PHẠM
ĐÌNH TRỌNG
14/04/2014
(TƯỜNG TRÌNH BUỔI LÀM VIỆC VỚI AN NINH)
Làm việc với tôi lúc đầu là hai người: một công an
cấp thành phố tên Tuấn ngoài năm mươi tuổi, nước da màu đồng ruộng, mặt nhọn
chữ V, đã quá quen mặt với tôi suốt mấy năm nay và một người trẻ hơn ông Tuấn
vài tuổi, mặc áo thun đen được ông Tuấn giới thiệu cũng là công an thành phố.
Tôi hỏi tên, người đó nói tên Sang.
Tôi tin chắc ông Sang không phải là công an cấp
thành phố mà là công an cấp bộ. Tôi đến trụ sở công an xã Phước Kiển vào phòng
trung tá Lâm Ngọc Thích, trưởng công an xã, hỏi: Thưa anh, tôi được mời đến làm
việc ở phòng nào. Ông Thích hỏi ngay: Bác là bác Trọng phải không? Ông Thích
mời ngồi, pha ấm trà mới tiếp khách và bảo tôi bác ngồi đợi chút, các anh đó
đang đến. Tôi hỏi thăm gia đình, ông Thích bảo quê ông bà nội ngoại của ông đều
ở xã Phước Hải, cạnh xã Phước Kiển này. Ông vui vẻ, cởi mở khoe rằng anh thiếu
úy Lê Phương Tinh, công an khu vực dân cư nơi tôi ở, người hai lần mang giấy mời
của công an đến cho tôi chính là con rể của ông, lấy con gái đầu của ông.
Uống ngụm trà rồi tôi ra sân
đợi thì ông Tuấn đến. Tôi và ông Tuấn đến phòng ông Thích đi ngang qua một
người mặc áo thun đen đứng bên chiếc xe máy ngay cửa phòng ông Thích. Ngôn ngữ
trao đổi và cử chỉ của ông Thích và ông Tuấn cho tôi hiểu rằng ông Thích giục
làm việc đi, ông Tuấn bảo đợi thêm người, ông Thích liền chỉ người mặc áo thun
đen. Lúc đó ông Tuấn mới biết rằng người mặc áo thun đen đứng trước phòng ông
Thích chính là người sẽ cùng ông Tuấn làm việc với tôi. Người mặc áo thun đen
chính là ông Sang. Sự không quen biết nhau giữa ông Tuấn và ông Sang cho tôi
hiểu rằng ông Sang không cùng đơn vị công an thành phố với ông Tuấn thì ông
Sang phải là công an cấp bộ.
Sau phần thủ tục đầu tiên ông Tuấn hỏi tôi về sức
khỏe để ghi vào biên bản rằng tôi đủ sức khỏe và đủ minh mẫn để làm việc, tôi
nói: Lần trước các anh gửi giấy mời nhưng tôi không đi vì những bài viết của
tôi là của đời sống dân sự. Hiến pháp cho công dân được tự do ngôn luận đã cho
tôi được viết bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, chính kiến. Nếu tôi viết có gì sai,
các anh cứ kiện tôi ra tòa án, tôi sẽ hầu kiện. Đó là đời sống dân sự. Nhưng
công an vào cuộc về những bài viết của tôi thì đã hình sự hóa đời sống dân sự
rồi. Tôi không chấp nhận đời sống dân sự bị hình sự hóa như vậy. Lần này lại
nhận được giấy mời của các anh, tôi đã định không đi. Nhưng thấy những bài viết
bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của tôi chỉ là việc nhỏ nhặt trong đời sống dân sự mà
cứ để các anh nay mời, mai mời làm cho sự việc nhỏ trở thành lớn, trở thành
căng thẳng và các anh phải đi lại nhiều lần vất vả nên tôi đến đây gặp các anh.
Tôi coi đây chỉ là cuộc gặp dân sự nói chuyện để hiểu biết nhau nên tôi không
ký bất kì một biên bản nào để hình sự hóa cuộc gặp này.
