Tuesday, 17 April 2018

BẢN TIN SÁNG 17-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Bài viết nhận định: Màn trình diễn của lực lượng hải của quân Trung Quốc ở Biển Đông hồi tuần trước, vừa để cảnh báo Đài Loan, vừa cho thấy sự ủng hộ dành cho nước Nga, cũng như cho thấy ông Tập Cận Bình có đủ tự tin để thách thức Mỹ và các đồng minh, theo đúng cách mà Washington đã thách thức các yêu sách lãnh hải của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Đánh thuế tài sản
Báo Tiền Phong có bài: Cào bằng giàu nghèo? Bài viết phân tích: “Thuế tài sản, thực chất là một công cụ nhằm điều tiết giữa người giàu và người nghèo, đảm bảo công bằng xã hội”. Tuy nhiên, dự thảo thuế nhà ở còn “đánh” cả “những người đang làm việc quần quật, đang chi tiêu tằn tiện mới đủ sống ở chốn thị thành”.

Đảng CSVN luôn rêu rao rằng, họ xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, thế nhưng, người nghèo ở các nước này ngày càng bị bần cùng hóa. Và cái kết cục mà chế độ này không thể tránh khỏi là, sớm muộn gì đảng CSVN cũng đi theo vết xe đổ của khối CS Liên Xô – Đông Âu, “thành trì xã hội chủ nghĩa” của họ.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Nhà ở đang gánh bao nhiêu loại thuế? Bài viết liệt kê hàng loạt thứ thuế, phí mà những người sở hữu nhà ở Việt Nam đang gánh: Lệ phí trước bạ, thuế GTGT, thuế đất phi nông nghiệp, phí thẩm định địa chính, thuế sử dụng đất và phí thủ tục hoàn công, là sắc thuế tài sản nhà ở chưa được đặt tên. “Nếu trong tương lai chủ nhà phải đóng thuế nhà ở, tức người đó đã đóng thuế 2 lần”.

Trang VietNamNet bàn về hiện tượng đủ thứ thuế ‘đánh’ vào túi tiền: Dân còn lại bao nhiêu tiết kiệm. TS Lê Đăng Doanh lưu ý: “Với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP… hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi”. Dân nghèo càng bị bần cùng hóa bởi chính sách tận thu và “nghiện thu” như thế này.

Báo Lao Động có bài: Vấn đề thuế – những cú sốc lớn: Tăng ào ào – giảm nhỏ giọt. Bài viết bàn về 3 “cú sốc” thuế mà người dân phải chịu từ đầu năm đến nay: Thứ nhất là đề xuất tăng thuế “VAT từ 10% hiện nay lên 12% từ 1/1/2019”, thứ hai là đề xuất “tăng thuế môi trường, với mức tăng dự kiến 4.000 đồng/lít xăng”, thứ ba là “đề nghị bổ sung thuế tài sản với nhà ở trên 700 triệu và xe ôtô trên 1,5 tỉ đang khiến dư luận xôn xao”.

Bộ Tài chính chỉ “dự định” giảm được một ít thuế, nhưng đề xuất tăng hàng loạt thuế, phí khác. Ảnh: Báo Lao Động

Báo Lao Động viết: Sử dụng tiền thuế hiệu quả, dân mới phục. Bài báo thừa nhận: “Việt Nam đang nợ nhiều, nên khát tiền trả nợ là chuyện quá rõ. Nhưng không chỉ có cách duy nhất là nhắm vào túi dân, mà có nhiều cách khác hiệu quả hơn. Người dân, doanh nghiệp kiệt sức thì về lâu dài không còn gì để thu“. Cho nên, phải “dứt khoát dẹp hết các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, phá nát hàng trăm, ngàn tỉ đồng của dân, của nước”.

