Sunday, 1 April 2018

IM LẶNG LÀ ĐỒNG LÕA VỚI CÁI XẤU, CÁI ÁC (Song Chi)




Thứ Bảy, 03/31/2018 - 17:09 — songchi

Không phải ai cũng may mắn được sinh ra, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ, bởi những bậc phụ huynh đầy tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm. Ngược lại, có những bậc làm cha làm mẹ nhưng lại thiếu tình thương, thiếu trách nhiệm, ích kỷ, hoặc thậm chí hành xử độc ác với chính giọt máu của mình. Chuyện một số ông bố bà mẹ vứt bỏ con ngay từ khi mới sinh ra hoặc khi con đã ở tuổi mẫu giáo, thiếu niên; không chăm lo cho con đầy đủ, đánh đập, bạo hành con, bắt con đi ăn xin, bán vé số, lao động vất vả mang tiền về cho mình v.v…là chuyện…không có gì mới. Bài viết này muốn đề cập đến một số câu chuyện khác.

1. Tự cho mình cái quyền tước đoạt mạng sống của con.

Thỉnh thoảng chúng ta lại đọc thấy trên báo những tin tức rất đau lòng về những ông bố, bà mẹ vì giận chuyện gia đình, vì bế tắc trong cuộc sống đã tự sát, nhưng điều đáng nói hơn, họ lại giết luôn đứa con của mình. Một số ví dụ:

Phan Thiết, Bình Thuận “Nghi án mâu thuẫn gia đình, cha giết con 5 tuổi rồi treo cổ tự tử” (VietnamNet).

Pleiku, Gia Lai “Cha tưới xăng tự tử cùng con trong ôtô 4 chỗ do mâu thuẫn gia đình” (Tin tức online), cậu bé con chỉ mới 4 tuổi.

Hà Nội: “Mẹ sát hại con: Cái chết ai oán của cậu bé 11 tuổi” (VietnamNet). Chồng chết, nợ nần quẫn bách đến mất lý trí, người mẹ dự định sẽ giết con trai, sau khi lo hậu sự xong sẽ cùng con gái tự tử chết theo “để ba mẹ con được ở bên nhau”, nhưng bị phát hiện và bị bắt vì tội giết con.

Nghệ An: “Đau lòng 2 người mẹ tự tử, ép các con cùng chết”, trong đó một người mẹ và con trai 2 tuổi chết vì uống thuốc trừ sâu, người mẹ thứ hai đang mang bầu, ôm theo hai con nhỏ nhảy cầu tự vẫn.

Hà Giang: “Vợ chồng và con nhỏ chết trong xe Mercedes: Hé lộ cuộc điện thoại cuối cùng” (24h). Cũng lại vì mâu thuẫn, vợ chồng vừa nộp đơn ly dị, người chồng đã sử dụng bình gas mini xả ra gây ngạt cho cả 3 người trong khi cửa xe bị khóa chặt...

Những sự việc đau lòng trên hầu hết đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong gia đình, hay bế tắc trong cuộc sống. Nhưng tại sao những ông bố bà mẹ này lại mang theo luôn những đứa con còn rất nhỏ trong chuyến đi vào cõi chết? Có khi do những suy nghĩ dại dột kiểu như sợ mình chết đi rồi không ai lo, không ai nuôi các con, sợ con sống với bố dượng, mẹ ghẻ sẽ khổ; có khi do muốn trừng phạt người chồng/vợ của mình, muốn cho người kia phải đau khổ, day dứt, hối hận…Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, việc tự vẫn để lại các con bơ vơ trên đời đã là đáng trách, tự vẫn và mang theo con, tự cho mình cái quyền tước đoạt mạng sống của con càng đáng trách gấp bội.

Điều đáng ngại là ngày càng nhiều những câu chuyện tương tự. Đó là chưa kể một số ông bố bà mẹ lại cố tình giết con để trả thù người kia: Thanh Hóa: “Khởi tố bố đổ xăng đốt con trai 3 tuổi” (Việt Báo), do người vợ đòi ly hôn mà người chồng, người bố mất nhân tính này đã dùng xăng đốt con trai của mình, dù cậu bé được cứu sống nhưng cơ thể bị tàn phế, di chứng nặng nề; Gia Lai “Cha đâm chết con trai 5 tuổi vì giành nuôi con với vợ cũ?”,VietnamNet…Hoặc giết con vì vô số những nguyên nhân, lý do khác.

