Wednesday, 16 April 2014

VĂN HÓA THỊT CHÓ (Trương Nhân Tuấn)




lundi 14 avril 2014

Con người thời ăn lông ở lỗ không khác con thú, có cái gì ăn cái nấy, tranh giành, chém giết nhau để có lấy cái ăn. Ăn để sống. Bản năng sinh tồn hướng dẫn hành động. Con chó là món ăn, cũng như con mèo, con chim, con chuột…. Không có tình nghĩa gì giữa con người với món ăn chui vào bụng, bất kể con đó là con gì…

Nước Pháp, đến giữa thế kỷ thứ 19, vẫn còn những cửa hàng bán thịt chó. Ở Đức, cửa hàng bán thịt chó cuối cùng chỉ đóng cửa vào năm 1940. Tức là, dân Châu Âu cũng ăn thịt chó (như dân Việt Nam và các giống dân khác trên thế giới).

Trong khi những người theo Hồi giáo không ăn thịt heo, cũng không ăn thịt chó. Kinh Coran cấm ăn thịt những con thú “có răng nhọn như răng chó” (và con thú hạ đẳng là con heo).

Người Ấn Độ không ăn thị bò. Đạo Ấn xem con bò là con thú thiêng liêng, là “mẹ” của trái đất.

Người theo đạo Hồi, hay người theo đạo Ấn, kiêng ăn heo, ăn bò… là vì lý do “tôn giáo”. Không ăn heo vì họ quan niệm con heo là con vật “đê tiện, hạ đẳng”. Không ăn bò vì quan niệm con bò là “mẹ”. (Ai lại đi ăn thịt “mẹ” mình bao giờ?)

Việc kiêng ăn bò, heo là một quan niệm riêng biệt về đạo đức. Trên thế giới, đa số con người đều ăn thịt heo và thịt bò. Không ăn thịt heo, thịt bò như vậy là một ngoại lệ về văn hóa.

Do tôn trọng nét đặc thù văn hóa, không ai du lịch đến các nước Hồi giáo lại gọi món thịt heo trong các nhà hàng. Tương tự, cũng không ai đi Ấn Độ mà đòi ăn thịt bò.

Ở Pháp, nói riêng, và Châu Âu nói chung, không có điều luật nào cấm ăn thịt chó mà chỉ có các điều luật “cấm hành hạ súc vật”. Sắc lệnh 2004-416 cho biết qui phạm, điều lệ phải tôn trọng cho những người muốn nuôi chó, mèo…

Tức là, trên lý thuyết, người Châu Âu, nếu muốn, họ vẫn có quyền ăn (và bán) thịt chó. Điều khó khăn là người ta không có quyền giết chó, mà chỉ có thể làm thịt con chó (của mình) khi nó già và chết.

Việc bán thịt chó cũng vậy. Người ta không cấm bán, mà chỉ yêu cầu ghi rõ nguồn gốc thịt đó là thịt gì ? xuất xứ từ đâu?

Vấn đề là khi con người khi văn minh hơn, biết được mối giềng đạo đức, biết điều luân lý, biết phân biệt đúng sai, phải quấy, điều nhân việc nghĩa… thì không ai ăn thịt chó. Đơn giản vì con chó là con vật có nghĩa, trung thành, sống chết với chủ. Con chó trở thành bạn với con người. Không ai giết bạn mình để ăn thịt bao giờ. Đây là một vấn đề thuộc phạm trù “đạo đức” xã hội.

Khi không còn ai ăn thịt chó, ra luật cấm để làm gì khi không còn ai phạm luật ? Luật ở đây là cấm việc hành hạ thú vật.

Bên Trung Quốc, từ những năm 2000 đã có những nghiên cứu (của nhà nước) khuyến cáo việc cấm giết và bán thịt chó. Lý do nhằm bảo vệ hình ảnh của nước Trung Hoa trên thế giới. Năm 2004 TQ đã có dự án về Luật cấm giết và ăn thịt chó. Mức phạt có thể lên tới 5.000 Nguyên.

Không thể biện hộ rằng “thịt nào thì không là thịt”, để so sánh việc ăn thịt chó với việc kiêng ăn thịt heo, thịt bò.

Có hiện hữu một ngoại lệ về văn hóa (tín ngưỡng), người ta cần tôn trọng, như không ăn thịt heo khi đến các nước Hồi giáo, hay không ăn thịt bò khi đi Ấn Độ. Tôn trọng nét đặc thù văn hóa của một dân tộc khác là sự tự trọng, là thái độ của một người văn minh, có học, chứ không phải là một điều bắt buộc.

Trong khi việc ăn thịt chó là một ngoại lệ, kể cả ở Việt Nam. Ngày xưa, chỉ người nghèo lắm người ta mới ăn thịt chó.

Không thể lấy cái ngoại lệ để làm một “tiêu chuẩn chung”. Nhất là cái ngoại lệ này có thể ảnh hưởng cho cả nước.

Nam Hàn, một số dân ở đây cũng có truyền thống ăn thịt chó. Nhưng trước sự chỉ trích của dư luận thế giới, nhà nước Nam Hàn đã có những luật lệ về việc tiêu thụ thịt chó, (như buộc phải nuôi chó riêng để hạ thịt), hầu làm giảm bớt tính “tàn nhẫn” trong việc giết chó.

Dĩ nhiên lãnh đạo TQ và Nam Hàn rất sợ việc hàng hóa của họ bị tẩy chay vì các lobby bảo vệ súc vật.
Cách đây không lâu, các hội bảo vệ súc vật đã vận động việc cấm giết thú lấy lông (làm áo). Việc này thành công, các tài tử, người mẫu danh tiếng đều ủng hộ, không những không còn ai mặc áo lông, mà việc bán áo lông cũng trở thành khó khăn trong các của hàng. Các của hàng bán áo lông bị tẩy chay, phá sản. Các hãng lớn phải thay đổi chính sách (không sử dụng lông thú nữa) trong việc sản xuất áo lạnh.

Các nước Trung Quốc, Nam Hàn… có truyền thống “ăn thịt chó” đấy chứ. Nhưng họ sẵn sàng hy sinh truyền thống này, vì tai tiếng là một lẽ, mà vì kinh tế lẽ khác.

Bo và Barack Obama, chạy đua ở hành lang. Nguồn: Wikipedia.

Từ lâu Việt Nam đã bị cô lập trên thế giới. Việc hội nhập đòi hỏi VN phải phục tùng nhiều khuôn thuớc về luật lệ kinh tế, về những giá trị phổ cập về nhân quyền. Trong đó sẽ có vấn đề bảo vệ súc vật. Ta thấy hình ảnh của các vị nguyên thủ quốc gia Mỹ, Nga, các nước Châu Âu… khi công bố trước công chúng, họ thường đứng chung với con thú yêu thuơng của họ là con chó, con mèo…

Yêu thương thú vật, thân cận với thú vật lần hồi trở thành một chuẩn mực chung của nhân loại.

Hình ảnh của người VN bấy lâu nay đã bị thuơng tổn tại các nước chung quanh. Nạn ăn cắp, nạn trồng cần sa, nạn mãi dâm, nạn chen lấn, nạn khạc nhổ, nạn ồn ào… đã làm cho thể diện của dân tộc này không còn gì! Đến bên Kampuchia cũng trương bảng viết chữ VN đề phòng nạn ăn cắp, chứ đừng nói tới Thái Lan Mã Lai, Singapore, Nhật… Họ viết bằng chữ VN chắc không phải là để cho dân của họ đọc rồi!

Lại còn nạn ăn thịt chó. Một năm người VN ăn 5 triệu con chó (và uống 3 tỉ lít bia)! Đây là con số kinh khủng. Tác hại tâm lý cũng kinh khủng, không phải là “bom tấn”, mà là bom nguyên tử!

Không khéo VN sẽ bị gạt ra ngoài lề của dòng tiến hóa.

Theo tôi, vì quyền lợi chung của số đông (và tất cả), nhà nước cần phải có một bộ luật để điều hòa việc giết và ăn thịt chó. Nếu nhà nước không cấm được nạn ăn cắp, mãi dâm, khạc nhổ, chen lấn… thì có thể “luật hóa” việc giết và ăn thịt chó. Các nước TQ và Nam Hàn làm được, thì VN làm được.

Publié par Nhan Tuan Truong à 23:37





No comments:

Post a Comment

View My Stats