Thursday 10 April 2014

VÌ SAO NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC NGẦN NGẠI THAM GIA VÀO MỘT ĐẢNG CHÍNH TRỊ ? (Việt Hoàng - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ năm, 10 Tháng 4 2014 21:27

Năm 2014 đánh dấu một sự kiện quan trọng, vừa tròn 60 năm đảng cộng sản Việt Nam chính thức nắm quyền lãnh đạo Việt Nam (tại miền Bắc) sau chiến thắng Điện Biên Phủ và sau đó là trên cả nước năm 1975. Thực tế thừa nhận rằng đảng cộng sản đã lãnh đạo thành công cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước dù phải trả một cái giá rất đắt. Thế nhưng thực tế cũng đã chứng minh rằng đảng cộng sản đã thất bại hoàn toàn trong việc xây dựng Việt Nam thành một đất nước phát triển bình thường chứ chưa nói đến chuyện phồn vinh hay thịnh vượng.

Việt Nam đã và đang tụt hậu đứng đằng sau rất xa so với các nước trong khu vực kể cả những nước kém phát triển như Lào hay Campuchia. Chế độ độc tài toàn trị theo mô hình chủ nghĩa Mác-Lênin mà đảng cộng sản đang áp đặt trên mọi lĩnh vực đời sống của người dân Việt Nam là nguyên nhân chính làm cho đất nước ta không thể cất cánh và bay lên được. Cần phải thay đổi thể chế chính trị để cởi trói cho xã hội, để Việt Nam có cơ hội phát triển là điều ai cũng đồng ý, cũng quan tâm và trông đợi. Tuy nhiên sự chờ đợi và hy vọng đó ngày càng cạn kiệt vì chưa có áp lực đủ mạnh để buộc đảng cộng sản Việt Nam phải thay đổi.

Áp lực nào sẽ buộc được đảng cộng sản Việt Nam thay đổi? Tất nhiên đó là áp lực từ đa số người dân Việt Nam. Vậy người dân Việt Nam đã muốn thay đổi chưa? Số người muốn thay đổi đã đủ đông chưa? Chúng tôi nghĩ là có và đủ. Vậy tại sao thay đổi vẫn chưa xảy ra? Theo chúng tôi thì lý do đám đông người dân Việt Nam bức xúc và muốn thay đổi vẫn chưa thành công là do họ chưa có lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt. Lực lượng dẫn dắt và lãnh đạo đó đương nhiên phải là các đảng phái chính trị có thực lực và viễn kiến, có đội ngũ hùng hậu và uy tín để tập hợp dân chúng. Các đảng chính trị đó từ đâu ra? Tất nhiên là không thể từ trên trời rơi xuống mà phải do tầng lớp trí thức tinh hoa Việt Nam xây dựng mà có. Vậy tại sao trí thức Việt Nam không làm ngay điều đó? Lý do cũng đơn giản, nhiều người trí thức và yêu nước vẫn ngần ngại khi tham gia vào một tổ chức chính trị!

Vì sao lại có chuyện mâu thuẫn đó? Muốn chiến thắng thì phải có tổ chức, đấy là một qui luật bắt buộc. Thế nhưng không phải ai cũng có cố gắng để góp phần xây dựng tổ chức và muốn tham gia vào một tổ chức chính trị. Trả lời cho câu hỏi này một cách đầy đủ và rõ ràng nhất không ai khác ngoài ông Nguyễn Gia Kiểng, người lãnh đạo tổ chức chính trị Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Theo chúng tôi thì “làm chính trị” cũng như bao công việc khác, ngoài đam mê và năng khiếu thì cần phải đầu tư thời gian để học hỏi vì nó đòi hỏi rất nhiều cố gắng và trí tuệ. Có lẽ vì quá khó và mất thời gian nên nhiều người dân chủ bỏ cuộc và thay vào đó bằng cách đấu tranh kiểu nhân sĩ, một mình một ngựa, đấu tranh theo cảm hứng và không có một lộ trình nào cả, đấu tranh trong tuyệt vọng vì không bao giờ họ nghĩ rằng mình sẽ vươn tới được chiến thắng. Họ trông chờ vào một phép màu nào đó hay một sự can thiệp của một thế lực nào đó. Phép màu sẽ không xảy ra trong thời đại này và những người đấu tranh theo kiểu nhân sĩ dần dần sẽ chán chường, mệt mỏi và bỏ cuộc.

