Thursday, 19 April 2018

BẢN TIN TỐI 19-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Tàu cá Quảng Ngãi tố bị tàu chưa rõ lai lịch cướp tài sản ở ngư trường Hoàng Sa, theo báo Lao Động. Ngư dân Phùng Trung Thành, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá từ xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết: Ngày 1/4/2018, ông Thành cùng 7 thuyền viên rời bến ở đảo Lý Sơn ra khai thác rau câu chân vịt ở ngư trường Hoàng Sa thì gặp “tàu lạ”:
“Khoảng 11h trưa ngày 16/4, khi tàu đang khai thác rau Câu chân vịt tại khu vực sát đảo Bom Bay (Hoàng Sa) thì bất ngờ một chiếc tàu sơn màu trắng xuất hiện. Sau đó, tàu này thả xuồng cùng 7 người có vũ khí uy hiếp tàu cá”. Nhóm người này đã “cướp tài sản hơn một giờ đồng hồ mới chịu bỏ đi”.

Hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đá Vành Khăn, theo báo Người Lao Động. Khi được hỏi về phản ứng của chính quyền Việt Nam trước chuyện Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và tin từ truyền thông Philippines về 2 máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu:

“Các hoạt động ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị”. Vẫn không rõ chính quyền của bà Hằng dám làm gì để vô hiệu hóa những hành động “bất hợp pháp” đó, hay họ vẫn chỉ biết dùng “võ mồm” phản đối.


Bê bối ở báo Tuổi Trẻ
Vụ bê bối mà chúng tôi đã đưa tin trưa nay: Trưởng ban Truyền hình báo Tuổi Trẻ hiếp dâm Cộng tác viên? Một cộng tác viên bị Trưởng ban Truyền hình báo Tuổi Trẻ hiếp dâm, nạn nhân uất ức tự tử và đã đưa vào bệnh viện cấp cứu sáng sớm hôm nay.

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài khẳng định thông tin: Tuổi Trẻ tạm đình chỉ Trưởng phòng truyền hình do nghi xâm hại nữ Cộng tác viên. Bà Nguyễn Thị Hương, Ủy viên Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết, nữ nạn nhân “là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn”, đồng thời là CTV không thường xuyên của Báo Tuổi Trẻ.


Vũ “nhôm” và chính trường Đà Nẵng
Trang VietNamNet đưa tin: Tiết lộ ban đầu từ những bị can liên quan vụ Vũ ‘nhôm’. Ông Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở TN-MT, một trong các quan chức Đà Nẵng bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý đất công liên quan đến Vũ “nhôm”, khai rằng:

“Những dự án giao cho Vũ ‘nhôm’ thì TP có chủ trương và quyết định. Còn sở, ngành chỉ là đơn vị làm theo, hợp thức hóa thủ tục hành chính thôi”. Theo ông Điểu, các ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến mới là người cầm trịch trong các vụ hợp thức hóa, giúp Vũ “nhôm” thâu tóm đất công sản, còn ông Điểu chỉ là người thừa hành.  

Báo Người Lao Động có bài bình luận: Đồng tiền của Vũ “nhôm” thật đáng sợ. Bài viết phân tích: Quá trình Vũ “nhôm” thâu tóm đất công kéo dài hàng chục năm nhưng không bị phanh phui, bởi vì Vũ “nhôm” đã “dùng chính những đồng tiền bẩn đó để mua chuộc một số kẻ có chức quyền đứng ra che chắn, biến ông ta trở thành thế lực ‘hô mưa gọi gió’.”
“Nếu không phải vì tiền và vì được chống lưng, liệu Vũ ‘nhôm’ có được cái thế và lực đó không? Câu chuyện Vũ ‘nhôm’ từng chỉ thẳng mặt Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mà chửi khi vị này không làm theo ý của Vũ ‘nhôm’ đủ thấy cái uy của đối tượng này lớn đến cỡ nào”.

Trang Đời Sống và Pháp Luật đưa tin: Đà Nẵng kỷ luật 5 cán bộ chủ chốt. Ông Vũ Quang Hùng, GĐ Sở Xây dựng bị kỷ luật khiển trách vì sai phạm trong quản lý liên quan đến dự án Biển Tiên Sa, tổ hợp khách sạn, căn hộ Mường Thanh. Ông Lê Quang Nam, GĐ Sở TN-MT bị khiển trách do sai phạm liên quan đến dự án khu đô thị Đa Phước của Vũ “nhôm”.

Còn ông Trần Huy Đức, chánh thanh tra TP Đà Nẵng, bà Lê Thị Thu Hạnh phó GĐ Sở Ngoại vụ bị khiển trách vì đã tham gia ký tên tập thể vào văn bản có nội dung tố cáo, vi phạm quy định của BCHTƯ về những điều đảng viên không được làm. Ông Mai Đăng Hiếu cựu phó GĐ Sở Ngoại vụ bị cảnh cáo vì “hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp”.  

