"Có bột mới gột nên hồ" - Tục ngữ Việt
Nam. Thật vậy, không có nguyên liệu "bột", không thể quấy nước lã mà
ra "hồ".
Dẫn tục ngữ trên, tôi xin phép quay trở lại vấn đề
tài chánh để khẳng định ý tưởng của mình, ngõ hầu củng cố thêm căn cứ để quý vị
tham khảo, bởi sau khi viết phần 1, có một số độc giả nêu ra vấn đề - tiền -
một vấn đề sống còn và luôn mang tính tế nhị, cũng như nó là một trong các
"yếu huyệt" mà người cộng sản luôn lấy đó làm mục tiêu tấn công, phỉ
báng và vu khống "Mạng Lưới Blogger Việt Nam" nói riêng và tất cả
những ai đang đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền nói chung.
Người
cộng sản không cần tiền (?!)
Trước tiên, nói chuyện "tiền ít". Trang Nữ
Vương Công Lý tường thuật [1] "Ngày thứ 2 của phiên tòa dành cho 14 thanh
niên Kitô giáo yêu nước". Trong bài tường thuật này, những hình ảnh cho
thấy đồng tiền được chia chác ngay lập tức, không cần che giấu đã được ghi lại
với lời bình chua chát: "Rất quen thuộc với loại "Quần chúng tự
phát... tiền của đảng và nhà nước". Những hình ảnh hiếm hoi này đã phơi
trần bộ mặt của những tên tay sai - sẵn sàng và vô tư cầm tiền của
"đảng" trên nỗi thống khổ và oan ức của người lương thiện. Tôi tin,
những kẻ cầm tiền trong các hình ảnh đó nhất định đã bị... "rút kinh
nghiệm" khi để hành vi "cao cả" như thế vô tình bị ai đó chụp
được.
Sau nữa, nói chuyện "tiền
nhiều... vô biên". Trong bài viết "Đây mới thật là 'quỹ trái phép'
đáng xem xét" [2] có đoạn (trích):
"...Quỹ trái phép rất đặc
biệt" này ra đời rất kín đáo, không có giấy khai sinh hợp pháp của chính
phủ, không có quyết định nào của nhà nước, cũng như cơ quan được giao quản lý
quỹ này cũng không có giấy khai sinh hợp pháp. Đó là Ban Tài chính - Quản
trị Trung ương đảng..."
"...Lại có riêng một vụ chuyên
trách về hoạt động kinh tế - tài chính của đảng ở nước ngoài, thu nhập và gửi
tiền ngoại tệ của đảng, góp vốn đầu tư của đảng, quản lý tiền chứng khoán của
đảng ở nước ngoài. Ngoài ra còn có một vụ nữa chuyên trách về quan hệ, giúp đỡ
các đảng cộng sản các nước còn hoạt động bí mật..."
"...Đây có thể gần như là một
chính phủ trong một chính phủ, có đủ các ngành, với một ngân sách cực lớn, được
san sẻ hầu hết từ ngân sách của nhà nước Việt Nam, nhưng hoàn toàn nằm ngoài sự
kiểm soát của chính phủ, nhất là hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của quốc hội,
trong khi hiến pháp ghi rằng quốc hội là ”cơ quan quyền lực cao nhất" của
đất nước..."
"...Ban tài chính-quản trị trung
ương đảng gần như không bao giờ xuất hiện trong báo cáo của chính phủ, cũng
không có trong các cuộc thảo luận ở quốc hội. Vậy mà nó là một tổ chức cực kỳ
năng động, có chân rết khắp toàn quốc, trong đó có các ban kinh tế của tỉnh uỷ,
huyện uỷ, quận uỷ đảng cộng sản...."
Chưa hết, trong bài nhà báo Bùi Tín còn cho
biết:
"...có 9 phó ban, đều hàm thứ
trưởng, mỗi phó ban đảm nhận một phần việc: tài chính - ngân sách - kế toán của
ban; bất động sản của đảng: nhà cửa, trụ sở, nhà khách, nhà nghỉ, đất đai, rải
ra khắp nơi, tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn,
Vũng Tàu...; các cơ sở kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, thủ
công nghiệp, xuất nhập khẩu, tuyên truyền, văn hóa riêng của đảng. Quan trọng
nhất có những thửa ruộng đặc biệt trồng cây thuốc phiện ở Lạng Sơn, Lai Châu;
những thửa ruộng trồng lúa nếp cái hoa vàng, lúa tám thơm ở ngoại thành Hà Nội,
Hải Dương, Thái Bình; trại nhãn và nuôi ong ở Hưng Yên; các cửa hàng cung cấp
đặc biệt, bán hàng riêng cho ủy viên trung ương, ban bí thư và bộ chính trị;
tòa soạn tạp chí Cộng sản, tòa soạn báo Nhân Dân, tòa soạn báo Tiền Phong của
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự Thật, Nhà in báo Nhân
Dân; các trường Nguyễn Ái Quốc từ huyện, tỉnh đến trung ương), hệ thống giao
thông vận tải của đảng (các bãi xe, xưởng sửa chữa, ôtô, xe tải, tàu thuyền,
môtô của đảng)..."
