Trọng Thành - RFI
Thứ sáu 11 Tháng Tư 2014
Hôm
nay, 11/04/2014, luật gia Hứa Chí Dũng (Xu Zhiyong), một giảng viên đại học,
nổi tiếng vì tranh đấu chống tham nhũng, bác bỏ một phán quyết « phi lý », của
tòa án Trung Quốc, sau khi phiên phúc thẩm giữ nguyên bản án bốn năm tù của tòa
sơ thẩm hồi cuối tháng 1/2014.
Luật
sư bào chữa của ông Hứa Chí Dũng cho biết vị luật gia chống tham nhũng vẫn luôn
kiên định và tin tưởng vào con đường ông đã chọn.
Ông
Hứa Chí Dũng, 40 tuổi, là người sáng lập phong trào « các Công dân mới », ra
đời hồi tháng 8/2012.
Công an Trung Quốc bắt giữ những người phản đối ở phía bên ngoài phiên
toà xét xử ông Hứa Chí Dũng - REUTERS /Kim Kyung-Hoon
Thông
tín viên Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :
"Tất cả các lối vào tòa án đều bị ngăn chặn.
Không có bất cứ nhà ngoại giao, nhà báo nào có thể tham dự phiên tòa phúc thẩm,
kết án luật gia Hứa Chí Dũng 4 năm tù, với tội danh « tập hợp đông người gây
rối loạn trật tự công cộng ».
Luật sư Trương Khánh Phương (Zhang Qingfang), người
bào chữa cho ông Hứa Chí Dũng, nói đến tính chất phi pháp của phiên tòa. Theo
ông, tòa án hoàn toàn không tôn trọng pháp luật, khi vụ án liên quan đến một
phong trào mang tính chính trị. Sau khi tòa sơ thẩm ra phán quyết, người ta đã
dự đoán trước rằng phiên phúc thẩm chỉ mang tính hình thức.
Luật sư Trương Khánh Phương nói : « Chúng ta chờ đợi
xem chính quyền Trung Quốc sẽ bảo vệ hay từ bỏ nhà nước pháp quyền. Từ một năm
nay, ta thấy Trung Quốc đã thụt lùi về mặt luật pháp ».
Ông Hứa Chí Dũng trở thành mục tiêu tấn công của
chính quyền, sau khi dám yêu cầu các quan chức nhà nước cộng sản phải minh bạch
hóa tài sản.
Sau khi phiên tòa kết thúc, ông Hứa Chí Dũng tuyên
bố bản án này không làm thay đổi gì ý nghĩa của cuộc đấu tranh ôn hòa mà ông
tiến hành.
Luật gia Hứa Chí Dũng khẳng định một bản án « phi lý
» như vậy thể không ngăn cản được tiến bộ của xã hội, lớp sương mù của chế độ
độc tài cộng sản sẽ bị xua tan, ánh mặt trời của tự do, của những lý tưởng xã
hội, của tình yêu sẽ đến với những vùng đất mới tại Trung Quốc.
Luật gia Hứa Chí Dũng bị thua kiện trong phiên tòa
hôm nay, nhưng cũng vào ngày tòa ra phán quyết, cuốn sách tự thuật của ông mang
tựa đề « Là công dân » vừa ra mắt tại Hồng Kông".
Phong
trào Tân công dân, do luật gia Hứa Chí Dũng sáng lập là một mạng lưới không chính thức của những nhà tranh đấu, với hoạt động
chủ yếu là tổ chức các cuộc tập hợp và thảo luận về những chủ đề liên quan đến
xã hội dân sự, từ vấn đề bình đẳng trong giáo dục đến nạn tham nhũng trong giới
đặc quyền... Ảnh hưởng rộng rãi của phong trào khiến chính quyền Bắc Kinh lo
sợ. Mùa xuân năm ngoái, chính quyền đã bắt giữ ông Hứa Chí Dũng cùng khoảng
mười thành viên khác của phong trào.
