Thursday 12 April 2018

FACEBOOK "NỐI GIÁO" CHO CÁC CHẾ ĐỘ CHUYÊN CHẾ CHÂU Á (Mai Vân - RFI)




Mai Vân – RFI
Đăng ngày 12-04-2018

Những sai lầm của Facebook trong vụ công ty Cambridge Analytica thu thập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người sử dụng đã buộc ông chủ Facebook phải liên tục xin lỗi, mà gần đây nhất là ngày 10/04/2018 trước Quốc hội Mỹ. Ông Mark Zuckerberg đã khẳng định là tập đoàn của ông đang xem xét lại trách nhiệm đối với người sử dụng và xã hội. Đây được xem là một điều cần thiết, trong bối cảnh một số quan sát viên đã nêu bật khả năng là nhiều chính quyền Châu Á sẽ vin vào những sai sót liên tiếp của Facebook để trấn áp mạng xã hội và quyền tự do ngôn luận tại nước họ.

Biểu tình chống chủ tịch–tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg bên ngoài trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington, ngày 10/04/2018. REUTERS/Aaron P. Bernstein

Trên đây chính là nhận xét của tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 05/04/2018 trong bài “Cuộc khủng hoảng Facebook nối giáo cho giới lãnh đạo chuyên chế tại châu Á - Facebook crisis plays into hands of Asia's authoritarians”.

Đối với tờ báo Nhật Bản, các công dân châu Á đang phải sống dưới các chế độ mà mức độ chuyên chế nặng nhẹ khác nhau, và trong một số trường hợp, mạng xã hội là phương tiện duy nhất để họ có thể trao đổi một cách tự do quan điểm chính trị. Thế nhưng, những tiết lộ gần đây về việc Facebook chia sẻ trái phép dữ liệu của 87 triệu người sử dụng với một công ty phân tích, có thể tạo nên một lý do tốt để một số chế độ tăng cường kiểm soát các mạng xã hội.

Facebook đã từng bị chỉ trích vì đã để phát tán những thông tin không xác thực. Trong một bài phân tích ngày 23/03/2018, giáo sư James Crabtree, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã ghi nhận: “những phát biểu bị cho là mang tính chất kích động hận thù hay là những gì bị cho là tin thất thiệt, cho dù là không được xác minh, cũng đều có thể được dùng làm cái cớ tốt cho việc trấn áp, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế.”

Cho đến nay, những dữ liệu bị thất thoát có vẻ như chủ yếu là của người Mỹ, nhưng Facebook gần đây đã công nhận là đa số  hồ sơ cá nhân công khai của người sử dụng - ở mọi nơi – chứ không riêng gì ở Mỹ - đã bị giới tiếp thị dò xét và khai thác.

Tương lai của Facebook là ở Châu Á
Nếu tính theo số lượng người sử dụng, thì châu Á hiện là thị trường lớn nhất của Facebook với 828 triệu người dùng, so với 609 triệu ở cả châu Âu và Bắc Mỹ.

Dĩ nhiên, lợi nhuận bình quân theo đầu người mà Facebook thu được ở Châu Á hiện chỉ bằng vỏn vẹn 1 phần 10 lợi tức trung bình mà tập đoàn thu được ở Mỹ, nhưng triển vọng phát triển của Facebook trong tương lai là ở Châu Á, nhờ thu nhập ngày càng tăng lên trong vùng, và tiềm năng của những thị trường to lớn như Ấn Độ và Indonesia.

Theo tính toán của giáo sư Crabtree, chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, Facebook đã có thêm 288 triệu người sử dụng ở châu Á, nhiều hơn cả toàn bộ số khách hàng mới trên phần còn lại của thế giới. Tính tổng cộng thì con số 828 triệu người sử dụng Facebook đều đặn hàng tháng ở Châu Á chiếm đến 39% trên tổng số 2,1 tỷ người sử dụng mạng xã hội này trên toàn cầu.

