Sunday 8 April 2018

LIÊN ĐOÀN THẨM PHÁN ĐỨC XÚC ĐỘNG & BẤT BÌNH TRƯỚC BẢN ÁN DÀNH CHO CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG DÂN QUYỀN VIỆT NAM




Liên đoàn Thẩm phán xúc động và bất bình trước bản án dành cho các nhà hoạt động dân quyền Việt Nam
Bản dịch của VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền
(VETO! 
Human Rights Defenders‘ Network)
08/04/2018

Berlin, ngày 06/04/2018 - Liên đoàn Thẩm phán Đức lên tiếng phê phán gay gắt bản án dành cho các nhà hoạt động dân quyền Việt Nam. Có sáu (06) nhà hoạt động dân quyền đã bị tuyên án nặng nề từ 7 đến 15 năm tù vào ngày thứ Năm 05/04/2018 vừa qua tại Hà Nội. Trong số này có luật sư Nguyễn Văn Đài là người được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao Giải Nhân quyền năm 2017 trong sự vắng mặt để tuyên dương những đóng góp của ông.

Không có gì có thể biện minh cho bản án này“, theo lời của chủ tịch Liên đoàn Thẩm phán Đức, ông Jens Gnisa, vào ngày thứ Sáu 06/04/2018. „Tất cả những người bị kết án đều là những người đã chỉ dấn thân cho các giá trị vững bền như quyền tự do, chế độ pháp quyền và dân chủ. Những quyền này được Việt Nam tự nguyện cam kết tôn trọng nên người thực hiện chúng không thể bị truy tố về mặt hình sự.“

Trong vụ này, ngay cả những quyền về tố tụng cũng bị vi phạm nặng nề. Dưới cái nhìn của Liên đoàn Thẩm phán Đức thì việc tuyên đọc bản án dành cho sáu (06) nhà hoạt động nhân quyền chỉ vài tiếng đồng hồ sau phiên xử cũng đủ cho thấy điều này. „Toàn bộ vụ án kể cả việc tạm giam trên hai (02) năm trời làm cho người ta thất vọng.“, ông Gnisa nói. „Chế độ Việt Nam đã đứng trên luật pháp hiện hành để bóp chết tiếng nói của những người chỉ trích họ. Tất cả kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng khát vọng tự do của con người sẽ vượt qua được mọi trở lực.“

Dịch giả gửi BVN

Nguồn:

-------------------------------

Thiền Lâm  -  Cali Today
08/04/2018

Cứ tưởng cụ Tổng làm được vài cú “đốt lò” là bên ngoài phải nể lắm, dù bộ máy chuyên chính của cụ có hung bạo thế nào thì người ta vẫn phải răm rắp ký kết các hiệp ước kinh tế với Việt Nam. Chuyến đi sang Pháp trong tháng Ba vừa rồi được chỉ đạo bởi cái ảo tưởng ngây thơ kiểu đó, khiến cụ chắc mẩm phen này “hốt cú chót” về uy tín tận trời Âu, gián tiếp trả lời cho nước Đức đã dám đường đường chỉ mặt vạch tên trò man trá bầy hầy của cụ. Cụ đâu có biết xứ sở đã có những Voltatrire, Rousseau. Diderot... thì làm sao mà quên đi truyền thống nhân quyền sáng chói, để cho cụ lừa bịp thế nào thì lừa bịp. Huống chi sờ sờ vẫn còn đó cái tội dám coi thường một nước luật pháp rất nghiêm minh như Đức, ngang nhiên vỗ mặt nước Đức thì khác gì vỗ mặt cả châu Âu.

Vừa trở về, ngủ quên trong mộng ảo chiến thắng, cụ cho Bộ Công an – một bộ mà sự xuống dốc về đạo đức nhân phẩm của đám tướng tá cầm đầu làm dân chúng khắp cả nước hễ nghe nhắc đến tên là kinh tởm – đem những gương mặt sáng láng trong Hội Anh em Dân chủ, những người từng hết lòng lo lắng cho số phận dân chúng miền Trung trong suốt hai năm bị bè lũ Formosa thả chất thải xuống biển hành hạ đến tận hôm nay – ra “làm thịt”. Trớ trêu thay, gậy ông đập lưng ông. Tiếng nói của người bị kết án, đâu ngờ lại là lời kết án sắc bén đối với lũ gian tham đang kề bên miệng hố. Trong lòng chúng hẳn rất run và thẹn khi đứng lên kết tội những con người ưu tú trước tòa.

Và sự im bặt của tín hiệu EVFTA là cái tát thứ hai, không thèm giáng lên Bộ Công an nữa mà lên ngay mặt cụ Tổng. Kết quả chuyến đi “vang như mõ” của cụ rốt cục là ở đấy. Rõ là một gáo nước lạnh dội lên sống lưng ĐCSVN..

Về phía cụ, xét ra, tinh khôn vặt thì hơn nhiều người, nhưng nói tầm nhìn chiến lược thì,... lú lẫn vẫn hoàn lú lẫn.


