Friday, 25 April 2014

VIẾT CHO NGÀY : "HỘI AN BỖNG NHIÊN LẶNG LẼ!" (FB Hồ Nguyên Thảo)




April 24, 2014 at 10:26am

Những ngày này, trên Facebook, bạn bè, đồng hương đang truyền cho nhau những hình ảnh Phố cổ Hội An vắng như Chùa Bà Đanh bởi quy định khách du lịch, bất kể Tây hay Ta, trừ người Hội An ra đều phải mua thêm vé tham quan khi ra vào khu vực Phố cổ với mức phí từ $ 4 - $6 (tương đương 80.000đ - 120.000 đ).


Khi lệnh đã ban 

Đại diện chính quyền nói Hội An không tăng phí; đây là mức phí cũ, đã áp dụng từ 2013, việc triển khai rầm rộ trong suốt tuần qua chỉ nhằm siết chặt để tránh thất thu tiền vé tham quan. Sở dĩ du khách và các phương tiện truyền thông, mạng xã hội những ngày qua phản ứng dữ dội là do có sự hiểu nhầm, do cách triển khai bán vé chưa chuyên nghiệp gây phản cảm… Trong khi chính quyền đang bận thanh minh - thanh nga và đi họp; khi các chốt bán và kiểm soát vé được cắm ở các “cửa ngõ” ra vào phố cổ thì du khách cũng âm thầm tẩy chay Hội An. Phố bỗng vắng thưa người còn người dân, các hộ kinh doanh trong khu phố cổ và các khu vực lân cận bắt đầu ca thán.

Người ủng hộ việc thu thêm phí thì bảo rằng phải thu để nhà nước có tiền mà sửa chữa, bảo tồn không gian văn hóa phố cổ. Họ kêu gọi mọi người hãy thôi ca cẩm, quên ngay văn hóa xài chùa, tập mua vé và trả tiền phí đi. Trong khi, nhìn phố cổ vắng như Chùa Bà Đanh, người dân, người làm du lịch ở Hội An và du khách trong, ngoài nước tỏ rõ sự bất bình, bức xúc vì khoản phí không hợp lý. Người thì rầu rĩ bởi kinh doanh bị ảnh hưởng. Người nơm nớp lo sợ “cơn lũ thất nghiệp” dâng đến tận mang tai nếu tình trạng vắng khách kéo dài, bán buôn ế ẩm, nợ ngân hàng đến ngày đáo hạn mà chưa biết phải làm sao. Đáng buồn hơn, thông qua diễn đàn du lịch nhiều du khách kêu gọi tẩy chay Hội An cho đến khi nào họ biết rõ nguồn thu từ phí tham quan đó được sử dụng cho mục đích gì? Vì sao điều vô lý, điên rồ như thế lại xảy ra ở Hội An?

Có người bảo:“Không lẽ xuống phố ăn tô mì Quảng mà phải trả 145K trong khi trước đó chỉ phải trả 25K. Bao nhiêu loại phí họ thu từ các cơ sở kinh doanh trên toàn Thành phố, các điểm tham quan chưa đủ hay sao mà phải thu thêm cả phí đi dạo. Thật quá đáng!”. Những tranh cãi, luận bàn chưa ngả ngũ nhưng Hội An nhộn nhịp thường ngày bỗng chốc quạnh hiu, vắng vẻ đến kinh ngạc. Biết mình cũng dân Hội An, bạn bè hỏi: - Mày nghĩ sao? - Câu trả lời là tôi không phản đối nếu mức phí tham quan hợp lý. Tất nhiên, tôi sẽ vô cùng hạnh phúc và ủng hộ việc chính quyền xây dựng, bố trí, lắp đặt thêm nhà vệ sinh, giáo dục nhân viên bán vé… có thái độ phục vụ lịch sự, thân thiện và chuyên nghiệp hoặc chi ít là không có những hành vi làm tổn hại đến hình ảnh Hội An, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa vốn có của phố cổ và con người Hội An.

Đường phố vắng ai đi?

