Friday, 20 April 2018

BẢN TIN SÁNG 20-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Về thông tin tàu cá QNg 96355 của ông Phùng Trung Thành ở Quảng Ngãi bị cướp trưa 16/4, hầu hết các báo đều đưa tin, thủ phạm là “tàu lạ“, hay “tàu nước ngoài”. Chỉ có báo Pháp Luật TPHCM gọi đúng tên là tàu Trung Quốc: Một tàu ghi chữ Trung Quốc sơn màu trắng, thả xuồng cùng bảy người với đầy đủ vũ khí uy hiếp tàu cá Việt Nam. Rõ ràng là tàu không “lạ”, mà chỉ có sự hèn hạ của những người đưa tin.

Những ngư dân khốn khổ trên còn tàu VN bị TQ cướp bóc. Ảnh: PLTP

Báo Thanh Niên đưa tin: Tàu cá Trung Quốc tăng đột biến ở Trường Sa. Trong chuyến công tác đến Trường Sa giữa tháng 4/2018, PV báo Thanh Niên ghi nhận “hàng chục tàu cá Trung Quốc các loại tập trung xung quanh căn cứ mà họ xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ của Việt Nam”

Bên cạnh đó, “căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn”.

VOA viết: Tin nói 3 tàu chiến Úc bị quân đội TQ thách thức ở Biển Đông. Đài ABC của Úc cho biết: Các tàu HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success trong khi đang trên đường đến Việt Nam để thăm Sài Gòn trong 3 ngày thì gặp phải các tàu của hải quân Trung Quốc. Một quan chức quốc phòng Úc nói, “các trao đổi giữa Trung Quốc và Úc là lịch sự nhưng ‘mạnh mẽ’.

Vụ Vũ “nhôm”
Báo Người Tiêu Dùng có bài: Tiết lộ bất ngờ về việc ông Bá Thanh cùng 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng “dính líu” đến Vũ ‘nhôm’. Ông Nguyễn Điểu, cựu GĐ Sở TN-MT cho biết: “Nhiều hôm trước tôi đã phải lên làm việc với công an rồi. Chủ yếu họ hỏi về những dự án và tài sản công đã bán cho Vũ ‘nhôm’ thời kỳ trước năm 2013. Thời đó, anh Thanh chỉ đạo thì phải làm. Bây giờ công an lật lại điều tra thì mình phải chịu”.

Ông Điểu nói thêm: “Thời tôi làm Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường chủ yếu phải thực hiện theo lệnh của anh Thanh… để hợp thức hóa các thủ tục mua bán. Còn anh Trần Văn Minh và anh Văn Hữu Chiến là người trực tiếp ra các quyết định giao đất”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Ông Trần Văn Minh và những sai phạm ở dự án Đa Phước. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất “căn cứ vào quy định tại biên bản thỏa thuận nguyên tắc được ông Minh… ký với Công ty TNHH Daewon Cantavil vào ngày 16-11-2006 với đơn giá là 300.000 đồng/m2”.

Tuy nhiên, giá đất được thỏa thuận giữa UBND TP Đà Nẵng với Công ty TNHH Daewon Cantavil là “trái với quy định pháp luật… gây thất thoát cho ngân sách, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đầu cơ đất đai, lợi ích nhóm”.


Thị trường chứng khoán
Chính trường Việt Nam chao đảo, dẫn tới sự bất ổn về kinh tế.Trang Sài Gòn Báo viết: Thị trường chứng khoán Việt Nam tràn ngập sắc đỏ vì những thông tin nhạy cảm chính trị. Theo đó, “các nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đang rúng động trong phiên giao dịch hôm nay, khi giá trị vốn hóa của cả hai sàn niêm yết ước tính đã bị bốc hơi hơn 130.000 tỷ đồng”, sau khi chỉ số VN-Index rớt khoảng 100 điểm.

Nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào cơn khủng hoảng: “Những thông tin nhạy cảm chính trị nội tại và sức ép rút tỷ lệ margin về 40% cũng khiến cho giới đầu tư lo sợ và bán tháo nhằm tránh một kịch bản khó lường ở phía trước”.

BBC đặt câu hỏi về chứng khoán VN: ‘Hạ sốt hay hoảng loạn’? Bài báo cho rằng, Việt Nam là thị trường chứng khoán có diễn biến xấu nhất Châu Á trong phiên giao dịch ngày 19/4/2018. “Thị trường giảm mạnh trong phiên hôm nay được cho là do việc chốt lời mạnh các cổ phiếu blue-chip sau giai đoạn tăng nóng trước đó”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Trang CHTV Việt Nam có video về chuyện “nhà trường và chính quyền xã Diễn Đoài huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An vi phạm luật và công ước quốc tế quyền trẻ em”: https://www.facebook.com/CHTVVietnam/videos/429083144170427/

BBC bàn về sóng ngầm phẫn nộ của nông dân mất đất trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Ông Trịnh Bá Phương, người đại diện nhóm “Dân oan Dương Nội” cho biết: “Tính sơ đã có đến cả trăm nhóm nông dân mất đất được thành lập khắp cả nước như các nhóm Văn Giang, Đồng Tâm, Hải Phòng, Nghệ An”.

Ông Phương chia sẻ: “Chúng tôi hiện đấu tranh ôn hòa bằng pháp lý. Khi mọi biện pháp ôn hòa đã được áp dụng mà chính quyền vẫn không trả lại đất cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ tính đến các biện pháp khác. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ con đường của mình vì đất đai là máu thịt của chúng tôi”.


VOA có bài: Aung San Suu Kyi tới VN, giới hoạt động ‘không kỳ vọng gì’ ở thần tượng ‘đã bị hoen ố’. Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói: “Tôi chỉ có thể ngưỡng mộ bà Aung San Suu Kyi trong giai đoạn bà ấy đấu tranh thôi. Còn bây giờ, tôi coi bà ấy bình thường, không một chút gì ngưỡng mộ cả. Thậm chí, tôi còn sẵn sàng chỉ trích bà nếu tôi được gặp bà nói chuyện”.


Vụ bê bối ở báo Tuổi Trẻ
Về thông tin Trưởng ban Truyền hình báo Tuổi Trẻ Đặng Anh Tuấn, tức Anh Thoa, hiếp dâm cộng tác viên, nạn nhân uất ức tự tử và đã đưa vào cấp cứu ở bệnh viện, báo Tuổi Trẻ có bài: Tạm đình chỉ công việc nhà báo Anh Thoa.

Bài báo cho rằng, thông tin cộng tác viên báo Tuổi Trẻ tự tử là không chính xác, và rằng CTV này nhập viện tối 18-4 vì “lý do sức khỏe” và đã xuất viện sáng 19-4. Nội dung công văn báo Tuổi Trẻ: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2017/10/H2-5.jpg

Liên quan tới thông tin của báo Tuổi Trẻ, Facebooker Ngọc Bảo Châu có bài: Câu chuyện Tuổi Trẻ: Từ thánh đường đến lầu xanh! Ông Châu viết, “chưa bao giờ thấy Tuổi Trẻ đăng một bản tin thiếu công bằng với bạn đọc như vậy. Tuổi Trẻ chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh ‘chuyện của chính mình’ khi chỉ xoáy mạnh vào chi tiết nữ CTV không phải tự tử như thông tin lan truyền trên mạng xã hội mà không nói rõ cho bạn đọc biết ‘chuyện gì liên quan đến nhà báo Anh Thoa mà mạng xã hội đang lan truyền vậy’?