Một lý do nữa khiến trí thức Việt Nam không muốn tham gia vào tổ chức chính trị là do di sản lịch sử, họ ngộ nhận rằng làm chính trị là cái gì đó xấu xa, là tranh giành quyền lực và đấu đá lẫn nhau. Trong khi bản chất của làm chính trị là “làm việc cùng nhau”, để cùng thay đổi xã hội và làm cho xã hội tốt hơn. Làm chính trị cũng có nghĩa là phụng sự người dân chứ không phải để tham nhũng và cướp bóc. Quan niệm Khổng giáo đã làm cho các xã hội của nó không thể phát triển được vì nó đầu độc con người, ví dụ làm gì có chuyện cứ người nghèo là thanh bạch, là tử tế còn người giàu là tội lỗi xấu xa. Người giàu ở đây phải hiểu là giàu bằng bàn tay và trí tuệ của mình chứ không phải bằng tham nhũng và ăn cắp. Nếu xã hội mà toàn người nghèo cả thì xã hội đó có phải là xã hội mà con người muốn vươn tới không? Chắc chắn là không. Nghèo thì khó mà sạch cũng như rách thì khó mà thơm. Chính trị là tốt nên mới gọi là “chính trị”, nếu xấu thì đã bị gọi là “tà trị” từ lâu.

Xây một ngôi nhà cũng cần đến một bản vẽ và thiết kế, để xây dựng lại một đất nước không thể không có một “dự án chính trị”. Dự án chính trị có tác dụng như một tấm bản đồ nhằm tìm kiếm một lộ trình ngắn nhất, khả thi nhất để dẫn dắt người dân đi đến tương lai, đến bến bờ của hạnh phúc. Dự án chính trị đó phải là sản phẩm trí tuệ của mỗi tổ chức chính trị, được đưa ra giới thiệu với người dân, thuyết phục người dân để người dân chấp thuận và lựa chọn lộ trình đó. Càng tạo được đồng thuận lớn chừng nào trong dân chúng thì cơ hội thành công sẽ càng lớn bấy nhiêu. Vì là một dự án lớn, dành cho và liên quan đến sự tồn vong hưng thịnh của cả dân tộc cho nên nó phải là sản phẩm của trí tuệ và của tập thể. Một lần nữa chúng ta cần thống nhất với nhau rằng không có “tổ chức chính trị”, không có một “dự án chính trị” cũng như không có một “đội ngũ chính trị” thì chúng ta sẽ không đi được đến đâu cả. Loanh quanh một hồi rồi trước sau gì cũng sẽ bị lạc lối.

