Sunday, 27 April 2014

NHỮNG CHIẾN SĨ DÂN CHỦ CHUYÊN NGHIỆP (Hoàng Bách Việt & Trần Nam)



Hoàng Bách Việt & Trần Nam
Tác giả gửi tới Dân Luận
Chủ Nhật, 27/04/2014

Khi người dân vượt lên trên nỗi sợ hãi, thì chế độ cường quyền phải sụp đổ. Hãy cứ tưởng tượng một ngày đẹp trời nào đó, 10% dân số Sài Gòn và Hà Nội, có chừng nửa triệu người đã bừng tỉnh, không còn biết sợ đàn áp và bạo lực. Người người đi biểu tỉnh, nhà nhà rủ nhau tập trung trước Tòa thị chính, lăng Ba Đình, nhà thờ Đức Bà, dinh Độc lập; thanh niên sinh viên bỏ học, nhân viên các công sở bỏ làm, taxi ngừng chạy, trai gái, trẻ già muôn người như một tràn ngập đường phố để biểu lộ một điều duy nhất: "Chúng tôi không còn sợ hãi chế độ nữa".
Hãy cứ tưởng tượng đi thì bạn sẽ thấy thật tuyệt vời, và không phải chỉ có bạn là người mộng mơ thôi đâu. Cả bộ máy mật vụ đàn áp của Hà Nội cũng đã tưởng tượng ra điều này rồi. Và đó chính là cơn ác mộng của họ.

Bạn ạ, điều này không phải là không thể xảy ra. Nó đã từng xảy ra trên các đường phố thủ đô Warsawa, trên các đại lộ của Praha, Berlin, Budapet, Bucaret, Moscow, Saint Petesburg, và hầu hết các thành phố lớn của nơi người ta gọi là thành trì của chủ nghĩa cộng sản: Liên bang Sô viết ... thì nếu có xảy ra tại Sài Gòn và Hà Nội cũng đâu có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, đường vinh quang bao giờ cũng bắt đầu bằng khổ hạnh. Cuộc cách mạng tại Đông Âu và Liên Sô đã được khởi đầu bằng những con số không to tướng. Trong thời kì trứng nước của các lực lượng dân chủ ở các nước Cộng sản, đã có biết bao tù đày, đàn áp và tất nhiên là kèm theo nhiều vụ thủ tiêu. Nhưng thời cực thịnh của các chế độ cường quyền này đã không làm các chiến sĩ đấu tranh tự do dân chủ chùng bước, thì khi chế độ này bắt đầu thoái trào, cơn cường nộ dân chủ đã kéo sụp hàng loạt các cơ chế độc tài là điều bất khả vãn hồi.
Trong các cuộc cách mạng, dù cách mạng nhung hay cách mạng đỏ, vai trò tiên phong và trụ cột của các Đảng, đoàn thể, tổ chức, cá nhân nhằm hướng dẫn và chỉ đạo đám đông, giữ vai trò thiết yếu và có ảnh hưởng trọng đại đến yếu tố thành bại. Trong đó, tính chuyên nghiệp và khoa học của Đảng, đoàn thể, tổ chức, cá nhân rất cần thiết để đảm bảo cho cuộc cách mạng không bị đàn áp hoặc phá hỏng. Để đối đầu với bộ máy mật vụ, công an dày đặc trong các nước cộng sản, nhu cầu chuyên nghiệp hóa cán bộ đấu tranh là tối quan trọng.
Không thể đưa một người chưa bao giờ làm công tác bí mật đảm nhiệm một trọng trách có thể dẫn đến nguy hại toàn bộ tổ chức. Không thể chuyển giao công việc từ người làm công tác công khai và người đảm nhận công tác bí mật mà bỏ qua giai đoạn chuyển tiếp và ngăn chặn. Tất cả những kĩ thuật đấu tranh ngầm và công khai đều được đúc kết bằng kinh nghiệm xương máu và đau xót của nhiều năm tháng chông gai. Người muốn hoạt động ngầm hay công khai trực diện với chế độ đều phải được huấn luyện hoặc tự trang bị cho mình một số kĩ thuật đấu tranh cơ bản nhất để tồn tại, nếu không muốn bị mất nhiều thời gian vô ích trong nhà tù cộng sản.

Cộng sản Đông Đức là một trong những nhà nước có hệ thống mật vụ, công an tinh vi và khắc nghiệt nhất. Theo ước lượng của giới tình báo, có khoảng một nửa điện thoại dân chúng ở Đông Đức bị đặt máy nghe lén. Hệ thống mật vụ cộng sản Đông Đức đã thâm nhập, lũng đoạn và khống chế cả quan hệ cá nhân, tình cảm gia đình. Họ đã tổ chức được mạng lưới mật báo trong gia đình, bạn bè, thân tộc. Cha theo dõi con, vợ báo cáo mật vụ, công an hoạt động của chồng v.v... là chuyện bình thường.
Vì vậy, nguyên tắc hoạt động ngầm đã được lực lượng dân chủ ở Đông Đức nhắc đi nhắc lại: "Phải phối hợp giữa hoạt động công khai và bí mật". Các nguyên tắc hoạt động ngầm phải được nghiên cứu kĩ. Nhiều thanh niên tham gia phong trào chống đối không biết đến các nguyên tắc này, vì vậy rất hời hợt, ngây thơ. Các biện pháp bảo toàn an ninh thường không biết đến hoặc coi nhẹ. Phải thật chú ý và thận trọng, đòi hỏi thần kinh phải vững chãi, có tính nguyên tắc và bản lĩnh, có khi phải thay đổi nếp sống. Nếu vi phạm các nguyên tắc, có thể dẫn đến tổn thất nặng nề, ảnh hưởng đến toàn bộ phong trào, gây ra những hậu quả không thể lường trước.

Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần gửi cán bộ đi huấn luyện tình báo, an ninh và đặc vụ tại các nước cộng sản Đông Âu và Liên Sô, trong đó huấn luyện tại Đông Đức được coi như một đặc quyền và hứa hẹn nhiều tương lai thăng tiến. Hà Nội đánh giá cao các kĩ thuật trấn áp của mật vụ Đông Đức, vì vậy các kĩ thuật theo dõi, tra vấn, đàn áp phong trào chống đối và kể cả các trang thiết bị cho an ninh, tình báo đều đã được Hà Nội gần như sao chép lại của Đông Đức. Tuy nhiên, khi thấy bộ máy mật vụ cộng sản Đông Đức đổ nhào và mặc dù đã được trang bị tận răng cũng vẫn bó tay trước trào lưu tự do dân chủ, thì nhà cầm quyền Hà Nội ăn ngủ không yên. Hà Nội đang lo sợ trước viễn ảnh các lực lượng đấu tranh, phong trào, tổ chức và cá nhân tranh đấu cho tự do, dân chủ càng lúc càng được chuyên nghiệp hóa.

Để giảm thiểu thiệt hại cho các phong trào và lực lượng đấu tranh dân chủ, và để đạt hiệu quả cao nhất trong lãnh vực hoạt động ngầm lẫn công khai, một số nguyên tắc trong công việc hoạt động bí mật đã được đúc kết dựa trên kinh nghiệm và học hỏi từ các lực lượng đấu tranh dân chủ Đông Âu và Việt Nam. Các nguyên tắc này cần phổ biến sâu rộng, cần thuộc nằm lòng các nguyên tắc này để gia tăng hiệu năng và bảo vệ phong trào.
Mục tiêu của bài viết này vẫn là "mỗi chiến sĩ dân chủ phải là một chuyên viên cách mạng dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh để dẫn dắt đám đông vượt qua nỗi sợ hãi". Để khi đám đông ngửng đầu, kiêu hãnh đối diện trước bạo lực, ngục tù, cũng là lúc tiếng vang của hồi chuông khai tử báo rằng: chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sang trang.

1. Biệt danh: Tất nhiên những người hoạt động bí mật đều phải sử dụng những biệt danh. Chỉ sử dụng biệt danh trong nhóm và khi cần thiết. Cần phải thay đổi thường xuyên và rất thận trọng trong liên lạc qua thư từ, điện thoại. Tránh sử dụng thường trong khi trao đổi dễ gây nghi ngờ, nhất là qua điện thoại vì đề phòng bị nghe lén. Biệt danh cần phải tự nhiên, đơn giản. Không nên có những đặc điểm riêng dễ nhận biết, dễ phân biệt. Chính cơ quan công an Việt Nam thời kì trứng nước đã được Phòng nhì của Pháp dạy cho một bài học về việc này, cả một tổ hoạt động nội thành bị bắt vì biệt danh đều mang họ Trần: Trần Quốc Hoàn, Trần Phong, Trần Bi, ...

2. Nhóm: Để bảo vệ cho cả tổ chức lớn, nên chia nhỏ thành nhiều nhóm hoạt động. Một nhóm hoạt động không nên vượt quá số ấn định từ 3 đến 5 người. Cách biệt liên hệ của nhóm, các nhóm không biết và quan hệ với nhau. Chỉ có trưởng nhóm hoặc người chịu trách nhiệm liên lạc được biết cách liên lạc khi cần thiết.