Báo Dân Việt bàn về tình trạng tham nhũng và lộng hành quyền lực. Về nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của các hiện tượng mafia đỏ trong chế độ CSVN, bài viết nhận định: “Tham nhũng và lộng hành quyền lực là hai mặt của tiêu cực chính trị, có mối liên hệ khăng khít, chặt chẽ với nhau; cái này làm bệ đỡ cho cái kia và ngược lại, cứ thế tuần hoàn và tồn tại”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Quốc hội không thể ‘êm ru’. Qua sự kiện Vũ “nhôm”, có thể thấy rõ hiện tượng cấu kết lợi ích không còn là “nhóm” nhỏ nữa, mà đã trở thành “tập đoàn”, có dấu hiệu mafia do các tướng soái điều hành. “Bên cạnh những hành vi cố ý làm trái, cố ý vi phạm pháp luật để trục lợi, còn có nguyên nhân do hệ thống chính sách chưa hoàn thiện, pháp luật còn nhiều kẽ hở và đặc biệt là công tác giám sát thực thi pháp luật còn lơ là”.



Tham nhũng đất đai
VOV đưa tin: Tham nhũng trong quản lý đất đai diễn ra ở nhiều địa phương. Tại cuộc họp bàn chuyện chống tham nhũng ở Bộ CT và Bộ TN-MT, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thừa nhận: “Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc. Công tác định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu quy định giá sát thị trường. Tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương”.

Công ty Quốc Cường Gia Lai suýt mua trót lọt 2 lô đất công giá bèo, theo báo Người Đưa Tin. Đó là “khu đất rộng 30ha tại khu dân cư Phước Kiển được công ty Tân Thuận” bán chỉ định cho công ty Quốc Cường với giá rất rẻ và “một mảnh đất đắc địa tại quận 7”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Công ty Quốc Cường Gia Lai đền bù đất cho dân như đi ‘từ thiện’?  Công ty này đã mua đất với giá rất rẻ nhưng vẫn chưa thể triển khai tổng thể dự án bởi “đang vướng hàng chục hộ dân do chưa thoả thuận được đền bù giải tỏa”. Một người dân chia sẻ:

“Gần 10 năm qua, người dân ở đây vướng phải dự án treo này khó khăn trăm bề, điện nước cũng không có để sử dụng. Người dân phải nối nước từ các hộ dân khác cách đó hàng trăm mét để sử dụng và trả tiền nước cao gấp ba lần giá quy định của nhà nước”.

Cơ quan điều tra huyện Krông Nô, Đắk Nông vừa bắt nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện nhận tiền hối lộ, theo VTC. Ông Đặng Văn Thanh “đã nhận 50 triệu đồng của người dân để thỏa hiệp về vấn đề đền bù, hỗ trợ thu hồi đất”, trong quá trình “thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện công trình chống sạt lở hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah”.


Lừa đảo để hưởng BHXH
Chuyện ở huyện La Grai, Gia Lai: Cán bộ bảo hiểm, tư pháp ‘bắt tay’ lừa đảo, làm giả giấy tờ, theo VietNamNet. Công an tỉnh Gia Lai xác nhận rằng họ đã tạm giam và tiến hành khởi tố ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ BHXH huyện Ia Grai và bà Đậu Thị Hồng Lương, cán bộ Tư pháp xã Ia Pếch để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả giấy tờ, tài liệu cơ quan, tổ chức”.

Theo đó, một nhóm công nhân của một công ty cà phê đóng BHXH đủ thời hiệu nhưng chưa đến tuổi về hưu, vì muốn được nhận chế độ hưu sớm nên đã nhờ bà Lương, ông Dũng làm lại giấy tờ để hưởng chế độ BHXH từ năm 2014 đến nay.


Chuyện thuế, phí
Người dân Việt Nam đang gánh mức thuế, phí lên đến 32% GDP, cao gấp 1,4 – 3 lần các nước trong khu vực, cho dù thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực. Báo Công luận có bài viết: Thuế phí và phép khoan thử sức dân.

Về đề xuất tận thu bất nhân của chính quyền CSVN, báo Pháp luật TP đặt câu hỏi xót xa: Sao nỡ đánh thuế tài sản người nghèo, đang thiếu nợ? Thuế tài sản đối với nhà ở sẽ đánh trực tiếp vào những người có thu nhập thấp, những người vay nợ để mua nhà. Thuế tài sản chỉ chăm chăm nhìn vào túi tiền của dân để bù đắp thâm thủng ngân sách mà không nghĩ đến gánh nặng của dân.