Tại châu Á, không phải là ở nước nào Facebook cũng phát triển. Ở Trung Quốc chẳng hạn, Facebook đã bị cấm để nhường chỗ cho đối thủ cạnh tranh là WeChat tung hoành. Nhưng tại phần còn lại ở Châu Á thì Facebook là một phương tiện thông tin có vị trí còn quan trọng hơn cả ở phương Tây, nhất là đối với thanh niên.

Tại Miến Điện chẳng hạn, số người sử dụng Facebook giờ đây đã tăng vọt lên mức 18 triệu người so với vỏn vẹn 1 triệu cách đây 5 năm. Nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee, khi nói về Miến Điện, đã tóm lược tình hình như sau: ở Miến Điện, “mạng xã hội là Facebook, và Facebook là mạng xã hội”.

Nhìn chung, số lượng hàng trăm triệu người sử dụng đã chứng tỏ tầm quan trong của trang mạng này ở Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc).

Sơ hở của Facebook
Cho đến lúc này, Facebook đang phải gấp rút dập tắt ngọn lửa do chính mình nhúm lên tại phương Tây, đặc biệt là vụ để lộ thông tin về khách hàng của mình cho một công ty nghiên cứu đặc tính cử tri, công ty Cambridge Analytica, trụ sở tại Luân Đôn, có quan hệ với ban vận động tranh cử của ông Trump.

Báo New York Times từng nói đến một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Nga đã tạo ra một ứng dụng nhằm xác định đặc điểm của một người nào đó, mà người sử dụng Facebook được thuê để thử nghiệm. Nhà nghiên cứu này đã khai thác dữ liệu của hàng triệu người và chia sẻ kết quả cho công ty Cambridge Analytica. Chủ tịch tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg đã nói đến 87 triệu người sử dụng.

Cambridge Analytica phủ nhận việc đã sử dụng dữ liệu của Facebook để giúp đỡ ông Trump, nhưng dẫu sao thì đây chỉ là vụ mới nhất gây tai tiếng cho Facebook. Một vụ khác là tiết lộ theo đó trang mạng đã bị giới tuyên truyền do Nga đỡ đầu sử dụng để gây chia rẽ trong nội tình nước Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2016.

Mark Zuckerberg rõ ràng đang trong thế ‘tứ bề thọ địch’. Trong vụ tai tiếng dữ liệu thất thoát và bị khai thác, vị chủ tịch tổng giám đốc trẻ chịu trận pháo chỉ trích ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Thế nhưng, các cuộc tấn công từ Mỹ và Châu Âu không che lấp được việc giờ đây Facebook còn bị đánh từ Châu Á. Và lỗi phần lớn là do chính bản thân Facebook.

Facebook phải đương đầu với những thiếu sót ở Châu Á
Vào tháng 3, Facebook đã bị ngăn chặn trong một thời gian ngắn tại Sri Lanka, sau khi bị chính quyền tố cáo là làm cho bạo động bùng lên giữa những nhóm tôn giáo khác nhau.
Cũng trong tháng Ba, nhà điều tra về nhân quyền Liên Hiêp Quốc, Yanghee Lee tố cáo trang mạng đã phát tán những phát biểu thù hận ở Miến Điện đối với người Rohingya.

Nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã đánh giá : “Tôi e ngại là Facebook đã trở thành một con thú vật và không còn đi theo ý định ban đầu nữa”.

Tại Ấn Độ, Facebook cũng có vấn đề, khi bị quần chúng phản đối vào năm 2016 và bị buộc phải bỏ kế hoạch thiết lập dịch vụ internet "free basics" với giá cả khác nhau tùy dịch vu. Cư dân mạng tại chỗ rất bất bình.

Gần đây hơn, Facebook nằm trong mối quan ngại về thông tin thất thiệt (fake news), với chính quyền các nước như Singapore sẵn sàng đưa ra luật mới để chống lại việc loan truyền ‘tin giả’ trên mạng. Tại Malaysia thì Facebook, cùng với các tập đoàn như Google và Twitter cũng bị nhắm với lý do tương tự.