Ông cũng nói thêm rằng, những vụ bê bối ở Tuổi Trẻ đã xảy ra từ lâu, tệ hại hơn nhiều người nghĩ: “Nhiều đồng nghiệp kể rằng, chuyện một số ‘sếp’ phòng, ban nhậu say nửa đêm đến gõ cửa phòng trọ nữ CTV, phóng viên thực tập là chuyện bình thường. Nó trở thành một thứ quái thai bệnh hoạn. Tụi nhỏ đi làm báo chứ có phải đi làm cave đâu mà đi hầu rượu qua đêm?


Tân Thuận – Quốc Cường Gia Lai
Vụ bắt tay giữa Công ty TNHH Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai, chuyển nhượng hơn 30 ha đất công với giá “bèo”, gây thất thoát gần 2000 tỉ của nhà nước, bị phát hiện, nuốt không trôi, phải nhả ra: Thành ủy TPHCM yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng 30ha đất dự án Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai.

Nhưng không thể rút lui dễ dàng như vậy, cũng tương tự thương vụ Mobifone – AVG, cần làm rõ trách nhiệm vụ bán 30ha đất công giá “bèo” ở TPHCM. LS Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng, “cần phải làm rõ tại sao diện tích đất lớn như vậy có thể dễ dàng bán cho doanh nghiệp tư nhân với giá ‘bèo’ như vậy”. Ông Hậu nói thêm: “Ai làm sai phải bị xem xét, xử lý trách nhiệm cả về mặt hành chính và thậm chí cả hình sự”.


Vụ CSGT bảo kê xe quá tải
Trong phiên xử ngày 19/4/2018, kẻ cầm đầu đường dây bán logo ‘xe vua’ tố bị dùng nhục hình, theo VietNamNet. Bị cáo Nguyễn Văn Thới “bất ngờ phản cung, phủ nhận hoàn toàn lời khai tại CQĐT trước đây. Theo bị cáo, do bị 3 điều tra viên chích điện, ép cung nên mới khai không đúng sự thật”.

Sau khi các bị cáo cầm đầu đường dây logo “xe vua” có lời phản cung, HĐXX đã quyết định “tạm dừng phiên tòa để hội ý. Sau đó, vị chủ tọa thông báo trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì xét thấy vụ án còn nhiều tình tiết cần được làm rõ thêm”.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Vụ xe “vua“: Nguyên CSGT tố thẳng sếp mình nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân, cựu CSGT tỉnh Đồng Nai thừa nhận, “sếp mình là phó Phòng CSGT nhận trên 300 triệu đồng”. Bên cạnh đó, “hồ sơ thể hiện Chân đã đưa hơn 659 triệu đồng cho nguyên Đội trưởng Đội CSGT số 1 VVS (đã chết), đưa 300 triệu đồng cho ông ĐHT (nguyên Phó Trưởng phòng PC67 Công an tỉnh Đồng Nai)”.


43 năm sau cuộc chiến
RFA có bài phỏng vấn: Con trai cố vấn Mỹ tử trận ở Việt Nam trò chuyện cùng RFA. ông Robert Celeste, con trai út của thiếu tá Raymond Celeste, cố vấn cao cấp tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa, nhận định về chiến tranh Việt Nam: “Đó là một cuộc chiến tranh rất phức tạp và bị hạn chế. Phức tạp bởi chúng ta không chỉ chiến đấu với quân đội Bắc Việt mà còn cả Trung Quốc và Liên Xô, hai nước tài trợ cho Bắc Việt”.

Ông Celeste không cho rằng kết quả chiến tranh Việt Nam là một chiến thắng cho phía Bắc Việt, bởi vì “sau chiến tranh, thì có khoảng 250.000 người chết trong các trại cải tạo; không biết bao nhiêu người chết trên đường vượt biển; khoảng hai triệu người phải bỏ nước ra đi”.

