Thursday, 19 April 2018

AI BỎ ĐƯỢC LƯỚT MẠNG, VÀO "PHÂY" (Bùi Văn Phú)




19/04/2018

Mấy ngày qua Tổng giám đốc Mark Zuckerberg đã ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về việc các dữ liệu của người có tài khoản Facebook được bán cho một công ty bên Anh Quốc, để nghiên cứu thị trường, khảo sát tâm lí người dùng, nhưng rồi nó được sử dụng vào mục tiêu chính trị có thể đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Các điều tra liên quan được tiến hành vì có những nghi ngờ là ban vận động tranh cử của Donald Trump đã thông đồng với Nga để ảnh hưởng đến kết quả bầu chọn lãnh đạo Mỹ trong bầu cử tháng 11/2016.

Đã hơn một năm điều tra, cho đến nay công tố viên đặc biệt Robert Mueller vẫn chưa đưa ra kết quả, dù đã có một số nhân vật Mỹ cũng như Nga bị buộc tội.

Phía Tổng thống Trump và ban vận động tranh cử của ông quả quyết là không có chuyện thông đồng với giới chức Nga liên quan đến bầu cử năm 2016.

Facebook bị liên hệ đến vụ việc vì đã bán dữ liệu cho công ty Cambridge Analytica bên Anh và dữ liệu thông tin cá nhân về người sử dụng mạng xã hội này đã được dùng để những tổ chức vận động chính trị PAC (Political Action Committee) tạo ra những thông tin quảng cáo có lợi cho ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, hai ứng viên đại diện hai chính đảng đã bị tấn công, bị cáo buộc có những hành động có thể vi phạm luật, như trong bất cử kỳ tranh cử tổng thống Mỹ nào.

Với ứng viên Dân chủ Hillary Clinton, chủ điểm được nhắm vào là bà đã dùng email riêng trong khi làm ngoại trưởng, khiến cho an ninh quốc gia bị đe dọa và khi được FBI và Bộ Tư pháp tra hỏi bà đã không giao đầy đủ cho cơ quan điều tra, trong khi có trên 30 nghìn email của bà đã biến mất hay bị xóa đi không còn dấu tích.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không ưa Hillary Clinton vì chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga dưới thời Tổng thống Barack Obama. Clinton lúc đó làm ngoại trưởng và bà là người đã chủ trương đặt lại – reset – quan hệ giữa Mỹ-Nga vì Putin chủ trương độc tài, tạo khủng hoảng ở Syria, Ukraine và Cremea.

Trong khi ứng viên Cộng hòa Donald Trump thiếu kinh nghiệm chính trường, lại hay phát biểu gây sốc, đầy tính sỗ sàng, miệt thị đối thủ và nhiều thành phần cử tri. Với quá khứ nhân thân của Trump như một tay chơi “playboy” vì thế những ngày gần bầu cử có băng ghi âm cả thập niên trước được đưa ra với giọng nói sàm sỡ về phụ nữ của Trump. Một cựu nhân viên tình báo bên Anh còn phổ biến hồ sơ ám chỉ Trump đã từng ngủ với gái làng chơi trong một chuyến đi Moskva.

Ban vận động của Trump không phủ nhận phát biểu về gái của Trump, nhưng về tập hồ sơ cho rằng ông đi chơi gái ở Nga thì Trump hoàn toàn bác bỏ và còn tỏ ra nghi ngờ ban vận động của Clinton đã móc nối với một cựu nhân viên tình báo Anh tung tin này để làm giảm uy tín của ông.

Nhiều người không tin một ứng cử viên như Trump lại có thể thắng cử để lãnh đạo Hoa Kỳ. Sự thực là với số phiếu phổ thông Trump thua Clinton đến 3 triệu phiếu. Nhưng Trump thắng phiếu đại cử tri đoàn để trở thành tổng thống.

Chính vì thế mới có những giả thuyết cho rằng phía Nga đã nhắm vào những tiểu bang quyết định như Wisconsin, Ohio, Michigan hay Pennsylvania để tung tin hỏa mù, tin dổm không có lợi cho Hillary Clinton lên mạng Facebook gây ảnh hưởng đến sự chọn lựa của cử tri.

Tại sao lại đưa lên mạng xã hội FB mà không phải những mạng khác. Đến giờ những điều tra, những dấu chỉ đang dần hé mở là từ những dữ liệu mà FB đã bán cho công ty Cambridge Analytica và công ty này sau đó đã dùng dữ liệu vào các mục tiêu chính trị, do một số tham vấn và các tổ chức ủng hộ Trump thực hiện.

Vấn đề điều tra về thông đồng với Nga giờ đây lại chuyển sang điều tra ảnh hưởng của FB, qua một công ty bên Anh, đến bầu cử tổng thống Mỹ.

Nếu người đứng đầu FB hay những đại công ty của Mỹ có ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, hay bất cứ ứng viên nào khác, đó là điều bình thường, vì FB là một công ty của Mỹ nên người đứng đầu có quyền có quan điểm chính trị.

Vấn đề trở nên phức tạp là các dữ liệu của FB được bán cho một công ty nước ngoài cho mục tiêu nghiên cứu tâm lí, thị trường và sau đó công ty này đã để cho các dữ liệu đó được dùng vào mục tiêu chính trị, chọn đối tượng cử tri mà phát tán thông tin.

