BBC
Cập nhật: 13:10 GMT - thứ tư, 9 tháng 4,
2014
Một
số tổ chức quốc tế đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân đằng sau việc Tiến sỹ Cù
Huy Hà Vũ được chính quyền Việt Nam thả khỏi tù và sang Hoa Kỳ 'chữa bệnh'.
Tuy nhiên có ý kiến đặt lại nói là ông Cù Huy Hà
Vũ đã bị 'đưa đi lưu vong' (exile) chứ không phải được ra nước ngoài chạy
chữa bệnh nặng.
Hôm
08/4/2014, ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
(Human Rights Watch) bình luận với BBC việc ông TS Hà Vũ được đưa thẳng từ
trại giam ra sân bay sang Mỹ.
Ông Adams nói đây là 'tin vui' nhưng lại cũng là
một việc 'đáng buồn', không 'công bằng' đối với ông Hà Vũ và sự nghiệp tranh
đấu cho cải tổ thể chế, chính trị ôn hòa mà nhà hoạt động này lâu nay theo
đuổi.
NGHE/XEM
: 'Khó
có chuyện ông Hà Vũ được trở về'
Ông
Adams nói: "Hiện
nay, ông Cù Huy Hà Vũ đã có mặt ở Washington DC, chúng tôi hài lòng về điều
này, nhưng đồng thời đây là một ngày rất buồn cho Việt Nam, bởi vì đây là một
nhà hoạt động chủ chốt của Việt Nam là người đã luôn kêu gọi một cuộc cải tổ
chính trị hòa bình cho thể chế ở Việt Nam và bây giờ ông ấy đã bị bắt buộc phải
rời khỏi đất nước,
"Việt Nam đang cần những người như ông Hà Vũ, ở Việt Nam ông ấy có
thể làm việc để nỗ lực tạo ra một xã hội dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con
người và nay ông ấy phải sống lưu vong, và điều này không công bằng cho ông ấy
và gia đình của ông ấy và cả đất nước, bởi vì ông ấy đã không làm gì sai
trái."
'Chữa
bệnh hay trục xuất?'
Trước câu hỏi liệu việc ông Vũ được đưa ra nước
ngoài 'chữa bệnh' là lý do thực sự và duy nhất hay đâu là lý do thực, ông
Adams bình luận:
"Chúng tôi hiểu rằng ông Cù Huy Hà Vũ có vấn đề về sức khỏe, nhưng
đồng thời ông ấy không bao giờ nên bị bỏ tù, và ông ấy lẽ ra phải được trao trả
tự do và ra khỏi tù từ sớm hơn để được chạy chữa, thật là một điều đáng hổ thẹn
cho chính phủ Việt Nam khi mà ông ấy phải ‘tới Mỹ để chữa bệnh’ ngay khi là một
tù nhân chính trị,
"Dù là lý do được đưa ra là ‘chữa bệnh’ đi chăng nữa thì chúng tôi
cũng tin rằng đó là lý do không thích hợp, theo quan điểm của chúng tôi, ông Hà
Vũ đã bị tống đi lưu vong hơn là vì ly’ do sức khỏe.
Trước câu hỏi liệu trong tình huống ông Vũ có bệnh
nan y hoặc suy sụp sức khỏe nguy ngập, đây là một hành động 'nhân đạo' của nhà
chức trách hay không, ông Adams nói thêm:
"Chính phủ không muốn ông ấy chết ở trong tù vì đây là điều mà sẽ
gây cho họ nhiều khó khăn, thế nên họ đã ‘thả ông ta’ và cho ông ta thẳng lên
máy bay.
"Ông ấy có thể có những kháng cự nào đó về điều kiện ra tù, nhưng
người ta có thể làm gì được khi đang bị bệnh tật mà lại thiếu các thiết bị chăm
sóc và vẫn còn những bốn năm nữa ở trong tù."
