Saturday, 30 May 2015

Đối thoại Shangri-La 2015 "Không ai chịu ai" (Tuấn Khanh)





Sat, 05/30/2015 - 22:14 — tuankhanh

Hội nghị Shangri-La được nhiều nhà bình luận thời sự đánh giá rằng việc có mặt của Trung Quốc, chỉ là một trò câu giờ của Bắc Kinh, trong khi ráo riết đổ khí tài lên các đảo vừa xây dựng, biến chúng thành các tiền đồn mới. Nhà phân tích các vấn đề ngoại giao quốc tế của BBC, ông Jonathan Marcus, nói rằng Trung Quốc đang cố xây dựng một Vạn lý trường thành mới trên biển mà không có gì ngăn cản được. Khác với Vạn lý trường Thành ngày xưa là để ngăn giặc tràn vào Trung Nguyên, hôm nay thì Vạn lý trường thành trên biển là để bao vây các nước láng giềng và quyết sở hữu biển Đông.

Hội nghị Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) năm 2015 lại diễn ra với 2 diễn viên chính trên sân khấu là Mỹ và Trung Quốc, được mô tả là trong một không khí hết sức căng thẳng. Ngoài các bình luận về quyền lợi hay quan điểm chiến lược của mình, người Mỹ quăng tới tấp các hồ sơ về việc Trung Quốc đang sục sôi vũ trang trên các đảo nhân tạo, nhằm nhấn mạnh chuyện dây dưa ngoại giao chỉ là cớ để Trung Quốc hoàn thiện các tiền đồn của mình.

Người Mỹ ra mặt thúc giục các nước Asean tham gia vào cuộc, với ngôn ngữ rất mạnh mẽ. Tân chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc.Harry B. Harris trên đường đến phó hội tại Singapore cũng đã nhấn mạnh là các tuyên bố của Trung Quốc nhằm vào chiếm dụng biển Đông là “lố bịch”. Dĩ nhiên các phát ngôn mang tính sắp xếp này, cho thấy chủ trương rõ ràng của người Mỹ lúc này. Thậm chí ông Jonathan Marcus còn nói rằng cũng nên chờ xem kịch tích, vì sếp của ông Harry là Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, vốn nổi tiếng là người ăn nói còn thẳng tuột hơn.

Cục diện đầy mâu thuẫn. Khi người Mỹ chưa vào cuộc, tất cả các nước chịu ảnh hưởng bởi hành động của Trung Quốc lên tiếng rất dữ dội, nhưng lúc này thì mọi người né qua một bên, nhường đất cho cuộc đấu tay đôi và ngóng kết quả. Nước Mỹ từ vị trí bị các nước Cộng sản như Việt Nam chửi rủa là “sen đầm quốc tế”, nay trở thành Lục Vân Tiên. Không ai nói ra, nhưng rõ ràng ngay cả Philippines, Indonesia, Việt Nam đều khoan khoái khi người Mỹ nói mạnh mẽ giùm mình.

Việc lên tiếng và một vài chuyến tuần tra của Mỹ chưa biết sẽ đem lại kết quả gì, nhưng chắc chắn thiện cảm của dân chúng các nước quanh biển Đông dành cho Washington đang tăng vọt. Thậm chí rất nhiều người dân Việt Nam, dù luôn được tuyên truyền rằng Mỹ là “kẻ thù”, nay lại có cảm giác gần gũi hơn.

Hoa Kỳ nói
Theo mô tả ngắn của ông Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, thì lần này nước Mỹ đến Shangri-La với mục đích rất rõ ràng “chúng tôi tiếp nối các đàm phán về quân sự để Bắc Kinh phải cam đoan rằng không có tai nạn, sự cố chủ ý nào trên trên không lẫn trên biển”.
Bên ngoài hội nghị Shangri-La, người ta nói nhiều về các khả năng hình thành một khối NATO Châu Á để hợp sức chống Trung Quốc. Thế nhưng Mỹ bác bỏ điều này ngay lập tức “Tại Châu Á, vẫn có môt số nước nghiêng về phía Trung Quốc, một số khác thì nghiêng về phía Hoa Kỳ, nhưng hầu hết thì không muốn phải có một sự lựa chọn dứt khoát nào, và tôi nghĩ rằng điều này cần thiết để giữ sự đa dạng trong quan hệ ngoại giao ngay tại khu vực, trong thời gian tới”. Ông Ash Carter nói. Bất chấp Trung Quốc cho phát đi nhiều kiểu ngôn luận để đánh loãng sự việc, ông Carter khẳng định rằng nước Mỹ đất nước sẽ tiếp tục tuần tra bằng đường hàng không và hàng hải, cũng như hoạt động ở bất cứ nơi nào trong biển Đông, nơi vốn luật pháp quốc tế cho phép”. Mỹ là nước rất rõ ràng trong việc kêu gọi Bắc Kinh “dừng ngay lập tức cũng như bỏ luôn ý định cải tạo đất mà tất cả các bên đang tranh chấp”.

Trung Quốc nói
Quốc gia gây ra sự căng thẳng trên biển Đông là Trung Quốc thì tìm cách cho cất lên giọng điệu quen thuộc của một nước Cộng sản – nói không ai tin. Ông Huang Jing, giám đốc Trung tâm về châu Á và toàn cầu hóa tại Đại học Quốc gia Singapore, là người Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã rằng “Trung Quốc là hậu vệ hòa bình thế giới, không phải là một người gây rắc rối”. Ông Huang cũng tố cáo Mỹ đã “làm quá” chuyện Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. “Có một thực tế quan trọng là, tất cả các cuộc khủng hoảng với sự tham gia của phương Tây đã kết thúc trong chiến tranh mà không có bất kỳ ngoại lệ nào”, ông Huang Jing nói như muốn cảnh cáo các quốc gia đang ngã về phe Mỹ và lên giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc, “Lý do mọi chuyện căng thẳng là do Trung Quốc đã lớn mạnh và làm các nước lo sợ. Nối kết với lực lượng quân sự nào để chống lại Trung Quốc chỉ làm tình hình phức tạp thêm”.

Chuẩn Đô đốc Guan Youfei, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Bộ Quốc phòng Quốc gia của Trung Quốc, tuyên bố các chứng cứ mà Mỹ đã đưa về việc Trung Quốc đang chiếm đóng trên biển Đông là 'không đầy đủ và thiếu các bằng chứng khoa học pháp lý'. Tân Hoa Xã dẫn tin, cho biết ông Guan Youfei mỉa mai “Tự do hàng hải nên được cho những lợi ích của sự phát triển kinh tế, chứ không phải gửi máy bay quân sự và tàu thuyền ở khắp mọi nơi”.

Indonesia nói
Giọng điệu của nước này vẫn cố gắng trung dung như từ trước đến nay. Tờ Bloomberg cho biết trong phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đề nghị giải pháp các nước trong khu vực sẽ tổ chức tuần tra hòa bình chung đó để làm giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên trong các gợi ý hợp tác tuần tra, ông Ryamizard Ryacudu lại không nhắc gì đến Trung Quốc.

Nguyên nhân của giọng điệu cố trung lập của Indonesia, là do nước này nằm khá xa nơi tranh chấp. Quần đảo Natuna của Indonesia – là một khu vực giàu khí đốt tự nhiên – dù có chút phiền hà với những yêu sách của Trung Quốc nhưng chưa đến mức phải báo động.
Khi ông Ryamizard Ryacudu được hỏi liệu ông có nghĩ rằng Trung Quốc cũng đã nhắm đến việc xây dựng gì đó trên các đảo Natuna chưa? Ông Ryacudu nói rằng Indonesia có theo dõi chặt chẽ và thấy rằng chưa có chuyện đó. Nhưng Indonesia đã có những bước phòng bị từ lúc này về pháp lý lẫn quân sự.

Nhật Bản nói
Hãng Reuters cho biết quốc gia Châu Á có sự tổ chức quân sự cũng như thái độ cứng rắn nhất là Nhật Bản đã lên tiếng với giọng điệu của một samurai, đầy tính cảnh báo. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nakatani đã cảnh cáo rằng các dự án cải tạo đất ở Biển Đông của Trung Quốc đã liều lĩnh đưa cả khu vực chìm vào rối loạn. Nhật nói mình cũng như các quốc gia khác hối thúc Trung Quốc hành xử cho có trách nhiệm.

Nakatani đề xuất một giải pháp gọi là 'Sáng kiến ​​Đối thoại Shangri-La,', với 3 biện pháp để tăng cường an toàn hàng hải và không quân trong khu vực, được chia phiên bởi 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cũng cần biết thêm gợi ý này của Nhật Bản, bao gồm thiện chí hỗ trợ cả các phương tiện tuần tra trên biển và trên không cho Philippines. Nhật Bản đang có một bộ dạng mạnh mẽ, sau khi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu quân sự cách đây một năm. Nhật Bản nói nước này cũng đang xem xét việc có một vai trò an ninh mạnh mẽ hơn ở Biển Đông bằng cách mở rộng tuần tra hàng hải như Hoa Kỳ.

Singapore nói
Thủ tướng Singapore, ông Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) nói Trung Quốc cần nếu Trung Quốc xem xét lại cái vấn đề về biển Đông hiện nay, thì có thể sẽ rảnh tay mà lo chuyện đối nội và cải cách mà không phải quá nhọc nhằn như hiện nay. Trả lời phỏng vấn, ông Lý cho biết dù Trung Quốc là một quốc gia lớn mạnh nhưng sự phát triển của đó 'không phải là dễ dàng như bề ngoài ra vẻ như thế'. Việc gánh thêm các áp lực của các nước vể vấn đề Biển Đông sẽ gây vô vàn khó khăn cho Bắc Kinh.

Ông Lee nhấn mạnh rằng các nước ASEAN luôn muốn có một mối quan hệ tốt với Trung Quốc, mặc dù có đang tranh chấp ở Biển Đông. Và Trung Quốc đừng đánh mất lợi thế này.
Ông Lee cũng được Trung Quốc nhắc lại về quan điểm của cha ông, ông Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) về chuyện Hoa Kỳ phẩi cân nhắc chuyện có nên cô lập Trung Quốc hay không. Ông thủ tướng trả lời khôn khéo mỗi thời kỳ chính quyền khác nhau, thường có những quyết định khác nhau.






No comments:

Post a Comment

View My Stats