Friday, 13 April 2018

BẢN TIN TỐI 13-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Tập Cận Bình bất ngờ ra Biển Đông thị sát cuộc duyệt binh hải quân. Về các con số xung quanh cuộc tập hải quân quy mô nhất từ trước tới nay của Trung Quốc trên Biển Đông, hãng tin AP cho biết: “Cuộc duyệt binh huy động hơn 10 ngàn quân, cùng với 48 chiến hạm và tàu ngầm, 76 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Một cuộc duyệt binh hải quân được mô tả là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc”.

Bằng giọng “cướp biển”, ông Tống Trung Bình, cựu sĩ quan tên lửa chiến lược Trung Quốc bình luận: “Cuộc duyệt binh gần Tam Á trên Biển Đông cũng thể hiện quyết tâm của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trong vùng tranh chấp”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Đại sứ quán Trung Quốc họp báo, trả lời về hợp tác Vành đai con đường. Về vấn đề Biển Đông, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, bà Doãn Hải Hồng cho biết: “Trung Quốc có chính sách rõ ràng về vấn đề trên biển, kiên trì đối thoại, hiệp thương, mong muốn giải quyết với những quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp, phản đối một số bên liên quan có những hành động làm phức tạp tình hình trên biển”. Chính quyền Trung Quốc vẫn “nói một đằng, làm một nẻo” vì chính họ đang làm “phức tạp tình hình”, thậm chí đe dọa quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bằng các cuộc tập trận.


Vụ thanh tra ở Phú Quốc
Bài thứ 4 trong loạt bài trên báo Dân Trí về chuyện “Đảo ngọc” Phú Quốc bị “băm nát”: Hàng loạt “điệp khúc” kiểm điểm, rút kinh nghiệm! Sai phạm, đút tiền vào túi rồi kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đó là “đặc sản” của quan chức CSVN. “Dù chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai tại Phú Quốc nhưng Thanh tra tỉnh Kiên Giang chỉ kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan”.

Vụ thanh tra về sai phạm đất đai ở Phú Quốc vẫn tiếp diễn. Dù cuộc thanh tra này thật sự chỉ hướng đến vấn đề đất đai, hay còn vì dụng ý gì khác, thì huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang vẫn là một trong các “hậu cứ” của gia đình “đồng chí X”. Bác Tổng lại có tiếng “nhặt củ” từ những tình tiết rất nhỏ, điển hình là vụ cả đường dây lãnh đạo PVN “vào lò” chỉ từ điểm xuất phát là chiếc xe Lexus biển xanh của Trịnh Xuân Thanh.


Chuyện chống tham nhũng
Trang Giáo Dục và Thời Đại bàn về tài sản không chứng minh được nguồn gốc: Không thể bao biện. Bài viết trình bày ý kiến: Các cán bộ, công chức nhà nước với số liệu tiền lương, thưởng, chỉ khoảng vài trăm triệu mỗi năm mà lại sở hữu khối tài sản “lên đến hàng chục, hành trăm tỉ đồng thì không thể biện hộ! Đối với những trường hợp này, việc xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản bất minh là không quá khó”.

Trang Đại Đoàn Kết có bài: Giấu giàu. Về chuyện quan chức khai “nghèo”, bài viết phân tích: “Những khối tài sản kếch xù là nhà, đất, vàng, đô la gửi ngân hàng làm sao có thể giấu khi có sự kiểm tra, giám sát? Chính vì lâu nay việc kê khai vẫn còn hình thức, muốn khai thế nào cũng được, không có bất kỳ sự xác minh nào nên mới có chuyện giàu khai thành nghèo”. Quan chức CSVN nếu có chỗ nghèo thì chỉ nghèo lương tâm.

