Monday 2 April 2018

SÍU PHẠM & PHIM 'CON ĐƯỜNG TRÊN NÚI' (Mỹ Hằng - BBC)




Mỹ Hằng
BBCVietnamese.com
2 tháng 4 2018

Phim "Con đường trên núi" (On the endless road) của đạo diễn Síu Phạm vừa đoạt giải Phim Thi Vị (Poetic Cinema) tại Hoa Kỳ. Phim được chọn trong 130 phim trình chiếu tại Liên hoan Phim Queens World, New York, từ ngày 15 - 25/3/2018.

Một cảnh trong phim Con đường trên núi. SIU PHAM

Sống, học tập và làm việc ở Thụy Sỹ trong nhiều năm, nhưng Síu Phạm chọn làm phim ở Việt Nam. Bà nói bởi bà là người Việt, muốn chuyển tải vào phim một xã hội 'đang chuyển mình một cách mãnh liệt' với 'một bạo lực ngầm trong những thay đổi hối hả của đời sống hằng ngày, dung dị'.
BBC phỏng vấn đạo diễn Síu Phạm về giải thưởng, con đường làm phim, cùng nhận định của bà về giới làm phim trẻ và khán giả trẻ Việt Nam.

Một cảnh quay của Con đường trên núi. SÍU PHẠM

BBC: Điều khác biệt mà chị muốn mang lại cho khán giả khi làm phim "Con đường trên núi" so với các phim trước như "Đó…hay đây" hay "Căn phòng của Mẹ"?
Síu Phạm: Tôi đã thực hiện phim đầu tiên 'Đó...hay đây?' năm 2010 ở Hội An, phim thứ hai 'Căn phòng của Mẹ' năm 2012 ở thành phố Hồ Chí Minh, và phim thứ ba 'Con đường trên núi' năm 2015 ở Nghĩa lộ, Yên Bái, như một cặp ba (triptique). Sự khác biệt đến từ những nơi chốn đã gây ấn tượng cho tôi, hoặc tôi đã ở đó một thời gian đủ để "bịa ra" một câu chuyện của nơi ấy, nhằm lột tả được cái tinh thần đặc biệt mà tôi cảm thấy của mỗi nơi khác nhau. Tôi tránh xa những mẫu số chung ước lệ của các khung cảnh, và tình huống thường được gắn cho những nơi ấy. Và từ đó tôi có thể cống hiến cho người xem một đề tài khá cũ và bình thường, thí dụ như tính chất thi ca của đời sống bình dị trên miền núi Bắc Việt, trong phim 'Con đường trên núi', hoặc sự va chạm của tuổi già với đời sống sinh lý trong phim 'Đó... hay Đây?', hoặc sự mất phương hướng của nếp sống hối hả nơi các thành phố lớn, như trong phim 'Căn phòng của Mẹ'.

Vài cảnh khác của Con đường trên núi. SÍU PHẠM

BBCTại sao chị chọn làm phim ở Việt Nam?
Síu Phạm: Đầu tiên vì tôi là người Việt Nam, tôi rất yêu Việt Nam. Việt Nam là nơi đang phát triển, mọi thứ đang bắt đầu, so với các nước tiên tiến khác dường như tất cả đều đã được tổ chức, sắp đặt, có thể nói là khó khăn, không còn những cơ hội mới.
Về lãnh vực nghệ thuật, phim ảnh, tôi nghĩ tôi có thể đem những điều đã học được về Việt Nam để chia sẻ với mọi người.

BBC: Khi về Việt Nam làm việc về phim ảnh, chị gặp trở ngại và thuận lợi gì?
Síu Phạm: Tôi không gặp những trở ngại lớn lao. Giống như ở các nước khác, về thủ tục giấy tờ đều phải chịu nhiều luật lệ hành chính, phép tắc.
Ngựơc lại, với tôi làm phim ở Việt Nam hội tụ một yếu tố căn bản cần thiết nhất. Đó là niềm đam mê công việc. Tôi đã gặp rất nhiều thuận lợi trong giới trẻ, những tài năng mới hăng say, nhiệt huyết và rất chịu khó. Điều này rất hiếm, không thể có được ở Âu châu vì ở đó tất cả đã trở thành quy củ, và phải tốn rất nhiều tiền.

BBC: Phim của chị dường như không hướng đến mục tiêu thương mại? Vậy mục đích làm phim của chị là gì?
Síu Phạm: Tôi có thể nói thêm một chút là tất nhiên tôi cũng hướng đến mục tiêu thương mại chứ. Có điều tôi làm phim vì những điều muốn nói, nói cho được càng nhiều người nghe và người xem thì càng tốt. Nhưng tôi không tìm cách chiều theo những điều mọi người đã 'biết rồi, khổ lắm nói mãi'. Tôi muốn được đề cập tới những tư liệu phản ảnh đời sống, trong sự toàn cầu hoá, trong thi ca của đời sống bình thường. Tôi muốn được đặt ra các câu hỏi cho các vấn đề đương đại mới.

