Thứ hai 28 Tháng Tư 2014
Hôm
nay, 28/04/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Philippines, chặng cuối
cùng trong chuyến công du 4 nước Châu Á của nguyên thủ Hoa Kỳ.
Vài giờ trước chuyến viếng thăm này, Bộ trưởng Quốc
phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila Philip Goldberg,
đã ký Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, có hiệu lực trong
vòng 10 năm.
Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ tái cân bằng lực
lượng của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng thỏa thuận vừa được ký
kết mở đường cho việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, nhưng không bao
gồm việc lính Mỹ hiện diện thường trực tại Philippines, như trong nhiều thập
niên trước đây.
Theo đài truyền hình Philippines ABS-CBN, Tổng thống
Obam khẳng định : « Một sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa lực lượng Mỹ và
Philippines sẽ cho phép cải thiện khả năng cùng huấn luyện và tác chiến, và đối
phó nhanh chóng hơn trước một loạt các tình huống ».
Tổng thống Mỹ viếng thăm Philippines trong vòng hai
ngày, hôm nay và ngày mai. Một trong những mục tiêu của vòng công du Châu Á lần
này là trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực về quyết tâm của
Washington xoay trục sang Châu Á và ủng hộ các nước này.
Tổng
thống Mỹ công du Malaysia, hai phía khẳng định quan hệ "Đối tác toàn
diện"
Hôm qua, 27/04, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng
thống Obama nhấn mạnh rằng, cho dù đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng
Ukraina, nhưng Hoa Kỳ vẫn không coi nhẹ các tham vọng kinh tế và chiến lược tại
Châu Á.
Trước khi rời khỏi Kuala Lumpur sáng nay 28/04, Tổng
thống Barack Obama đã dự lễ ký kết một loạt các hợp đồng giữa nhiều tập đoàn Mỹ
với các đối tác Malaysia trong các lĩnh vực hàng không, công nghệ sinh học và
ngành bảo hiểm. Tổng trị giá các hợp đồng nói trên lên tới 2 tỷ đô la. Trong
cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại thành phố Putrajaya vào
hôm qua, lãnh đạo hai nước đã đồng ý nâng cấp quan hệ song phương lên mức « Đối
tác toàn diện » và Tổng thống Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ Malaysia trong
việc tìm kiếm và xác định vị trí xác máy bay MH370 mất tích hôm 08/03/2014.
Trong hai ngày viếng thăm Malaysia, Tổng thống Mỹ đã
có một buổi tiếp xúc với giới trẻ Malaysia. Ông đã chia sẻ kinh nghiệm về sự
phát triển chính trị của một quốc gia, lãnh đạo Hoa Kỳ khuyên thanh niên
Malaysia nên hướng tới một mô hình mà ở đó tất cả mọi xung đột về sắc tộc, tôn
giáo phải được xóa bỏ. Tổng thống Hoa Kỳ đã gián tiếp gửi đến Miến Điện một
thông điệp theo đó quốc gia Đông Nam Á này không thể phát triển nếu như cộng
đồng người Hồi giáo Rohingya vẫn bị đàn áp, truy bức.
Riêng các nhà bảo vệ nhân quyền tại Malaysia đã tỏ
ra thất vọng trong chương trình nghị sự, tổng thống Hoa Kỳ đã không dự trù gặp
lãnh đạo đối lập Malaysia, Anwar Ibrahim.
----------------------------------
Trọng Nghĩa
- RFI
Chủ nhật 27 Tháng Tư 2014
Cuộc
chạy đua với thời gian để đúc kết một hiệp ước mới về quốc phòng Mỹ-Philippines
cho kịp lúc Tổng thống Mỹ Obama công du Philippines, đã đạt kết quả mong muốn.
Theo Bộ Quốc phòng Philippines vào hôm nay, 27/04/2014, một thỏa thuận 10 năm
về việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines vừa được đúc
kết và sẽ được hai bên ký kết vào ngày mai, đúng ngày ông Obama bắt đầu thăm
Philippines trong một chuyến công du cấp Nhà nước.
Trong một bản thông cáo, Bộ Quốc phòng Philippines
cho biết là Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường sẽ được ký kết tại Manila
vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân xuống Philippines, sau
khi kết thúc chuyến thăm Malaysia.
Thỏa thuận này được coi là bước cụ thể mới nhất trong chiến lược xoay trục qua châu Á của Washington, sẽ cho phép quân đội Mỹ được tiếp cận một số căn cứ quân sự chọn lọc, xây dựng thêm các cơ sở mới và triển khai các loại thiết bị, chiến đấu cơ và chiến hạm.
Thỏa thuận sau khi ký kết sẽ được chính phủ
Philippines ban hành với tư cách là một văn kiện hành pháp. Điều này cho phép
thỏa thuận có hiệu lực ngay, mà không cần phải thông qua thủ tục phê chuẩn tại
Quốc hội.
Thỏa thuận quân sự sắp được ký kết đã diễn ra trong
bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trở nên hết sức căng thẳng giữa
Philippines và Trung Quốc, và Manila đã quay sang Washington, một đồng minh lâu
đời, để xin giúp đỡ trong việc tăng cường năng lực quốc phòng bảo vệ lãnh thổ,
ngăn chặn tham vọng chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Yêu cầu của Philippines cũng trùng hợp với chủ
trương mới của Hoa Kỳ, chuyển ưu tiên chiến lược quan vùng Châu Á-Thái Bình
Dương sau nhiều năm trời bị vướng vào hai cuộc chiến tranh ở Irak và
Afghanistan. Trong chính sách gọi là xoay trục này, Philippines đã trở thành
một trụ cột quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á.
No comments:
Post a Comment