3. Địa điểm lưu trú: Cơ quan công an cộng sản tỏ ra khá thành công trong việc quản lí khu vực và đăng kí nhân khẩu. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều kẽ hở để có thể vượt qua họ. Rất tiếc là chúng tôi không thể đưa ra mọi phương pháp trong tài liệu công bố công khai này. Khi đi đến một địa phương khác, lưu ý không nên ở các khách sạn lớn của cơ quan nhà nước, (kể cả một số khách sạn của cơ quan an ninh mang vỏ bọc tư nhân), ở những nơi này thường dễ bị gắn các thiết bị nghe nhìn lén. Chúng có thể ghi lại hình ảnh một cách vô tình hoặc có điều khiển, do vậy hết sức cảnh giác với mỗi việc làm có thể gây sự chú ý hoặc gây nguy hại cho bản thân.
Khi lưu trú tại một chỗ lạ cần thử nghiệm xem có bị theo dõi và lục soát hay không. Một phương pháp kinh điển là sử dụng sợi tóc hoặc vật rất nhỏ cho vào đồ dùng hay vali hành lí để đánh dấu. Bất cứ một sự lục soát nào của người khác sẽ làm mất đánh dấu này. Một cách khác là ghi nhớ những vị trí rất ngẫu nhiên, đã là ngẫu nhiên thì không thể có trùng lặp. Đồ dùng để trông rất tự nhiên và bừa bộn nhưng nếu ai tò mò đụng đến sẽ không thể hồi phục lại vị trí ngẫu nhiên này. Tuy nhiên, phương pháp này dùng cho những người đã có kinh nghiệm, cẩn thận và có trí nhớ tốt. Tất nhiên, đây chỉ là phương pháp để kiểm nghiệm xem mình có bị theo dõi hay không, còn việc quan trọng hơn là dù có bị theo dõi cũng không thể lục soát được chứng cứ gì cho họ.
Chỗ ở thỉnh thoảng cần bất ngờ thay đổi. Khi rời chỗ lưu trú tạm thời, không để lại bất cứ đồ vật gì, kể cả rác thải hoặc đồ vật gì có thể để lại dấu vết như: vé tàu, xe, máy bay, tất cả các loại chứng từ ghi lại các địa chỉ, địa danh, các loại bao bì, túi nilon có ghi các địa chỉ. Đồ vật gì có thể tiêu hủy được thì bỏ vào bồn toilet. Nếu không tiêu hủy được thì gói gọn vào một bọc nhỏ và tìm chỗ thật an toàn thủ tiêu.

4. Địa điểm hội họp: Không nên tổ chức hội họp tại nhà riêng. Đặc biệt ở các địa phương miền Bắc, người dân vẫn có thói quen hay để ý đến những công việc của hàng xóm, việc quản lí địa bàn rất chặt chẽ từ tổ dân phố. Tất nhiên, những nơi công cộng đông người đi lại như nhà ga, bến xe, sân bay cũng là những nơi luôn có mật vụ rình rập. Các trinh sát ngoại tuyến, trinh sát hình sự và phòng chống ma túy luôn trà trộn ở những chỗ này. Do vậy, những nơi này không thể là những địa điểm gặp gỡ. Nếu có điều kiện, tốt nhất tổ chức họp ở những vùng ngoại thành hoặc thành phố nhỏ, không lộ liễu và quá trống trải. Có thể chọn công viên, vườn hoa làm nơi họp. Chỗ họp phải thay đổi thường xuyên, không có bất cứ một địa điểm nào cụ thể cố định. Thống nhất những dấu hiệu thông báo an toàn hoặc nguy hiểm cho mỗi thành viên biết trước khi gặp mặt.

5. Đề phòng ghi hình và nghe lén: Dụng cụ nghe lén hoặc ghi hình lén ở trong phòng thường đặt ở trên đèn treo, đèn trang trí, hộp tín hiệu báo cháy, đèn bàn, điện thoại, dưới thảm v.v... Trong trường hợp phải gặp mặt ở những nơi này phải kiểm tra thật kĩ trước khi họp. Phải chuyển điện thoại sang một nơi khác, nếu không được thì phải phủ lên một tấm mền. Cần có một radio nhỏ trong khi họp, thứ nhất là để dò tìm microphone nghe lén, bằng cách mở radio vặn lên đến âm lượng cao nhất, cầm radio đi quanh phòng xem vị trí nào âm thanh phát tiếng ồn nhất, gần chỗ đó có thể có đặt microphone; thứ hai là trong khi họp có thể mở radio để gây nhiễu âm thanh nếu máy nghe lén đặt ở những vị trí bên ngoài. Phương pháp dò trên đây không hoàn toàn bảo đảm, vì hiện tại với kĩ thuật tân tiến, máy dò lén có thể được gắn trực tiếp ở nhà bên cạnh , hoặc treo cao trên trần nhà. Cần phải hiểu rõ rằng: việc ghi âm và ghi hình lén thật ra chỉ là chứng cứ trinh sát. Có nghĩa là: chỉ là bằng chứng để cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh, khai thác chứ không được pháp luật công nhận là chứng cứ buộc tội. Rất đáng tiếc rằng, cho đến bây giờ, do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, đa số người dân còn không nhận thức được điều đó nên sau khi bị cơ quan công an dùng những cơ sở này để phủ đầu là liền chấp nhận thúc thủ. Tuy nhiên, việc cẩn trọng đề phòng bị nghe lén và ghi hình lén là rất cần thiết. Cần tránh tối đa các hoạt động gây nguy hại vì đây là những cơ sở rất quan trọng đầu tiên để cơ quan mật vụ làm áp lực buộc phải đầu hàng họ.