Trước đó, báo Một Thế Giới có bài: Một thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát và đúng lúc từ Tổng bí thư. Thông điệp đó là: “Làm đến nơi đến chốn những vụ tiêu cực trong bộ máy công an nhân dân, quân đội nhân dân (vụ Út ‘trọc’ có thể chỉ là một vụ trong số đó đã được công khai) thì dù có đau đến mấy cũng rất cần thiết phải ‘trảm’, không thể khác, bởi vì đó chính là những lực lượng bảo vệ nhà nước, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ”.

Bên cạnh đó, Facebooker Lê Hồng Hà đặt câu hỏi: Có hay không, bảo kê ở thượng tầng? Bài viết bàn về nhân vật trong bóng tối đã bảo kê cho một loạt mafia như Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”, Trần Đăng Khoa, tức Khoa Keanamg, Lê Trung Hưng, tức Hưng “Tano”.


Sai phạm của Thanh tra Chính phủ
Hôm nay, Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ tố cáo về ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ III của TTCP, theo báo Pháp Luật TP HCM. Trước đó, Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã gửi 2 văn bản đến Tổng TTCP, “truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc xác minh đơn tố cáo liên quan đến ông Mẫn. Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa giải quyết dứt điểm”.

Bài báo cho biết: “Nội dung tố cáo liên quan đến thời điểm ông Nguyễn Minh Mẫn làm trưởng đoàn thanh tra tại ĐH Quốc gia Hà Nội”. Cuộc thanh tra đã phát hiện sai phạm đến cả tỉ đồng, nhưng Thanh tra Chính phủ lại quyết định “không kiến nghị xử lý kinh tế”.

Cố ý làm trái
Chuyện ở xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, Hải Dương: Công an vào cuộc vụ Bí thư Đảng ủy xã rút 192 triệu đồng tiền hỗ trợ của người dân, theo báo Người Đưa Tin. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch xã Phạm Mệnh, xác nhận rằng: Lúc còn làm Chủ tịch UBND xã, ông Dương Văn Mẫn “đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền hỗ trợ người trồng lúa trong giai đoạn 2014-2015”.

Trong lúc giải trình, ông Mẫn kể rằng giai đoạn 2010 – 2015, ông đã “chỉ đạo bộ phận chuyên môn rút tiền hỗ trợ cho người trồng lúa năm 2014 và 2015 theo Nghị định 42/2012 của Chính phủ tại kho bạc Nhà nước huyện Kinh Môn”.

Ở Bạc Liêu: Vi phạm tài chính, hàng loạt cán bộ huyện Vĩnh Lợi bị kỷ luật, báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin. UBKT Tỉnh uỷ Bạc Liêu xác nhận: Nhiều cán bộ huyện Vĩnh Lợi, trong đó có ông Trần Văn Út, cựu Bí thư huyện, vừa bị kỷ luật vì sử dụng ngân sách sai mục đích.

Bài báo cho biết: Ông Út và các đồng phạm đã để xảy ra “sai phạm liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, sửa đổi quy chế làm việc, bỏ chế độ báo cáo tài chính Đảng dẫn đến thất thoát hơn 1 tỉ đồng sử dụng chi xài, làm quà biếu”.

Hiện tượng “lạm phát”… lãnh đạo ở Lâm Đồng: Hơn 81% công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Sở Tư pháp Lâm Đồng, theo báo Thanh Niên. Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác nhận rằng tại Sở Tư pháp tỉnh này, “công chức giữ vai trò lãnh đạo, quản lý là 26, chiếm tỷ lệ đến 81,25% trong tổng số công chức của Sở và chiếm tỷ lệ 63,4% trong tổng số công chức, người lao động đang làm việc tại Sở”.


Công an “nhân dân”
Ngày 19 và 20/4/2018, TAND TP HCM sẽ xử vụ nhiều CSGT bảo kê cho đường dây bán logo ‘xe vua’,  theo VietNamNet. Vụ này liên quan đến đường dây mua bán logo “xe vua” do các bị cáo Nguyễn Văn Thới và Lê Thị Cẩm Vân tổ chức. Nhóm của Thới đã cộng tác với “một Đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai”. Trong tháng 4/2015, viên phó Phòng CSGT tỉnh này đã nhận 300 triệu để bảo kê cho các xe có logo “xe vua”.