Bauxite Việt Nam  

*
*

Một số nhà quan sát cho rằng chính quyền Việt Nam đã làm một việc xuẩn ngốc khi kết án nặng nề các lãnh đạo của Hội Anh em Dân Chủ trong phiên tòa xử ngày 5/4/2018.

Hội Anh Em Dân Chủ là một tổ chức xã hội dân sự đã làm được nhiều hơn bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào khác, và hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và Giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017.

Nếu Formosa đã trở thành một chủ đề quốc tế và được nhiều tổ chức môi trường lẫn Chính phủ một số nước và báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm, số phận những lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ bị công an Việt Nam tống giam cũng bởi thế được quốc tế quan tâm không kém – theo tiêu chí các giá trị dân chủ và nhân quyền trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Hoàn toàn dễ hiểu là phiên tòa của chính quyền Việt Nam xử “Luật sư Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm” trong Hội Anh Em Dân Chủ được chính phủ nhiều nước chú tâm đến thế nào. Trước khi phiên tòa này diễn ra vào ngày 5/4, nhiều Đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm EU, Mỹ, Đức và Australia đã liên tiếp đề nghị chính quyền Việt Nam để đại diện Chính phủ của những nước này tham dự phiên tòa.

Vậy EU đã phản ứng ra sao sau khi Hội đồng xét xử của phiên tòa trên – dù không đủ chứng cứ nên phải suy diễn theo hướng quy chụp có tội – giáng một bản án đến 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, trong đó riêng Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giáng án đến 15 năm tù?

Hãy nhìn kỹ: ai mới là BỊ CÁO? Ảnh: VOV

“Những bản án mà Tòa Hà Nội tuyên cho 6 nhà hoạt động dân chủ Việt Nam vào ngày 5 tháng tư là sự vi phạm trực tiếp những nghĩa vụ quốc tế mà chính Hà Nội cam kết; cũng như Liên minh Châu Âu mong muốn được tôn trọng đầy đủ. Liên minh Châu Âu mạnh mẽ cam kết bảo vệ những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và làm việc với các cơ quan chức năng và những đối tác liên quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam” – tuyên bố của Phát ngôn nhân Maja Kocijancic của EU phát đi từ Bruxelles.

Bruxelles lại là thủ phủ của EU – nơi mà các quan chức cao cấp của Việt Nam như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh liên tục đến để “vận động EU linh hoạt sớm phê chuẩn EVFTA” trong năm 2017 và đầu năm 2018.

Chi tiết ngoại giao đáng chú ý là trong tuyên bố của Phát ngôn nhân Maja Kocijancic của EU phát đi từ Bruxelles đã không còn những từ ngữ “lo ngại” hay “quan ngại” như một cách biểu lộ phản ứng nhẹ nhàng hoặc vừa phải, mà là lời lẽ cứng rắn – thậm chí còn cứng rắn hơn cả mức độ cứng rắn trong bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP) mà Nghị viện châu Âu tung ra vào tháng 6/2016, vào lúc chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia này.

Sau nhiều năm giữ ôn hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.

Trước khi phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ diễn ra, báo đảng Việt Nam đã ồn ào khoa trương về việc Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng châu Âu và sau đó trình Nghị viện châu Âu với hy vọng “sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018”. Tuy nhiên đã hết tháng Ba và sang tháng Tư mà vẫn không có bất kỳ tin tức nào về “hoàn tất bản thảo”.

Cú giáng án bất công và quá nặng nề đối với Hội Anh Em Dân Chủ không chỉ cho thấy chuyến công du Pháp của Nguyễn Phú Trọng hầu như không đạt được kết quả nào về “vận động EVFTA sớm thông qua” mà đã dẫn đến động tác “giận cá chém thớt” những người hoạt động nhân quyền, mà còn khiến cánh cửa mới hé của hiệp định này đóng sập trước mũi Hà Nội và còn lâu mới trở thành “cứu cánh” cho nền kinh tế lẫn chân đứng chế độ độc đảng đang nhanh chóng ruỗng mục ở Việt Nam.

Cũng không thể không nói đến khí tiết của những người đấu tranh nhân quyền trước tòa án cộng sản. Hoàn toàn không giống hình ảnh một Đinh La Thăng sụt sùi rên rỉ “xin lỗi tổng bí thư”, dưới đây là lời nói cuối cùng của những người lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ, được luật sư Lê Luân ghi lại:

Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng khái: Khoan dung cho những người bất đồng chính kiến chính là khoan dung với chính mình ngày mai.

Ông Trương Minh Đức: Tôi không có gì hối tiếc cả. Hôm nay các vị xét xử tôi nhưng ngày mai có thể là các vị. Bất công nó xoay vòng không chừa một ai.

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Tôi sẽ luôn đấu tranh và nếu phải ngồi tù thì những người khác ngoài kia vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho tôi mà sẽ không bao giờ họ dừng lại.

T.L.










No comments:

Post a Comment

View My Stats