Ông Tuấn gọi tôi là chú. Ông Sang gọi tôi là bác.
Hai người thay nhau hỏi. Bác có trang cá nhân facebook không? Bác có trang này
lâu chưa? Mục đích chú lập trang facebook để làm gì? Tôi nói rằng ở thời công
nghệ thông tin này, trang facebook đã trở thành rất phổ biến từ bà nội trợ đến
cô học trò cấp hai, từ anh nông dân đến ông cán bộ nhà nước đều có trang
facebook công khai những sự việc, những vui buồn trong ngày của mình để được
cộng đồng facebook trên khắp thế giới chia sẻ, tạo ra một thế giới phẳng rộng
lớn. Tôi mới có trang facebook từ năm 2013. Cũng như mọi người, tôi ghi lại
những vui buồn, nghĩ suy, trăn trở trên facebook. Khác mọi người, tôi là nhà
văn. Tôi không chỉ buồn vui, nghĩ suy về cá nhân tôi mà tôi buồn vui, nghĩ suy,
trăn trở về đất nước, về nhân dân, về thời cuộc.
Ông Tuấn đưa cho tôi xem hai tờ giấy A4 in một list
tên những bài viết của tôi từ trang web Đàn Chim Việt và hỏi đây có phải những
bài viết của chú không? Chú thường gửi bài cho những mạng nào? Trả lời: Tôi
thường gửi bài cho trang Boxitvn và trang Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Đàn Chim Việt
vẫn đăng bài của chú mà? Không phải chỉ có Đàn Chim Việt, các trang web khác
đều tải bài của tôi từ trang Boxitvn và trang Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự.
Có lẽ ông Sang không phải là người chuyên trách theo
dõi tôi nên hỏi nhiều câu thuộc về sơ yếu lí lịch mà người chuyên trách về tôi
phải rành rẽ từ đầu như: Bác có tham gia công tác cách mạng gì không? Bác có
tham gia tổ chức xã hội nào không. Tôi nói tôi là người lính nhập ngũ từ năm
1963 mà cuộc chiến tranh chống Mỹ đến năm 1965 mới thực sự nổ ra. Tôi đã tham
gia trọn vẹn ba cuộc chiến tranh. Chiến tranh chống Mỹ. Chiến tranh chống Pôn
Pốt. Chiến tranh chống Tàu ở biên giới phía Bắc. Cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi
là người lính ở mặt trận Tây Nguyên. Sau năm 1975, tôi được điều về Tổng cục
Chính trị, là nhà văn ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội rồi làm biên kịch ở Xưởng
phim Quân đội. Hai cuộc chiến tranh sau, tôi là nhà văn, nhà báo quân đội. Tôi
là hội viên các hội: hội Nhà Văn Việt Nam, hội Nhà Báo Việt Nam, hội Điện ảnh
Việt Nam.
Ông Sang có hỏi tôi về Văn Đoàn Độc Lập nhưng chỉ
hỏi thoáng qua. Sau này khi nhân vật công an thứ ba xuất hiện mới hỏi nhiều về
Văn Đoàn Độc Lập và nhân vật này cũng biết rất rõ về tôi và gia đình tôi mà tôi
tin chắc đó chính là người chuyên trách về tôi. Hỏi qua về Văn Đoàn rồi ông
Sang lại quay về cá nhân tôi: Bác là hội viên hội Nhà Văn từ khi nào? Tôi không
nhớ rõ năm nào nhưng lâu rồi. Tôi trả lời và nhìn Sang, nói: Tôi biết anh không
phải là công an thành phố mà là công an bộ. Sang cười. Nụ cười thú nhận. Sau
cuộc gặp, nhìn lại ba công an vừa làm việc với tôi, tôi thấy ở ông Sang phần
người còn nhiều hơn cả trong ba công an, phần công cụ chưa lấn át phần người.
