Monday, 21 April 2014

THÁCH THỨC CỦA MỘT NỀN BÁO CHÍ TỰ DO ? (Kami)




Mon, 04/21/2014 - 07:46 — Kami

Báo chí truyền thông có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Không chỉ dừng lại việc đưa tin hay bình luận các tin tức, mà báo chí còn phải giữ vai trò giám sát các hoạt động của nhà nước và các thành phần trong xã hội. Nói về sức mạnh của báo chí, Napoleon Bonaparte đã khẳng định "Bốn tòa báo đối nghịch còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê", và đến hôm nay thực tế đã chứng minh sự đúng đắn của kết luận ấy.

Vì thế ở các nước khác, ngoài ba quyền được phân lập là lập pháp, tư pháp và hành pháp thì báo chi được coi là quyền lực thứ tư. Nói như thế để thấy được hết tầm quan trọng của báo chí. Điều này khiến cho các tổ chức và cá nhân trong xã hội phải chùn tay, khi mà luật pháp có nguy cơ không đủ khả năng kiểm soát.

Cũng vì giữ một quyền lực vô cùng lớn như thế, nên mà báo chí và truyền thông thời bây giờ đã khác trước, nó đã trở thành một nghề kinh doanh béo bở. Điều này được chứng minh bằng số liệu số lượng các tỷ phú khởi phát và trưởng thành từ ngành truyền thông hiện nay, cũng như việc các thế lực chính trị đang hết sức tìm cách nắm giữ và thao túng truyền thông ở các quốc gia trên thế giới. Trước đây truyền thông sống được là nhờ các khoản thu chủ yếu từ việc bán báo và quảng cáo, thì ngày nay thời đại bùng nổ thông tin, khi truyền thông có khả năng định hướng dư luận xã hội cao hơn thì lợi nhuận cũng đã khác trước rất nhiều. Và truyền thông đã trở thành đối tượng ve vãn của các chính trị gia và các đảng chính trị, bởi truyền thông là vũ khí và có khả năng sinh lợi, nó có nhiều mặt mạnh khó thể nói hết và chỉ những ai ở trong cuộc mới hiểu hết được. Nên nhớ một đảng chính trị, một chính trị gia hay một người của công chúng (public) có thể bị "lộn cổ" dễ dàng, nếu như một khi truyền thông không vừa lòng với họ, nhất là vào lúc họ có tì vết. 

Đó chính là lý do vì sao hiện nay báo chí ở các quốc gia trên thế giới có hiện tượng phân luồng. Luồng ở đây không hẳn như lề phải và lề trái như ở Việt nam mà chúng ta thường thấy. Mà luồng của họ có ba xu hướng: thân đảng cầm quyền, trung hòa và ủng hộ đảng đối lập, không nói thì chúng ta cũng rõ mỗi loại xu hướng trên ủng hộ một bên và chống một bên. Trừ xu hướng trung hòa thì không nhất thiết, trong xu hướng này họ có chủ trương và nguyên tắc chung của họ, có thể là chỉ bảo vệ sự thật, sự công bằng và lẽ phải.

Xu hướng ủng hộ các đảng sẽ sống khỏe, không phải bận tâm lắm về mặt tài chính, vì các thế lực chính trị sẽ ủng hộ hết mình về mặt tài chính cho các cơ quan truyền thông, thông qua các hợp đồng quảng cáo cho hệ thống các doanh nghiệp sân sau của họ. Đó là chưa kể tiền thu từ các sản phẩm truyền thông do các ủng hộ viên tiêu thụ giúp. Chỉ có xu hướng trung hòa, nghĩa là làm báo một cách đúng nghĩa và giữ được các tôn chỉ mục đích của người làm báo chân chính là khó nhất, vì như thế họ sẽ không có được nguồn cung cấp về tài chính ổn định. Sự tồn tại của truyền thông xu hướng này cũng bấp bênh, cũng như ý chí của người tổng Biên tập trước sự tồn tại đối với tòa báo của mình. Bởi vì sự tồn tại nhiều khi cũng phải phá lệ, phá chủ trương và chính trị tác động và dần chế ngự được các cơ quan truyền thông là như thế.