Facebook phải nhanh chóng dập lửa
Theo ông James Crabtree, những tai tiếng tại phương Tây, từ những cáo buộc liên quan đến việc để phát tán tin giả, thông điệp kích động hận thù, hay ‘fake news’ theo kiểu của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đặc biệt hệ trọng đối với Facebook ở châu Á do vị trí quan trọng mà mạng xã hội này đang chiếm giữ trong tư cách là phương tiên thông tin liên lạc được ưa chuộng ở nhiều nước đang phát triển trong vùng.

Một số không nhỏ các quốc gia này, như Cam Bốt và Thái Lan, đang do những chế độ độc tài hay chuyên chế cai trị. Trước việc chính quyền giới hạn quyền tự do ngôn luận trên các phương tiện truyền thông truyền thống, người dân đã quay sang những mạng xã hội như Facebook mà chính quyền và cảnh sát khó kiểm soát, khó đối phó hơn. Ngay cả những nơi dân chủ hơn như Singapore, người dân cũng dùng Facebook hay WhatsApp (cũng của Facebook), nhiều hơn là Twitter.

Nhiều nước đang trỗi dậy ở Châu Á cũng thiếu những phương tiện truyền thông lớn có khả năng cung cấp thông tin khách quan, được kiểm chứng chặt chẽ cho công chúng rộng rãi.
Hai yếu tố trên cộng lại - sự yêu thích ngày càng tăng đối với Facebook trong bối cảnh thiếu vắng thông tin công khai xác tín – chỉ làm cho những vấn đề như loan tin thất thiệt thêm nguy hiểm. Điều này càng đúng đối với những quốc gia có vấn đề về cộng đồng thiểu số như Miến Điện và Sri Lanka, nơi mà các nhóm cực đoan sử dụng Facebook để truyền tải tư tưởng hận thù.

Facebook không phải là hoàn toàn mù quáng trước các vấn đề này và khi bị chỉ trích về hoạt động ở Miến Điện, tập đoàn từng giải thích là “đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ và nghiên cứu ngôn ngữ địa phương để giúp loại bỏ nhanh chóng những bài đăng có tính chất hận thù”.

Facebook phân trần là đã đưa ra những quy định rõ ràng để nhận dạng những nội dung nguy hiểm và cũng làm việc với những hiệp hội xã hội tại chỗ để cảnh báo về những ‘fake news’ và nhiều vấn đề khác.

Tuy nhiên, đối với giáo sư Crabtree, Facebook cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc sửa chữa những sai lầm và bổ khuyết những thiếu sót ở châu Á vì nếu không làm như vậy, các chính phủ tại chỗ chắc chắn sẽ bóp nghẹt Facebook bằng những quy định ngặt nghèo hơn. Những cáo buộc nhắm vào Facebook về việc giúp phát tán tin thất thiệt hay thông điệp kích động hận thù, ngay cả khi không về lời nói thù hận và tin giả mạo, ngay cả khi không có cơ sở, cũng có thể bị chính quyền, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế, dùng làm cớ để biện minh cho các vụ trấn áp.

Một diễn biến như trên sẽ gây ra hai hậu quả : Người dùng Facebook bình thường tại chỗ sẽ mất đi một phương tiện hữu ích để thảo luận trực tuyến, còn Facebook sẽ mất đi hy vọng phát triển nhanh chóng ở châu Á trong tương lai.

--------------------------------------------

Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 12-04-2018 

Cuộc điều trần của chủ nhân mạng xã hội Facebook trước Quốc Hội Mỹ đẩy hồ sơ Syria xuống hàng thứ yếu trên các trang báo Pháp ngày 12/04/2018. "Facebook : Mark Zuckerberg gặp khó khăn trước các dân biểu Mỹ", tựa trên Les Echos.