TS Đinh Tuấn Minh nhận định, nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là giới bất động sản, nhà giàu và các quan chức; họ sẽ giảm mua BĐS và dĩ nhiên thuế tài sản này ảnh hưởng tới BĐS. “Nếu như tầng lớp này thấy bị tổn thương thì họ mới thực sự tác động đến việc ban hành luật để dừng luật này. Nhưng nếu họ nghĩ rằng không ảnh hưởng đến họ vì họ có thể ‘lách’ được thì chỉ có tầng lớp trung lưu thấp cổ bé họng cả đời chỉ sở hữu một căn nhà bị ảnh hưởng thì cứ soạn thảo ban hành thôi“.


Tinh giản biên chế
Tình hình ngân sách cạn kiệt, lãnh đạo CSVN không những phải thu thêm thuế, mà còn tìm cách “tinh giản” biên chế, để bớt gánh nặng ngân sách, nhưng vẫn giữ sao cho chế độ không bị ảnh hưởng. Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: 17 sở có thể sẽ sáp nhập, hợp nhất.

Bài viết nêu một trong những ý chính của dự thảo nghị định của Chính phủ, quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương: “Đối với các sở KH&ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương, GD&ĐT, KH&CN, VH-TT&DL, TT&TT, dự thảo đề xuất trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau”.

Bên cạnh đó, các sở như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch đều được đề xuất sáp nhập, dựa trên đánh giá của lãnh đạo các tỉnh. Cả “sở Nội vụ, thanh tra tỉnh, văn phòng UBND, dự thảo cũng đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất tương ứng với Ban tổ chức tỉnh, UBKT tỉnh và văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND cấp tỉnh”.

Chống tham nhũng
VOV bàn về hiện tượng tham nhũng vặt – ”Con tàu có thể đắm vì nhiều lỗ dò nhỏ”. PGS. TS Đặng Ngọc Dinh phân tích: “Quan chức ở Việt Nam thì hầu như không sợ dân mà lại rất sợ cấp trên. Từ đó nó mới nẩy ra anh ý định chạy vào nhà nước  để anh kiếm thêm thu nhập. Kiếm ở đâu ra? Kiếm ở tham nhũng. Theo tôi đó là một hiện tượng và đã trở thành tập quán”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Đi Singapore chữa bệnh, tưởng như Việt Nam nên đưa phong bì. Bài viết có đoạn: “Vào một bệnh viện đi đâu cũng gặp tình trạng đưa phong bì. Cho nên có nhiều người sang Singapore chữa bệnh cũng tưởng như Việt Nam đưa phong bì ra”. Cũng may là những người này không chữa bệnh ở Mỹ, nếu ở Mỹ mà đưa phong bì thế này, sẽ bị kết tội đưa hối lộ, có thể bị phạt tiền và phạt tù lên tới tối đa 15 năm.


Các vụ đại án
Đức sắp xét xử nghi phạm bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, theo RFA. Ngày 24/4/2018, Tòa án Berlin sẽ tiến hành xét xử ông Nguyễn Hải Long, là người đã tham gia với an ninh Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức. “Nghi phạm bị cáo buộc tội gián điệp và là một tòng phạm trong vụ tước đoạt quyền tự do của người khác”.

BBC đưa tin: Ông Đinh La Thăng kháng cáo. Bài báo cho biết: “Việc Ngân hàng Nhà nước bắt buộc mua Oceanbank là nguyên nhân dẫn tới việc PVN bị thiệt hại 800 tỉ đồng, nhưng việc này đã không được bản án sơ thẩm xem xét đến… ông Thăng đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội công tâm, khách quan xem xét lại cả về tội danh, hình phạt cho mình”.


Vụ Vũ ‘nhôm’
VKSND Tối cao vừa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Ngân hàng Đông Á liên quan Vũ ‘nhôm’, theo báo Tuổi Trẻ. Đến nay, kết luận của cơ quan điều tra vẫn chưa xác minh được tại sao cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình lại chuyển hàng chục triệu Mỹ kim cho Vũ “nhôm” và Vũ đã sử dụng số tiền này vào mục đích gì.