Quý
vị có "lạnh gáy" không? "Đảng ta" kinh doanh đủ mọi
"ngành nghề", không loại trừ sản xuất thuốc phiện, buôn ngoại tệ trái
phép, mua bán chứng khoán nước ngoài v.v... mà "nhà nước và chính
phủ" (của họ) chẳng cần quan tâm đến hoạt động đậm tính chất mafia của
ĐCSVN. Thế đó! Xin nhấn mạnh, câu chuyện trên diễn ra đã 30 năm về trước. Ai
dám nói tài sản phi pháp, những đồng tiền tội lỗi thấm đầy máu và nước mắt dân
Việt hiện nay lên đến bao nhiêu tỉ đô la Mỹ?
Có lẽ cũng nên nhắc lại vụ "16 tấn vàng" [3], CSVN đã vu khống cho Cựu Tổng
Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu một cách bỉ ổi. Số phận của "16 tấn vàng"
ấy ra sao? Nó có góp phần lý giải cho câu hỏi: Tại sao những người cộng sản chỉ
với "áo anh rách vai quần tôi có hai miếng vá", chỉ có "nóp với
giáo", thậm chí "chân đi không" (nghĩa là không có cả dép mà
mang) bỗng chốc giàu sụ sau "giải phóng" thông qua con cái của: Lê
Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt v.v... (?). Có phải chính người cộng sản đã
lừa đảo ngay cả những người như ông Phàng Sao Vàng từ thuở "còn nằm nôi"
và lọt lòng khóc oe oe với "tiếng đầu lòng con gọi xì-ta-lin" (?).
Nếu ai còn băn khoăn về "tiền" thì tôi xin
dẫn ra đây ông "vua buôn tiền" [4] - Lữ Minh Châu với trích
đoạn: "Ngày 30/4/1975, tôi được bổ
nhiệm giữ chức Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn Gia Định theo quyết
định do anh Phạm Hùng ký từ trong... rừng. Sau khi tiếp quản xong, tôi làm Giám
đốc Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn - Gia Định, rồi Giám đốc Ngân hàng Nhà nước
TPHCM đến năm 1984. Đầu tháng 6/1986, vào một buổi tối thứ bảy, tôi nghe đài
công bố, tôi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam và ngay tối hôm đó tôi nhận được điện từ Hà Nội: "Sáng thứ hai phải có
mặt để nhận nhiệm vụ".
"Đồng chí" Lữ Minh Châu được "trao Huân chương Độc lập
hạng nhì" [5] vào ngày 18/6/2010 để "ghi nhận [...] công lao và đóng
góp to lớn..." ở tuổi 82, hiện đang sống tại quận Bình Thạnh Tp.HCM -
người đã nói [6] "...trả hết lại tiền cho dân ... chỉ trong vòng một tháng
rưỡi đi vào hoạt động, Ngân hàng quốc gia Sài Gòn - Gia Định đã bắt đầu trả
tiền tiết kiệm, đầu tiên trả khoảng 10% và trả hết ngay trong năm đó, năm
1975...". Tin hay không thì tùy (!).
Trách ai uốn lưỡi cầu vinh
Bán quê hương, nỡ quên tình nước non.
(Ru Con - Trịnh Công Sơn) [7]
Những dẫn chứng mang tính "điển hình tiên
tiến" như trên, không chỉ nhằm mục đích bác bỏ tất cả luận điệu bôi nhọ đê
hèn, hỗn xược vô giáo dục của người cộng sản dù bất cứ cấp cao hay cấp thấp như
Nguyễn Thanh Sơn (Thứ trưởng bộ Ngoại giao) cho đến các tay chân tép riu như
Đông La, Hoàng Thị Nhật Lệ, Võ Khánh Linh v.v...; mà còn để khẳng định với quý
vị "Mạng Lưới Blogger Việt Nam" và tất cả những ai đang đấu tranh dân
chủ - nhân quyền rằng:
Chỉ những kẻ cầm đồng tiền dính đầy máu, nước mắt và
tiếng gào thét của Dân Tộc Việt Nam mới đáng hổ thẹn, như cô Nguyễn Phương
Uyên đã thét lên: Đi chết đi! ĐCSVN bán nước!