Báo Đất Việt có bài: Phát hành trái phiếu quốc tế: Khó lạc quan… Việt Nam đang dự định vay quốc tế 100 triệu USD bằng hình thức phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng Việt Nam. Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín đánh giá mức độ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam rất thấp, nên sẽ phải trả lãi vay cao. Hơn nữa, đồng tiền VN không có tính quốc tế, rất khó tìm đối tác dám mua trái phiếu. Ngoài ra việc vay mượn này còn tác động xấu đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Các khoản nợ quốc tế sẽ đáo hạn trong 1 đến 2 năm tới, nhưng ngân sách bị thâm thủng đến mức gần như mất kiểm soát. Chính quyền đang tìm mọi cách để tăng thu thuế và vay nước ngoài để trả nợ, cứu nguy chính phủ.


Tận thu khắp nơi
Chuyện lạ ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa: Oái oăm đóng phí chăn thả trâu, bò 100.000 đồng/con/năm, theo báo Thanh Niên. Người dân ở đây không những phải đóng “phí chăn nuôi”, mà còn “phải nộp tiền đặt cọc cao nhất đến 2 triệu đồng”. Người dân phản ánh rằng từ năm 2017, sau khi chuyển đổi hình thức hoạt động, HTX Minh Anh “đã đề ra nhiều khoản thu, khoản phí vô lý”.

Một nông dân kể: “Chăn thả trâu bò ngoài đồng, không thuộc đất của cá nhân nào, thậm chí là chính bờ ruộng của chúng tôi mà lại phải đóng phí thì có bất công không. Nhưng nếu không nộp hợp tác xã cấm không cho chăn dắt, trâu bò không có thức ăn để sống”.

Để phê phán chế độ thực dân Pháp, ông Hồ từng viết“Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng”. Nhưng những người kế tục sự nghiệp ông Hồ liên tiếp tạo thêm những thứ thuế, phí rất vô lý, theo đúng cách làm của thực dân Pháp mà họ từng đánh đổ.

Các nhà hoạt động phản đối việc thu thuế bằng những câu nói trong Tuyên ngôn Độc lập của ông Hồ. Ảnh: Internet

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Chủ tịch TP Thanh Hóa lên tiếng vụ trâu bò ăn cỏ phải đóng phí. Trả lời PV về vụ nông dân ở xã Thiệu Dương phải đóng “phí chăn nuôi” trâu, bò, ông Lê Anh Xuân cho biết: “Quan điểm của TP Thanh Hóa là phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành và sự việc sai đến đâu thì phải xử lý nghiêm đến đó”. Vấn đề là sai phạm diễn ra từ năm 2017 đến nay, nhưng chỉ đến khi báo chí vào cuộc, thì lãnh đạo TP Thanh Hóa mới thấy “sự việc sai đến đâu thì phải xử lý nghiêm”.


Thực phẩm bẩn giết người Việt
Báo Môi trường và Cuộc sống có bài viết Nhức nhối vấn nạn thực phẩm bẩn. Hai vụ việc thuốc từ than tre và cà phê tẩm pin chỉ là con số nhỏ trong hàng chục vụ từ đầu năm đến nay. Thực phẩm bẩn tồn tại hàng chục năm qua và mức độ càng tinh vi, nguy hiểm. Số số tiền khổng lồ chi cho bộ máy chính quyền, nhưng thuốc giả, thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại vẫn ngang nhiên vận chuyển, mua bán. Rõ ràng, nguyên nhân do “tính không nghiêm pháp luật, tham nhũng trong hệ thống công quyền”.

Tiếp tục thông tin về vụ cà phê pin, Hơn 3 tấn cà phê trộn lõi pin đã được bán ở Bình Phước, theo Zing. Theo lời khai của chủ cơ sở, 2 container cà phê pin đã được bán ra thị trường, trong đó có 3 tấn bán cho các đại lý ở Bình Phước. Hiện tại, chính quyền VN đang tích cực “dọn dẹp” vụ lùm xùm để tránh gây hoang mang trong dân.

Chủ cơ sở nhuộm cà phê bằng pin khai báo quanh co, báo Lao Động đưa tin. Với hành vi giết người hàng loạt bằng thực phẩm, nhưng chủ cơ sở sản xuất vẫn không nhận tội, mà còn chối cãi quanh co. Nhiều luật sư cho rằng, hành vi trên “có thể đã đủ để xử lý hình sự”.