Trước đó, cơ quan điều tra xác nhận, khi Vũ “nhôm” muốn mua cổ phần của Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình đã yêu cầu cấp dưới nhận “khống” (nghĩa là có hồ sơ chuyển tiền nhưng không có tiền) số tiền 200 tỉ của Vũ “nhôm”, sau đó ngân hàng chuyển tiền thật sang cho Công ty Bắc Nam 79 của Vũ.


Nhân quyền ở Việt Nam
Công an bao vây buổi lễ kỷ niệm 1 năm khủng hoảng Đồng Tâm, theo RFA. Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chia sẻ với RFA: “Có khoảng 2 ngàn người dân từ các thôn xóm khác nhau đã tới tham dự. Buổi lễ có sự tham gia của cụ Lê Đình Kình… Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Lan, cựu Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đồng Tâm”.

Cụ Kình kể: “Công an họ về bao vây ở khu vực chung quanh, tập trung khoảng 200 công an có cả vòi rồng, có cả xe bắt người. Còn ở trong xã hôm qua cũng phải vài ba trăm công an nữa. Tất cả phải đến hàng ngàn công an bao vây chung quanh”.


RFA đưa tin: Công an phạt nhà báo độc lập loan tin giáo viên bị lừa. Nhà báo độc lập Ngô Văn Dũng “bị công an địa phương tỉnh Đắk Lắk sách nhiễu và xử phạt hành chính vì tác nghiệp đưa tin vụ 600 giáo viên bị lừa đảo, mất tiền mất việc”. Ông Dũng bị phạt 2 triệu đồng vì đã “quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ khu vực cấm và buộc phải nộp phạt trong thời hạn 10 ngày”.

BBC có bài: Việt Nam: Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng. Về tác động của mạng xã hội đối với phong trào dân chủ ở Việt Nam, bài báo cho biết: “Tháng 5/2016, cộng đồng Facebook tham gia phong trào lớn phản đối việc xả thải từ nhà máy thép Formosa Đài Loan, gây ra cá chết tại các tỉnh miền Trung”. Phong trào phản đối Formosa trên mạng đã góp phần tạo nên chuỗi các cuộc biểu tình ở cả 3 miền trong suốt năm 2016.


Hủy hoại tài nguyên, tàn phá môi trường
RFA có bài: Chính phủ cùng các nhóm lợi ích xẻ thịt tài nguyên quốc gia. Bài viết điểm mặt một số danh thắng mà chính quyền Việt Nam đã để các tập đoàn vào “xâu xé”, kiếm lợi, như đỉnh Fansipan, các bãi biển Mỹ Khê, Bãi Dài, Bãi Sao và Cửa Đại. Các danh thắng này đã trở thành “tài sản riêng” của các nhóm tư bản thân hữu.

TS Nguyễn Quang A bình luận: “Những tài nguyên thiên nhiên là những tài sản công mà tất cả mọi người đều có thể được hưởng, được tiếp cận. Bây giờ họ bán cho tư nhân và họ quây lại thành tài sản của riêng họ và như vậy là người dân bị từ chối quyền được tiếp cận”.

Báo Thanh Niên có clip: Nửa đêm lén lút xả thải ở Đà Nẵng và bị bắt quả tang.


Cát tặc lộng hành
Báo Dân Sinh đặt câu hỏi: Nạn cát tặc trên dòng sông Chu, cơ quan nào xử lý? Cát tặc hoành hành trên sông Chu (Thanh Hóa) khiến hàng ngàn m2 đất cùng hoa màu của người dân trôi xuống sông. Đặc biệt, nạn cát tặc còn có sự tiếp tay của lãnh đạo địa phương.