Hoạt
động của Mạng Lưới Blogger Việt Nam.
Phần 1 vừa rồi, tôi nói qua về nội dung hoạt động
của quý vị. Tôi xin tiếp tục đi vào những nội dung mà cá nhân tôi cho là quan
trọng.
1. Từ việc kêu gọi tài trợ từ các NGO (kể cả doanh nghiệp trong và ngoài
nước, doanh nghiệp FDI), chúng ta thấy, không có tiền thì quý vị mãi luôn khó
khăn, bất chấp những ý tưởng sáng tạo hay đột phá của quý vị có đi chăng nữa.
Nếu quý vị không có tiền (tôi dùng chữ tiền một cách thô mộc (nhưng không thô
bỉ như người cộng sản) để muốn nói với quý vị chẳng có gì ngần ngại trước luận
điệu của dư luận viên hay CAM) thì hoạt động của quý vị mãi tủn mủn, lẻ mẻ, vụn
vặt, không thể nào trở nên chuyên nghiệp để ngày càng lớn mạnh như nhiều người
mong muốn.
1.1 Cụ thể, nếu quyết định cân nhắc việc kêu gọi tài
trợ, quý vị phải tổ chức một cuộc họp. Theo tôi biết, trên trang nhà của quý vị
có 103 người tham gia ký tên. Vậy, hiện nay quý vị cần xác nhận (confirm) một
lần nữa: Trong 103 người, tính đến nay có ai rút ra không. Vì từ 23/7/2013 đến
nay, có thể có người rút lui im lặng vì lý do cá nhân, công việc v.v... mà quý
vị không biết rõ toàn bộ 103 người hiện nay đủ thiếu ra sao.
1.2 Sau khi xác nhận xong, tất nhiên tổ chức họp với
số người đã khẳng định vào một ngày nhất định, sao cho số người (đã khẳng định
vẫn tham gia vào MLBVN) có thể thu xếp dự họp càng đông đủ càng tốt. Nếu ai
không thể dự họp (theo thời gian đã thống nhất) cần phải ủy quyền cho cá nhân
(nào đó) trong MLBVN. Sự ủy quyền này cũng cần nói rõ: mọi ý kiến, quyết định
của người thụ ủy cũng chính là của người vắng mặt. Điều này để tránh các điều
tiếng không đáng có và cũng nhằm đạt được tin tưởng và đồng thuận trong MLBVN,
mặt khác, nó thể hiện trách nhiệm và bổn phận của bản thân người vắng mặt cần
tuân theo, khi quyết định của cuộc họp đã được đúc kết. Nó còn nói lên tính dân
chủ & tự giác, đó cũng là bài học cho DLV và CAM suy ngẫm, học hỏi thêm.
Yếu tố này rất quan trọng, tôi hy vọng quý vị hãy lưu tâm và suy nghĩ kỹ, khi ý
nghĩa "đoàn kết" lâu nay vẫn bị xem là điểm yếu nhất trong tất cả
hoạt động trong và ngoài nước. Rất mong MLBVN trở thành địa chỉ đáng tin cậy
(trên tinh thần này) cho nhiều tầng lớp đang nhìn về quý vị.
1.3 Hình thức họp online là hợp lý, giản tiện và đỡ
tốn kém nhất (hình như từ lâu quý vị chưa hề có một cuộc họp nội bộ nào thì
phải?). Trong 103 vị này, tôi thấy có một số người ở nước ngoài: Nguyễn Đắc Hải
Di (Na Uy), Trịnh Hội (Hoa Kỳ), Phạm Văn Thành (Pháp), Đặng Vũ Tùng (Thụy Sĩ).
Số còn lại ở trong nước. Do đó, cần cân nhắc thời gian và thời điểm sao cho phù
hợp với cả người trong nước và người ở nước ngoài.