Hai người còn lại thì phần người đã bị khuất lấp sau phần công cụ.
Ông Tuấn đưa ra một tập những bài viết của tôi được
in từ trên mạng và bảo tôi ký xác nhận: Lần trước chú đã ký 19 bài rồi. Hôm nay
chú ký tiếp những bài này. Tôi bảo lần này tôi không ký vì ba lẽ. Một là không
cần thiết. Bài viết đã ghi rõ tên tôi là đủ để xác nhận rồi. Hai là lần trước
tôi ký đã tạo ra tiền lệ để lần này tôi lại được mời đến gặp các anh để ký. Mấy
tháng sau tôi có những bài viết mới lại bị gọi lên ký lần thứ ba. Rồi lần thứ
tư. Lần thứ n. Là nhà văn, tôi không thể thờ ơ với cuộc sống, với số phận nhân
dân, số phận đất nước nên cứ phải viết cho đến lúc từ giã cuộc đời. Rồi đến lúc
sắp chết sẽ lại bị các anh nhét bút vào tay bắt ký. Ba là công dân có quyền tự
do ngôn luận vì thế bài viết của tôi hoàn toàn hợp pháp trong đời sống dân sự.
Tôi phải ký xác nhận bài viết với công an là tôi đã tự hình sự hóa bài viết của
tôi. Tôi không thể làm điều đó.
Ông Sang bảo: Bài của bác sao bác không dám ký. Bác
sợ à? Tôi mỉm cười: Nếu sợ tôi đã không dám viết. Có viết cũng không dám ký tên
thật mà phải dùng một cái tên ảo Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Hèn nào đó. Tất cả
các bài viết của tôi trên mạng suốt bao năm nay tôi đều ghi tên đầy đủ, rõ
ràng. Không có bài nào tôi phải giấu tên. Điều đó xác nhận rằng tôi chẳng có gì
phải sợ hãi. Làm đúng với lương tâm, trách nhiệm và luật pháp thì có gì phải sợ
hãi, anh Sang nhỉ.
Ông Tuấn cắm cúi viết chắc là ghi biên bản. Chỉ còn
đối đáp của ông Sang và tôi. Việc trùng tên rất thường gặp. Cũng có khi người
khác ghi tên bác ở bài của họ thì sao. Vì thế bài nào của bác, bác phải ký xác
nhận để phân biệt với những bài khác. Tên của tôi và bài viết của tôi là một
chỉnh thể thống nhất. Văn phong, giọng điệu, ngôn ngữ, tình cảm, thái độ và cả
kiến thức, trí tuệ trong bài viết của tôi cũng đã làm nên cái tên Phạm Đình Trọng
và cái tên đó luôn là một chỉnh thể thống nhất với bài viết. Bài viết cũng như
vân tay của một người. Từ vân tay công an xác định được người có vân tay đó thì
từ bài viết, công an cũng dễ dàng xác định được người viết bài đó.
Lặp đi lặp lại đòi hỏi bác phải ký xác nhận bài viết
là của bác thì cũng lặp đi lặp lại lý do không ký: Không phải chỉ riêng tôi
phải ký mà hàng trăm, hàng ngàn người khác cũng đã và sẽ bị các anh yêu cầu ký
vào bài viết. Số giấy mực in lại bài viết của một người thì không đáng bao nhiêu
nhưng bài viết của hàng trăm, hàng ngàn người thì tiền giấy mực không phải là
nhỏ. Dân mình còn nghèo lắm. Tiền giấy các anh in bài là tiền thuế của những
người dân nghèo chạy ăn từng bữa đấy. Chúng tôi cứ ký hết lần này đến lần khác
là các anh cứ vô tư tiêu phí những đồng tiền thuế của dân nghèo vào những việc
không đáng tiêu. Tôi không thể hình sự hóa bài viết của tôi. Tôi không thể suốt
đời cứ bị gọi lên gặp các anh để ký xác nhận bài viết.