2. Cha hay mẹ bạo hành, lạm dụng tình dục con nhưng người còn lại hoặc thờ ơ không biết hoặc biết mà không dám lên tiếng, thậm chí bao che.

Kiên Giang: “Sự thật vụ bé gái bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành dã man”(Người Lao Động). Bé gái ở với cha và mẹ kế bị bạo hành dã man, nhưng ông bà ngoại và mẹ ruột lại không dám phản ứng. Mãi cho đến khi các thầy cô giáo phát hiện những vết thương trên người, trên mặt cô bé, do “cha ruột dùng thanh sắt đang nung đỏ rồi dí vào mặt, gây bỏng nặng”, báo chí lên tiếng, câu chuyện mới vỡ ra, người mẹ thì vẫn “phân vân không biết phải làm sao để nhận con gái mình về nuôi”. Được biết, sau khi câu chuyện đưa lên báo, chính quyền địa phương có can thiệp, nhưng bé gái vẫn bị giao lại cho cha và dì ghẻ tiếp tục nuôi!

Hà Nội: “Bé 10 tuổi sống cùng cha và mẹ kế bị bạo hành dã man” (Pháp Luật TP.HCM) suốt một thời gian dài (người cha và người mẹ kế tàn nhẫn này đã bị khởi tố vì tội cố ý gây thương tích, nhưng chỉ có người cha bị tạm giam, còn người mẹ kế được tại ngoại). Nhưng gia đình và nhất là mẹ ruột lại không biết, do bố cậu bé chuyển nhà và không liên lạc, không cho thăm gặp! Nếu cậu bé không tự trốn thoát về nhà ông bà nội thì có lẽ cậu vẫn còn bị bạo hành dài dài mà không ai hay!
Đạo đức xã hội ngày càng băng hoại, không hiếm những câu chuyện cha ruột thú tính, hãm hiếp chính con gái của mình, mà người vợ, người mẹ do bận bịu làm ăn, lại không thể ngờ đến chuyện đó. Nhưng có những trường hợp người mẹ biết mà lại không dám lên tiếng tố cáo chồng.

Vĩnh Phúc: “Mẹ nhu nhược khiến 3 con gái lần lượt bị cha làm nhục” (Dân Trí). Người cha lần lượt cưỡng bức các con gái của mình suốt hơn 20 trời mà mấy mẹ con vẫn cam tâm câm lặng, về người mẹ “phần vì bản chất cam chịu nhịn nhục muốn giữ cho trong ấm ngoài êm”, phần do quá sợ hãi người chồng dữ tợn.

Vĩnh Long “Bé gái 11 tuổi bị cha và ông nội xâm hại: Vì sao mẹ ruột biết nhưng im lặng?”, (Đời Sống VN). Theo bài báo cho biết, người mẹ đã im lặng vì sợ hàng xóm chê cười, cho mãi đến khi cháu bé kể cho bà ngoại nghe, bà ngoại liền đi tố cáo công an, sự việc mới được đưa ra ánh sáng.
Cha ruột còn vậy, huống gì cha dượng, mẹ kế, như người ta nói “khác máu tanh lòng”.

Trà Vinh: “Bé gái bị cha dượng nhiều lần đánh đập, ép quan hệ: Mẹ biết nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị đánh” (Phụ Nữ&Gia đình)

Bình Phước: “Bé trai 8 tuổi nghi bị người tình của mẹ đánh chết, chôn xác vội vã” (Phụ nữ&Gia đình), điều đáng nói là cậu bé đã bị người cha “hờ” này đánh đập suốt một thời gian dài, hàng xóm cũng biết, nhưng không rõ người mẹ không biết hay là biết mà không dám nói, không dám bảo vệ con.

Cả hai trường hợp, hai người mẹ đều sống với người đàn ông nhỏ hơn nhiều tuổi, phải chăng vì quá chiều lòng người đàn ông trẻ hơn mình?

Trong những câu chuyện trên, bản thân thủ phạm-người đã bạo hành hoặc lạm dụng, cưỡng bức chính con ruột hoặc con riêng của vợ/chồng đáng lên án và phải chịu pháp luật xử lý đã đành, nhưng những người thân không dám lện tiếng tố cáo, không chỉ phải chịu sự dày vò của lương tâm, mà cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Vì ít học, thiếu hiểu biết, vì quá nhu nhược, sợ hãi, sợ hàng xóm chê cười, sợ sự việc vở lở sau này con gái mình không ai dám lấy…họ đã im lặng, và như vậy là tiếp tay cho cái xấu, cái ác.

