào tiền thuê nhà và tiền ăn… Sau đó, họ bắt đầu làm việc để trả nợ, nhưng với tiền lương, họ không thể nào trả đủ số nợ ». Ít khi họ được đi ra ngoài, khi nào đi thì bao giờ bọn chúng cũng có một tên đi kèm. « Họ kiếm được rất ít tiền, thường chỉ được trả từ 10 đến 15 bảng [11 – 17 euro] mỗi tháng, có khi 300 bảng [300 euro] cho 6 tháng, có khi chẳng được trả đồng nào », cô cho biết. Bọn chúng còn có thể gây áp lực trên gia đình ở trong nước để đòi thêm tiền. Chloé Setter kết luận : « Không ai dám bỏ trốn. Bọn chúng doạ, không có giấy tờ tuỳ thân, họ sẽ bị bỏ tù, sẽ không kiếm được đồng nào để trả nợ. Phải nói là mấy người trẻ vẫn mong kiếm được tiền, vì đối với họ, không có tiền để gửi về giúp gia đình là một điều ô nhục ». Còn đối với bọn đầu gấu, đây là một nguồn lợi khổng lồ : rủi ro ít, lợi nhuận cao. Trong các cuộc ruồng bố, phá cơ sở trồng trọt, chỉ có người lao công bị bắt, chúng ít khi có mặt. Vì thế mà từ nay Ecpat UK đấu tranh để những người trẻ Việt Nam được thừa nhận là nạn nhân nô lệ. Nhưng quá trình đạt tới quy chế này khá phức tạp. Ở Vương quốc Anh cũng như ở Pháp, những người di dân này thường giữ im lặng : Chloé Setter giải thích là bọn đầu gấu ép buộc họ nếu bị bắt thì không được khai báo.

Tổ chức « The Secret Gardeners » (Những người coi vườn bí mật) còn muốn báo động cho một đối tượng khác : những người tiêu thụ cần sa. Chloé Setter giải thích : « Người tiêu thụ không biết rằng những điếu thuốc họ hút là sản phẩm của nạn nô lệ. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở nước Anh. Chúng ta biết rằng ở Cộng hoà Séc, ở Đức cũng có những trại trồng cần sa….Chúng tôi cũng đã điều tra ở cả bên Pháp ». Tại Pháp (chính quốc), có những vườn cần sa « tại gia » mọc lên trong bóng tối, chẳng hạn như tại một xưởng may đã đóng cửa, bỏ hoang, tại thị xã La Courneuve [ngoại ô bắc Paris, ND] năm 2011, tại căn nhà ở Saverne (tỉnh Bas-Rhin) năm 2012, hay tại ngôi biệt thự Tremblay-en-France (tỉnh Seine-Saint-Denis) năm 2014. Đằng sau mỗi vụ án này, đều có những người Việt Nam.

Elisa Perrigueur

NGUỒN : Mediapart, 5.4.2018

bản dịch của Kiến Văn







No comments:

Post a Comment

View My Stats