Người dân kéo đến trụ sở yêu cầu chính quyền xử lý, lãnh đạo tiếp tay chỉ bị đình chỉ công tác 10 ngày. Chính quyền địa phương còn cho biết, họ không đủ khả năng và thẩm quyền để xử lý cát tặc, dù xảy ra ở địa phương mình. Vậy là đất đai của người dân tiếp tục phải chờ “các cấp chính quyền”.

Báo Sài Gòn giải phóng đăng loạt phóng sự Nhiều ngôi làng ở miền Trung đang chìm dần. Bài 1: Qua những vùng sạt lở. Chưa bao giờ, bờ biển miền Trung lại phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng như hiện nay. Nếu không có giải pháp, nhiều ngôi làng ở đây sẽ chìm xuống biển. Tình hình nguy ngập, nhưng cơ quan chức năng vẫn không có giải pháp. Việc ứng phó với sạt lở là những dự án hàng trăm tỷ, phần lớn lọt vào túi quan tham: đóng cọc tre, đắp bao cát, kè bê tông, đá hộc…

Báo Công lý có loạt phóng sự: Kỳ III – Đông Triều, Quảng Ninh: Chính quyền sở tại phải chịu trách nhiệm cho việc khai thác cát trái phép! Tình trạng khai thác cát trái phép tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh diễn ra rầm rộ, được báo chí phản ánh trong thời gian qua. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, Cảnh sát giao thông đường thủy, những người chịu trách nhiệm quản lý khai thác khoáng sản làm ngơ.


Ngành y sa sút
Bệnh viện phản hồi vụ không cấp cứu bé gái vì chưa đóng viện phí, VietNamNet đưa tin. Bệnh viện Hóc Môn vừa lên tiếng xác nhận những sai phạm của bác sĩ đúng như trong clip tố cáo, bao gồm: không có thiết bị chụp X-quang, không làm giấy chuyển viện, thái độ nhân viên y tế xem thường bệnh nhân. Sở y tế TPHCM yêu cầu “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Nhưng cả Sở y tế và bệnh viện Hóc Môn đều bỏ qua nội dung quan trọng: Có phải do bệnh nhân không có tiền, nên không được cấp cứu?

Liên quan đến vụ “thuốc” ung thư giả, đơn vị tôn vinh thương hiệu Vinaca từ chối trả lời về số tiền doanh nghiệp hỗ trợ, Người Lao Động đưa tinHiệp hội cho biết, tiêu chí đánh giá doanh nghiệp như sau: “Nếu vào Google gõ tên Vinaca thì kết quả hiện lên rất nhiều. Bên cạnh đó, họ có nhiều chi nhánh, đại lý, mạng lưới rộng lớn. Ngoài ra, Vinaca còn có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp rất tốt”. Về chi phí Vinaca phải chi ra, Hiệp hội từ chối trả lời với lý do “ban tổ chức đã thỏa thuận với công ty”.


Giáo dục Việt Nam
Nhằm phản đối tình trạng lạm thu, học sinh tiểu học Diễn Đoài tiếp tục bãi khóa, theo RFA. Một phụ huynh cho biết: “Đối với trường đạt tiêu chuẩn quốc gia thì không được thu tiền học 2 buổi trên ngày nhưng nhà trường đã lạm thu số tiền đó và phụ huynh đã quyết định cho con em nghỉ học để phản đối việc lạm thu của nhà trường”. Phụ huynh này đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến cấp huyện, tỉnh nhưng không được giải quyết.

Trước đó, vào tháng 2, phụ huynh phát hiện việc lạm thu và đến trường chất vấn lãnh đạo. Tuy nhiên, phụ huynh bị “bị nhóm mệnh danh ‘đội bảo vệ tự quản’, thường được gọi là ‘Đội Cờ Đỏ’ đến đàn áp, hành hung họ bằng hung khí như gậy gộc, tuýp sắt”.