Cáo trạng vụ này cho biết: Thới và các đồng phạm đã “đưa hối lộ cho 62 cán bộ của đội, trạm trong lực lượng CSGT Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. CQĐT đã lấy lời khai của 62 người này nhưng họ đều khai không nhận tiền”.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Chủ tịch huyện nói gì vụ trưởng công an xã hành hung phóng viên? Vụ 2 phóng viên báo Khánh Hòa bị ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, hành hung trong lúc đang tìm hiểu tình hình “quặng tặc” ở địa phương, ông Nguyễn Văn Đồng Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết:

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc và xin lỗi 2 phóng viên Báo Khánh Hòa vì để xảy ra tình trạng hành hung như vừa qua. Huyện đang chờ kết luận chính thức của Công an tỉnh để xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan trong vụ việc”.


Kinh tế và đất nước thời “tận thu”
Trong tình hình ngân sách lâm nguy, gánh nặng nợ công dồn dập, hàng hoạt thứ thuế đang được chế độ CSVN nghĩ ra. Báo Dân trí đưa tin: Dự kiến đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng, ngân sách thu thêm 1,5 tỷ USD. Bộ tài chính đang thảo luận về việc đánh thuế sở hữu nhà, đất. Mức tiền của tài sản phải chịu thuế đươc đưa ra là 700 triệu đồng. Nếu đúng như đề xuất ngưỡng phải chịu thuế là 700 triệu đồng và mức thuế suất 0,4%, chính quyền dự kiến thu về khoảng 31.000 tỷ đồng.

Ngoài đề xuất đánh thuế nhà, chung cư, Bộ Tài chính còn nhắm đến du thuyền và ô tô tiền tỉ. Báo Lao động có bài Đề xuất đánh thuế nhà, chung cư, ôtô tiền tỉĐối với tài sản là tàu bay, du thuyền, ôtô, Bộ đưa ra 2 phương án gồm đánh thuế tài sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên (với mức 0,4%) hoặc không đánh thuế những tài sản này. Tuy nhiên, khả năng chắc chắn là vẫn sẽ đánh thuế để bổ sung cho ngân sách đang cạn kiệt.

Giai đoạn dân số vàng của nước Việt Nam sắp kết thúc, sau hơn 40 năm cộng sản cầm quyền, năng suất lao động Việt Nam càng ngày càng bị các nước bỏ xa. Dân trí có bài: Năng suất lao động của Việt Nam còn thua xa Singapore, Trung Quốc. Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thua xa so với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác và vẫn rất thấp so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%).

Năng suất lao động Việt Nam cũng rất thấp so với khu vực “năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% năng suất lao động của Philippines”.


Bê bối ngành y
Vụ thuốc chữa ung thư giả, báo VTC có bài phỏng vấn: Rùng mình lời kể của người được thuê đóng than tre thành thuốc chữa ung thư. Người này cho biết “công nghệ đơn giản lắm, có túi bột than, người ta mua vỏ nhộng để vào bàn, cho than vào gạt bằng phẳng và lắp vào thành ra viên thuốc thôi’, ‘già trẻ gái trai làm được hết, chỉ ngồi đóng thuốc thôi”

Cùng vụ việc trên, Vietnamnet thông tin Thuốc trị ung thư từ than tre: Rút phép, chuyển hồ sơ sang công an. Cụ thể, Sở Y tế Hải Phòng vừa yêu cầu thu hồi các sản phẩm chế từ bột than tre của công ty Vinaca. Công ty đốt than để làm thuốc giả cũng bị rút giấy phép, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.

