Tuesday, 1 April 2014

THÂN PHẬN PHÚ QUỐC (FB Phạm Đình Trọng)




1-4-2014


Đầu tháng một, 1979, được lệnh đi với hải quân trong chiến dịch phản kích đánh Khmer Đỏ giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng, tôi ngồi máy bay quân sự AN26 từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trong đêm tôi lăn lóc say sóng trên chiếc tàu chiến nhỏ xíu của vùng 5 hải quân đi từ bến Bạch Đằng, Sài Gòn ra Phú Quốc thì trận địa pháo 130 nòng dài từ bắc đảo Phú Quốc đã dội lửa xuống căn cứ Khmer Đỏ ở Kampong Som mở màn chiến dịch của hải quân Việt Nam đánh chiếm cảng Sihanoukville. Nhưng cuộc đổ quân của hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ hải quân Việt Nam lên chân núi Bokor, thuộc Kampong Som, phía tây Sihanoukville, không trót lọt, bị thương vong nặng nề và đang bế tắc. Lực lượng hải quân tham chiến đang bị hút vào đó. Tôi phải đợi hai ngày ở Phú Quốc mới có tàu sang Sihanoukville. (Diễn biến trận đánh tốn nhiều máu của Hải quân Việt Nam giải phóng cảng Sihanoukville tôi đã viết trong Vơi đầy với Campuchia đăng trên nhiều trang mạng, khoảng tháng bảy, 2012)

Hai ngày ở Phú Quốc, chiếc xe com măng ca của bộ tư lệnh vùng 5 hải quân đưa tôi đi khắp đảo, đến những đơn vị hải quân đang chốt giữ trên đảo, đến với con tàu đầy thương tích vừa từ trận chiến trên biển Campuchia trở về, vỏ sắt tàu vỡ toác từng mảng, từng lỗ và thủy thủ hao hụt đến hoang vắng cả tàu. Hai ngày ở Phú Quốc tôi đã thấy những người đàn ông Phú Quốc da mặn mòi màu nắng gió biển được huy động vào đội mộc, xẻ gỗ rừng Phú Quốc đóng quan tài, đội mai táng hối hả nhưng lặng lẽ xuống những con tàu vừa từ trận chiến trên biển Campuchia trở về cập cảng An Thới, chuyển thi thể liệt sĩ trong túi ni lông lên chôn cất ở đất lành Phú Quốc, núm đất cheo leo ngoài biển phía nam Tổ quốc.

Lần đầu tôi đến Phú Quốc trong không khí ảm đạm, nặng nề như vậy. Không khí ảm đạm đó còn nặng nề hơn khi tôi rời Phú Quốc. Con tàu vận tải quân sự chở đạn sang cảng Sihanoukville khi quay về đã đưa tôi cùng ba thi thể liệt sĩ trở về Phú Quốc. Hai thi thể là lính thì nằm lại với đất đảo Phú Quốc. Một thi thể là thượng tá chính ủy lữ đoàn 126 thì lại cùng tôi lên chiếc máy bay lên thẳng bay từ An Thới về Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.

Lần thứ hai tôi đến Phú Quốc cùng cả gia đình. Con trai tôi lái chiếc ô tô bảy ghế ngồi đưa cả nhà đi từ Sài Gòn đến Rạch Giá. Gửi ô tô lại Rạch Giá rồi lên tàu biển từ Rạch Giá ra Phú Quốc. Trên bãi cát An Thới phía nam Phú Quốc không còn những căn nhà nhỏ vuông vức như những container bằng gỗ nhưng đầy đủ tiện nghi do Mĩ để lại nhưng vẫn còn những dãy nhà lính tường gạch mỏng, mái tôn có từ trước 1975. Tôi đưa mắt tìm trên cát trắng, trên những sườn đồi lúp súp sim mua nhưng không thấy nghĩa trang đã chôn cất những người lính ngã xuống ở Campuchia hồi tháng một, 1979.

Ở bãi biển Dương Đông đang mọc lên san sát những hotel, những resort mang những cái tên mĩ miều. Nghe nói nhiều hotel, resort là của con ông tướng nọ, con ông ủy viên kia. Những hotel, những resort đó chiếm những khoảng bãi biển rộng và đẹp nhất ở Dương Đông. Bãi biển chung của đất nước, của mọi người dân đã trở thành tài sản riêng của những ông chủ có quyền lớn và tiền nhiều. Phú Quốc đang thay da đổi thịt, xây cất ngổn ngang nhưng lại phải mang nhiều nỗi buồn thế sự và nỗi đau đời buổi nhiễu nhương.

Tháng ba, 2014, sau một giờ bay từ Tân Sơn Nhất, chiếc máy bay ATR72 của Vietnam Airlines đưa tôi đến Phú Quốc lần thứ ba.

Phú Quốc như một cô gái bước vào tuổi tuổi dậy thì, khoe sắc, cơ thể đang hoàn chỉnh những đường cong uyển chuyển, huyền ảo, làn da sáng lên và đôi mắt mở to lấp lánh. Một cô gái hồn nhiên bước vào tuổi thiếu nữ xinh đẹp rất cần có một lí tưởng thẩm mỉ đúng đắn làm cho nhan sắc cô gái thêm đằm thắm và cuộc đời cô gái thêm đẹp đẽ.

Ánh mắt sáng lấp lánh của Phú Quốc là sắc xanh của rừng sáng bừng trong nắng, là những tòa nhà kính sáng loáng hướng ra biển, là sân bay quốc tế hiện đại mới xây dựng với tòa nhà kính phong quang, với đường băng thênh thang liên tục đón những chiếc Boeing cỡ lớn từ Hà Nội, từ Liên bang Nga chở khách du lịch đến Phú Quốc.