Giáo dục Việt Nam
Đã có kết quả xác minh ban đầu vụ Hiệu trưởng bị tố “ép” giáo viên phá thai, báo Giáo dục Việt Nam đưa tin. Nữ hiệu trưởng ép giáo viên phá thai để đạt thành tích đã nhận tội, sau thời gian quyết liệt chối tội. Cơ quan chức năng còn xác nhận các tố cáo khác là chính xác: giáo viên làm việc cả thứ 7, chủ nhật, thậm chí đến 20h-21h mà không có tiền làm ngoài giờ; hiệu trưởng chửi bới và có lời lẽ xúc phạm các giáo viên trong trường; thu chi tiền bất minh.

Trang VietNamNet đưa tin: Luân chuyển hiệu trưởng đánh giáo viên vì “không chịu đi nhậu”. Ngành giáo dục tỉnh Kon Tum vừa đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách, chuyển công tác đối với hiệu trưởng chửi bới, xúc phạm và đánh giáo viên vì không đi nhậu cùng. Mặt khác, chính quyền Kon Tum “đang xác minh, kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với ông Nguyễn Văn Nam (giáo viên, người tố cáo ông Hải).” Việc “đánh” ngược lại người tố cáo để dằn mặt không còn quá xa lạ trong chính quyền CSVN.


Ô nhiễm môi trường
Báo Người Việt đưa tin: Cả triệu cư dân Vũng Tàu dùng nước sinh hoạt từ… trại heo. Theo thống kê, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 1600 trang trại chăn nuôi heo. Mặc dù số lượng trại heo lớn nhưng vấn đề bảo vệ môi trường bị chính quyền bỏ mặc. Nước thải của cả ngàn trại nuôi heo này hàng ngày xả thẳng ra ao, hồ, kể cả những hồ đang cấp nước sinh hoạt.

Báo Môi Trường và Đô Thị có phóng sự: Làng giấy Phong Khê-Bắc Ninh: Lựa chọn kinh tế hay môi trường? Ngôi làng được mô tả: “Cả trăm ống khói trọc trời đang nhả khói, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, rác, giấy vụn, củi chất đống, mùi khét, mùi hôi bao phủ”.

Nhịp độ sản xuất nhộn nhịp, hàng hóa chất cao ngất, xe ô tô chở hàng ra vào liên tục. Hệ quả của việc phát triển sản xuất đánh đối môi trường là sức khỏe của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số ca mắc ung thư và tử vong vì ung thư đang gia tăng.


***

Tin thế giới

Tin nước Mỹ
Về Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nhân vật thân cận với Tổng thống Mỹ, dính bê bối tham nhũng và lạm công quỹ, bị kêu gọi từ chức: 170 nhà lập pháp ký nghị quyết kêu gọi Pruitt từ chức, Cali Today đưa tin.

131 Dân biểu và 39 Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã ký vào một nghị quyết, yêu cầu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA Scott Pruitt, phải từ chức. Nghị quyết này nói, “những người đồng ký tên không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Scott Pruitt trong cơ quan liên bang EPA nữa và họ yêu cầu ông phải từ chức ngay lập tức“.

VOA có bài: Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ bị phe Dân chủ chống đối. Giám đốc CIA Mike Pompeo là người được TT Trump bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ, thay thế ông Tillerson, không được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ủng hộ. Thành viên ủy ban này là Thượng nghị sĩ Robert Menendez, chỉ trích ông Pompeo, nhất là chuyện ông ta không tiết lộ chuyến đi tới Bắc Hàn khi gặp các nhà lập pháp.

Ông Menendez nói: “Tôi tin rằng nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước chúng ta phải thẳng thắn, và quan trọng hơn là những quan điểm trước đây của ông ấy không phản ánh những giá trị của đất nước chúng ta và không thể chấp nhận được đối với nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước“.

Vụ chế tài Nga, báo chí Nga: Mỹ báo với Moscow không có chế tài mới. Thông tấn TASS của Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga nói rằng: “Tôi có thể khẳng định rằng Mỹ đã thông báo với đại sứ quán Nga rằng hiện sẽ không có chế tài mới“.

Cũng chuyện chế tài Nga, hôm Chủ Nhật vừa qua, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ, nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS rằng, Mỹ sẽ có thêm lệnh trừng phạt Nga, thế nhưng tổng thống Mỹ quyết định không trừng phạt thêm. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng nói bà Haley lẫn lộn và đi trật lề, nhưng bà Haley đáp trả lại rằng, bà không hề lẫn lộn.

Như vậy là ông Trump đã thay đổi quan điểm về chuyện trừng phạt Nga cuối tuần qua, nhưng Nhà Trắng không cập nhật thông tin cho bà Haley, nên xảy ra chuyện Nhà Trắng và Đại sứ LHQ đưa tin trái ngược nhau. Bà Haley đã phản ứng công khai, với những gì đã xảy ra, người ta lo ngại, bà sẽ cùng chung số phận với Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, bị sa thải đột ngột.













No comments:

Post a Comment

View My Stats