Báo Lao động đưa tin Gia hạn điều tra đối với nguyên Giám đốc Sở Y tế Long AnThời gian điều tra gia hạn đến tháng 8 năm 2018. Nguyên giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sai phạm trên liên quan đến việc lắp đặt camera tại các công trình sủa Sở Y tế. Giám đốc sở đã đồng ý điều chỉnh hợp đồng cung cấp thiết bị có xuất xứ Nhật Bản sang xuất xứ Trung Quốc. Giúp công ty trúng thầu hưởng hơn 700 triệu đồng tiền chênh lệch.

Sau khi báo chí đưa tin về nạn buôn thận trái luật, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương xác minh nạn buôn bán thậnZing cho biết. Cụ thể, “Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẩn trương xác minh thông tin nêu trên; Công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Dân trí đưa tin: Học sinh lớp 1 bị thầy giáo đấm vào mặt, phải nhập việnHọc sinh này đã bị ông Hà (giáo viên) nhéo tai rồi đấm thẳng vào mặt khiến máu chảy. Mẹ của em học sinh cho biết “Tôi vô cùng xót xa khi có một thầy giáo lại hành động hết sức côn đồ như vậy, con tôi còn quá nhỏ vậy mà họ nỡ đánh dã man. Hiện vết thương của con trai tôi đã đỡ nhiều nhưng tinh thần cháu lại hoảng loạn và nhất quyết không chịu đến trường nữa”.

Bạo lục học đường ngày càng nghiêm trọng, báo Công lý đưa tin: Nhóm nữ sinh lớp 12 mang tuýp sắt, bình hơi cay chặn đánh bạn nhập viện. Sau khi tan học, một nữ sinh lớp 12. bị 3 nữ sinh khác dùng tuýp sắt, bình xịt hơi cay đã thủ sẵn, chặn đánh gãy xương bàn tay, phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân dẫn đến hành động côn đồ đó chỉ đơn giản là do xích mích.

Báo Công luận có bài dài phân tích: Nhìn từ sự việc nam sinh nhảy lầu tự tử: Áp lực đè lên vai các con là quá lớn!. Một nền giáo dục mục ruỗng, chú trọng điểm số và thành tích dẫn đến nhiều hệ lụy cho học sinh “Thay vì việc đánh giá học sinh chỉ để phân loại và hiểu rõ đặc điểm nhận thức của các em nhằm đưa ra phương pháp giảng dạy hoặc để định hướng các em có cách học tập phù hợp; nhiều trường lại đánh giá học sinh quá nặng nề, gắt gao.

Dân trí tiếp tục đưa tin vụ cô giáo tố bị hiệu trưởng xúc phạm vì không phá thai: Thêm nhiều GV tố hiệu trưởngGiáo viên trường đồng loạt tố cáo bà hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền. Những việc không đúng quy định bị giáo viên ý kiến thì hiệu trưởng trường này không nghe mà còn làm lớn chuyện, đe dọa. Hiệu trường này tiếp nhận số trẻ vượt quá khả năng cơ sở vật chất của trường, nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Ngoài ra, Hiệu trưởng còn bị tố cáo mập mờ trong việc thu tiền xã hội hóa, chế độ phụ cấp cho giáo viên.
Lạm thu hơn 1 tỷ đồng, Hiệu trưởng vẫn được đánh giá tốt và tái bổ nhiệm chức vụ, báo Dân trí có bài: Hiệu trưởng bị buộc trả lại tiền tỷ nhưng chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệmcho thấy chuyện thật như đùa. Hiệu trưởng trường tiểu học Hải Bối (Hà Nôi) đã thu trái quy định, vượt hơn 1 tỷ đồng của phụ huynh. Sự việc được phát hiện và buộc phải trả tiền lại. Tuy nhiên, ông hiệu trưởng không hề bị xử lý mà chỉ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Báo Lao động đưa tin: Cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng bị cảnh cáo và đình chỉ dạy họcTrường THPT Long Thới đã ra quyết định cảnh cáo, đình chỉ dạy đối với cô giáo trên đến hết năm học 2017-2018. Nhà trường cũng cho biết, sang năm học sau, sẽ xem xét bố trí vị trí công tác thích hợp cho cô này. Trước đó, học sinh Phạm Song Toàn (là người tố cáo), đã phải chuyển trường vì áp lực từ phía nhà trường và giáo viên.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Trước dư luận Trường Nguyễn Khuyến như trại lính, hiệu trưởng nói gì? Nhiều phụ huynh cho biết, áp lực học tập tại trường Nguyễn Khuyến là rất lớn, chương trình học nặng, thời khóa biểu dày đặt “Mỗi buổi tối, học sinh trường Nguyễn Khuyến phải làm nhiều bài tập của giáo viên bộ môn và cả quản nhiệm. Các kỳ thi cũng nối đuôi nhau, cứ cách tuần lại có bài kiểm tra đánh giá”.