6. Thời gian: Trước mỗi lần họp cần thống nhất thời gian trong nhóm. Khi có người đến trễ hơn quá 5 phút mà không có báo trước thì phải lập tức giải tán. Trước khi họp nên cử người kiểm tra địa điểm trước, nếu có dấu hiệu không ổn thì phải thay đổi địa điểm và thời gian ngay. Ngày giờ họp chính thức nên có những thống nhất ngầm là phải sớm hoặc trễ hơn những thông tin thông báo với nhau một khoảng thời gian nào đó, để tránh trường hợp cơ quan mật vụ nghe được. Dù trò chơi này họ cũng biết rất rõ nhưng sẽ gây ra những khó khăn và làm mất thời gian của họ.
Khi tiến hành một hoạt động nào đó nên tránh những thời gian nhạy cảm. Trong thời điểm có những lễ hội, kỉ niệm, các lực lượng vũ trang: công an và quân đội, thường đặt trong tình trạng "cấm trại", các đơn vị đều trực ban 24/24h, phản ứng nhanh, việc rà soát tại địa bàn sẽ chặt chẽ hơn.
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng các hoạt động truyền tin vào đêm khuya là tránh được sự để ý. Thật ra, càng về khuya lưu lượng giao dịch trên các mạng thông tin càng ít đi, việc quản lí càng dễ dàng hơn.

7. Tẩy xóa những dấu vết nguy hiểm: Nơi ở của những người hoạt động bí mật cần phải "sạch sẽ". Không chứa tài liệu, sách báo, truyền đơn, danh sách điện thoại, e-mail, hình ảnh ... cũng như các kĩ thuật in ấn để gây liên lụy. Những thứ này nên cất giữ ở các nhân sự trung lập, hoặc đảm bảo tuyệt đối bí mật. Có thể cất ở những nơi không liên quan đến cá nhân mình và cũng không gây hệ lụy cho những người có liên quan, như nông trại, nhà kho bỏ hoang ... nhưng phải đảm bảo không bị mất mát.
Trong điều kiện hiện nay, đa số các thông tin, tài liệu đều nằm dưới dạng các file. Vì vậy việc lưu giữ được dễ dàng, tốt nhất là sử dụng các ổ USB di động. Tất cả các file tài liệu lưu giữ trong ổ USB di động đều phải được mã hóa và dùng mật mã bảo vệ (việc này sẽ được đề cập cụ thể hơn ở bài viết "Những chiến sĩ dân chủ thời đại").
Tuyệt đối không thường xuyên mang bên mình, chỉ mang theo ổ USB khi cần sử dụng. Phải có những chỗ cất dấu đặc biệt, an toàn, không gây hư hỏng.
Đặc biệt trong máy điện thoại cá nhân không được lưu giữ những số điện thoại của những thành viên khác hoặc những số điện thoại để mật vụ có thể từ đó tìm ra các manh mối. hình ảnh v.v.. Việc phải ghi nhớ các số điện thoại, địa chỉ e-mail, mật mã (password) của hộp thư điện tử cũng là một đòi hỏi khó khăn, tuy nhiên đây là một đòi hỏi bắt buộc đối với những người hoạt động bí mật. Nếu sơ xuất ghi lại ở bất cứ một nơi nào đấy thì sẽ có thể gây ra những đổ vỡ khôn lường. Cũng có những nguyên tắc để ghi nhớ những địa chỉ và những con số đó, tuy nhiên phải đòi hỏi một thời gian tập huấn ngắn. Có một phương pháp để ghi lại những địa chỉ đó mà cơ quan mật vụ không phát hiện ra được là sử dụng mật mã, mỗi người tự nghĩ cho mình những mật mã và tự giải mã theo cách hiểu riêng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những rủi ro và không dễ dàng hơn việc phải tự ghi nhớ trong đầu là bao nhiêu.

8. Hộp thư: Liên lạc qua một hộp thư chết tránh bị lộ hơn, tuy nhiên sẽ mất thời gian hơn. Chọn các nơi công cộng, ít người qua lại như: công viên, nghĩa trang, cột đèn, cây cổ thụ, bức tường, bảng quảng cáo v.v... đều thích hợp làm hộp thư chết để liên lạc. Nên thống nhất các qui tắc an toàn để thông báo cho nhau về tình trạng của hộp thư. Các thông báo, qui định an toàn này cần đặt cách hộp thư một khoảng cách nhất định. Đặt hộp thư ở những nơi trống trải thường dễ bị theo dõi bằng ống nhòm, cần phải ý thức được điều này khi bỏ và nhận thư.
Cần thiết lập ra những "hộp thư chết" điện tử. "Hộp thư chết" điện tử là những địa chỉ e-mail mà những người muốn giao dịch với nhau đều được biết mật mã để dễ dàng kiểm tra tin tức và thông báo tin tức cho nhau. Những tin tức không cần gửi đến một e-mail khác mà được lưu vào phần Draft. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng khi lưu tin tức vào Draft thì sẽ không bị lộ vì tin tức không được chuyển đi. Thật ra, thì những thông tin đó đều phải lưu chuyển đến một trạm nào đó của Yahoo, Hotmail hay Gmail đặt trong khu vực, cho nên mật vụ vẫn có thể theo dõi được sự lưu chuyển này. Để đảm bảo an toàn cho hộp thư chết, cần thường xuyên thay đổi password.

