Tuesday, 15 April 2014

TUYẾN ĐƯỜNG SẮT VÂN NAM - VIÊN CHĂN & SỰ DIỆT VONG CỦA LÀO QUỐC (Hoàng Mai - Bauxite VN)




Hoàng Mai
14/04/2014


Trong bài “Việt Nam sẽ ra sao khi Lào trở thành một tỉnh của Trung Quốc?”, chúng tôi đã nhận định nguy cơ mất nước của Lào khi phê duyệt dự án đường sắt nối Vân Nam với Viên Chăn. Bài này nói thêm về nguy cơ đó.

Bản đồ hiển thị tuyến đường sắt nối giữa Vân Nam, Trung Quốc và Viên Chăn, Lào dài 420 km, dự kiến tiêu tốn của Lào 7 tỷ USD và vô số những vấn đề phát sinh đối với đất nước và con người nước này.

Lào diện tích 236.800 km2, dân số 6,80 triệu người, mật độ dân số 26,70 người/ km2, GPD hàng năm chỉ khoảng 8 tỷ USD; Trong khi đó, tuyến đường sắt này dài 420 km, trị giá 7 tỷ USD. Vậy với điều kiện dân số và khả năng của nền kinh tế như hiện nay, Lào có thực sự cần đến tuyến đường này hay không? Rõ ràng, câu trả lời là: Không!
Và như vậy, đây là tuyến đường hoàn toàn phục vụ mưu đồ của Trung Quốc. Trung Quốc cho Lào vay tiền để làm một công trình phục vụ cho mưu đồ xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc đối với Lào. Rõ ràng, chỉ có những kẻ đã bị mua chuộc, hoặc đã làm tay sai cho Trung Quốc mới đồng ý vay tiền của Trung Quốc và đầu tư tuyến đường này.
Với một công trình có tổng giá trị gần bằng GDP của quốc gia, tại sao lãnh đạo Lào, bất chấp lời khuyên của các nhà phân tích kinh tế quốc tế, lại vẫn quyết định vay vốn của Trung Quốc để thực hiện?
Câu trả lời có thể là:
1. Cũng như ở Việt Nam, do thể chế độc đảng lãnh đạo, cho nên Bắc Kinh chỉ cần bỏ tiền ra mua chuộc một số ít lãnh đạo cấp cao nhất (Bộ Chính trị), là có thể khiến toàn bộ vận mệnh đất nước trong vòng điều khiển của Bắc Kinh. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Bắc Kinh đã cài được người vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất tại Lào.
2. Với lãnh đạo ở các Bộ, ngành và địa phương: Một khi cấp cao nhất đã đồng ý, thì tự khắc cấp địa phương buộc phải chấp hành, tuân theo (nguyên tắc của đảng là cấp dưới phải phục tùng cấp trên); tương tự như ở Việt Nam, thói quen thường được đưa ra là “Đây là chủ trương lớn của Đảng”, hoặc “Bộ Chính trị đã quyết”, v.v. Tất nhiên, giới doanh nghiệp Trung Quốc có trách nhiệm hối lộ các quan chức thuộc các Bộ, ngành và địa phương liên quan, để đảm bảo việc triển khai là thông suốt, và có sự thống nhất từ trung ương xuống đến các địa phương.
3. Một khi đã có sự thống nhất trong Đảng từ trung ương xuống đến địa phương, thì mọi sự phản đối hoặc chống đối từ phía nhân dân đều bị chính quyền cơ sơ triển khai lực lượng công an đàn áp. Thực tế xã hội Trung Quốc và Việt Nam trong mấy chục năm qua là như vậy. Lào, một đất nước phụ thuộc Trung Quốc và Việt Nam cũng không thể khác được.
Âm mưu của Trung Quốc từ tuyến đường Vân Nam-Viên Chăn
Có thể nói, Trung Quốc chỉ cần đầu tư một tuyến đường này thôi, cũng đủ mọi điều kiện để xâm lược nước Lào; và cũng chỉ một công trình là con đường này thôi, thì Lào cũng hội đủ các yếu tố để từ đó mất nước vào tay Trung Quốc, và việc Lào sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian. Ta có thể thấy được những âm mưu của Trung Quốc từ tuyến đường này là:
1. Thi công công trình sẽ chắc chắn 100% là các nhà thầu Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sẽ nắm tất cả các công đoạn trong đầu tư xây dựng, nghĩa là: vừa là nhà tư vấn (khảo sát, thiết kế, và có thể là giám sát thi công và quản lý dự án…); là nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị cho toàn bộ dự án; và cuối cùng là nhà thầu tổ chức thi công. Một khi đã nắm được tất cả các khâu, công đoạn như vậy (gọi là Hợp đồng tổng thầu EPC), xem như Trung Quốc đã thu hồi được hơn một nửa số vốn cho vay ngay sau khi công trình hoàn thành.
2. Đây là tuyến đường mới, thông qua hàng chục đường hầm, cầu, thời gian thi công lâu, có thể từ 5-10 năm hoặc lâu hơn, đủ để Trung Quốc tính toán khai thác vật liệu tại các địa phương tuyến đi qua (chủ yếu là đá xây dựng), kết hợp thành lập các khu dân cư người Hán lấy vợ người Lào. Với dân cư thưa thớt của Lào, việc Trung Quốc đưa sang hàng chục vạn thanh niên dọc theo tuyến đường để “phục vụ thi công” là điều đương nhiên. Có thể nói, đây là mặt thành công nhất của Trung Quốc trong âm mưu thôn tính Lào từ tuyến đường này.
3. Để trả vốn và lãi cho Trung Quốc, Lào không có gì khác ngoài tài nguyên thiên nhiên, đó chính là “các khoáng chất quý như kali và đồng để làm tài sản thế chấp cho khoản vay khổng lồ nói trên. Ngoài ra đó là gỗ và các nông lâm đặc sản khác... Để khai thác tài nguyên bán cho Trung Quốc, một lần nữa, Trung Quốc lại trúng thầu khai thác và đưa người sang ăn ở lâu dài tại các mỏ, thời gian là 50 đến 70 năm, như Trung Quốc đã làm tại Việt Nam.
Như vậy, tài nguyên của Lào, qua việc đầu tư con đường này bị Trung Quốc thâu tóm gần như toàn bộ. Với Việt Nam mà Trung Quốc đã đứng tên và chiếm 60% các mỏ, thì ở Lào, con số này tối thiểu phải là 90% (mở ngoặc nói thêm: có thể, cũng vì nguy cơ để Trung Quốc thâu tóm khoáng sản, mà ở Triều Tiên, Kim Jong Un đã xử tử người chú dượng là Jang Song-theak. Điều đó nói lên tai họa khi để cho Trung Quốc khống chế nguồn tài nguyên cũng như nền kinh tế).
Một lần nữa, Trung Quốc lại có lý do đưa người của mình xuống định cư tại Lào ở những vị trí khai thác mỏ, thành lập nên các buôn làng, thời hạn 50 đến 70 năm, và trở thành “người Lào gốc Hán”. Một đội quân tựa như người Nga ở Crimea thuộc Ukraine và hậu quả như cả thế giới đều biết.
4. Tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn là để thu tóm tài nguyên của Lào, lại được sử dụng để vận chuyển nông, lâm thổ sản, khoáng sản… của Lào về Trung Quốc. Với khối lượng khoáng sản lên đến hàng triệu tấn thì vận chuyển đường sắt là tối ưu. Nhất cử tam tứ tiện!
Kết luận
1. Việc Lào vay vốn của Trung Quốc với tổng mức khoảng 7 tỷ USD, để đầu tư tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn, không mang lại cho Lào bất kỳ một lợi ích kinh tế, xã hội nào; ngoại trừ nhân dân Lào thấy được như thế nào là đường sắt, và hàng năm có một vài trăm người có tiền đi du lịch Vân Nam Trung Quốc bằng tàu hỏa, ngược lại, phía Trung Quốc lại tích cực đi du lịch Lào bằng tuyến đường này và tìm cách di dân... Tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn là một thảm họa đối với nhân dân và các bộ tộc Lào. Có thể nói, thời điểm “Chính phủ Lào đã phê duyệt dự án...”, cũng chính là thời điểm đánh dấu sự mất nước của Lào.
2. Chưa tính đến các công trình khác mà Trung Quốc đã và đang đầu tư nhằm vơ vét tài nguyên của Lào. Chỉ riêng tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn, đã là một thảm họa đối với Lào. Việc Lào bất chấp lời khuyên của các tổ chức tín dụng quốc tế, là các đối tác: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), và chấp thuận để Trung Quốc vào đầu tư một công trình lớn, tương đương GDP hàng năm, trong khi nguồn lực trả nợ chỉ là tài nguyên thiên nhiên, là một sai lầm mang tính lịch sử của lãnh đạo hiện nay của Lào.
3. Hai dân tộc Việt-Lào đã có lịch sử hàng nghìn năm chống Đại Hán xâm lược; nhưng trong lịch sử hiện đại, mới chỉ gần 70 năm dưới sự lãnh đạo những người theo chủ nghĩa Mác-Lê nin, cả Lào và Việt Nam đang từng bước mất chủ quyền vào tay người Trung Quốc. Liệu rằng, lịch sử có còn cơ hội để hai nước Việt-Lào nhận ra sai lầm?
4. Chỉ còn một hy vọng, rằng lịch sử thế giới sẽ có chuyển biến bất ngờ, mới có thể cứu Lào thoát khỏi họa mất nước vào tay Đại Hán Bắc Kinh từ việc đầu tư tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn.
11.4.2014
H. M.
Bài tham khảo:
(*) Lào có thể phải trả giá vì nhận tiền đầu tư của Trung Quốc
Tác giả gửi BVN.
Cùng một tác giả:
boxitvn.blogspot.com/2014/04/viet-nam-se-ra-sao-khi-lao-tro-thanh.html
3. Tại sao Trung Quốc lại chọn Vũng Áng?
boxitvn.blogspot.com/2014/.../tai-sao-trung-quoc-lai-chon-vung-ang.ht...
4. Phải chăng đã nhận ra sai lầm tại Vũng Áng?
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:05




No comments:

Post a Comment

View My Stats