Liên quan đến dư luận trường Nguyễn Khuyến chạy theo thành tích, áp dụng “kỷ luật thép”, Hiệu trưởng trường này phủ nhận thông tin trên. Nhiều thắc mắc như thời khóa biểu dày đặt, kỷ luật học sinh hà khắc… vị hiệu trưởng cũng phủ nhận ý kiến tiêu cực và cho rằng kỷ luật sẽ giúp học sinh tiến bộ hơn..


Ô nhiễm môi trường

Thanh Hóa: Rừng phòng hộ ven biển bị rác bủa vâybáo Công lý đưa tin. Mỗi lần thủy triều lên là rác từ biển, cửa sông tràn ngập rừng phòng hộ. Các rác thải như: túi ni lon, chăn, vải vóc…các loại rác khác nhau mắc chặt vào cành cây, và cả ở ngọn các cây Sú, Vẹt. Rác còn tràn ngập khắp bờ kè rừng phòng hộ. Tình trạng trên tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền không giải quyết.

Thanh Hóa: Dang dở dự án nước sạch nằm cạnh kho thuốc trừ sâu, theo Dân trí. Khu vực xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy bị ô nhiễm nghiêm trọng do trước đó chính quyền để cho một công ty chôn lấp thuốc bảo vệ thực vật trái quy định. Hệ quả, từ khi ô nhiễm, xã này có đến 144 người chết bị bệnh ung thư, 1.243 người mắc các bệnh hiểm nghèo khác.

Đầu tư gần 100 tỷ đồng cho dự án nước sạch phục vụ người dân, tuy nhiên, dự án bị bỏ dỡ giữa chừng. Người dân tiếp tục sử dụng nước giếng ô nhiễm không biết đến khi nào.

Báo Môi trường và Đô thị đưa tin Nước thải sinh hoạt đang biến sông Cầu Đá thành ‘dòng sông chết’? Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ven sông Cầu Đá (Hà Nội) sống chung với dòng sông nước đen bốc mùi hôi thối. Nhiều đoạn sông đầy rác thải, nước nổi bọt trắng xóa. Chưa có giải pháp khả thi nào được chính quyền địa phương đưa ra. Người dân vẫn sống chung ô nhiễm không biết đến bao giờ.


“Cát tặc” lộng hành
Chuyện ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội: “Cát tặc” ngang nhiên đục khoét sông Đuống, theo trang Nhà Báo và Công Luận. Một người dân địa phương cho biết: “Tàu thuyền lũ lượt kéo đến rồi con tàu nào hút đầy trước lại đi trước. Tàu to có, nhỏ có; hoạt động một cách ngang nhiên thậm chí có cả ban ngày… Dân đuổi, ném gạch, ném đá thì chúng nó ra giữa sông hút, đầy rồi thì nó bỏ chạy”.