2. Quý vị đã quyết tâm dấn thân vì một xã hội dân sự tốt đẹp, nghĩa là tính
chuyện làm việc lâu dài. Hoạt động chuyên nghiệp và lâu dài luôn cần phải có kế
hoạch từ tổng thể cho đến chi tiết. Đó là điều, có vẻ quý vị chưa để ý hiện
nay? Căn cứ vào mục tiêu "Quyền Con Người", từ đó tôi đề nghị một kế
hoạch sơ phác và mang tính tổng quát như sau:
2.1 Trong cuộc họp đầu tiên, quý vị phải
thống nhất nội dung họp gồm các chủ đề gì (không nên quá nhiều chủ đề và phân
bổ thời lượng hợp lý giữa các chủ đề). Tôi xin tạm đưa ra vài ý kiến thô thiển
như sau:
2.2 Vấn đề tài trợ: Sau khi trao đổi, bàn luận (cố
gắng ngắn gọn), quý vị hãy chọn hình thức biểu quyết (yes/no), không thể có
"phiếu trắng" trong việc mang tính chất tiền đề quan trọng như thế
này (như tôi đã phân tích). Nếu quá bán (hay một con số nào mà quý vị thấy ổn
thỏa (Ví dụ: 55% - 60% - 70% v.v... đồng ý) thì thực hiện và ngược lại. Không
thể đòi 90% và càng không thể nghĩ đến con số 100% (những con số này chỉ có
người CS là khoái, nó chỉ thể hiện tính không tưởng, giả dối và độc tài của
CS). Hy vọng quý vị suy ngẫm kỹ.
Như vậy, những người không đồng ý cũng phải chấp
nhận. Những người không đồng ý, không thể nói: tôi không làm bất kỳ việc gì
liên quan đến "tài trợ", bởi vì số đông hơn đã quyết và những người
không đồng ý trở nên bất nhất cũng như tỏ ra thiếu trách nhiệm, khi trước đó
khẳng định vẫn tham gia MLBVN. Điều này cũng thể hiện tính tổ chức nghiêm cẩn
mà lâu nay hoạt động xã hội dân sự chúng ta như một vườn hoa không có nghệ nhân
chăm sóc (điều này tôi đã nói với Phong Trào Con Đường Việt Nam).
Cho phép tôi được gọi: Những người đồng ý kêu gọi
tài trợ là TT, những người không đồng ý kêu gọi tài trợ là KTT, để dễ trình
bày. Điều này không có nghĩa, tôi phân biệt đối xử hay chia rẽ MLBVN gì cả. Hy
vọng quý vị hiểu rõ.
2.3 Do đó, hai trường hợp sẽ xảy ra:
2.3.1 Trường hợp đồng ý kêu gọi tài trợ: Quý vị cần
phải bầu ra (ít nhất) 2 người làm đại diện (để mở tài khoản tại ngân hàng) như
tôi đã nói trong phần 1. Chỉ xin lưu ý:
2.3.1.1 Cả 2 người này đều nên chọn người trong nước
và nên thuộc nhóm TT.
Việc chọn 2 người đại diện này có 2 cách:
- Do TT bầu ra (thuộc số đông).
- Do KTT bầu ra (thuộc số ít).
Mỗi phương án trên đều có cái hay riêng. Tùy quý vị
suy nghĩ, bàn thảo và quyết định. Riêng ý kiến tôi, tôi sẽ chọn nhóm KTT làm
công việc bầu 2 người đại diện (nhấn mạnh 2 người này phải thuộc nhóm TT), vì
ngoài việc khách quan, nhóm KTT vẫn thể hiện sự gắn bó, vai trò và trách nhiệm.
2.3.1.2 Hai người được chọn phải là những người chỉ
tham gia vào MLBVN mà không tham gia các phong trào hay hội khác.
Trong danh sách 103 người của MLBVN, tôi thấy có
nhiều vị tham gia ở những phong trào hay hội khác, ví dụ: ông Hoàng Văn Dũng
(thuộc CĐVN), ông Trần Văn Huỳnh (CĐVN), ông Trương Minh Đức (đảng Vì Dân), ông
Nguyễn Tường Thụy (Hội Bầu Bí Tương Thân), ông Hà Sĩ Phu (DĐXHDS) v.v...
Việc chọn 2 người theo tiêu chuẩn như thế nhằm mục
đích để MLBVN không bị điều tiếng cũng như không bị "tròng tréo" dưới
áp lực công luận nói chung và của những "cái loa" ĐCSVN nói riêng.
Tiền bao giờ cũng "hơi bị" tế nhị như quý vị đã biết quá rõ.