Không phải nói thì nhiều người cũng biết ở Hội An, gia đình nào cũng có ít nhất từ một đến hai người làm các ngành nghề liên quan đến du lịch Nhiều người nhờ du lịch mà có đời sống sung túc hơn. Có người vịn vào du lịch mà nuôi dưỡng ước mơ bay cao, bay xa. Nguồn thu ngân sách chủ yếu của tỉnh nói chung và Hội An nói riêng cũng từ nghành "Công nghiệp không khói" này. Vậy mà “bỗng nhiên” du khách nay không về Hội An nữa! Họ “bỗng nhiên biến mất” trước sự ngỡ ngàng không chỉ của người Hội An mà còn của tất cả những ai trót yêu thương và lên kế hoạch cho lần quay lại bởi Hội An là nơi xứng đáng. Người Hội An ngỡ ngàng và bối rối khi nhận ra đây không phải là chiến thuật "Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" của chính quyền Hội An mà thực chất là "Đưa lá ngón đến từng người, từng nhà". Không cần trưng cầu dân ý, thử nghiệm, không cần đánh giá tác động của nó xem có ảnh hưởng như thế nào, ảnh hưởng đến ai không mà cứ thế áp (đặt) dụng. Ai phá sản thì phá sản. Ai chết cứ chết. Tiền thì ông phải thu. Rứa thôi!

Dù có xếp gọn ấm ức vào một góc “bộ đồ lòng” để nghĩ thay cho nhà cầm quyền trong “biến cố du lịch tháng 4. 2014” này thì tôi cũng không thể tin những “đỉnh cao trí tuệ” của Phố Cổ đã tính toán, xem xet kỹ lưỡng khi đề ra mức phí đủ để đuổi khách và “bóp chết” Hội An - Nàng công chúa xinh đẹp mới vừa choàng tỉnh sau giấc ngủ trăm năm, chỉ sau vài ngày.

Ai mà biết được chính quyền nghĩ gì, tính toán gì, có vội vàng không vì họ thường làm mọi thứ theo cách rất riêng. Tuyệt nhiên dân đen không có cơ hội để biểu quyết hay luận bàn. Dân chỉ có cơ hội làm chuột bạch và trả giá. Chính quyền ở nơi nào trên trên xứ thần tiên này họ cũng rất quyết đoán, rất mạnh mẽ và nói chung là cũng rất nhanh chóng khốn nạn vì hậu quả chẳng ai khác là dân tình phải gánh chịu. Buồn và bất lực, người dân phải tự AQ lấy chính mình rằng vấn đề chả phải thu phí nhiều hay ít, tiền vào túi ai mà Hội An vắng vẻ là điều tốt bởi ta được quay về với tuổi thơ ta nghèo khó, đường phố vắng, ma đi. Ta phải ngậm miệng lại, bình thản mà quán triệt rằng: “Hội An nhộn nhịp, rộn ràng thế đủ rồi. Nó cần phải quay về thời CÓ mà KHÔNG - Thiệt ra là KHÔNG CÓ CON MẸ GÌ ngoài những dãy phố rêu phong, những căn nhà sập xệ, với hình ảnh cư dân phố cổ nghèo nàn luôn đau đấu nhớ thuở vàng son; Là đây, Hội An của thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Hội An phải vắng lặng, thế mới cổ!”.

Chính quyền đã quyết định thế. Phí thì phải thu. Du khách thích dạo phố thì phải mua thêm vé. Ai bực bội, bức bối thì cứ tẩy chay Hội An đi,  biến đi, đến nơi nào không có phí - phiền - phức mà du lịch.

Và những hệ lụy

Ai mà không biết, không có Hội An thì du khách còn có nhiều sự lựa chọn khác. Họ là dân xứ tự do đến xứ thần tiên bị rọ miệng, để trách rắc rối họ cứ tẩy chay cho khỏe. Có người nhép mép cười rồi quay đít đi thẳng khi bị chặn lại, bắt mua vé ngay lối vào phố cổ. Có người lằm bằm: Thu phí ư! Thu đi, các người cứ chặn ở cổng mà thu. Hãy lắp thêm camera ghi hình rồi “tự sướng” là du khách người ta ủng hộ lắm, chỉ có điều họ không nói ra và im lặng chọn nơi khác làm điểm đến. Quyết định tăng phí cứ  thế tự nhiên đi vào đời sống như hàng quán tự nhiên đóng cửa, người người cứ thế tự nhiên thất nghiệp… Rứa thôi!