Về hiện tượng sạt lở đất xung quanh sông Đuống, một người dân kể: “Trước đây cánh đồng bãi này còn ra lòng sông đến 15-20 mét. Từ ngày tàu hút cát nó đến đất đai cứ sạt lở dần; đuổi chúng nó ban ngày thì nó hút đêm, làm sao mà suốt đêm đi canh chúng nó được. Chú ra mép sông thì thấy nó lở nhiều như thế nào đấy”.

Sau hàng chục năm cát tặc hoành hành, đến nỗi thay đổi dòng chảy, sạt lở, biến đổi hình thái đất đai, đến nay quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông mới được bộ TN-MT soạn thảo, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Dự thao đưa ra quy hoạch tổng thể về tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông.


Cán bộ tiếp tay lâm tặc phá rừng
Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Kon Tum: Có khuất tất khi vận chuyển gỗ tang vật ra khỏi rừng? Ngày 13/4/2018, một cán bộ UBND huyện Đắk Tô, Kon Tum thông tin cho biết cơ quan này vừa phát hiện vụ Công ty lâm nghiệp Đắk Tô “có hành vi khuất tất trong quá trình vận chuyển gỗ tang vật ra khỏi rừng”.

Công ty này được giao “vận chuyển số lượng lớn gỗ tang vật tại tiểu khu 274, 275 xã Đắk Rơ Nga đưa về bãi tập kết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đơn vị này kẹp thêm 84m³ gỗ không rõ nguồn gốc đưa trót lọt ra khỏi rừng”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi vụ Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam viết tâm thư cho kiểm lâm: Bất lực với nạn phá rừng? Bài viết nhận định: “Tâm thư để đánh thức lương tâm, đáng gửi, cũng không chỉ mỗi lực lượng kiểm lâm! Bởi ‘một số đồng chí đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị lâm tặc mua chuộc’ chỉ là một mắt xích trong chuỗi phá rừng!”


“Phố Tàu, nước Nga” ở Việt Nam
Báo Văn Hóa đặt câu hỏi về hiện tượng “loạn” biển hiệu, quảng cáo chữ nước ngoài ở Nha Trang (Khánh Hòa): Xã, phường, thành phố và Sở ở đâu? Bài báo cho biết: Trong cuộc thanh tra của lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa ở TP Nha Trang, ngày 11/4/2018, nhiều chủ cửa tiệm chuyên phục vụ khách Trung Quốc, khách Nga không hiểu chỗ sai của họ khi làm biển hiệu… toàn tiếng Trung Quốc, tiếng Nga.

Ông Phạm Đức Hùng, Phó chánh thanh tra Sở VHTT, cho biết: “Có những biển hiệu, bảng quảng cáo không có tiếng Việt, niêm yết mặt hàng, giá cả cũng viết hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài là quá sai”. Những chủ cửa hàng ở đây không hiểu rằng họ đang vô tình tiếp tay cho người nước ngoài “xâm lăng” vào văn hóa, thậm chí là lãnh thổ Việt Nam bằng con đường không tiếng súng.   


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Về cuốn hồi ký hấp dẫn sẽ ra mắt ngày 17/4 sắp tới: “Sự trung thành cao hơn: Sự thật, dối trá và lãnh đạo“, của cựu Giám đốc FBI James Comey, là người đã bị ông Trump sa thải hồi tháng 5/2017, báo New York Times có bài: James Comey kể một câu chuyện rất thuyết phục.

Trong sách, ông Comey gọi nhiệm kỳ tổng thống Trump là “lửa rừng” vì nó đang hủy hoại nghiêm trọng các chuẩn mực và truyền thống của nước Mỹ. Ông Comey viết: “Tổng thống này không có đạo đức, không bị trói buộc bởi sự thật và các giá trị thể chế. Sự lãnh đạo của ông ta chỉ là giao dịch mua bán, hướng về cái tôi của ông ta và về sự trung thành cá nhân“.








***







No comments:

Post a Comment

View My Stats