9. Mạng lưới thông tin và báo động: Cần thiết lập một mạng lưới thông tin để trong trường hợp nguy hiểm phải nhanh chóng thông báo, tránh trường hợp bị vây bắt toàn bộ. Dự trù các trường hợp bị bao vây, cô lập, giới nghiêm, không phương tiện di chuyển v.v... Mạng lưới truyền tin cần thiết lập theo phương pháp thông tin đến một tổ (an toàn nhất là báo miệng, nhưng trong trường hợp khẩn cấp và ở xa nhau thì không thể dùng cách này), tổ này có trách nhiệm lập tức báo tin đến tổ khác để báo động cho toàn mạng. Mạng thông báo và báo động phải dự trù tình thế khó khăn và cấp bách nhất để ứng phó nhằm bảo tồn lực lượng và phong trào.
Qui ước các tín hiệu báo hiệu khi nguy hiểm. Qui ước những thông báo này bằng các dấu hiệu nhắn tin trên điện thoại di động, các dấu hiệu gửi trên e-mail hoặc Chat.
Có biện pháp báo hiệu nguy hiểm cho các thành viên khác kể cả khi bị cơ quan mật vụ bắt ép phải liên lạc. Biện pháp này mỗi nhóm tự qui ước với nhau những cách thức riêng. Chúng tôi sẽ không nêu lên những chi tiết quá cụ thể ở đây.

10. Truyền đơn: Không bao giờ in ấn và phân phối truyền đơn mà không bảo vệ dấu vân tay. Truyền đơn có thể phát tán bằng cách nhúng nước cho ướt, đặt trên mái nhà hoặc các vị trí cao. Sau khi khô thì truyền đơn sẽ bị gió cuốn đi. Có thể bó vào bong bóng và thả bay, bay lên cao bong bóng sẽ nổ và truyền đơn tự rớt xuống. Việc phát tán truyền đơn, tờ rơi vẫn là rất cần thiết đối với những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những tầng lớp dân nghèo. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, phương tiện Internet chính là công cụ để phát tán thông tin hiệu quả gấp hàng ngàn lần việc rải những tờ rơi. Song việc làm này lại đòi hỏi ở những chiến sĩ dân chủ một sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, cùng một chút hiểu biết về tin học. Đây là một hình thức đấu tranh mà chế độ cộng sản rất lo sợ và đang tìm cách đối phó.

11. Mật mã: Không có mật mã nào tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên dùng sách để trao đổi mật mã hiệu quả và ít bị lộ. Chỉ bị thua khi có nội phản. Hai nhân sự dùng hai cuốn sách giống nhau, dùng những chữ trong cuốn sách để liên lạc như mật khẩu. Cách này không cần khóa mật mã mà vẫn dịch được nội dung cần thông tin. Mật vụ rất rành các phương pháp thông tin và liên lạc này, tuy nhiên để giải mã và có quả tang thì hầu như đành bó tay, trừ trường hợp họ có cuốn sách của bạn trong tay. Nếu không thể sử dụng mật mã, trong các trao đổi thông tin nên có những qui ước để ngầm hiểu, không nên nói đích danh đến một sự việc nào đó, danh tính nào đó. Phương pháp này còn được gọi nôm na là nói tiếng lóng. Như vậy, nếu có nội phản hoặc cơ quan mật vụ có thu âm được cũng không có cơ sở để bắt bớ, buộc tội.