Đạo diễn Síu Phạm cùng chồng, ông Jean-Luc Mello, tại Liên hoan Phim Queens World 2018. SIU PHAM

BBC: Những vấn đề đương đại chị quan tâm nhất hiện nay trong xã hội Việt Nam mà chị muốn đưa vào phim?
Síu Phạm: Xã hội Việt Nam đang chuyển mình một cách mãnh liệt, như số đông các nước Châu Á khác. Đây là những vùng đất tương lai của thị trường đầu tư, các công kỹ nghệ tiên tiến. Ở đây, không có những chuyển động chậm trãi, tuần tự như ở các nước Tây phương. Từ radio đến tivi, tủ lạnh, rồi đến internet, đến Google, các nước Tây phương có cả hơn hai trăm năm... ở Châu Á hiện tại, ta chỉ có độ hai ba chục năm. Tôi suy nghĩ đến những điều đang được áp đặt vào Việt Nam trong một thời gian rất ngắn. Sự va chạm không thể tránh được của một xã hội có nền văn hoá nông nghiệp, cổ truyền với công nghệ hiện đại v.v... này tạo ra những tình huống đôi khi rất buồn cười, đôi khi rất thương tâm, cười ra nước mắt.
Có một bạo lực ngầm trong những thay đổi hối hả của đời sống hằng ngày, dung dị khiến tôi muốn làm sao đưa được vào phim. Tôi muốn được tìm hiểu và đối diện với vẻ đẹp của thế giới cùng với tính chất bạo lực của nó, nhưng tôi lúc nào cũng đề cao cảnh giác để đừng cho công việc của tôi rơi vào l´exotisme, tạm dịch là bề nổi của những khác lạ (của một đất nước) dùng để hấp dẫn khách du lịch. Có thể nói, tôi chỉ kể những câu chuyện ở một góc độ thị giác riêng tư của tôi, tôi không phán xét. Khán gỉả sẽ phải tham gia vào phim, họ tự hiểu theo cách của họ.


BBC: Trải nghiệm làm phim của chị tại Việt Nam?
Síu Phạm: Tôi có được may mắn khi về Việt Nam nghỉ hè vào năm 2004, và được tham gia đóng một vai trong Áo Lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh. Bỗng nhiên làm phim ở Việt Nam là một cơ duyên để kết nối được với giới làm nghề tại Việt Nam. Tôi được giúp đỡ rất nhiều khi bắt đầu làm việc này ở quê hương. Tôi không nghĩ mình có thể trở nên một người làm phim nếu không có sự giúp đỡ hăng say của các bạn trẻ làm việc với tôi.
Từng đoàn phim khác nhau, với các người quay phim, các giám đốc hình ảnh, đến từng các trợ lý, các chuyên viện kỹ thuật... tất cả đều hết mình. Thường một người làm hai ba việc trong đoàn phim, không nề hà ngại khó, trong việc sao cho phim được hoàn thành tốt, nhanh chóng. Khi ở xa, hoặc khi xong một phim, tôi lúc nào cũng nhớ và nghĩ tới họ như nghĩ đến những người tôi hết sức thương mến và khâm phục.

BBC: Chị có nhận xét gì về khán giả trẻ Việt Nam?
Síu Phạm: Thật khó nói một mẫu số chung của khán giả trẻ VN, tôi nghĩ mình có thể chia ra nhiều loại khác nhau:
- Loại cinéphile, tức là chỉ yêu phim ảnh, đi sâu vào các khía cạnh chuyên môn, tham khảo các bài phê bình. Đám khán giả trẻ rất "thông thái", rất rành về phim, ở Việt Nam số này còn rất ít, nhưng không phải không có. - Loại tìm xem những phim nghệ thuật, độc lập, những tác phẩm độc đáo, vì họ đã được xem những phim ảnh nước ngoài, họ biết phân biệt hay dở. Đám khán giả trẻ này đang càng lúc càng gia tăng, và là một điều rất đáng khuyến khích, và rất may mắn cho chúng tôi, những số nhà làm phim độc lập... - Loại thích phim hành động, phim bom tấn Hollywood vẫn chiếm số đông nhất. Đây cũng là thị hiếu chung của số khán giả thông thường xem phim để giải trí. Họ sẽ không thích các phim phải suy nghĩ, hoặc các phim ra khỏi vòng ước lệ của bom tấn.

BBC: Chị đang và sẽ có dự định thực hiện các dự án phim nào nữa?
Síu Phạm: Hiện nay tôi đang chuẩn bị cho một dự án mới. Đây là dự án phim "Thiên đường bỏ ngỏ". Tháng 10 này chúng tôi sẽ quay tại Hà Nội, nếu đúng theo kế hoạch. Đây là một phim nói về thanh thiếu niên, và những khó khăn cũng như những cơ hội có thể xảy ra trong cuộc đời của hai thanh thiếu niên là vai chính trong phim.

BBC: Động lực nào khiến hai vợ chồng chị luôn có nguồn năng lượng dồi dào để cùng nhau du ngoạn khắp nhau và cùng nhau làm phim?
Síu Phạm: Tôi cần phải tập trung, làm nhanh vì cái chết rất gần kề. Và vì đây là số phận của tôi.

BBC: Có bình luận cho rằng: "Síu Phạm là nhà làm phim chuyên kết hợp đồng thời yếu tố phim tài liệu, phim chính kịch, nghệ thuật trình diễn, hệ thống lồng bối cảnh và những kĩ thuật khác khiến các tác phẩm của bà rất khó phân xếp vào từng thể loại nhất định. Những hình ảnh rời rạc, cá nhân lại hoàn toàn kết nối được với nhau nhờ một phong cách táo bạo, tựdo và linh động"...
Síu Phạm: Vâng, tác giả viết câu này đã có những nhận xét rất đúng về công việc của tôi. Công việc này phản ảnh nghệ thuật tôi đã và đang làm từ những năm 1990 đến nay. Tôi rất cám ơn những bình luận có những nhận xét với óc tìm tòi, sáng tạo và thực sự có sự suy nghĩ của người viết.

BBC: Khán giả Việt Nam có thể xem Con đường trên núi và các phim khác của Síu Phạm ở đâu?
Síu Phạm: Phim sẽ chiếu lại trong một ngày không xa ở Hà Nội và Sài Gòn, mong mọi người nhớ theo rõi, và xem thông báo trên các mạng lưới xã hội. Tôi cũng đang được mời tham dự vào Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) tháng 11 năm nay.







No comments:

Post a Comment

View My Stats