Hơn thế, trong quá trình thu - chi, về lâu dài, sẽ
có những nghiệp vụ phát sinh (ví dụ tạm ứng, thu hồi v.v... dù quý vị không
kinh doanh, nhưng quá trình thu - chi nhất định sẽ phát sinh các nghiệp vụ này,
nó chỉ khác ở cách thể hiện bút toán trong lĩnh vực kế toán giữa việc kinh
doanh và không kinh doanh). Mặt khác, cách chọn người như thế góp phần để làm
sao rõ ràng, khách quan và bạch hóa tất cả thu - chi, để tránh tai tiếng và ngờ
vực từ trong nội bộ MLBVN cho đến bên ngoài và đạt được tin tưởng từ các nhà
tài trợ v.v... [*]
2.3.2 Trường hợp không đồng ý kêu gọi tài trợ: Theo
suy nghĩ của tôi, quý vị cứ tiến hành công việc như hiện đang làm và kêu gọi
các thành viên (đã khẳng định vẫn tham gia MLBVN) cố gắng tham gia tùy theo khả
năng mỗi người. Tất nhiên, quý vị phải chấp nhận tính lẻ mẻ, tự phát theo dạng
một vườn hoa rất nhiều bông hoa quý, đẹp nhưng... mạnh hoa nào hoa đó khoe sắc
và tôi chỉ mong "hữu xạ tự nhiên hương" xảy ra. Đây là ý kiến thật
lòng, không có ý chọc ghẹo gì quý vị cả.
Việc gì quý vị thấy hay, tốt cho mọi người thì cứ
lên tiếng và nghĩ ra phương cách thực hiện theo sự sáng tạo mỗi cá nhân hay
nhóm bạn.
2.4 Dù sao, đồng ý hay không đồng ý kêu gọi tài trợ,
quý vị cũng cần lên một kế hoạch trung hạn, trước mắt trong 3 năm (2014 - 2016)
với những hoạt động và mục tiêu chính. Điều này có nghĩa, quý vị cần tổ chức
họp định kỳ (tức là sau lần họp đầu tiên như tôi trình bày ở trên).
Theo thiển ý, tôi đề nghị định kỳ 3 tháng, tổ chức
một lần (vì quý vị không phải là người chuyên trách, hầu hết ai cũng vừa làm
việc vừa hoạt động xã hội). Trong những lần họp như thế, nên luân phiên có tham
luận (không quá dài, tối đa 15 - 20 phút/tham luận và không quá nhiều tham luận
cho 1 lần, chỉ nên từ 2 cho đến 3 tham luận/kỳ họp) đặc biệt, các tham luận chú
ý trình bày những vấn đề thực tế trong và ngoài nước. Thảo luận, đúc kết và chỉ
ra cho nhau những gì đã làm được theo kế hoạch, những gì chưa, cùng nhiều biện
pháp để cải thiện hay hoàn thiện cho hoạt động của MLBVN.
Chúc quý vị mạnh khỏe và suy nghĩ những điều tôi tạm
nói ra với lòng biết ơn chân thật của cá nhân tôi.
(Còn nữa, nếu tôi nhận được phản hồi từ MLBVN)
Đã đăng: Thư ngỏ gửi Mạng Lưới Blogger Việt Nam (phần 1)
Đã đăng: Thư ngỏ gửi Mạng Lưới Blogger Việt Nam (phần 1)
_________________________________
Chú
thích:
[*] Tôi sẽ nói thêm (kỹ thuật kế toán và thống kê và
một số kỹ thuật PR) những gì tôi có thể biết, nếu việc tài trợ được đồng thuận
trong nội bộ MLBVN. Chẳng có gì giấu cả, vì viết ra dông dài. Chú thích này,
mục đích để cho các DLV và CAM khỏi nghi ngờ (tất nhiên không vì câu này mà họ
thôi hết nghi ngờ, bởi bản chất người CS, dù Tào Tháo có sống lại cũng phải gọi
bằng "đại sư phụ" về khoản... nghi ngờ và soi mói, tò mò.
-------------------------------------------
Với tư cách là một blogger độc lập, dù không tham
gia vào “Mạng Lưới Blogger Việt Nam”, tôi vẫn nhận ra tôi đang hưởng lợi từ
hoạt động dân sự của quý vị. Những gì quý vị làm, nó không chỉ mang lợi ích cho
giới bloggger mà còn cho nhiều tầng lớp khác. Cho nên, để đáp lễ, tôi mạo muội
đóng góp chút ý kiến thô thiển, mong quý vị xem qua như là sự tri ân của cá
nhân tôi đối với quý vị, những người đang phải gánh chịu nhiều phiền toái, nguy
hiểm cũng như nhiều oan ức từ sự vu khống theo cách hạ nhục nhân phẩm, bôi nhọ
thanh danh từ phía công lực của giới cầm quyền Việt Nam.