'Vẫn
cần ông Vũ ở trong nước'
Theo Giám đốc châu Á của Human Rights Watch, ông Hà
Vũ đã thu hút được sự chú ý, theo dõi, ủng hộ của khá đông đảo các tầng lớp
trong xã hội và là một nhân vật có ảnh hưởng lớn khi mà ngay sau khi ông bị
bắt, hàng loạt kiến nghị đòi phóng thích ông đã được các giới như cựu quan
chức, nghệ sỹ, nhà giáo, giáo sư đại học, nhà khoa học, nhà báo, giáo sỹ, công
nhân, nông dân... ký tên.
Ông
Adams nói: "Ông ấy đã có sự ủng hộ của đông đảo và rộng rãi trong quần chúng,
tôi nghĩ nếu Việt Nam là một quốc gia tự do, người ta có thể tưởng tượng ông ấy
có thể trở thành một nhà lãnh đạo hay một ứng viên tranh cử thành công, thay vì
là bị ứng xử và bị coi là một tội phạm, chỉ vì ông ấy có một quan điểm chính
trị khác biệt,
"Do đó, đó là một ngày tồi tệ cho Việt Nam khi một trong những người
có tài năng như vậy đã bị buộc phải rời khỏi đất nước."
Về câu hỏi phải chăng nhà cầm quyền muốn đưa ông Vũ
ra khỏi Việt Nam càng xa càng tốt để ông có thể giảm khả năng, phạm vi ảnh
hưởng, hoặc thậm chí trở nên 'im lặng' như một số nhà hoạt động Việt Nam trước
đây sau khi ra hải ngoại, đại diện Human Rights Watch đáp:
"Có một thực tế là nhiều nhà hoạt động sau khi ra nước ngoài đã bị
đụng độ và thậm chí bị nhiều nhóm tranh đấu dân chủ khác ở hải ngoại tấn công
và đây là điều đáng tiếc,
"Chúng tôi đã nói chuyện với một số các nhà hoạt động Việt Nam bị
lưu đầy, trục xuất, là những người đã cố gắng tiếp tục tập trung các nỗ lực của
họ tranh đấu cho tự do và nhân quyền ở Việt Nam khi đã ra nước ngoài, nhưng đã
gặp các trở ngại như vậy. Hy vọng là ông ấy sẽ tránh được vấn đề như thế."
'Thách
thức và cơ hội ở hải ngoại'
Khi được hỏi về việc nếu ông Hà Vũ vẫn muốn tiếp tục
vận động, hoạt động cho cải cách chính trị, thể chế ở Việt Nam, mà ông không
được chính quyền cho về nước, thì liệu ông Vũ có thể làm được gì từ bên ngoài
Việt Nam, ông Adams nêu quan điểm:
"Ngày nay mạng Internet có thể cho phép người ta sống ở nước ngoài
nhưng vẫn tiếp tục có những tác động, ảnh hưởng ở trong nước, để những điều mà
họ viết ra có thể được truyền bá đi, được phát trên truyền thông hay là được
người khác đọc và theo dõi."
Thế
nhưng, đại diện Human Rights Watch từ London cũng cảnh báo một số khó khăn mà
ông Vũ có thể đương đầu với tư cách một nhà hoạt động khi đã ra hải ngoại.
Ông
Adams nói: "Một vấn đề khác làm cho nhiều người phải lo toan là phải lo liệu cuộc
sống, chi phí cuộc sống ở Mỹ cũng có thể là một áp lực,
"Do đó, nếu ông ấy có thời gian để cống hiến cho các hoạt động tranh
đấu của ông ấy thì tôi nghĩ ông ấy vẫn có thể là một người có ảnh hưởng dù ở trên
đất Mỹ."
