Monday, 28 April 2014

MỸ - PHI CỦNG CỐ LIÊN MINH QUÂN SỰ (BBC)




BBC
Cập nhật: 05:16 GMT - thứ hai, 28 tháng 4, 2014

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đến Philippines trong chặng dừng cuối cùng của chuyến công du châu Á.
Nhân chuyến thăm này, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự.
Thỏa thuận được ký ở Manila này cho phép Mỹ hiện diện quân sự đông đảo hơn ở quốc gia đông nam Á này.
Động thái này diễn ra vào lúc Manila đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Obama sẽ có cuộc thảo luận với người tương nhiệm chủ nhà là Benigno Aquino và dự quốc yến.

‘Hòn đá tảng cho hòa bình’
Thỏa thuận có thời hạn 10 năm này do Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ Philip Goldberg ký vào sáng thứ Hai ngày 28/4.
Theo thỏa thuận thì Mỹ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn với các căn cứ quân sự các hải cảng và sân bay. Binh lính Mỹ sẽ luân chuyển qua những căn cứ này và tham gia vào các hoạt động huấn luyện chung, giới chức hai nước cho biết.
Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gọi đây là ‘cột mốc trong lịch sử chung giữa hai nước với tư cách là đồng minh có hiệp ước bền vững’.
“Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường sẽ đưa mối liên minh quân sự vốn đã mạnh mẽ lên một tầm cao mới, một hòn đá tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” thông cáo viết.
Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội nước ngoài là một vấn đề nhạy cảm ở Philippines, một nước vốn từng là thuộc địa của Mỹ.
Các nhà hoạt động chống Mỹ vốn cho rằng hiệp định này không có lợi cho Philippines và là tổn hại đến chủ quyền đất nước dự kiến sẽ tuần hành gần Dinh Tổng thống nơi ông Obama sẽ gặp ông Aquino.

Mỹ từng có những căn cứ lớn ở Philippines nhưng chúng đã bị đóng cửa vào đầu những năm 1990. Quân đội Mỹ cũng hoạt động mạnh ở miền Nam Philippines, nơi có các chiến binh Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda.
Trong những tháng gần đây, Washington và Manila đã có những động thái để tăng cường quan hệ do Philippines đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước khi đến Philippines, ông Obama đã nói với kênh truyền hình ABS-CBN của nước này rằng tranh chấp chủ quyền ở khu vực nên được giải quyết thông qua đối thoại.
“Tôi đã nói rất rõ và nhất quán rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải hỗ trợ các nỗ lực của các bên tranh chấp nhằm kiểm soát và giải quyết các vấn đề lãnh hải và lãnh thổ một cách hòa bình bằng con đường đối thoại chứ không phải bắt nạt, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông,” ông nói.
Trước Philippines, ông Obama đã đến Nhật Bản, Nam Hàn và Malaysia.

Các bài liên quan

----------------------------------

Trọng Nghĩa  -  RFI
Chủ nhật 27 Tháng Tư 2014

Nếu có một yếu tố nổi bật nhân chuyến công du được đánh giá là lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Malaysia, thì đó là quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên hàng Đối tác Toàn diện. Quyết định này đã được lãnh đạo hai nước loan báo trong cuộc họp báo chung vào hôm nay, 27/04/2014 tại Kuala Lumpur, sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak với Tổng thống Hoa Kỳ.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Malaysia xác nhận là Tổng thống Mỹ và ông đã thảo luận một cách sâu rộng về các vấn đề khu vực và thế giới, cũng như quyết định tiến bước đáng kể trên con đường thực hiện các mục tiêu chung.

Ông Najib Razak đã nhấn mạnh trước tiên đến quyết định « nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Toàn diện ». Theo Thủ tướng Malaysia, điều này « đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ » Malaysia-Hoa Kỳ, « với sự hợp tác lớn hơn về kinh tế, an ninh, giáo dục, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác ».

Một yếu tố đáng chú ý là tuyên bố của Thủ tướng Najib Razak công khai ủng hộ chính sách xoay trục của Mỹ : « Malaysia hoan nghênh sự tái cân bằng lực lượng của Mỹ hướng tới châu Á, và sự đóng góp của tiến trình này cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực ».

Biển Đông dĩ nhiên không thể thiếu trong cuộc hội đàm vào sáng nay giữa hai lãnh đạo Malaysia và Mỹ. Trên hồ sơ này, Thủ tướng Malaysia xác nhận là Kuala Lumpur và Washington đều chung một quan điểm là mọi nước đều phải tôn trọng luật quốc tế. Ông nói :
« Tổng thống Obama và tôi đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ gìn các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được tất cả mọi người công nhận, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. ».

Về Biển Đông, Mỹ và Malaysia, theo lời Thủ tướng Najib Razak đều đồng ý rằng : « Việc thực hiện đầy đủ bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC) là điều thiết yếu và một bộ Quy tắc Ứng xử có hiệu quả sẽ tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau ».

----------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats