Sunday, 1 April 2018

GIỚI ĐẤU TRANH VN CHIA SẺ KINH NGHIỆM BỊ BẮT TÙ (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt  
31 tháng 3 2018

Năm 2017 đánh dấu một năm khắc nghiệt nhất đối với giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, khi số lượng lớn các nhà hoạt động, bloggers bị bắt giữ và bỏ tù.

Năm 2017 của giới xã hội dân sự bị đánh dấu bởi hai bản án đối với bà Trần Thị Nga và bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "Mẹ Nấm". GETTY IMAGES

Nổi bật là hai bản án 9-10 năm tù đối với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "Mẹ Nấm" và bà Trần Thị Nga. Trong khi đó nhà hoạt động Phạm Đoan Trang thì liên tục phải lẩn trốn vì sự kiểm soát và sách nhiễu gắt gao của công an.
Và sắp tới, hôm 5/4 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử luật sư Nguyễn Văn Đài và 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.
Vì vậy, luật sư Lê Công Định nói ông và các nhà hoạt động lâu năm khác quyết định chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khi bị bắt giữ và giam giữ.

Luật sư Nguyễn Văn Đài (trái) và một số thành viên Hội Anh Em Dân chủ sẽ tòa ra hôm 5/4. OTHER

Trả lời BBC hôm 31/3, ông Định nói ông chính là người khởi xướng hành động này.
"Tôi thấy đây là kinh nghiệm rất quý giá đối với những người tranh đấu, vì việc các cơ quan công an trấn áp những người tranh đấu, bắt họ lên đồn xảy ra thường xuyên hơn.
"Chia sẻ từ những người từng trải qua những việc như thế rất quan trọng với những người mới, muốn tham gia phong trào phản kháng."

Làm gì khi bị bắt lên đồn?

"Trong chế độ độc tài, không đòi ai trả quyền con người?" bà Đặng Bích Phượng nói. FB ĐẶNG BÍCH PHƯỢNG

Trong một bài viết chung giới đấu tranh gửi cho BBC, bà Đặng Bích Phượng chia sẻ bà đã bị bắt lên đồn công an 9 lần, có một lần bị tạm giữ 5 ngày, bị giam ở Trại Giam B14 "Hỏa Lò" 3 ngày.
Bà Phượng khuyên, "khi bị bắt, không có nghĩa vụ phải trình bày, ","không ký biên bản" và "không đồng ý khám người đồ đạc".
"Dù việc đó chẳng làm thay đổi được điều gì, vì công an vốn cho họ có quyền ngồi lên pháp luật, nhưng ít nhất tôi đang thực hiện quyền của tôi."
Luật sư Lê Công Định, cũng là nhà bất đồng chính kiến bị tuyên án 5 năm tù, 3 năm quản chế vào 2009 vì hoạt động bị cho là nhằm lật đổ chính quyền", nói các loại giấy mời, giấy triệu tập chỉ có tính bắt buộc "nếu việc triệu tập thuộc phạm vi một vụ án hình sự đã khởi tố," còn không thì người dân có quyền từ chối.
Người dân cũng có thể từ chối làm việc sau 5 giờ chiều, vì "cơ quan an ninh có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của công dân", ông nói.
Ông Định nhấn mạnh người bị thẩm vấn cần tận dụng quyền im lặng của mình.
"Người bị thẩm vấn có Quyền im lặng và, do đó, quyền từ chối trả lời mọi câu hỏi của cơ quan an ninh, bất kể có hay không có sự hiện diện của luật sư của mình, bởi vì đây là quyền luật định của mọi công dân."

Làm gì khi bị điều tra, ra tòa?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên, người từng bị tuyên án 4 năm theo tội tuyên truyền chống nhà nước, vào năm 2008 thì nói, qua bài viết chung:
"Không cần căm thù hay khinh ghét công an (điều tra viên) nhưng không bao giờ được tin họ.