Về thời điểm thả ông Vũ của chính quyền Việt Nam,
ông Adams bình luận:
"Tôi nghĩ là trong những năm gần đây, con số các vụ bắt bớ và các vụ
xử các nhà hoạt động đã tăng chóng mặt và có thể nhà cầm quyền Việt Nam muốn
giảm một số áp lực trong vấn đề này,
"Bằng cách thả tự do cho ông Hà Vũ và bằng việc cố tỏ ra rằng họ
cũng linh hoạt, nó cũng có thể vì sức khỏe của ông ấy, có thể họ thực sự lo
lắng rằng sức khỏe của ông ấy có thể giảm sút và ông ấy có thể qua đời trong
tù."
'Lẽ
ra phải thả sớm hơn'
Hôm thứ Ba, BBC cũng trao đổi với đại diện của Tổ
chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương
để tìm hiểu động cơ và hệ quả của việc ông Hà Vũ được đưa sang Hoa Kỳ.
Từ
London, ông Olof Blomqvist, phát ngôn nhân của tổ chức này nói:
"Chúng tôi đang tìm cách tìm hiểu có thỏa thuận gì đằng sau vụ chính
quyền Việt Nam thả ông Cù Huy Hà Vũ. Tất nhiên chúng ta luôn luôn vui mừng mỗi
khi một tù nhân lương tâm như trường hợp ông Hà Vũ được thả,
"Mặc dù ông đã bị bắt giam, xử tù chẳng vì lý do gì ngoài viêc ông đã thực hiện quyền tự do thể hiện quan điểm một cách ôn hòa, môt vụ án đã làm dấy lên sự quan ngại sâu sắc về công lý ở Việt Nam, chúng tôi hài lòng
vì ông Hà Vũ đã được trao trả tự do.
"Tuy nhiên viêc trao trả tự do này lẽ ra phải được thực hiện từ sớm
hơn rất nhiều, và Việt Nam tiếp tục phải thay đổi cơ chế để tiếp tục trao trả
tự do sớm hơn nữa cho các tù nhân chính trị và lương tâm ở Việt Nam, trong bối
cảnh mà chúng tôi thấy tiếp tục diễn ra các vụ bắt bớ."
'Tiếp
tục các áp lực quốc tế'
Khi được vấn ý về việc cộng đồng quốc tế liệu sẽ
dừng lại các động thái, áp lực của mình đối với Việt Nam về cải cách chính trị,
cải thiện tình trạng nhân quyền và thả tự do vô điều kiện cho ít nhất vài trăm
tù nhân chính trị và lương tâm khác còn đang bị giam giữ, xét xử hay không, kể
cả chịu quản chế, sau khi ông Vũ ra tù, ông Blomqvist nói:
"Tôi nghĩ việc cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì các áp lực đối với
Việt Nam, không để cho việc đàn áp tự do ngôn luận tiếp diễn, là rất quan
trọng,
"Nhà cầm quyền Việt Nam cần phải được các chính phủ trên thế giới
nói cho biết rằng tự do ngôn luận và biểu đạt là một quyền con người cơ bản, và
Việt Nam phải tôn trọng điều này,
"Chúng tôi ghi nhận rằng rất nhiều trường hợp trong đó không chỉ có
nhiều các bloggers, các nhà hoạt động chính trị mà cả các nhạc sỹ cũng bị bắt
giam, bỏ tù chỉ vì họ đã biểu đạt ôn hòa quan điểm của họ,
"Dựa trên thực tế những gì đã đang diễn ra ở Việt Nam, chúng tôi
thấy rằng cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa, có một số các
bước đi hữu hạn đã diễn ra, nhưng giới chức Việt Nam tiếp cục cần phải được
nhắc nhở, cảnh báo rằng xâm phạm các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt là vi
phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế," phát ngôn
nhân của Ân xá Quốc tế nói với BBC.
'Khả
năng được hồi hương'
Hôm 09/4, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội
nói với BBC, ông tin rằng ông Cù Huy Hà Vũ khó có thể quay trở lại Việt Nam
trong ngắn hạn, tuy bày tỏ hy vọng ông Vũ có thể có cơ hội đó trong tương lai.