Nếu bác không ký thì không có gì xác nhận có buổi
làm việc hôm nay. Ông Sang nhắc đi nhắc lại câu đó rồi hứa: Bác cứ ký đi. Đây
là lần ký cuối cùng. Sẽ không có lần thứ ba nữa. Tôi bảo: Lòng tin của người
dân vào công an bây giờ xuống rất thấp. Chả có gì bảo đảm rằng tôi không còn bị
các anh mời lên ký xác nhận bài viết nữa. Chúng tôi sẽ ghi vào biên bản làm
việc điều đó. Biên bản các anh đưa vào hồ sơ rồi cất trong tủ sắt. Tôi đâu có
bằng chứng về lời hứa của các anh. Tôi đề nghị các anh ghi điều đó ra giấy để
tôi giữ lời hứa của các anh bằng giấy trắng mực đen. Ông Sang im lặng rồi đi ra
ngoài. Trong quá trình làm việc, ông Sang mấy lần ra khỏi phòng gọi điện thoại.
Lần này ông Sang ra ngoài khá lâu. Trở vào phòng, ông Sang ngồi lặng lẽ, dáng
chờ đợi.
Gần nửa tiếng im lặng chờ đợi, người thứ ba mới xuất
hiện. Lời giới thiệu của ông Sang về nhân vật mới chỉ vẻn vẹn có cái tên, anh
Toàn. Mặt trắng, sáng sủa. Chân râu xanh rì quanh miệng. Đầu hói khoảng ba mươi
phần trăm. Dáng nho nhã của con người bureau. Nhìn ông Tuấn thấy sự hăng hái,
xông xáo, thấy cả sự tất bật, băm bổ của con người hành động thì nhìn ông Toàn
nhận ra sự lạnh lùng, kín đáo của con người toan tính, nhận ra cả sự tự tin của
kẻ rất có ý thức về sức mạnh đang có trong tay. Cái tự tin “công an là pháp
luật, pháp luật là công an” của mọi công an nhà nước cộng sản Việt Nam.
Lời đầu tiên ông Toàn nói ngay những hiểu biết của
ông về tôi, tuy những hiểu biết đó chỉ là bề ngoài, không đúng thực chất và
không ăn nhập với đề tài buổi làm việc: Bác còn quá khỏe, còn đi khắp nơi. Bác
có hai nhà cho thuê. Lương hưu lại cao… Ông Toàn còn kể ra cả căn hộ tôi đang ở
là căn hộ penthouse, căn hộ thông tầng. Tôi nói: Những điều anh Toàn nói tuy có
cái không đúng như tôi làm gì có hai nhà cho thuê nhưng tôi không cần diễn giải
vì đây là lĩnh vực riêng tư của đời sống cá nhân được pháp luật bảo đảm bí mật,
không bàn ở đây.