Chủ tịch tổng giám đốc Facebook, Mark Zuckerberg, điều trần trước các Ủy Ban Tư Pháp và Thương Mại Thượng Viện Mỹ, ngày 10/04/2018.REUTERS/Aaron P. Bernstein

Trang nhất tờ Le Monde đăng ảnh sáng lập viên mạng xã hội với khoảng 2 tỷ người sử dụng đang bị phóng viên săn ảnh bao vây trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Mỹ ngày 10/04/2018, bên trên là hàng tựa "Mark Zuckerberg cứu vãn danh dự tại Thượng Viện".

Một ngày sau một cuộc điều trần hơn 5 tiếng đồng hồ ở Thượng Viện, chủ nhân Facebook xuất hiện ở Hạ Viện với nét mặt căng thẳng và mệt mỏi, mắt thâm quầng. Cửa ải ở Hạ Viện còn gian nan hơn là ở Thượng Viện. Mark Zuckerberg không dễ thuyết phục các dân biểu Mỹ.

Facebook trước búa rìu của công luận
Le Figaro chạy tít Zuckerberg "trong tầm ngắm" của Hạ Viện Hoa Kỳ và dành bài xã luận ngay trên trang nhất để nói về mặt trái của thế giới "kết nối- connected". Facebook không là một "thiên đường digital", không chỉ là nhịp cầu kết nối. Đứa con tinh thần của Mark Zuckerberg hiện nguyên hình là một con "bạch tuộc", vươn vòi hút thông tin cá nhân của những người sử dụng.

Tờ báo không khoan nhượng khi cho rằng Facebook đã "vô trách nhiệm, để cho những thông tin điên rồ nhất và đôi khi bẩn thỉu nhất được phổ biến". Facebook đã làm giàu nhờ hàng tỷ những chi tiết trong đời tư của mỗi người có tài khoản và kể cả bạn bè, thân nhân họ nữa. Những thông tin ấy khi thì được dùng vào những mục tiêu chính trị và thương mại, cũng có khi được sử dụng một cách "không mấy lương thiện".

Không chắc là những lời xin lỗi hay cam kết khắc phục sai lầm của chủ nhân Facebook đủ sức thuyết phục. Với báo Les Echos, sau hai buổi điều trần ở Quốc Hội Lưỡng Viện, các dân biểu Hoa Kỳ vẫn "hoài nghi về khả năng của Facebook làm thay đổi các mạng xã hội".

Le Monde nhận xét, Zuckerberg hứa tăng cường các phương tiện để bảo vệ đời sống cá nhân cho các thân chủ và để ngỏ cánh cửa để các nhà lập pháp "điều tiết" thể thức vận hành của các mạng xã hội, nhưng "làm thế nào để kiểm soát" những thông tin loan truyền trên các mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng ?

Facebook, uy tín bị sứt mẻ
Từ nhiều tháng qua, Facebook tứ bề thọ địch. Le Monde trong bài viết mang tựa đề "những tranh cãi về vai trò của mạng xã hội tại Châu Á" không vòng vo : Facebook bị nêu đích danh "là phương tiện để truyền tải những tư tưởng đầy hận thù" giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở Miến Điện và Sri Lanka vào lúc cả hai quốc gia này đang phải đối mặt với phong trào bài Hồi giáo dâng cao. 14 triệu dân Miến Điện có tài khoản Facebook, ở Sri Lanka là 6 triệu.

Sau cáo buộc bất cẩn để tin nhảm lan truyền gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, đây là một đòn mới giáng vào công ty do Mark Zuckerberg đã lập ra.

Phụ trang kinh tế của Le Figaro tìm cách trả lời câu hỏi : vụ tai tiếng Cambridge Analytica đánh cắp thông tin cá nhân của gần 90 triệu người có tài khoản Facebook liệu có là trận bão nhận chìm công ty đã giúp do Zuckerberg trở thành tỷ phú khi chưa đầy 20 tuổi hay không ?

Mối đau đầu khác của Zuckerberg là cổ phiếu chứng khoán giảm 17 % trong vòng một tháng. Một thách thức khác nữa là hình ảnh của mạng xã hội Facebook đã phần nào bị sứt mẻ. Sau vụ tai tiếng Cambridge Analytica, có tới 56 % người Mỹ được hỏi cho biết là "ít tin tưởng hơn". Le Figaro bồi thêm : "tỷ lệ nay quá cao cho với các mạng xã hội khác".

GAFA trong cơn giông bão
Không chỉ riêng gì Facebook và ông chủ Zuckerberg trong tâm bão. Theo Les Echos các cây đại thụ khác của nền công nghệ kỹ thuật số là Google, Apple hay Amazon… đều đang đánh mất hào quang.

Google bị tố cáo chiếm độc quyền trên thị trường quảng cáo trên mạng. Apple thì bị chỉ trích là cố ý rút ngắn tuổi thọ của các sản phẩm để bắt người tiêu dùng phải chăm sắm hàng mới hơn. Facebook thì bị cáo buộc thao túng công luận, bán dữ liệu cá nhân của khách hàng để làm giàu. Còn Amazon thì đang bóp chết giới tiểu thương, bóc lộc từ nhân viên đến các đối tác thương mại. Uber thì trong tầm ngắm của công luận vì bóc lột tài xế … Danh sách còn dài.

Les Echos nhận thấy rằng, nhờ có những phát minh mới các tập đoàn tin học và công nghệ cao đã "đi nhanh hơn" luật pháp, làm giàu trong một thời gian ngắn kỷ lục và các "tập đoàn công nghệ thế hệ 2.0 " này đã tập trung nhiều quyền lực trong tay đến mức đáng sợ.

Nhưng gió đã xoay chiều. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, người sử dụng hay tiêu dùng, công luận và chính giới, các nhà lập pháp, giới tài chính cho rằng đã đến lúc những tập đoàn high tech đó cần phải vào "khuôn phép", tức là cần phải đặt lại câu hỏi về mô hình phát triển của chính các con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ digital này.

High tech, tai mắt của Trung Quốc để theo dõi những thành phần bất hảo ?
Đâu phải chỉ có Facebook mới thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng và khai thác nguồn dữ liệu đó. Trung Quốc cũng rất tinh vi trong việc sử dụng những thông tin cá nhân nhưng là để theo dõi các nhà bất đồng chính kiến hay kiểm duyệt các mạng xã hội.

Le Monde báo động, Bắc Kinh dùng những công nghệ mới để đưa vào danh sách đen những thành phần "nhậy cảm". Thông tín viên của tờ báo kể lại trường hợp của một luật sư Trung Quốc đã nhiều lần bị chận lại ở sân bay vì ông có tên trong danh sách thuộc "thành phần ly khai" hay bị xếp vào danh sách "nguy hiểm đối với an ninh quốc gia". Cho dù là vị luật sư này "chưa từng bị đưa ra tòa, chưa từng bị xét xử hay tuyên án về bất kỳ một hành vi ly khai nào".

Đây không phải là một trường hợp riêng lẻ. Trong thời gian từ 2013 đến tháng 3/2018 có khoảng 10 triệu người "bị từ chối khi mua vé máy bay" ; 6 triệu không được mua vé xe lửa vì lý do "không tuân thủ phán quyết của tư pháp". Theo tổ chức bảo vệ nhân quyên Human Rights Watch, tại Trung Quốc "không có giới hạn nào trong việc thu thập thông tin về các công dân của nước này nhằm mục tiêu theo dõi, kiểm soát".

Syria, Nga bao che cho chế độ Damas
Trở lại với hồ sơ nóng bỏng là Syria : "Hãy coi chừng, hỏa tiễn sắp bay qua". Les Echos trích lại lời lẽ khiêu khích của tổng thống Trump làm tựa cho một bài báo ngắn. Tác giả bình luận, trong lúc lãnh đạo Hoa Kỳ sử dụng ngôn ngữ không mấy hoa mỹ và ngoại giao, thì ngược lại ở Matxcơva, chính quyền Nga tỏ ra hết sức bình tĩnh và chừng mực.

Báo Le Figaro không còn nghi ngờ gì nữa về thái độ "Bao che" của nước Nga đối với tổng thống Syria, Bachar al Assad. Đại sứ Nga tại Liban tuyên bố là Nga sẽ bắn hạ tên lửa mà tổng thống Trump dành tặng cho Syria. Theo tờ báo này, thái độ hiếu chiến của Hoa Kỳ càng thắt chặt hợp tác quân sự giữa Nga, Iran và Syria. Tổng thống Putin điều cố vấn an ninh đến Damas trong những giờ qua, lực lượng quân sự can thiệp ngoài lãnh thổ của Iran là Al Qods đã có mặt tại Syria.

"Sôi động ngoại giao trước khả năng phương Tây tấn công", tựa trên Libération. Tờ báo cho rằng trên hồ sơ này, "Nga mới là mục tiêu mà tổng thống Trump nhắm tới". Trong khi đó thì ngay ở Mỹ là nhất là tại châu Âu, "mọi người còn do dự về phương thức để can thiệp vào Syria"trừng phạt chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học.

Le Monde chừng mực hơn khi đưa ra nhận định : Pháp tuy sát cánh với Hoa Kỳ nhưng tổng thống Macron trong cuộc họp báo cách nay hai ngày đã nhấn mạnh rằng trong trường hợp đánh Syria, phương Tây cần phải tránh động chạm đến các đồng minh của chế độ Damas, loại trừ khả năng đẩy tình hình "leo thang".

Pháp : đòn chiêu dụ của tổng thống Macron
Về thời sự nước Pháp, các báo tập trung vào buổi nói chuyện trưa nay trên đài truyền hình TF1 của tổng thống Macron trong lúc các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra, từ trong ngành xe lửa đến sinh viên ở khoảng 20 trường đại học, hay nhân viên làm việc trong các tòa án .

Có điều tổng thống Pháp trả lời phỏng vấn trực tiếp từ một ngôi làng hẻo lánh trong vùng Normandie, miền bắc nước Pháp. Mục tiêu nhằm chứng minh ông không chỉ quan tâm đến các thành phố lớn và phát triển. Các vấn đề của những vùng nông thôn, từ y tế đến giáo dục cũng là những ưu tiên của chủ nhân điện Elysée.

Libération có một bài phóng sự dài về làng Berd'huis với 1118 dân cư, đang chuẩn bị như thế nào để đón tổng thống Macron về đây, trả lời phỏng vấn trong một chương trình thời sự lúc 1 giờ trưa của đài TF1. Berd'huis là nơi trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi năm 2017, đảng Mặt Trận Dân Tộc cực hữu của bà Le Pen đã về đầu ở vòng 1 với hơn 30 % phiếu ủng hộ.

Gagarine, sao chổi của nước Nga
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày phi hành gia Liên Xô, người đầu tiên bay vào vũ trụ, Youri Gagarine qua đời, nhà nghiên cứu Pháp Anne Marie Revol cho ra mắt công chúng cuốn tiểu sử mới với tên gọi đơn giản "Ngôi sao của Nga" NXB JC Lattès.

Tác giả thu thập lời kể của những người từng quen biết, làm việc với Gagarine, cùng với nhiều tài liệu chính thức để nói về một nhân vật mà trước khi đi vào huyền thoại, thì ông từng là một chàng thanh niên 27 tuổi, hiền lành và dễ mến.

Gagarine không ý thức được hết mối nguy hiểm chờ đợi anh trong và sau chuyến bay lịch sử ngày 12 tháng Tư năm 1961. Từ chuyến bay lịch sử đó trở về, Gagarine chỉ còn là một con rối trong tay Matxcơva.

Năm 1968, khi qua đời, Gagarine là một người hùng mệt mỏi, mệt mỏi vì phải "mang trên vai biểu tượng của một nước Liên Xô kiêu hãnh đã qua mặt được Mỹ trong lĩnh vực chinh phục không gian". Anne Marie Revol không gột tẩy những mảng tối trong cuộc đời và sự nghiệp của người hùng Gagarine.






No comments:

Post a Comment

View My Stats