12. Phương pháp di chuyển, tránh theo dõi: Không nên đi lại thường xuyên trên một con đường, luôn thay đổi lộ trình, không theo một nguyên tắc nào. Khi đi ra ngoài đường, chú ý các nhân sự xung quanh . Để ý xem có những khuôn mặt nào lạ lai vãng quanh nơi mình trú ngụ không? Có người nào hay đi phía sau hoặc cùng với mình trên đường, bên kia đường không? Thỉnh thoảng cần dừng lại để ý (khi dừng lại nên có những cử chỉ tự nhiên như: xem một biển hiệu nào đó, cột dây dày, nhìn vết bẩn trên áo, bấm số điện thoại di động v.v...) hoặc thay đổi tốc độ di chuyển khi nhanh khi chậm sẽ dễ nhận ra. Nếu cần thiết thì quay ngược lại hướng đi hoặc lẩn vào những chỗ công cộng đông người, nhiều cửa ra như siêu thị, chợ, bến tàu xe ... để cắt đuôi. Cần quan sát và cảnh giác những đối tượng lạ mặt xuất hiện đột xuất trước nhà hoặc khu vực lân cận như người ăn xin, sửa xe, bán vé số, xe ôm, cyclo, taxi. Đây là một lực lượng rất cơ động và dày đặc trong hệ thống mật vụ cộng sản. Những lễ kỉ niệm như 30/4 và 2/9/, hội nghị thượng đỉnh Á-Âu, riêng lực lượng này ở Hà Nội và Sài Gòn cũng đã tới gần vạn người. Chế độ cộng sản không công khai những chi tiết này nhưng có thể nói rằng không một chiến công nào của công an lại không có sự đóng góp của những lực lượng trinh sát này. Họ rất thầm lặng và cơ động, là tai mắt rất quan trọng của mật vụ. Trong một số vụ xử án có liên quan đến tôn giáo họ lại được cạo đầu, mặc áo tôn giáo để trà trộn vào phòng xử án nhằm ngăn chặn các nguy cơ, đàn áp tôn giáo, lừa bịp, che mắt dư luận Thế giới và nắm bắt các thông tin, nắm các đối tượng chống đối. Vì vậy, việc cảnh giác trước mọi tai mắt trong xã hội cộng sản là việc làm rất quan trọng, đòi hỏi phải tinh ý, tỉnh táo. Đặc biệt, trong điều kiện hiện tại hệ thống mật vụ ngầm này đã được trang bị thêm rất nhiều công cụ hỗ trợ như phương tiện liên lạc đặc chủng, phương tiện theo dõi, nghe nhìn, nhận dạng, mạng lưới lại dày đặc khắp nơi. Vì vậy, đối phó với họ không chỉ đơn giản như những thủ thuật trong tiểu thuyết trinh thám hoặc những bộ phim hình sự. Những thủ đoạn lẽo đẽo theo đuôi đằng sau đã rất ít xảy ra, phương pháp mới của họ bây giờ là theo kiểu rùa chạy đua với thỏ, có nghĩa là: ở trên mọi nẻo đường nào cũng đều có thể có lực lượng tiếp sức. Do vậy, để nhận biết ra họ và né tránh, đòi hỏi phải có một kĩ năng khá chuyên nghiệp và khéo léo. Có một số nguyên tắc cần nắm vững như sau: không bao giờ xuất phát, trở về hoặc đến một địa điểm nào đấy theo một lộ trình, bằng một phương tiện. Không bao giờ đón xe taxi, cyclo hay xe ôm ngay trước cửa nhà, tốt nhất là đi ra một khoảng khá xa, đón một phương tiện bất kì, ngẫu nhiên đang di chuyển trên đường. Lực lượng mật vụ sẽ không thể cài bẫy hoặc bám theo, nhưng họ hoàn toàn có thể ghi lại số xe Taxi hoặc Honda ôm để thẩm vấn, điều tra. Vì vậy không bao giờ đi những phương tiện công cộng đó đến tận địa điểm cần đến. Cần ngừng ở một khoảng cách khá xa, trước hoặc sau địa điểm cần đến. Nếu cần thiết và thật cẩn thận nên thay đổi nhiều phương tiện khác nhau trên quãng đường đi.
Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, chủ yếu vẫn dùng phương tiện di chuyển cá nhân. Để đảm bảo an toàn trong điều kiện giao thông rất tồi tệ, việc đi lại là một vấn đề khó khăn. Không thể vì muốn cắt đuôi một đối tượng nào đó mà có thể chạy nhanh, chạy ẩu, gây tai nạn. Tốt nhất là đi qua những ngõ hẻm ngoắt nghéo, hoặc những khu cư xá vắng người sẽ rất dễ nhận ra các đối tượng theo dõi. Việc tập xác định chính xác thời điểm chuyển đèn tín hiệu giao thông cũng là cần thiết, để khi phương tiện vừa đến là đèn vàng bật sáng thì kẻ bám đuôi sẽ bị chặn lại. Thật ra lực lượng mật vụ này cũng nhiều lần bị "qua mặt", bị "ăn khói", bị "leo cây", do vậy điều quan trọng nhất đối với những chiến sĩ dân chủ vẫn không ngoài sự cảnh giác.
Trong những lần thực hiện các công việc, nhiệm vụ hoặc hội họp. Nên đi lại bình thản, không tỏ thái độ lo lắng, sốt ruột, vội vàng, lấm lét. Đầu tóc, trang điểm (nếu là nữ giới), trang phục đơn giản. Không để bất kì một đặc điểm nhận dạng nào, không đeo đồ trang sức, không nên mang túi xách. Nếu có vật dụng phải mang theo thì sử dụng loại túi xách rất phổ thông, đơn giản. Nên tìm hiểu, nghiên cứu kĩ lộ trình trước khi xuất phát, tránh việc phải hỏi thăm đường nhiều người.