Đường cong uyển chuyển, huyền ảo của Phú Quốc là những bờ cát mịn màng rực rỡ nắng uốn lượn quanh đảo, là những con đường bê tông nhựa và bê tông xi măng mới mở như dải lụa mềm mại giăng giữa trập trùng núi non và giữa thăm thẳm rừng già. Đường trục bắc – nam chạy dọc đảo. Đường bao quanh đảo chạy giữa một bên là rừng, một bên là biển.

Ra khỏi sân bay, tôi lên chiếc xe du lịch theo đường đôi bắc – nam ngược lên bắc đảo rồi rẽ sang phía tây, chui vào thảm rừng nguyên sinh Cửa Cạn đến đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực chon von ở mỏm đất Gành Dầu.

Từ mỏm Gành Dầu cực tây, theo đường ven biển tôi về Dương Đông khoảng giữa bờ tây đảo, đến chợ đêm Phú Quốc ở thị trấn Dương Đông, đến bãi Sao ở phía nam đảo, đến làng chài Hàm Ninh bên bờ đông đảo để ngắm nhìn vẻ đẹp tự nhiên của Phú Quốc và ngậm ngùi nhận ra vẻ đẹp tự nhiên kì vĩ của Phú Quốc đang bị thẩm mĩ thấp kém của những trọc phú quyền lực và trọc phú tiền bạc xâm hại, tàn phá.

Ngôi chùa nghênh ngang vừa xây xong mang tên Hộ Quốc là sự xâm hại, tàn phá nghiêm trọng thiên nhiên Phú Quốc.

Chùa chiền là nơi thể hiện rõ nhất, sâu sắc nhất triết lí phương Đông về sự sống, về con người. Triết lí phương Tây đặt con người đối lập với thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên thì phương Đông coi con người là một phần của thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên, cùng tồn tại với thiên nhiên. Chỉ đền đài mang quyền uy thần linh và cả quyền uy thế tục, quyền uy cai trị mới cố xây cất đồ sộ, cố phô trương sức mạnh thần bí, cố lấn át thiên nhiên, uy hiếp con người, để con người thấy quá bé nhỏ, vô nghĩa trước những quyền uy đó. Còn các chùa truyền thống mang hồn Việt Nam, mang triết lí phương Động, mang cốt cách từ bi hỉ xả ẩn mình của đạo Phật đều khiêm nhường hòa vào tự nhiên, núp dưới tán cây cổ thụ và trầm tư soi bóng xuống mặt nước hồ phẳng lặng, mặt nước giếng trời thăm thẳm. Không thi thố sự hoành tráng bằng lấn chiếm không gian thiên nhiên và không cố vươn cao hơn thiên nhiên, chùa chân chính, đích thực của đạo Phật chỉ âm thầm bền bỉ mở rộng ở cõi lòng bao dung yêu thương con người và tìm tầm cao ở chiều sâu cõi phúc, như ngôi chùa nhân chiều cao bằng soi bóng xuống mặt nước. Thâm nghiêm tán cây cổ thụ và âm thầm mặt nước hồ, mặt nước giếng trời là phần hữu cơ không thể thiếu của ngôi chùa Việt Nam.

Phú Quốc đẹp và quí bởi Phú Quốc là một thảm rừng đại ngàn cổ xưa giữa chơi vơi biển cả. Thế mà để xây Chùa Hộ Quốc người ta đã phát quang 110 ha rừng tự nhiên quí giá của Phú Quốc rồi xây lên tòa ngang dãy dọc với những khoảng sân lát gạch đỏ rộng như quảng trường Ba Đình, với những bậc thềm thênh thang dẫn lên cao giữa hai hàng rồng đá như đường lên cung điện chốn quan trường bon chen bụi trần. Phú Quốc chỉ có hơn 80 ngàn dân mà chùa Hộ Quốc lại là chùa lớn nhất của cả đồng bằng Nam Bộ trù phú đông dân.

Kiến trúc chùa Hộ Quốc được sao chép từ các chùa thời Lý, thời Trần song nhìn sự đồ sộ, hoành tráng nhưng thấy rõ cái ô trọc trong sự nghênh ngang, phô trương của Hộ Quốc tôi cứ liên tưởng đến sự đồ sộ, vàng son nhưng kệch cỡm, lai căng, lạc lõng của thành quách Đại Nam ở Bình Dương, của chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Tôi lại nghĩ đến những trưởng giả học làm sang, những trọc phú nhiều tiền, lớn quyền mà ít chữ.

Như năm trước tôi về Ninh Bình, đi qua nhìn vào Bái Đính nhưng tôi không đến Bái Đính vàng son mà đến Tam Cốc, Bích Động bình dị, khiêm nhường. Năm nay tôi cũng đi qua nhìn vào Hộ Quốc nhưng tôi không đến Hộ Quốc mà đến Dinh Cậu, một miếu thờ nhỏ bé khuất trong đá trên một mỏm đá chênh vênh bên bờ biển Dương Đông.

Không phải chỉ có chùa Hộ Quốc, còn có nhiều công trình, dự án đã và sẽ mọc lên phá hỏng thiên nhiên kì vĩ của Phú Quốc. Cũng như đã có hàng trăm, hàng ngàn công trình, dư án đang phá nát đất nước Việt Nam gấm vóc như dự án bô xít Tây Nguyên. Thân phận của Phú Quốc cũng là thân phận của đất nước Việt Nam, thân phận cô gái hơ hớ tuổi xuân trong tay trọc phú có bằng cấp cao mà chữ ít, có tiền nhiều và quyền lớn nhờ gian lận và cướp bóc. (6 ảnh)




No comments:

Post a Comment

View My Stats