Trách nhiệm của FB nằm ở chỗ đó. Các thông tin cá nhân mà FB thu thập được từ người sử dụng sẽ được bảo mật tới đâu hay sẽ được bán cho những công ty nào, dùng để làm gì. Đó là những câu hỏi mà Mark Zuckerberg đã phải trả lời trước quốc hội trong hai ngày điều trần vừa qua.

Những ai có tài khoản với FB đều biết nhiều thông tin về bản thân, tuy có nhiều thứ không thật, được thu thập, qua nút nhấn “like” hay qua những cái nhấp chuột vào một bài báo, một sản phẩm quảng cáo, một tấm hình nào đó, tất cả đều để lại dữ liệu trong bộ nhớ khổng lồ của công ty. Nhờ đó FB mới có nguồn thu nhập tài chánh qua quảng cáo trên mạng này.

Nếu bạn đọc đã từng tìm mua vé máy bay qua mạng travelocity.com, expedia.com, orbitz.com hay tìm đặt khách sạn qua hotels.com thì chỉ trong vòng vài phút, qua email hay qua những trang mạng mà bạn thường lướt vào sẽ hiện lên các quảng cáo sản phẩm bạn đang tìm kiếm.

Đó gọi là “data mining” – khai thác dữ liệu – mà các công ty khuyến mãi dùng để chiêu dụ khách hàng.

Với 2 tỉ tài khoản của FB thì số lượng dữ liệu thật vô cùng lớn. Công ty Cambridge Analytica có được dữ liệu của 87 triệu tài khoản, trong đó có cả tài khoản của Mark Zuckerberg, theo như ông trả lời các câu hỏi của dân cử trong điều trần vừa qua.

FB đang phải đương đầu với vấn đề bán và bảo mật dữ liệu. Vì là một công ty tư nhân, việc buôn bán để sinh lợi là điều tất yếu mà bất cứ người chủ công ty nào cũng muốn làm sao để sinh lợi nhiều nhất.

FB bán dữ liệu cho các công ty khuyến mãi, thu tiền quảng cáo trên FB từ đó. Nhưng nay gặp phải vụ một công ty nước ngoài đã dùng dữ liệu của FB không thuần tính thương mại mà để tạo ảnh hưởng chính trị, đó là điều mà Quốc hội Mỹ đang xem xét.

Khi ra điều trần, Mark Zuckerberg đã nhận lỗi về những sơ hở và xin lỗi về vụ việc Cambridge Analytica, nhưng ông không muốn có luật mới cản trở việc phát triển thương mại của công ty. Ông nói người sử dụng FB nếu không muốn thông tin cá nhân bị chia sẻ có thể tự chọn cách không cho phép FB làm điều này.

Tương lai FB ra sao, giá cổ phiếu FB sẽ còn tăng lên nữa hay sẽ giảm. Từ ngày lên sàn chứng khoán cách đây 6 năm, giá cổ phiếu của FB có lúc đã tăng 500%, từ gần 40 đôla lên đến gần 200 đôla một cổ phiếu cách đây vài tháng, trước khi tụt xuống dưới 150 đôla trong mấy tuần trước và nay đang ở mức 164 đôla. Thu nhập của công ty coi như mất đến 50 tỉ đôla trong những ngày qua.

FB xuống giá vì vụ bán dữ liệu cho Cambridge Analytica hay vì thị trường chứng khoán Mỹ đã quá nóng trong năm qua, nay đang vào giai đoạn điều chỉnh? Những nhà đầu tư vào mạng xã hội đang chờ đợi những quyết định về sự bảo mật dữ kiện của FB trong những ngày tới.

Ra điều trần, Mark Zuckerberg xem FB là một công ty toàn cầu, không chỉ giới hạn ở Mỹ, vì 80% số tài khoản FB là ở nước ngoài.

Khi chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu các công ty viễn thông, điện toán cung cấp dữ liệu để dò kiếm những kẻ có âm mưu khủng bố làm hại nước Mỹ thì các công ty đều phản đối vì điều đó vi phạm đến quyền riêng tư của khách hàng.

Trong những ngày vừa qua, người sử dụng FB được biết những lời nhắn qua mạng này cũng đã bị đọc.

Thời buổi này vào phây hay lướt mạng là bạn đã để cho các công ty khai thác dữ liệu thu thập mọi điều về bạn. Trừ những cơ quan tài chánh, ngân hàng nơi bạn ký thác tài khoản, mượn tiền, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân là quan trọng. Các mạng lưới thông tin khác, cuộc đời của bạn hiện lên theo từng nhấp chuột.

Thế giới hiện có 7 tỉ 600 triệu người. Trung Quốc đông dân nhất với 1 tỉ 400 triệu mà Facebook không vào được thị trường này. Nhưng cũng đã có đến 2 tỉ tài khoản FB ở khắp nơi trên thế giới.

Sau sự kiện Cambridge Analytica có những kêu gọi cư dân mạng hủy bỏ tài khoản FB. Dường như chẳng mấy ai hưởng ứng. Nhiều người đã bị nghiện FB rồi.







No comments:

Post a Comment

View My Stats