3. Trách nhiệm của xã hội

Ở VN không thiếu gì những tổ chức đoàn thể, Hội phụ huynh học sinh, Hội phụ nữ, tổ dân phố, chính quyền đia phương cho tới công an, nhưng có những bi kịch gia đình hay trẻ bị bạo hành suốt thời gian dài mà chẳng ai biết, nếu có biết thì hoặc không lên tiếng vì tâm lý ngại phiền hà, đụng chạm; hoặc lên tiếng nhưng không đủ để thủ phạm chùn tay.

Đối với những bi kịch gia đình, nếu người thân hai bên, bạn bè cho tới đồng nghiêp tinh ý phát hiện thấy gia đình người khác “đang có vấn đề”, hoặc người khác có những biểu hiện trầm cảm, chán đời, bế tắc và kịp thời gần gũi, động viên, khuyên nhủ thiệt hơn, thậm chí báo công an khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm, bi kịch có khi sẽ tránh được.

Nhưng cũng có những vụ chồng bạo hành vợ hoặc người phụ nữ bị chồng cũ, người yêu cũ dọa giết suốt một thời gian, đã báo công an nhưng công an chỉ kêu người chồng lên răn đe, lập biên bản rổi cho về và cuối cùng là án mạng đã xảy ra!

Đối với những trường hợp trẻ bị người thân bạo hành hoặc lạm dụng tình dục, nếu người cha người mẹ cỏn lại không lên tiếng, thì gia đình hai bên cho tới hàng xóm phải làm thay công việc này. Như trong vụ cậu bé 8 tuổi bị cha “hờ” bạo hành đến chết ở Bình Phước, báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Người lớn có trách nhiệm hơn, bé 8 tuổi đã không chết”: “Những người hàng xóm đã phát hiện, đã phản ứng khi biết cháu bé bị bạo hành nhưng họ phản ứng quá yếu ớt nên hậu quả thương tâm và quá đáng tiếc đã xảy ra...”

Ở các nước phát triển, thượng tôn pháp luật, cũng vẫn có những bi kịch gia đình, chồng/vợ bắn chết nhau, cha hay mẹ tự sát, trẻ bị bạo hành, lạm dụng tình dục…Nhưng nếu sự việc bị phát giác, thủ phạm thường phải nhận những bản án thích đáng, đủ sức răn đe, trpng xã hội lại có nhiều tổ chức hoạt động hiệu quả, hay bác sĩ tâm lý, tư vấn viên để giúp đỡ những ai đang gặp rắc rối, bế tắc trong cuộc sống. Ở nước ngoài đến gặp bác sĩ tâm lý là chuyện bình thường nhưng ở VN, người dân thường không có thói quen này, thậm chí cho rằng chỉ những người có vấn đề về tâm thần mới phải đi gặp bác sĩ…

Và cuối cùng ở các nước, người dân rất nhạy bén và có ý thức cảnh giác cao, bất cứ khi nào nhận thấy một dấu hiệu nhỏ cho thấy gia đình của người khác đang gặp rắc rối hoặc một phụ nữ, một đứa trẻ nào đó có vẻ không được “ổn”, là họ báo cho cảnh sát hay các tổ chức xã hội có trách nhiệm và cảnh sát, hay những người thuộc những tổ chức như vậy sẽ can thiệp ngay. Nhẹ nhất thì thủ phạm cũng bị cấm tới gần người mà hắn ta dọa dẫm, bạo hành; bị đưa đi học những khóa học về tâm lý để kiềm chế cơn nóng giận, nặng hơn thì bị bắt giam, kết án tù, còn đứa trẻ bị bạo hành sẽ lập tức được cách ly khỏi môi trường cũ và những người bạo hành v.v…

Sẽ còn lâu để xã hội VN có thể làm được như vậy, trước mắt, chỉ có báo chí, dư luận đóng vai trò lên tiếng, góp phần đưa những câu chuyện thương tâm ra ánh sáng, khiến cho những kẻ xấu, kẻ ác phải trả giá, và chỉ hy vọng người dân ngày càng nhạy bén, mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, tố cáo những kẻ xấu thay vì cứ mang cái tâm lý ngại can thiệp vào chuyện người khác.










No comments:

Post a Comment

View My Stats