13. Phương pháp liên lạc: Việc liên lạc giữa các cá nhân trong nhóm không nên tiến hành quá thường xuyên. Việc họp hành cũng chỉ tổ chức khi thật cần thiết. Tất cả các liên lạc gián tiếp (có hỗ trợ của các phương tiện) đều không an toàn bằng trực tiếp. Khi liên lạc với những người lạ đề phòng bị ghi âm, ghi hình, có những người thứ ba làm nhân chứng. Nếu không đảm bảo biện pháp an toàn, kiên quyết từ chối, không giao dịch. Mật vụ có thể tạo ra những bằng chứng và nhân chứng giả để bức hại. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ như: người lạ để ý hoặc các cuộc điện thoại gọi đến nói bâng quơ, các số điện thoại lạ gọi đến, dứt khoát không nghe, không trả lời. Khi đã bị cơ quan mật vụ theo dõi đặc biệt thì việc tiếp điện thoại di động sẽ cho biết khu vực của bạn đang ở. Vì vậy trong những cuộc họp phải tắt điện thoại di động.
Khi trao đổi nên qui ước sử dụng cách nói để ngầm hiểu, không nói vấn đề quá rõ ràng. Không nêu lên các danh tính, địa chỉ, địa danh cụ thể, các con số cụ thể. Vừa trao đổi vừa diễn đạt bằng tay hoặc các dấu hiệu. Nếu có những người xung quanh, vừa trao đổi công việc vừa nói chuyện bâng quơ. Khi nói bâng quơ thì nói lớn hơn một chút.
Một nội dung rất quan trọng và đã gây ra nhiều khó khăn cho người đấu tranh dân chủ, đó là việc liên hệ với nhau để liên kết lại, tập hợp lực lượng đấu tranh dân chủ thành những tổ chức thống nhất và lớn mạnh. Điều cản trở lớn nhất mà lâu nay các cá nhân, tổ chức bí mật trong nước và các cá nhân, tổ chức ở hải ngoại không liên lạc được với nhau đó chính là không tìm ra cách thức liên lạc an toàn. Thông thường người ta chỉ biết được nhau qua những bài viết, qua những địa chỉ thư điện tử. Mà những địa chỉ thư điện tử đã được nhiều người biết thì tất nhiên các cơ quan mật vụ cũng đã theo dõi. Nếu liên hệ với nhau và tìm cách thông báo thay đổi hộp thư điện tử thì đương nhiên những thông báo đó cũng đến tay các cơ quan mật vụ. Vậy, làm thế nào để cắt được những "cái đuôi" đó? Thật ra có một biện pháp hoàn toàn có thể công bố công khai mà cơ quan mật vụ vẫn hoàn toàn bó tay. Như thế này nhé, cứ hình dung là bạn đang bị một tên virus "mật vụ" bám theo, vậy muốn tách rời nó ra thì phải kết hợp hai biện pháp: tốc độ và phương tiện. Để "tăng tốc" bạn phải dùng phương pháp online, có nghĩa là bạn sẽ phải hẹn với nhau trao đổi trực tiếp bằng phương pháp Chat chứ không thể offline bằng e-mail như trước đây. Ngay sau khi Online thì bạn phải thay đổi "phương tiện" (lúc này virus "mật vụ" vẫn đang bám theo được bạn), có nghĩa là bạn sẽ dùng Chat thông báo cho nhau một số điện thoại (người ở hải ngoại thông báo, tất nhiên là những số điện thoại không có nguồn gốc) và lập tức bạn gọi điện thoại (không phải là điện thoại thuê bao) để thông báo cho nhau những hộp thư chết hoặc địa chỉ e-mail an toàn (lúc này tên virus "mật vụ" đã bị cắt đuôi). Sau khi trao đổi xong lập tức thủ tiêu Sim điện thoại. Nếu bạn sử dụng số điện thoại thuê bao hoặc sử dụng lại Sim điện thoại này một lần nữa sẽ đồng nghĩa với việc bạn chuẩn bị được mời đến làm việc với các cơ quan mật vụ.

14. Phương pháp đánh lạc hướng: Cần tự trang bị một số kiến thức về cách đánh lạc hướng cơ quan mật vụ. Thật ra, những mưu chước của cổ nhân vẫn là những biện pháp rất hoàn hảo, như: "dương Đông kích Tây", "hư hư, thực thực", "đánh vào chỗ bất kì, nhằm khi bất ý" ... nếu chúng ta biết vận dụng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan mật vụ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc này. Chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết, bởi vì nếu cứ thường xuyên gây ra những dấu hiệu này thì cũng chẳng khác nào khai với họ là bạn đang làm một việc gì đó muốn che dấu họ. Điều mà cơ quan mật vụ khó chịu nhất là bị "qua mặt". Các bộ phận mật vụ thường làm việc rất kiên nhẫn, cần mẫn, lại có sẵn các phương tiện trong tay. Nếu càng gây ra cho họ nhiều khó chịu thì chỉ càng khích lệ họ bám riết bạn chặt chẽ hơn.
Quan trọng hơn là việc hiểu biết về các biện pháp đánh lạc hướng để dự đoán trước những thủ đoạn của cơ quan mật vụ. Cơ quan mật vụ được đào tạo rất bài bản về các biện pháp nghiệp vụ này. Nếu bạn cũng nắm vững một số kĩ năng thì sẽ dễ dàng né tránh và vượt qua.