Ông
nói: "Theo
kinh nghiệm những trường hợp đã được đi theo như vậy chữa bệnh, hoặc đi định cư
hẳn, thì khả năng quay trở lại Việt Nam rất khó, gần như là không thể, thế nhưng
tình hình chính trị Việt Nam trong vòng một vài năm tới tôi cho rằng có thể
thay đổi,
"Và khi đó thì tôi tin anh Cù Huy Hà Vũ sẽ có thể có cơ hội quay trở
lại Việt Nam với một vị thế khác so với vị thế hiện nay."
Luật
sư Đài cho hay cách đây hơn 1 tháng rưỡi, ông và một số 'bè bạn' của ông đã
được luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của TS Hà Vũ, cho biết trước về khả năng
ông Vũ sẽ đi Mỹ.
Theo ông Đài, người cũng từng là tù nhân chính trị,
bị kết án và phải ngồi tù trong bốn năm, thì điều kiện chăm sóc sức khỏe ở
trong tù không tốt và không phù hợp với sức khỏe của ông Vũ, người bị một số
căn bệnh như 'tim bẩm sinh, máu nhiễm mỡ và huyết áp cao."
Tuy nhiên, theo ông Đài, chắc chắn cộng đồng quốc tế
đã có các tác động nhất định trong việc ông Hà Vũ được thả ra tù, trong đó Hoa
Kỳ, Liên minh châu Âu, Úc, là các bên đã luôn luôn thúc giục chính quyền Việt
Nam lâu nay.
'Và
kỳ vọng trong nước'
Hôm thứ Ba, một số nhà hoạt động ở Việt Nam cũng nói
với BBC, họ tin rằng các nỗ lực trong và ngoài nước, khu vực và quốc tế cần
tiếp tục được tiến hành và thúc đẩy để gây áp lực cho Việt Nam cải thiện tình
trạng nhân quyền, đẩy mạnh lộ trình trao trả các tù chính trị và tù nhân lương
tâm, cũng như chấm dứt việc bắt bớ các nhà hoạt động ôn hòa.
Từ Sài Gòn, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện
trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nêu quan điểm về việc nên hay không tiếp tục
các nỗ lực này. Ông nói:
"Quá nên chứ không phải là nên hay không nên, quá nên, và thứ hai,
một Cù Huy Hà Vũ được thả, nhưng còn rất nhiều tù nhân lương tâm khác, anh Điếu
Cày chẳng hạn, và rất nhiều người khác nữa,
"Và tôi hy vọng sau sự kiện thả Cù Huy Hà Vũ, thì khát vọng của nhân
dân là những người tù lương tâm khác cũng sẽ được tự do."
Cũng hôm 08/4, từ Hà Nội, thành viên tổ chức Mạng
lưới Blogger Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC:
"Tôi nghĩ rằng có lẽ nhà nước họ tính toán thả riêng anh Cù Huy Hà
Vũ là có sự lựa chọn, thế nhưng về phía những người đấu tranh, những người hoạt
động dân chủ, những người đòi hỏi những quyền tự do của con người (như) chúng
tôi,
"Chắc chắn việc đấu tranh cho những tù nhân lương tâm, những người
vẫn còn trong vòng quản chế, đấu tranh cho họ những quyền dân sự ấy là chúng
tối sẽ phải tiếp tục làm," blogger Lân
Thắng nêu quan điểm.
Trước đó, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà báo
tự do nói với BBC đã đến lúc quốc tế yêu cầu Việt Nam cung cấp danh sách đầy đủ
các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, những người bị xét xử hay không,
những người bị quản chế, đóng cửa các trại lao cải dưới hình thức 'phục hồi
nhân phẩm'.
Ông cũng nói Việt Nam cần cho quốc tế biết lộ
trình thả hết tù nhân và những người bị giam giữ vì đã lên tiếng, đấu tranh ôn
hòa vì tự do và nhân quyền ở nước này.
No comments:
Post a Comment