Hiểu được như thế thì trí thức Việt Nam mới ủng hộ cho các tổ chức chính trị bằng cách tham gia vào các tổ chức để tạo sức mạnh và uy tín cho tổ chức, hoặc chí ít ra họ cũng cần phải lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị đứng đắn mà họ có cảm tình nhất. Chỉ có tham gia vào một tổ chức chính trị thì những người tranh đấu cho dân chủ mới có thể trở thành những chính trị gia thật thụ. Chính trị gia thật thụ là những người có hiểu biết và kiến thức về chính trị, có tinh thần kỷ luật và tinh thần tập thể và cuối cùng họ phải là những người yêu nước thật sự. Mỗi việc làm và hành động của họ đều vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng lực lượng trí thức dân chủ trong tương lai, tức là những người lãnh đạo tại các địa phương trong cả nước. Các bạn trẻ Việt Nam nên dành nhiều quan tâm và thời gian học hỏi để có thể trở thành những chính trị gia thực thụ, là những người sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý và xây dựng đất nước trong tương lai.
Muốn có niềm tin và sự dũng cảm để dấn thân thì phải có sự hiểu biết, chính sự hiểu biết sinh ra lòng dũng cảm. Tham gia vào một tổ chức chính trị sẽ giúp mỗi người hoàn thiện và bổ xung kiến thức chính trị cho mình một cách nhanh nhất. Trí khôn của tập thể là vô địch. Có tham gia vào một tổ chức chính trị mỗi người mới có thể hiểu được rằng xây dựng một tổ chức và để nó có uy tín đòi hỏi rất nhiều thời gian, những tổ chức với vài năm tuổi không thể nói lên điều gì cả và cũng chưa thể tin được. Uy tín là thứ phải tự mình gây dựng chứ không thể vay mượn và phải cần thời gian để chứng minh. Cũng chỉ có tham gia vào một tổ chức chính trị thì những người  tranh đấu mới hiểu một điều là cuộc đấu tranh cho dân chủ (có thể) còn dài và mọi người đều phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những thất vọng. Gia nhập một tổ chức chính trị là để đóng góp, cống hiến và xây dựng cho tổ chức đó chứ không phải là tham gia vào một tổ chức đã lớn mạnh nhằm mục đích tìm kiếm quyền lợi cho tương lai. Vì lẽ đó chúng ta thấy rằng chỉ có những tổ chức chính trị được xây dựng và hình thành trong khó khăn, lúc chưa nắm được chính quyền mới có thể bền vững, còn những tổ chức hình thành sau khi đã nắm được được chính quyền rồi thì tuy đông nhưng không có thực chất vì những kẻ tham gia đa số là cơ hội.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị đứng đắn, có bề dày lịch sử. Cho dù Tập Hợp có tư tưởng chính trị, có dự án chính trị và có những con người lương thiện, hiểu biết, yêu nước, đoàn kết và gắn bó nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều phương tiện và cũng còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi vẫn chưa xem mình là một tổ chức lớn mạnh vì vậy chúng tôi rất mong được giới trí thức tinh hoa Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung ủng hộ và chọn Tập Hợp làm nơi hội tụ cho những người Việt Nam yêu nước. Có tổ chức và có quyết tâm chúng ta sẽ thay đổi được tương lai cho dân tộc Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng liên minh và tìm kiếm sự hợp tác với tất cả các tổ chức chính trị khác, nhất là với các tổ chức xã hội dân sự đang không ngừng phát triển và lớn mạnh tại Việt Nam. Cứu nước là công việc chung của mỗi người, mỗi tổ chức. Tùy theo khả năng và vị trí của mỗi người mà sự đóng góp cho công cuộc chung cũng khác nhau và chúng ta cần ghi nhận mọi sự đóng góp đó.

Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến mọi người chỉ đơn giản là chúng ta hãy kết hợp lại với nhau, nhỏ thì thành những nhóm 5-7 người, lớn thì thành những tổ chức có qui củ. Những người có uy tín và lớn tuổi (không còn bị chính quyền làm khó dễ) thì rất nên tham gia hoặc lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó. Nếu trí thức Việt Nam không tin nhau và không tập hợp lại được với nhau thì người dân biết đặt niềm tin vào đâu? Ở ai? Muốn hay không thì giới trí thức tinh hoa Việt Nam phải làm người dẫn đường và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Trí thức Việt Nam phải có dũng khí đảm nhận trách nhiệm làm đầu tàu để kéo người dân đi thay vì làm toa tàu để người dân kéo đi.

Việt Hoàng


1 comment:

  1. tại sao khi đất nước đang yên bình và phát triển một cách khá tốt so với thế giới như mà vẫn có những kẻ luôn miệng phủ nhận những thành tựu đó của Việt Nam thế nhỉ, phải chăng là họ chưa nhìn nhận chính xác sự thật không biết được tình hình hiện tại của Việt Nam ta hay đơn giản là họ muốn chống đối Đảng và nhà nước thế nhỉ. Sau khi giành được thắng lợi thì nước ta phát triển ngày càng có vị thế chỗ đứng trên tầm thế giới đó thôi. Đúng là trong lịch sử thì đã có thời kì do những sai lầm trong đường lối lãnh đạo nên đất nước ta đã rơi vào khủng hoảng thế nhưng nhà nước đã nhanh chóng nhận thấy sai lầm và sửa chữa kịp thời và giờ đây vị thế của chúng ta đã được thế giới công nhận đó

    ReplyDelete

View My Stats