15. Các mặt an toàn khác: Một số khu vực công cộng và các điểm nút giao thông thường có máy quay Camera để theo dõi các sinh hoạt. Tại Hà Nội và Sài Gòn, hiện đã có đặt các loại máy quay này. Bề ngoài là dùng cho an toàn giao thông, nhưng thực sự chính là để theo dõi các động tĩnh trong xã hội. Đặc biệt trong điều kiện hiện tại, các thiết bị Camera rất dư thừa, có sẵn từ trên máy điện thoại di động đến nơi công cộng và cả ... nhà vệ sinh. Nên cẩn trọng với mỗi hành động, công việc có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
Lưu ý những thiết bị Camera và WebCam trong các cơ sở dịch vụ Internet. Tránh sử dụng computer nhiều lần tại một địa điểm. Nhiều phần mềm gián điệp (Spyware) như phần mềm ghi nhớ các thao tác trên bàn tính, phần mềm đánh cắp password, phần mềm kiểm tra các thông tin cá nhân, phần mềm ghi lại các thói quen của người sử dụng v.v... được mật vụ cài đặt ở khắp nơi. Tại các điểm dịch vụ Internet các thông tin của người sử dụng được lưu giữ lại một lần nữa nơi máy chủ, cho nên bạn không thể xóa bỏ được hết các nội dung đã lướt trên Web, cùng những thông tin và địa chỉ đã liên lạc. Nếu họ biết được bạn đang sử dụng Internet ở đâu (biết được IP) thì đều có thể kiểm soát được bạn từ xa. Nếu muốn biết chi tiết và chính xác hơn họ sẽ kiểm tra nơi máy chủ và trực tiếp Computer mà bạn sử dụng. Trong trường hợp đó các thông tin đã liên lạc cùng hộp thư (e-mail) và mật mã (pasword) của bạn sẽ bị lộ và bị theo dõi thường xuyên các trao đổi của bạn với những địa chỉ khác. Việc bảo đảm an toàn thông tin là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp, để chi tiết và đầy đủ hơn chúng tôi sẽ trở lại nội dung này ở một bài viết sau: "Những chiến sĩ dân chủ thời đại".
Không dùng nước bọt để dán tem, dán phong bì vì có thể phân chất. Không dùng găng tay len vì để lại nhiều dấu vết. Trong điều kiện khí hậu miền Nam không cho phép sử dụng găng tay, khi gửi thư cần phải dán tem hoặc dán bao thư nên dùng cạnh bàn tay hoặc đầu móng tay. Giữ phong thư bằng cách kẹp giữa hai cạnh ngón tay. Tốt nhất là hoàn tất mọi thủ tục này ở một nơi nào đó trước khi đi gửi.
Không để lại các dấu tay, bút tích hoặc dấu vết đặc biệt ở những khu vực cần giữ bí mật. Trong khi thực hiện một công việc được giao, hoặc di chuyển đi lại giữa các địa phương tránh dùng thẻ rút tiền tự động. Cơ quan mật vụ có thể tìm ra tung tích chủ tài khoản và các dấu vết qua sự lưu chuyển của đồng tiền. Nên chuẩn bị trước những khoản tài chính đầy đủ trong suốt quá trình thực hiện một công việc.
Phải hết sức lưu ý khi sử dụng điện thoại di động. Trong điều kiện các kĩ thuật tin học phát triển, việc các virus lây truyền qua điện thoại di động ra đời sẽ gây thêm các trở ngại cho người sử dụng. Việc sử dụng các máy điện thoại càng hiện đại đồng nghĩa với các mối hiểm nguy càng cao. Không nên sử dụng nhiều Sim điện thoại trong cùng một máy. Trong quá trình di chuyển, nếu có dấu hiệu bị theo dõi phải tắt điện thoại di động. Dù sao việc sử dụng điện thoại di động để liên lạc vẫn khó phát hiện ra vị trí hơn là điện thoại cố định. Tuy nhiên, khi bạn đang bị họ theo đuổi nếu bạn nhận hoặc gọi điện thoại thì sẽ có thiết bị để khoanh vùng ra vị trí của bạn.
Chúng tôi hiểu rằng, tài liệu này sẽ không hấp dẫn đa số những người đọc. Song chúng tôi hi vọng rằng nó sẽ là những thông tin cần thiết đối với những chiến sĩ đã, đang và sẽ dấn thân trên con đường đấu tranh dân chủ.
Dĩ nhiên, còn có rất nhiều điều hệ trọng khác cần ghi nhớ và học hỏi. Song, với một tài liệu mang tính chất phổ biến rộng rãi chúng tôi chỉ được phép nêu lên những biện pháp tương đối phổ thông và không bị hoá giải khi công bố công khai. Những phương pháp sơ đẳng này có thể có những nội dung đã không cần sử dụng đến trong điều kiện xã hội hiện tại, song chúng tôi vẫn cố gắng trình bày chi tiết nhằm mục đích thông tin đầy đủ nhất. Ta biết, địch cũng biết, nhưng nếu địch biết mà ta không biết thì ta bị thiệt thòi. Nhiệt tình cách mạng cần có nhưng chưa đủ. Không thể đi vào con đường đấu tranh như chú cừu non trước nanh vuốt của bầy sói. Lực lượng đấu tranh còn rất mỏng, không thể cứ lấy sự mất mát hi sinh làm những bài học kinh nghiệm.
Phối hợp nhiệt tình và chuyên nghiệp là hành trang cần thiết để đạt được thành quả. Kinh nghiệm là bài học quí báu nhất và thực tế bao giờ cũng phong phú hơn lí thuyết.




No comments:

Post a Comment

View My Stats