Trong cái vòng luẩn quẩn: Truyền thông -> Tiền -> Số lượng người xem -> Quảng cáo (bán sản phẩm) - > Tiền -> đã khiến cho nhiều cơ quan truyền thông phải chạy theo xu xướng của khách hàng để thỏa mãn yêu cầu của họ. Điều đó bỗng nhiên khiến nhiều chương trình, chuyên mục hay phụ san của họ buộc phải cắt giảm do người theo dõi không nhiều. Đáng chú ý lại là các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển như: giáo dục, nhân quyền, văn hóa dân gian v.v... đã không được truyền thông quan tâm một cách cần phải có vì những cái đó không mang lại quyền lợi cho các ông chủ truyền thông.

Tóm lại, trong hoàn cảnh hiện nay để có được một cơ quan truyền thông đại chúng nhưng không bị các thế lực chính trị chi phối là một vấn đề hết sức khó. Khó nhưng không phải không làm được. Khi ấy ở các quốc gia khác, nhà nước thường phải vào cuộc, bằng cách dùng ngân sách để tài trợ cho các chương trình truyền thông phi lợi nhuận. Điều này thường được luật hóa và bắt buộc phải áp dụng.

Đấy là nói tới thực trạng truyền thông ở tầm vĩ mô và vấn đề của toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Còn trong thực tế hoàn cảnh như ở Việt nam hiện nay, khi chính quyền độc quyền và kiên quyết không chấp nhận tồn tại truyền thông của tư nhân. Những người cộng sản hơn ai hết họ hiểu được sức mạnh và sự nguy hiểm của truyền thông, đối với họ tự do báo chí chính là kẻ thù vì để nó tồn tại đồng nghĩa với việc tự sát. Do đó, mọi hoạt động truyền thông của cá nhân hay tổ chức cá thể đều bị từ chối cấp giấy phép và bị coi là bất hợp pháp. Việc quy kết cho hành động tuyên truyền chống nhà nước XHCN sẵn sàng ập xuống đầu bất kể ai, nếu một khi chính quyền muốn. Tóm lại Việt nam là một quốc gia bị coi là không có tự do báo chí và với một đội ngũ báo chí hùng hậu cả báo in, báo online, báo hình và báo tiếng v.v... song tất cả đều có chung một Tổng Biên tập. Đó là Ban Tuyên giáo TW.

Nhưng trong kỷ nguyên internet, thì việc cấm báo chí tư nhân ở Việt nam không còn là trở ngại đối với truyền thông của mỗi cá nhân hay nhóm cá nhân tham gia đấu tranh chính trị. Nhiều trang báo điện tử, blog cá nhân đưa tin tức của người Việt nam ở nước ngoài hay trong nước đã là điểm đến và sự chia sẻ thông tin của nhiều người. Với tổ chức gọn nhẹ, đơn giản những trang báo điện tử, blog cá nhân đã phát huy hiệu quả đến kinh ngạc, do nhanh chóng, trung thực và chính xác. Số lượng người truy cập hoàn toàn không nhỏ. Tuy nhiên tới một mức độ nhất định nào đó vấn đề tài chính cho các trang báo điện tử cũng đã là cả một vấn đề đối với họ. Một khi các đòi hỏi của bạn đọc về việc tiếp nhận các chương trình tin tức, bài viết, bình luận v.v... của mỗi tờ báo là cơ hội để phát triển thì vấn đề chi phí cho một tòa báo là một vấn đề nan giải và cấp thiết. Tình trạng nó cũng tương tự như báo chí thời khủng hoảng kinh tế. Khi chi phí làm báo quá ít hoặc không đủ, thì là lúc buộc các tòa báo phải cắt giảm đề tài và chiều sâu của những vấn đề bạn đọc quan tâm nhiều.

Đây chính là lý do vì sao báo chí đối lập của các tổ chức hay cá nhân đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam không có các tờ báo đủ mạnh để đương đầu với truyền thông nhà nước. Nhất là trong điều kiện nguồn thu của các trang báo điện tử ngoài luồng hết sức hạn hẹp, quảng cáo cho các doanh nghiệp hầu như không có, mà chủ yếu trông vào sự ủng hộ hảo tâm của bạn đọc. Điều đó dẫn tời nguồn thu bị hạn hẹp, không ổn định và hết sức thất thường, khiến cho lãnh đạo các tòa báo luôn mang một nỗi lo canh cánh và đây cũng là lý do làm ảnh hưởng tới công việc của tòa báo. Dù rằng ở một mức độ thấp thì các tác giả, nhà báo hay blogger có thể viết bài miễn phí cho các tòa báo, song đó cũng chỉ là một phần chi phí cho một trang báo điện tử. Mà ngoài ra bắt buộc phải có các chi phí bắt buộc khác như thuê server, domain, phí bảo trì v.v ... thì không thể tránh được. