Đặng Ngữ
Posted on April 27, 2014 by editor
— 0 Comments
Lúc người Sài Gòn không biết mình là người Sài Gòn
thì ấy là khi họ là người Sài Gòn thuần khiết. Đây có lẽ là cách thức đúng đắn
để nhìn nhận sự việc.
*
Hình : Sài Gòn 1881 do thuyền trưởng
Favre vẽ. Đường Nguyễn Huệ ở chợ Bến thành ngày nay, khi đó vẫn còn là con
kinh. Thành Sai Gon cháy rụi năm 1859. Nguồn: Saigoneer.com
Năm 1995, lần đầu tiên tôi biết đến Sài Gòn sau khi
lên tàu hỏa từ Đà Nẵng vào Sài Gòn tham dự kỳ thi đại học. Trước đó, tôi chỉ
biết đến Sài Gòn như một thành phố lớn phía Nam mà thỉnh thoảng tôi được nhìn
nhìn thấy qua ti-vi hoặc Sài Gòn khi còn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa qua những
bộ phim hiếm hoi mà tôi đã từng xem: Ván bài lật ngửa và Biệt động Sài gòn.
Với một đứa trẻ nhỏ sinh ra và lớn lên ở miền Trung,
Sài Gòn là một vùng đất gắn liền với những trái chôm chôm, mít tố nữ, sầu
riêng, gạo Sài gòn…mà thỉnh thoảng những họ hàng bên ngoại tôi thường mang ra
cho gia đình mỗi khi có dịp (thường thì 2, 3 năm một lần). Sau này, khi lớn
lên, tôi mới biết những người họ hàng đấy của mình thật ra không phải đang sinh
sống ở Sài Gòn. Một vài người sống ở Hố Nai, Long Khánh; những người khác đang
sinh sống mãi tận thị xã La-Gi. Nhưng với tôi, họ đến từ miền Nam – Sài Gòn.
Sài Gòn, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã gắn cái tên đó
với một thứ mùi vị: vị ngọt. Tôi không có một ký ức thực thụ nào về Sài Gòn.
Tôi chỉ có những giấc mơ và mộng tưởng về Sài Gòn. Cho nên, trong chừng mực nào
đó, tôi thường phóng đại những giấc mơ và mộng tưởng đấy thành ký ức của riêng
tôi về Sài Gòn. Năm 1995, khi tôi đến, Sài Gòn rộng lớn vô cùng so với thành
phố Đà Nẵng nơi tôi từ đó ra đi. Tất nhiên, Sài Gòn những năm 90 nhỏ hơn Sài
Gòn bây giờ. Khu Bàu Cát vừa mới được san lấp, vẫn còn những bãi rác khổng lồ;
chiều chiều thanh niên tụ tập đá bóng rất đông; có mấy con ngựa còm được ai đó
thả rong đang gặm cỏ. Đường Cộng Hòa mới vừa láng nhựa, dân ngoại tỉnh bắt đầu
tập trung đông đông đến đoạn đường Nhất Chi Mai bây giờ thì thưa thớt hẳn. Bình
Thạnh vẫn còn nhiều ao rau muống, chạy ra xa một chút xíu đến cầu Bình Triệu
hoặc cầu Sài Gòn thì đã thấy dừa nước trùng trùng.
Năm 1976, chính quyền mới quyết định đổi tên Sài Gòn
thành Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc bao cố gắng, cái tên Thành phố Hồ Chí Minh
chỉ xuất hiện trên các văn bản hành chính chứ đối với người Sài Gòn: Sài Gòn
vẫn luôn Sài Gòn. Với chính quyền đến từ Hà Nội, Sài Gòn được nhìn nhận như
một thực thể địa lý nhỏ hẹp như một khu vực hành chính. Nhưng với tôi, với
những người giống tôi, Sài Gòn không chỉ là một thực thể địa lý mà Sài Gòn đáng
ra phải được nhìn nhận như một không gian vùng đặc thù mang tính đặc thù đa
nguyên, đa văn hóa với nhiều nhận dạng khác nhau. Từ hơn 300 năm trước, những
lưu dân Việt mà đa phần đến từ phía Bắc Miền Trung đã đến đây, vươn tới cực Nam
(ngày nay) vào thế kỷ 18-19. Trước khi thống trị vùng đất này, người Việt biết
rằng họ phải hòa hợp cùng với những tộc Hoa – Chăm – Miên…tạo thành đặc thù
phương Nam: đa văn hóa.
Xe điện trên đường Trần Hưng Đạo (Saigòn xưa). Nguồn: Saigoneer.com
Khi đã hình thành nên định dạng Sài Gòn ngày nay,
mảnh đất này đã từng trù phú không chỉ với lúa gạo mà còn thịnh vượng với ngành
nghề thương mại. Người phương Tây, người Mã Lai, người Java, người Ấn, người
Xiêm…đã từng lên bến xuống thuyền buôn bán ở mảnh đất này. Với “Hà Nội”, Sài
Gòn là một thực thể địa lý, với người phương Nam, Sài Gòn là một tính cách mở,
một không gian văn hóa mở. Cái ý tưởng coi Sài Gòn như một thực thể đơn nhất
là hoàn toàn ngu ngốc và mang tính áp đặt. Và cũng như vậy, ý tưởng về một
tính cách Sài Gòn đơn nhất cũng là một ý tưởng ngu ngốc không kém hoặc được
tưởng tượng ra để phục vụ cho các mục đích chính trị nào đấy. Cái huyễn tưởng
này hầu như chỉ xuất phát từ các nhà nghiên cứu văn hóa xuất phát từ phía Bắc.
Để thực sự hiểu Sài Gòn như một tính cách đa văn hóa
hay một không gian đa văn hóa thì không thể tách rời Sài Gòn với không gian
liên kết vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ mà Sài Gòn mang hình ảnh biểu tượng.
Người ta chỉ có thể hiểu được Sài Gòn khi đọc, hiểu, chia sẻ chất hào sảng
trong những tính cách Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt. Để hiểu được Sài Gòn,
người ta phải đọc, hiểu lối viết của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông
Chí. Người ta phải yêu thích cái vui buồn của những nhân vật trong tiểu thuyết
của Hồ Biểu Chánh. Muốn hiểu tính cách Sài Gòn thời không thể không biết đến
những bút ký, ký sự, nét trào phúng nhẹ nhàng, hồn nhiên trong văn chương của
những Vương Hồng Sển, của Sơn Nam; những nghiên cứu văn hóa thâm
sâu của Bình Nguyên Lộc. Chính từ những ghi chép của các bậc tiền bối
này mà người Sài Gòn nhận ra, khám phá họ là người Sài Gòn; và họ khác biệt,
và họ không thuộc về nền văn minh sông Hồng dù tổ tiên của họ đã từ đó ra đi.
Gò Vấp (1930). Không có nhiều tài liệu lịch sử về những vùng phụ cận
Saigon. Bằng tiếng Pháp có lẽ đang nằm trong các thư khố ở Pháp, Brian Letwin.
Nguồn: Saigoneer.com
Nói như cách của Orhan Pamuk, có lẽ cách tốt nhất để
có cảm giác thuộc về một thành phố là đừng biết gì về ranh giới, hình ảnh hay
sự hiện hữu của nó. Người Sài Gòn gộc nhất là người quên rằng anh ta là người
Sài Gòn. Lúc người Sài Gòn không biết mình là người Sài Gòn thì ấy là khi họ là
người Sài Gòn thuần khiết. Đây có lẽ là cách thức đúng đắn để nhìn nhận sự
việc.
Tôi không lưu giữ những hình ảnh ký ức về Sài Gòn.
Với tôi Sài Gòn chỉ có trong giấc mơ và trong giấc mơ tôi thường phóng đại tấm
bản đồ Sài Gòn lên gấp nhiều lần.
Sài Gòn, tối 26/04/2014
Nguồn:
Từ Novorossiya đến Sài Gòn. Đặng Ngữ. 26/04/2014.
------------------------------
HVR
Posted
on April 24, 2014
by editor — 1
Comment
No comments:
Post a Comment