Theo thông tin trên các báo đài nước ngoài và các
trang web - blog, tôi được biết quý vị đã tổ chức 3 lần chủ đề “Cà Phê Nhân
Quyền”, gồm có:
- Lần thứ 1: diễn ra tại Sài Gòn, ngày 01/3/2014.
- Lần thứ 2: diễn ra tại Hà Nội, ngày 20/3/2014.
- Lần thứ 3: diễn ra tại Nha Trang, ngày 19/4/2014.
Trong 3 lần tổ chức này, quý vị đã đưa ra 2 chủ đề
để cùng nhau trao đổi:
- Nhân quyền & quyền tự do đi lại của công dân.
- Nhân quyền & công ước quốc tế về chống tra tấn
(gọi tắt là CAT).
Trong 3 lần tổ chức, ngoài Hà Nội và Sài Gòn tạm coi
như ổn thỏa, riêng tại Nha Trang, quý vị đã bị đàn áp, đánh đập và vu khống cho
việc làm hợp pháp, ôn hòa và ích lợi cho mọi giai tầng trong xã hội. Vì thế,
trước tiên tôi xin nói lời cảm kích và san sẻ với nỗi oan ức của quý vị.
Sau nữa, tôi xin đề nghị một số việc thiết thực cho
kế hoạch tổ chức những hội thảo của quý vị như sau:
1. Trước mắt, trong khoảng thời gian mà tôi cho là 2
năm (2014 - 2015), quý vị chỉ nên chọn địa điểm tại Hà Nội và Sài Gòn cho hoạt
động dân sự của mình. Lý do, đó là 2 thành phố hàng đầu mang tính đại diện cho
chế độ. Ngoài ra, 2 thành phố này với các cơ quan ngoại giao quốc tế đầy đủ
nhất cũng như tập trung nhiều giai tầng và đặc biệt các nhân vật nổi tiếng của
nhiều lãnh vực, sẽ giúp hoạt động của quý vị được biết rộng rãi và nhanh chóng
cũng như có thể góp phần nào đó tránh được những phiền toái mà quý vị hiểu rõ.
Ở đây tôi không nói về sợ hãi mà ý muốn nói về tính thực tế và hiệu quả. Khi
chúng ta làm việc gì, bất cứ ai cũng đều mong muốn thành công ở mức khả dĩ
nhất.
2. Mỗi chủ đề quý vị đưa ra, đều nên lần lượt tổ
chức tại 2 thành phố nói trên. Đơn cử, như chủ đề “Nhân quyền & quyền tự do
đi lại của công dân” đã lần lượt tổ chức tại Sài Gòn, sau đó tại Hà Nội. Tuy
nhiên, để thuận lợi và có thể quy tụ nhiều người tham gia, quý vị nên tổ chức
theo định kỳ tháng, nghĩa là nếu Sài Gòn tổ chức tháng 3 thì Hà Nội sẽ tổ chức
tháng 4. Tạo tính “định kỳ” để biểu tỏ sự kiên trì, thường xuyên và nhịp nhàng
trong cách tổ chức của quý vị. Ngoài ra, vấn đề thời gian và thời điểm rất quan
trọng, nó giúp cho những ai muốn tham dự chủ động với khoảng thời gian đủ dài
để thu xếp, nhất là đối với những người bận rộn và nổi tiếng. Điều này cũng có
nghĩa, quý vị cần công bố rõ giờ ngày tháng năm và địa điểm. Có khi, có người
không tham gia được tại Hà Nội thì sẽ tham gia tại Sài Gòn và ngược lại. Tất
nhiên, dù tại Sài Gòn hay Hà Nội hoặc bất cứ địa phương nào khác, mọi người sẽ
chủ động thu xếp sao cho tiết kiệm cả thời gian và chi phí đi lại. Đây là vấn
đề khó khăn nhất. Quý vị nên tâm niệm:
2.1 Ai cũng cần phải có tiền dù nhiều hay ít (ngay
cả Hồ Chí Minh xưa kia cũng cần tiền [1] rất nhiều) để tham dự. Ở đây
lại là tiền túi của mỗi cá nhân không ai cho ai cả. Nó khó khăn hơn gấp bội lần
so với Hồ Chí Minh cầm tiền (nhẹ nhàng) của “quốc tế cộng sản”.