Trái ngược với những dự án nhà nước lỗ chục ngàn tỉ, những tượng đài ngàn tỉ hoang phế là cảnh học sinh tiểu học ăn cơm trộn muối, bún chan tương, theo báo Tuổi trẻ. Hàng trăm học sinh tại Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R’Măng (Đắk G’Long, Đắk Nông) phải đem cơm nắm trộn muối, hoặc mì tôm để đến trường hàng ngày. Đa số học sinh ở đây đều đi bộ hàng chục km để đến trường.

Theo quy định, học sinh tiểu học cách trường 4km trở lên được nhận gạo trợ cấp. Tuy nhiên “do địa phương không có ngân sách nên đang xin cấp, vận động mạnh thường quân để hỗ trợ thức ăn mặn trong bữa cơm trưa hàng ngày cho các em học sinh”, Phó chủ tịch xã thừa nhận.

Hiệu trưởng gợi ý giáo viên phá thai nói ‘để cấp trên giải quyết, báo Tuổi trẻ đưa tin. Sau nhiều lần “cãi chày cãi cối”, hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai thừa nhận, trường có người sinh con thứ ba. Khi báo chí đặt câu hỏi vì sao cô giáo sinh con thứ 3 không được hướng chế độ thai sản, bà hiệu trưởng nói “Chị không biết, chị không biết gì hết. Chị mệt mỏi rồi. Để cấp trên giải quyết.”

Ngoài ra, bà hiệu trưởng còn thừa nhận những sai phạm khác như: có lời nói và hành động chèn ép, chửi bới cấp dưới trong quá trình điều hành. Bà này còn vi phạm mập mờ trong vấn đề tài chính, đạo đức yếu kém.

Tiếp tục vấn đề thành tích và áp lực học tập, báo Người lao động có bài viết Đừng tạo áp lực học tập với con. Phụ huynh có nhiều lý do để tạo áp lực bắt con cái học ngày học đêm, điều đó vô tình biến học sinh thành “cái máy” mà không hề quan tâm đến phát triển tâm lý. Trong khi để phát triển toàn diện, học sinh còn cần phải phát triển nhiều kĩ năng khác ngoài xã hội. Ngoài ra, trách nhiệm lớn thuộc về ngành giáo dục, bệnh thành tích đã buộc các trường phải chạy đua, biến học sinh thành “gà chọi”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Trong buổi phỏng vấn cựu Giám đốc FBI, James Comey, của đài ABC tối Chủ Nhật vừa qua, cựu giám đốc FBI nói: Trump ‘không đủ đạo đức’. Ông Comey nói rằng, ông Trump “không đủ tư cách đạo đức để làm tổng thống” và ông Trump đối xử với phụ nữ như “miếng thịt”.

VOA có bài: Cựu giám đốc FBI: ‘ông Trump không đủ tư cách đạo đức’ làm tổng thống. Ông Comey nói: “Có một điều quan trọng hơn mà nó khiến chúng ta đoàn kết lại với nhau, đó là tổng thống của chúng ta phải biết thể hiện sự tôn trọng và tuân thủ các giá trị cốt lõi của đất nước này. Điều quan trọng nhất là sự trung thực. Tổng thống hiện nay của chúng ta không làm được điều đó”.

Suốt cả buổi sáng Chủ Nhật, ông Trump liên tục tweet, tấn công ông Comey, nói rằng ông Comey nói dối và rằng Comey nên bị bắt bỏ tù. Nhưng theo thăm dò của đài ABC News và Washington Post thực hiện, cho thấy, có nhiều người tin tưởng Comey hơn là Trump và đa số không đồng ý với quyết định của Trump sa thải Comey: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/01/H2-11.jpg

Vụ bê bối của Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Scott Pruitt, nhân vật mà TT Trump ưa chuộng nhất, trang WiscNews có bài: Đã đến lúc người đứng đầu EPA Scott Pruitt phải ra đi. Mặc dù xảy ra những vụ bê bối như tham nhũng, tiêu xài hoang phí… của ông Pruitt mà báo chí đã nêu, nhưng do được ông Trump chống lưng, nên Pruitt vẫn chưa bị sa thải.