"Không cần căm thù hay khinh ghét công an (điều tra viên) nhưng không bao giờ được tin họ," cựu tù nhân Phạm Thanh Nghiên nói. FB PHẠM THANH NGHIÊN

"Một sự việc, một bài viết, một phát ngôn hoặc một hành vi của bạn có thể bị hỏi đi hỏi lại nhiều lần, mỗi lần có thể cách nhau vài ngày thậm chí vài tháng. Hãy nhớ những gì đã "khai" hôm trước để lặp lại vào những lần sau. Nếu lời "khai" khác nhau, là tự đem lại rắc rối cho mình."
"Đừng sợ lời đe doạ của điều tra viên cũng như lời hứa của họ.
Và "Thừa nhận hết các việc, các hành vi mình đã làm nhưng khẳng định những việc đó không phạm pháp.
"Chế độ cộng sản thường hay đánh tráo khái niệm. Họ sẽ buộc tội bạn chống lại đảng, nhà nước tức là chống lại đất nước và nhân dân. Hãy cắt nghĩa cho họ hiểu các khái niệm trên và nhiều vấn đề khác."
Bà Nghiên khuyên rằng nên có một hoặc hai luật sư, dù ở Việt Nam các phiên tòa đều được xử kín với án bỏ túi, nhưng những luật sư sẽ giúp liên lạc với gia đình.
Và "hơn nữa, luật sư sẽ là người nói với công luận về diễn biến phiên toà cũng như thái độ của bạn khi đứng trước vành móng ngựa."
Cuối cùng, bà khuyên, "hạn chế hoặc không nhìn xuống" nếu không muốn hình ảnh mình xuất hiện trên báo đảng với tư thế "cúi đầu".
"Phe độc tài không muốn bạn xuất hiện với hình ảnh hiên ngang thì bạn càng phải thực hiện cho được điều đó."

Làm gì khi ở trong tù?

Chia sẻ cụ thể và chi tiết nhất là ông Nguyễn Ngọc Già, cũng bị kết án tù 4 năm tù giam theo điều 88 vào 2014. Ông ra tù sớm một năm vào tháng 12/2017.

"Theo thiển ý của tôi, không nên tuyệt thực. Vì ảnh hưởng trước mắt và lâu dài cho cả bản thân và gia đình mình," ông Già nói. OTHER

Ông có tôn chỉ: "Chăm sóc bản thân tức là đang chăm sóc cho người thân".
Ông nhắc người tù cần phải chăm sóc tinh thần lẫn thể chất bằng cách tập yoga, đọc sách báo giải trí.
Vì ở tù lâu ngày, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều người tù đều có vấn đề về răng, ông khuyên "ngậm nước muối" hàng ngày.
Không tiết kiệm, mà nên mua nước sạch để dùng cũng như thuốc "trị ghẻ" vì hầu hết tù nhân đều bị bệnh này vì tình trạng sống ẩm thấp, chật chội.
Ông nói thêm rằng cơm dù chán vẫn nên ăn ngay, và ăn đủ bữa, ngủ nghỉ đủ giấc.
Về việc tuyệt thực, ông nói ông không khuyến khích, nhưng nếu nếu người tù vẫn muốn làm thì nên tuyệt thực từ từ để tránh nguy hại cho sức khỏe.

Khi bị thẩm vấn, tra khảo, hãy bình tĩnh trả lời rằng: "Các ông đang xâm phạm Quyền im lặng luật định của công dân!" Luật sư Lê Công Định khuyên.

Nên chuẩn bị tinh thần từ trước?

Nhiều nhà hoạt động căn dặn rằng những ai đã tham gia hoạt động đấu tranh, thì "điều đầu tiên cần xác quyết rằng bạn có thể bước chân vào tù bất cứ lúc nào."
"Nên vui vì có thể bản thân bạn ít được nhớ tới nhưng lý tưởng của bạn, khát vọng của bạn vẫn luôn được đồng hành," bà Nghiên nói.
Và "hãy tự tin với suy nghĩ rằng: 'Mình bị bắt chỉ vì dám nói lên sự thật. Mình đang tranh đấu cho chính nghĩa. Bởi vậy, hy sinh cho lẽ phải là một đặc ân số phận đã ban trao cho mình".
Ông Định nói ông dự định sẽ khuyến khích thêm nhiều người từng bị cơ quan công an bắt thẩm vấn thậm chí ở tù chia sẻ nhiều hơn.








No comments:

Post a Comment

View My Stats