2.2 Ai cũng cần phải chủ động và thu xếp thời gian
sao cho ổn thỏa nhất. Không dễ dàng như Hồ Chí Minh xưa kia “toàn tâm toàn ý”
dồn sức “chuyên trách” hoạt động cho “cộng sản thế giới”. Quý vị cũng cần nhớ
(trích) [2]: “Quốc hội nhiệm kỳ tới dự kiến tăng số lượng đại biểu chuyên trách
lên ít nhất 35%, tương tương 175 người” (hết trích). Huống chi quý vị, vừa phải
lo làm ăn vừa phải làm việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tôi thật sự chua
xót cho quý vị, khi liên hệ đến quốc hội hiện nay và Hồ Chí Minh năm xưa.
3. Tôi càng cám cảnh cho quý vị, khi nghĩ đến những
ông (bà) cộng sản chỉ “chuyên trách” mỗi việc cho đảng (của họ) mà hàng tháng
vẫn vô tư - vui vẻ, cầm tiền của nhân dân để sống như: Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy
Rứa, Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ, Đinh Thế Huynh, Hà Thị Khiết, Ngô Văn Dụ
v.v... và hàng trăm ông (bà) là bí thư, phó bí thư thành phố (tỉnh), quận
(huyện), phường (xã), hội này (hội thanh niên VN), đoàn kia (Đoàn TNCSHCM)
v.v... Tôi nói điều này không phải xiên xỏ gì các ông (bà) đảng viên đó, bởi
tôi cảm thấy tiếc tiền thuế của mình, vì tôi không nhận được lợi ích nhỏ nhoi
nào từ họ, trong khi chí ít, quý vị đã nói giùm tôi trong các cuộc hội thảo. Do
đó, tôi đề xuất, quý vị hãy kêu gọi tài trợ công khai, rộng rãi từ các tổ chức
NGO (kể cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp FDI). Đừng e
ngại, vấn đề là thu chi luôn rõ ràng và bạch hóa. Quý vị nếu đồng ý thì nên cử
đại diện (ít nhất là 2 người) mở tài khoản tại các ngân hàng: ANZ, HSBC,
Citibank, Sumitomo Mitsui Banking Coporation (Nhật Bản), Industrial Bank of
Korea (Hàn Quốc)... Tất cả những ngân hàng này đều có tại Việt Nam và có thể
tìm thấy dễ dàng trên google. Đặc biệt chú ý:
3.1 Về phần thu: tuyệt đối không nhận tiền mặt (dù
số tiền ít đi chăng nữa), chỉ nhận chuyển khoản. Đây là mấu chốt cho mọi vấn đề
tránh khỏi điều tiếng, mỗi tháng (hay quý, 6 tháng) đều công khai trên trang
nhà và có thể nhờ các trang khác công khai giúp một tay.
3.2 Về phần chi: tất cả phải có hóa đơn (ví dụ: chi
cà phê starbuck's quá dễ vì luôn có phiếu tính tiền đi kèm, nhớ lưu những phiếu
tính tiền cẩn thận). Đối với những khoản chi (ví dụ anh Paulo Thành Nguyễn hứa
sẽ kêu gọi tài trợ gia đình anh Ngô Thanh Kiều mượn vốn làm ăn) cũng sử dụng
chuyển khoản (người được tài trợ sẽ mở tài khoản tại ngân hàng nơi họ cư trú).
Không nên để nhà tài trợ chuyển trực tiếp cho cá nhân đó (trong trường hợp này
là gia đình Ngô Thanh Kiều). Bởi vì, có thể nhà tài trợ có thể giúp một phần
tiền nào đó mà thôi, trong khi không thể biết gia đình Ngô Thanh Kiều cần bao
nhiêu, do đó cần có thảo luận trong “Mạng Lưới Blogger Việt Nam” sau khi tổng
kết tiền tài trợ và trước khi trao cho gia đình Ngô Thanh Kiều và còn cho nhiều
tài trợ khác hay hoạt động khác. Vả lại, số tiền tài trợ cần quy về một mối,
tránh lắt nhắt, nó sẽ làm khó tổng kết nếu không có đầu mối. Việc làm này vừa
ghi nhận đầy đủ tấm lòng của tất cả nhà tài trợ vừa ghi nhận công sức của “Mạng
Lưới Blogger Việt Nam” (tất nhiên quý vị có thể không nghĩ đến). Tuy nhiên, tôi
đang khai triển theo ý tưởng cá nhân tôi với lòng biết ơn quý vị.