Du khách có tiền họ có quyền lựa chọn. Chỉ có phố cổ và người Hội An là chẳng có sự lựa chọn nào ngoài việc ngậm ngùi xót xa nhìn phố vắng đìu hiu, giao thương ngưng trệ và những đồng tiền khó khăn kiếm được lần lượt đội nón ra đi. Nợ nần bủa vây ư? Ngân hàng siết nợ ư? - Chính quyền không liên can nhé!. Nhìn Cambodia đi, họ cũng thu phí đó. Có làm sao? - Vui nhỉ? Hội An mà đòi so với Angko Wat, nơi mà đi thăm toàn khu di tích phải mất đến cả tuần. Còn Phố cổ Hội An thì cần 1 ngày, 2 ngày đi chậm chậm là xong. Nhiều người vào phố ngoài thăm quan di tích, đình chùa, họ còn lang thang, ăn uống, mua sắm, thêm phí $4 - $6 có hợp lý không? - Nếu hợp lý chắc người ta không đồng lòng phản đối thế nhỉ? - Hay họ bị thế lực thù địch nào kích động?. So sánh thì chọn cái nào cân xứng chút hãy so, không người ta cười cho nhé!

Trong cơn bối rối vì sự tĩnh lặng đến không ngờ, người Hội An muốn biết đứa đầy tớ nào trong cơn mê sảng đã ngoáy bút đưa “chiến xa” Hội An một phát về mo (0) khi Hội An chỉ mới rô đa xong. Hội An quá giống với hình ảnh một vận động viên vừa thực hiện xong các bước chạy đà đã phải dừng lại nghỉ chân, nhường cho các đối thủ khác tăng tốc. Thú vị là ở chổ đó! Bản lãnh, tài năng lãnh đạo là ở chổ đó!

Cảnh tượng Hội An lung linh, rộn ràng bán buôn nay thay bằng cảnh tượng hàng quán le hoe khách. Các bà, các chị thảnh thơi ngắm trẻ con đá bóng, chơi đùa trong lòng những con phố vắng vẻ, buồn thiu. Những ngày tiếp theo chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi bà con tiểu thương, các chủ khách sạn, nhà hàng... liên tục ngồi đuổi ruồi và chơi ví bắt với chủ nợ, ngân hàng. Hội An rồi sẽ ra sao, ai mà biết được? - Dù là vì ai, vì cái gì thì nhất định không được đổ thừa cho phí nhé! Phí nó có biết gì đâu mà hỏi nó!

Cũng cần phải nhắc lại rằng Hội An được như hôm nay không chỉ nhờ công của anh hai, anh ba, chú tư, cô chín mà còn có công lao của các thế hệ Người Hội An đã bao đời gìn giữ, tôn tạo, quảng bá, tuyên truyền. Kinh tế đang lao đao, cả nước chỉ có vài ba điểm sáng trong đó có Hội An, phút chốc nhờ sáng kiến mang tầm "đỉnh cao trí tuệ" mà niềm tự hào nhỏ bé bỗng dưng tắt lịm trên dãi ngân hà vốn dĩ chỉ lát đát sao. Dù đèn lồng vẫn lung linh, nhà hàng, khách sạn... vẫn sáng đèn mở cửa đón khách nhưng Hội An hôm nay vắng lặng quá! Người Hội An nhìn phố mà chết lặng. Vì đâu?
Du khách không về Hội An nữa - Quan tài đặt ngay giữa phố rồi mà người ta còn chưa ai đổ lệ. Bận lòng mà làm gì? - Hay thôi bà con cứ để cho Đảng và nhà nước lo!

24.04.14


No comments:

Post a Comment

View My Stats