Bài thứ nhất trong loạt bài trên BBC về một trại tị nạn cho thuyền nhân người Việt ở Indonesia:  Đảo Kuku, bài 1: ‘Sao tôi để mẹ nằm lại nơi đảo vắng?’ Ông Nguyễn Gia Mạnh, một người di tản khỏi Việt Nam năm 1987, kể: “Tôi đâu có ngờ đó là lần cuối tôi thấy mặt mẹ… Bố con tôi ra đi trên một chuyến tàu vượt biên chở theo 114 người”. Sau khi bố con ông Mạnh đến Úc, mẹ ông Mạnh vượt biên rồi mất lúc tới gần đảo KuKu, rồi được chôn cất trên đảo này.

Sau ngày 30/4/1975, ngay cả những người miền Nam từng ủng hộ cộng sản, cũng dần dần nhận ra sự thật đằng sau những lời tuyên truyền của quân Bắc Việt. Hàng trăm ngàn người bị bắt “cải tạo”, rồi hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi.

Hơn bốn thập niên cộng sản cầm quyền, cũng là giai đoạn đất nước bị bòn rút đến kiệt quệ. Ngày 30-4 là ngày mà những người CS tự hào vì họ đã “giải phóng” miền Nam, nhưng với nhiều người Việt, đó là ngày đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đen tối.

Nền y tế sa sút
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Bị ung thư vì càphê… pin, hãy dùng thuốc trị ung thư… bột than tre? Bài báo cho biết: Hiện tượng làm giả chất lượng, làm ăn dối trá, đưa chất độc vào sản phẩm nhằm kinh doanh trên mạng người, “không phải chỉ diễn ra quanh hai sản phẩm vừa mới bị phát hiện này mà trước đó đã có hàng loạt sản phẩm, hàng loạt cơ sở bị bắt giữ, nhưng nhiều người vẫn cố tình như không biết”.

Kiểm tra thông tin bác sĩ ở TPHCM bị tố “quát, miệt thị người dân tộc”, theo báo Công an. Trước đó, báo chí đưa tin về trường hợp bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 chửi bới, miệt thị bệnh nhân là người dân tộc. Ngành Y tế yêu cầu kiểm tra tính xác thực của tố cáo trên, nếu có thì xử lý. Bên cạnh đó cũng cần chấn chỉnh lại thái độ, đạo đức của bác sĩ.

Nghịch lý ở Việt Nam, giá sữa cao hơn và khó mua hơn bia và thuốc lá. Sau nhiều năm ngó lơ, chính quyền đang đề xuất đánh thuế cao đối với mặt hàng thuốc lá để giảm thiểu tác hại. Báo Phụ nữ Việt Nam có bài: Đề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm số người hút thuốc. Ước tính, “tăng thuế 5.000 đồng mỗi bao có thể giảm được 1,8 triệu người hút, tránh được tử vong sớm cho 900.000 ca mỗi năm, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước lên 10.700 tỷ đồng mỗi năm”.

Chất lượng dịch vụ y tế đi xuống, nhưng giá thì luôn tăng, Chính phủ ngụy biện: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm nguyên tắc thị trườngChính phủ cho rằng, khả năng chi trả của người dân đã phù hợp với việc tăng giá, nên yêu cầu các bộ ngành liên quan lên phương án tăng giá trong năm nay.

Dù thu nhập người Việt ở mức rất thấp, nhưng giá cả dịch vụ công luôn tăng, cao hơn gấp nhiều lần so với tỉ lệ thu nhập của các nước. Chính quyền CSVN cho rằng, như thế để “đảm bảo nguyên tắc thị trường”. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ không tăng lên, không “nguyên tắc thị trường” chút nào.


Nền giáo dục xuống dốc
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có bài: “Vết trượt” dài cho ngành giáo dục? Thời gian qua, những hành vi phản giáo dục liên tiếp diễn ra trong… ngành giáo dục. Hiện tượng này phản ánh tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nền giáo dục Việt Nam. Trường hợp điển hình gần đây là thầy giáo dâm ô với hàng loạt học sinh cấp 1. Trước đó không lâu, tháng 8/2017, thầy giáo phụ trách đội ở Quảng Nam cũng bị bắt vì tội dâm ô.