3.3 Quý vị không cần phải là những kế toán chuyên
nghiệp, chỉ cần lập một bảng với một số cột: ngày tháng năm, thu, chi và một số
cột khác tùy quý vị để sao cho bảng thu chi giản lược nhưng rõ ràng. Mỗi ngày
có thu hay chi cần cập nhật ngay, mỗi tháng cố gắng tổng kết. Việc này sẽ làm
quý vị nhẹ nhàng hơn trong quản lý lâu dài. Kế toán là một ngành hẹp, nhưng đòi
hỏi thường xuyên và kỹ lưỡng, thế thôi. Đặc biệt nhờ công nghệ điện toán ngày
nay, quý vị sẽ rất nhẹ nhàng cho công việc này. Phần kỹ thuật kế toán, nếu quý
vị thấy cần trao đổi chi tiết, có thể gởi cho tôi thông qua hộp thư Dân Làm
Báo, nhờ Ban biên tập chuyển giúp tôi (kỹ thuật này chẳng có gì khuất tất hay
giấu giếm, nhưng viết ra trở nên dông dài). Mặt khác, khi thanh toán (thu, chi)
qua ngân hàng, tất cả ngân hàng đều có lịch sử sao kê theo thời gian, đặc biệt
nhờ công nghệ thông tin ngày nay, một khi cần đối chứng, kiểm tra, rà soát, rất
dễ dàng với cách làm việc của các ngân hàng quốc tế. Tất nhiên, không cần phải
nói, quý vị cũng biết không nên mở tài khoản tại các ngân hàng của Việt Nam, dù
là “quốc doanh” hay “cổ phần”. Điều rất đau lòng và tủi nhục khi là người Việt
Nam, nhưng buộc phải viết ra.
4. Theo mục 2 nói trên, sau khi tổ chức hội thảo tại
Sài Gòn, quý vị nên có đúc kết để có thể ra một bản (tạm gọi là) tổng kết (ngắn
gọn nhưng đầy đủ ý trong buổi thảo luận) những ý kiến của lần tổ chức đó. Khi
tổ chức tiếp cùng chủ đề tại Hà Nội, sau phần nghi thức (ví dụ giới thiệu thành
phần tham dự), quý vị sẽ công bố bản tổng kết đó cho mọi người (cả bản tiếng
Việt và tiếng Anh) để mọi người cùng xem, trước khi vào buổi thảo luận chính
thức. Mục đích của việc làm này, tránh lặp lại ý mà người khác đã nói trong
phiên trước, nhằm để đỡ mất thì giờ quay trở lại những gì đã được tổng kết và
ghi nhận như là sự thật hiển hiện không thể chối bỏ, đặc biệt là về tính tư
tưởng và triết lý. Phần này thuộc về lý luận, nên dễ gây ra nhàm chán nếu như
cứ phải lặp đi lặp lại cùng một nội dung từ nơi này đến nơi khác. Điều cần
thiết là mỗi lần tổ chức như vậy, phải nêu ra ý mới, hoàn cảnh mới, sự việc
mới, nạn nhân mới, nhân chứng mới v.v... Những điều này sẽ mang tính thời sự
nóng để thu hút mọi người. Do đó, quý vị phải có vài người chuyên trách (hay
luân phiên) để đọc báo và điểm tin mỗi ngày, thống kê số liệu (nếu có) và tổng
hợp tin tức cho mỗi loại đề tài mà quý vị chủ xướng. Không nên để sự việc “ắp
lẵm” đến gần ngày hội thảo mới viết bài, đúc kết hay chuẩn bị nội dung trình
bày trong chỉ vài ngày. Nó dễ dẫn đến thiếu hụt thông tin hay “quá tải” trong
việc làm và biểu hiện như thế dễ làm cho công luận thấy việc tổ chức thiếu phần
chu đáo và sâu sắc.
5. Từ ý trên, về lâu dài, quý vị phải tính đến vấn
đề chi phí lao động. Đó trở thành một thử thách lớn đối với quý vị trước luận
điệu “nhận tiền của bọn phản động hay thế lực thù địch” mà nhà cầm quyền luôn
phủ chụp quý vị để “quấy phá” việc làm ôn hòa và vì lợi ích cộng đồng blogger
và các giai tầng khác? Ai cũng cần tiền để sống mà làm việc - “Chân lý ấy không
bao giờ thay đổi” (mượn lời của ông Hồ Chí Minh).
Các vị đang công tác trong vai trò “dư luận viên” có
ý kiến gì không? Hãy giúp chúng tôi một tay. Xin cám ơn.
(còn nữa)
________________________________
No comments:
Post a Comment