Cuộc đàn áp tàn khốc của chính quyền nhắm vào luật
gia Hứa Chí Dũng và phong trào Công dân mới tương phản hoàn toàn với chiến dịch
chống tham nhũng, mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động cách đây một
năm. Theo các chuyên gia, mặc dù được truyền thông chính thức của Trung Quốc
rất đề cao, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình chỉ được áp dụng
một cách có chọn lọc. Tài sản của các lãnh đạo Trung Quốc và của thân nhân họ
vẫn là một chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc, các thông tin về vấn đề này bị kiểm
duyệt ngặt nghèo trên internet và truyền thông địa phương.
------------------------------------------
Thụy My - RFI
Thứ năm 10 Tháng Tư 2014
Hôm
nay 10/04/2014 ông Triệu
Thường Thanh (Zhao Changqing) là nhà hoạt động chống tham nhũng thứ ba
bị tòa án Bắc Kinh xét xử trong tuần này, sau khi hai nhà tranh đấu khác đã
phải ra tòa. Luật sư của ông cho AFP biết như trên, trong bối cảnh chính quyền
Trung Quốc đang đàn áp các nhà dân chủ.
Theo luật sư Trương Bồi Hồng (Zhang Peihong), ông
Triệu Thường Thanh, 45 tuổi, có nguy cơ lãnh án 5 năm tù giam vì đã ủng hộ các
nhà hoạt động giăng biểu ngữ tại Bắc Kinh kêu gọi các quan chức công khai tài
sản, cho dù ông vắng mặt trong phiên tòa kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ.
Triệu Thường Thanh tham gia phong trào Tân Công dân,
một phong trào tranh đấu cho các quyền công dân, trong đó có việc chống tham
nhũng. Chính quyền Trung Quốc đã bắt giam người sáng lập phong trào này vào
tháng Giêng, và trên 10 thành viên khác đã bị đưa ra tòa.
Ông Triệu Thường Thanh cho rằng mình không phạm tội
« tập hợp gây rối trật tự công cộng », như trong cáo trạng buộc tội ông
là đã tham gia ba cuộc biểu tình nhỏ ở Bắc Kinh, trong đó các nhà hoạt động đã
giương biểu ngữ trên đây. Luật sư Trương Bồi Hồng cho biết : « Dù sao đi nữa
ông Triệu cũng không thể gây rối trật tự, thậm chí ông cũng không xuất hiện
trong cuộc biểu tình vì lo ngại ảnh hưởng đến gia đình ».
Trước
đó trong tuần này hai nhà đấu tranh chống tham nhũng khác là Đinh Giả Hí (Ding
Jiaxi) và Lý Vĩ (Li Wei) cũng đã bị xét xử vì tham gia biểu tình.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch
chống tham nhũng được tuyên truyền ầm ĩ, mà ông Tập Cận Bình đã tuyên bố là
đánh « từ ruồi cho đến cọp », trước sự phẫn nộ của dân chúng đối với tệ
nạn này. Tuy nhiên đảng lại đàn áp thẳng tay các nhà đấu tranh độc lập có cùng
mục tiêu, coi các cuộc biểu tình chống tham nhũng do những người ngoài đảng tổ
chức là một thách thức quyền thống trị của mình.
Ông Triệu Thường Thanh trước đây đã từng bị bắt giam
vì vai trò lãnh tụ của ông trong phong trào đòi dân chủ ở giam cầm Thiên An Môn
năm 1989. Sau đó ông còn bị cầm tù thêm 8 năm nữa do các hoạt động đòi cải cách
chính trị.
Hồi tháng Giêng, tòa án Bắc Kinh cũng đã tuyên án 4
năm tù đối với luật sư Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), người sáng lập phong trào Tân
Công dân liên quan đến các cuộc xuống đường. Bản án đã bị Hoa Kỳ và Liên hiệp
châu Âu lên án mạnh mẽ. Luật sư của ông tố cáo các ý đồ chính trị và đã kháng
cáo, tòa phúc thẩm sẽ xem xét vào ngày mai.
Áp phích đòi trả tự do cho các thành viên phong trào Tân Công dân, Trung
Quốc. (Ông Triệu Trường Thanh - hàng dưới, bên trái) . @site Friends of conscience
No comments:
Post a Comment