Ông Toàn hỏi tôi về Văn Đoàn Độc Lập. Văn Đoàn đã có
hoạt động gì? Các tổ chức quốc tế có công nhận Văn Đoàn, có ủng hộ sự ra đời
của Văn Đoàn không? Trang web của Văn Đoàn do ai làm? Bác đã viết bài cho trang
web này chưa? Tham gia Văn Đoàn như thế nào? Tôi bảo: Anh Toàn cũng biết thời
nước ta còn bị Pháp đô hộ, còn chưa có độc lập thế mà Tự Lực Văn Đoàn còn được
ra đời và hoạt động suốt mười năm, từ năm 1932, để lại một nét son, một dấu ấn
sâu đậm mãi mãi trong lịch sử văn học nước nhà. Bây giờ nước ta đã có độc lập,
có Hiến pháp bảo đảm quyền lập hội cho công dân thì các nhà văn thành lập Văn
Đoàn Độc Lập cũng là bình thường. Một xã hội dân sự phải có các tổ chức xã hội
thực sự của người dân, do người dân thành lập và duy trì hoạt động. Ông Toàn
cắt lời tôi rằng trên thế giới không nước nào có xã hội dân sự cả. Tôi rất ngạc
nhiên về nhận thức xã hội dân sự của ông Toàn. Tôi nói chỉ có mấy nước cộng sản
là không có xã hội dân sự thôi. Phần lớn các nước trên thế giới đều là xã hội
dân sự. Văn Đoàn Độc Lập chưa chính thức ra đời. Mới có 61 người tập hợp nhau
lại thành ban vận động rồi mới tiến tới thành lập Văn Đoàn. Tôi chỉ là một
trong 61 người đó. Anh Toàn theo dõi các trang mạng thì cũng biết các hãng
thông tấn nổi tiếng thế giới như BBC, RFA đều đã có bài phỏng vấn, đưa tin về
Văn Đoàn. Đó là sự ủng hộ, chào đón của họ với Văn Đoàn. Chỉ là thành viên,
không có chức trách gì ở Văn Đoàn nên tôi không biết ai làm trang web của Văn
Đoàn và tôi cũng chưa có bài đăng ở đó. Những người gia nhập Văn Đoàn đều là tự
nguyện ghi tên xin tham gia qua email.
Ông Sang hỏi email của tôi nhưng tôi bảo email thuộc
bí mật thư tín cá nhân nên tôi không thể tùy tiện cung cấp cho mọi người.
Ông Toàn giơ lên tờ giấy A4 in lại từ Facebook của
tôi bài “Hoa của Bauxite Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Tổng Lãnh sự quán
Hoa Kỳ viếng thầy Đinh Đăng Định” và hỏi: Bác có quan hệ với Tổng Lãnh sự quán
Hoa Kỳ chứ? Những ngày lễ của họ, họ vẫn mời những người như bác đến dự lễ mà. Tôi
bảo: Thầy Đinh Đăng Định chỉ vì phản đối dự án khai thác bô xít Tây Nguyên mà
bị tù. Thày bị bệnh hiểm nghèo, gia đình xin cho thầy ra tù để chữa bệnh nhưng
công an không cho. Đến lúc bệnh của thầy không còn chạy chữa được nữa, cái chết
đã cận kề, công an mới trả thầy về gia đình để rũ bỏ trách nhiệm tang lễ cho
thầy. Thầy chết, những công an đã gần gũi thầy suốt nhiều năm không ai đến
viếng thầy nhưng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ xa lạ chưa hề gặp thầy đã gửi hoa
viếng thầy. Hoa của Bauxite Việt Nam, hoa của Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự mang tấm
lòng của cả nước đến với thầy. Hoa của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ mang tấm lòng
của loài người dành cho một con người. Ba giá hoa đẹp đó gây cho tôi sự xúc
động mạnh mẽ nên tôi đã chụp ảnh đưa lên facebook của tôi.
Lại trở về với những bài viết của tôi, ông Sang: Dạo
này bác viết nhiều không? Bác có nhớ viết bao nhiêu bài không? Trong đầu thoáng
xuất hiện một câu hài hước, tôi nhìn ông Toàn và có lẽ trên gương mặt tôi có nụ
cười thấp thoáng khi tôi nói: Tôi viết bài nào thì các anh đều biết cả. Có các
anh nhớ hộ, thống kê hộ nên tôi cũng chẳng cần nhớ tôi đã viết bao nhiêu bài.
Ông Toàn nói: Lần trước bác ký là năm 2012. Hơn một năm bác mới lại ký nhận bài
viết của bác, đâu có nhiều. Bỗng ông Toàn căng giọng: Bác không ký thì còn làm
việc dài. Hôm nay không xong thì ngày mai, ngày mốt. Tôi bình thản: Tôi sẵn
sàng ngồi với các anh. Nhưng các anh không có quyền làm điều đó. Công chức nhà
nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Ông Toàn: Bác sợ mới không dám
ký nhận bài viết của mình. Tôi biết ông Toàn sử dụng ngón nghề điều tra, đánh
vào tâm lý tự ái cá nhân nhưng tôi vẫn thấy như bị xúc phạm liền nói to: Anh
nói thế là xúc phạm tôi. Tôi chẳng có gì sai để phải sợ các anh. Ông Toàn vẫn
không thôi ngón đòn tâm lý: Tôi biết trong lòng bác đang sợ. Kiên trì lý lẽ của
mình, tôi nói ngắn gọn: Tôi không ký để tự hình sự hóa bài viết của mình. Tôi
không ký để cứ phải ký suốt đời. Ông Toàn liền lớn tiếng như quát: Bác còn viết
thì còn phải ký!
Bác còn viết thì còn phải ký!
Sự tự tin của ông Toàn đó! Công an là pháp luật,
pháp luật là công an đó!
Không có điều luật nào cho phép công an được mời
công dân đến trụ sở công an vì những bài viết hợp pháp. Không có điều luật nào
buộc công dân phải ký xác nhận bài viết hợp pháp với công an. Nhưng ông Toàn
vẫn nói chắc nịch như công bố một điều luật của công an: Bác còn viết thì còn
phải ký! Tôi lại nhớ đến câu nói của ông Sang mới ít phút trước: Đây là lần ký
cuối cùng, không có lần ký thứ ba. Con người công dân của ông Sang đó! Bác còn
viết thì còn phải ký! Con người công cụ của ông Toàn đó!
Ký – Không ký. Đã nói hết lý lẽ với nhau vẫn không
chấp nhận đề xuất của nhau. Chẳng còn gì để nói, tất cả đều ngồi im lặng. Chợt
ông Toàn đưa ra lối thoát: Bác không ký vào từng bài thì ký vào tờ giấy ghi
rằng từ ngày 10 tháng tư năm 2014 trở về trước, những bài đứng tên Phạm Đình
Trọng là của bác. Chúng tôi viết rồi đưa bác ký hoặc bác tự viết tờ giấy đó
cũng được. Suy nghĩ giây lát, tôi chấp nhận giải pháp này. Tôi xin tờ giấy A4
và tự viết. Ông Sang nhắc tôi ghi tiêu đề Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
nhưng tôi không chấp nhận. Với tôi, đây không phải là văn bản pháp luật. Tôi
viết ngắn gọn: XÁC NHẬN / Những bài viết trên mạng internet ký tên Phạm Đình
Trọng từ ngày 10.4.2014 trở về trước là của tôi, Phạm Đình Trọng / Phước Kiển
ngày 10.4.2014 / Ký tên.
Tôi đưa tờ giấy vừa viết cho ông Toàn. Ông Toàn đề
nghị tôi thay chữ “ký tên” trong câu “Những bài viết trên mạng internet ký
tên…” bằng chữ “đứng tên”. Lại phải lấy tờ giấy khác viết lại.
Ông Sang ra ngoài mời cô nhân viên hành chính Ủy ban
Nhân dân xã Phước Kiển và ông hàng xóm cạnh trụ sở công an xã Phước Kiển vào
làm chứng việc tôi viết giấy xác nhận. Lại mời cô công an xã Phước Kiển vào
viết văn bản để hai người làm chứng ký.
Trong khi chờ ông Sang đi mời mấy người vào viết
giấy làm chứng, tôi hỏi ông Tuấn: Anh Tuấn có biết hình ảnh của anh được đưa
lên tất cả các trang mạng tiếng Việt khắp thế giới không? Ông Tuấn im lặng. Mặt
ông Tuấn vốn đã tối như càng tối hơn. Ông Toàn nói: Sự nổi tiếng ấy cũng là do
các bác. Tôi bảo: Tôi có đến viếng đám tang anh Lê Hiếu Đằng nhưng lúc anh Tuấn
cướp băng tang, tôi không ở đó. Không biết ai chụp được bức ảnh giây phút anh
Tuấn làm việc đó và đưa lên mạng. Là người phải có cái đức. Cái đức để sống ở
đời và cái đức để lại cho con cháu, anh Tuấn nhỉ.
Giấy xác nhận rồi giấy làm chứng xác nhận đã xong.
Đến biên bản làm việc cũng mất khá nhiều thời gian vì Ký – Không ký. Cuối cùng
tôi chấp nhận xóa chữ “Đương sự” viết thay vào chữ “Người làm việc” ở cuối biên
bản và ghi: Như lúc đầu tôi đã nói đây chỉ là buổi gặp gỡ trao đổi để hiểu nhau
nên tôi không ký vào bất kỳ biên bản nào. Tôi không đọc biên bản này.
LỜI
CUỐI
Đến nay tôi vẫn chưa lý giải được vì sao công an cần
một chữ ký của tôi đến vậy. Vì thế tôi vẫn chưa xác định được buổi làm việc của
tôi với công an hôm 10.4.2014 là thất bại hay là một kết quả chấp nhận được.
Chỉ nhận ra rất rõ cảm giác mệt mỏi. Mệt mỏi về thể xác song ý chí của tôi
không những không hề lay chuyển mà còn giúp tôi từng trải hơn, vững vàng hơn.
Những cuộc làm việc như vậy thực sự là cuộc công an
khủng bố tinh thần, nhục hình tinh thần đối với công dân, chà đạp lên quyền con
người, quyền công dân của người dân. Những cuộc làm việc như vậy cũng không
khác bao nhiêu với việc 5 công an ở Phú Yên dùng gậy cao su đánh chết công dân
Ngô Thanh Kiều.
Nhân danh pháp luật, công an Phú Yên bắt anh Kiều
trái pháp luật rồi cứ cái đà lạm quyền, lộng hành, mất tính người, 5 công an
Phú Yên thay nhau đánh anh Kiều nát nhừ thân thể đến chết. Nhân danh pháp luật,
công an viết giấy mời trái pháp luật, hình sự hóa đời sống dân sự. Những cuộc
làm việc theo giấy mời của công an với công dân là những trận nhục hình đối với
công dân nhằm giết chết con người công dân, con người xã hội, giết chết con
người trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, với đồng loại, để người dân chỉ
còn được sống bằng con người sinh vật ích kỷ, chỉ biết có miếng ăn và chỉ mong
được yên thân, để người dân chỉ còn được sống bằng con người thần dân, phục
tùng, cam chịu như một bầy cừu.
Sự lộng hành của công an bằng gậy cao su để lại bằng
chứng là cái chết của anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, cái chết của ông Trịnh Xuân
Tùng ở Hà Nội, cái chết của anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang, cái chết của em
học sinh Tu Ngọc Thạch ở Khánh Hòa và cái chết trong đồn công an của hàng trăm
người dân lương thiện khác. Những cái chết đó khắc ghi trong lòng người dân
Việt Nam tội ác của công cụ bạo lực chuyên chính vô sản.
Sự lộng hành của công an bằng việc mời trái pháp
luật công dân đến làm việc để dùng quyền uy của công cụ bạo lực nhà nước đánh
đòn cân não vào tinh thần, ý chí con người tuy không để lại dấu vết trên thân
thể nhưng hiểm độc và nguy hại hơn nhiều lần sự lộng hành của cơ bắp. Còn gì
hiểm độc và nguy hại bằng giết chết con người công dân của một dân tộc. Sự lộng
hành đó cần được ghi nhận lại trung thực bằng chữ nghĩa khắc vào thời gian,
khắc vào lịch sử về một loại tội ác của công cụ bạo lực chuyên chính vô sản chỉ
có ở nhà nước cộng sản.
Viết xong đêm 11. 4. 2014.
Đọc lại và chỉnh sửa đêm 14. 4. 2014
P.Đ.T.
Tác giả gửi cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 18:21
No comments:
Post a Comment