Sau hàng loạt vụ bê bối, ngành giáo dục vẫn không có giải pháp nào. Nhiều ngày sau vụ bê bối thầy giáo dâm ô học sinh tiểu học, dư luận vẫn chưa nghe Bộ trưởng Nhạ lên tiếng, dù là lời giải thích, hay chỉ đạo, chưa bàn tới chuyện ông nhận trách nhiệm.


Vấn nạn “đất tặc”, “cát tặc”
Nguồn nước hồ Dầu Tiếng bị đe dọa do khai thác cát, báo Thanh niên đưa tin. Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất cả nước. Cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cảnh yên bình trên hồ không còn. Hàng trăm chiếc tàu khai thác cát ngày đêm với hơn 20 điểm hút. Chính quyền các địa phương quanh hồ cấp phép cho 19 đơn vị khai thác với số tàu khai thác hạn chế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này huy động lực lượng tàu rất lớn để tận thu tài nguyên.

Bắt 2 tàu hút cát trái phép trên sông Hương, theo báo Đại đoàn kết. Hai tàu thuyền đang khai thác cát, sỏi trái phép trên khu vực hạ lưu sông Hương huyện Phú vang, TT Huế thì bị phát hiện. Tại thời điểm phát hiện, các tàu “đang khai thác hơn 20 m3 cát từ lòng sông. Cả 2 tàu đều không có giấy phép khai thác, không có giấy phép lái tàu và giấy kiểm định đã hết hạn”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: Lần đầu tiên trong lịch sử, mẹ ẵm bé lên sàn Thượng viện Mỹ biểu quyết. Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth, cựu chiến binh Iraq và là cựu trung tá phi công Mỹ, bị cụt cả hai chân và mất khả năng sử dụng được một phần tay phải, khi máy bay trực thăng của bà bị bắn rơi năm 2004 ở Iraq. Bà vừa sinh đứa con gái thứ hai, bé Maile, ở tuổi 50.

Hôm nay, bà Duckworth mang bé gái 11 ngày tuổi vào Thượng viện bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thượng viện Mỹ, bé sơ sinh được theo mẹ vào Thượng viện. Mời xem clip, bà Duckworth và bé vào Thượng viện: https://www.youtube.com/watch?v=q0rw-PZm3RQ



Bán đảo Triều Tiên
RFI có bài: Vụ tấn công Syria có tác động ra sao cho hồ sơ Bắc Triều Tiên? Sự kiện liên minh ba nước Anh, Pháp và Mỹ không kích Syria sáng ngày 14/04/2018, đã dấy lên những tranh luận liên quan đến tiến trình giải quyết hồ sơ hạt nhân của Bắc Hàn.

Phe ủng hộ cho rằng, chiến dịch quân sự của ba nước đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ, cảnh cáo cả Damas lẫn Bình Nhưỡng. Phe chống đối cho rằng, cuộc không kích Syria của phương Tây vừa qua có thể sẽ làm cho Bắc Hàn củng cố thêm lập trường “cần phải có vũ khí hạt nhân“, để tự bảo vệ mình, chống lại Mỹ.

VOA đưa tin: TT Hàn Quốc: Triều Tiên muốn ‘giải trừ hạt nhân toàn diện’. TT Moon Jae-in nói rằng, những thỏa thuận lớn về bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc Hàn và Mỹ, không quá khó để đạt được. Trước đó, Bắc Hàn ra điều kiện, để giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện, quân đội Mỹ phải rút khỏi Nam Hàn.

Ông Moon nói: “Họ không gắn bất kỳ điều kiện nào mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận, chẳng hạn như việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì họ thể hiện là việc chấm dứt các chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, tiếp theo sau là đảm bảo an ninh“.




***










No comments:

Post a Comment

View My Stats