Theo bài báo, ông Kevin Chmielewski, Phó Giám đốc EPA nói với những người trong Quốc hội rằng, Pruitt thường xuyên tiêu xài phung phí qua những chuyến đi lại, ăn ở… Pruitt thường chọn điểm đến là những thành phố hoặc những nước mà ông ta thích, mục đích là đi tham quan bằng tiền thuế, thay vì đi công vụ. Pruitt thường bảo nhân viên tìm lý do để ông ta đi Oklahoma, là tiểu bang nhà, để ông ta được ở lại đó những ngày nghỉ cuối tuần lâu hơn, bằng tiền thuế của dân Mỹ.

Báo Wall Street Journal có bài: Scott Pruitt chi 43.000 đô cho văn phòng của ông ta, là vi phạm luật. Một cơ quan giám sát chính phủ nói rằng, số tiền ông Pruitt chi 43.000 cho văn phòng ông ta, vượt quá giới hạn chi tiêu ngân sách 5.000 USD, là phạm luật, vì Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã không thông báo cho Quốc hội trước khi mua sắm.

Ngoài ra, ông Pruitt còn phải chịu trách nhiệm về việc mua máy bay vé hạng nhất không đúng quy định khi đi lại, cũng như chuyện ông ta thuê căn hộ ở Washington DC của một nhà vận động với giá thấp hơn giá thị trường, một hình thức tham nhũng. Dù bị vướng nhiều bê bối, nhưng Pruitt vẫn chưa bị sa thải vì TT Trump nói ông ta “làm việc tốt”.


Mỹ muốn trở lại TPP
Sự kiện Mỹ muốn trở lại TPP, VOA cho biết việc này: Khó-dễ thế nào? Ông Trump nói, Mỹ sẽ trở lại TPP nếu “có được một thỏa thuận tốt hơn trước đây”, nhưng xem ra điều kiện này không dễ thực hiện, bởi nhiều điểm gai góc của hiệp định liên quan tới 11 nước khác cần tái thương thuyết.

Được biết, “11 nước đã đình chỉ khoảng 20 điều khoản của thỏa thuận nguyên thủy… Văn bản pháp lý của TPP-11 gồm 548 trang so với 622 trang nguyên thủy khi có Hoa Kỳ. 18 trang bị bỏ thuộc chương IP, mà Washington xem rất quan trọng và là chương khó thương thuyết nhất”.


Tin Trung Đông
RFI có bài điểm báo sau sự kiện liên quân Mỹ, Anh, Pháp không kích Syria: Quá trễ và quá ít. GS Dominique Moisi, nhận định trên báo Les Echos rằng, “trả đũa nhẹ nhàng như thế sau khi một chế độ bạo tàn, độc ác liên tục sử dụng vũ khí hóa học, chẳng phải vinh quang gì. Nhưng nếu khoanh tay đứng nhìn thì càng tệ hại hơn. Cái giá do sự thụ động và dửng dưng gây ra hoàn toàn không thể chấp nhận được“.


Bán đảo Triều Tiên
Mặc dù lãnh đạo Bắc Hàn có tiền để thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, thế nhưng ở Bắc Triều Tiên: Dân chúng cần lương thực khẩn cấp, RFI đưa tin. Khoảng 10,3 triệu dân, trong tổng số 25 triệu dân Bắc Hàn cần được trợ giúp khẩn cấp thuốc men và lương thực.

Thông tín viên RFI cho biết: “40% dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và thiếu chăm sóc sức khỏe, theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc. Cơ quan quốc tế kêu gọi các nước hảo tâm tài trợ chương trình phân phát lương thực cho dân chúng và viện trợ y tế cho các bệnh viện ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, các nước tài trợ không mấy sốt sắng đóng góp cho một nước Bắc Triều Tiên khăng khăng ôm lấy chương trình vũ khí nguyên tử”.


***










No comments:

Post a Comment

View My Stats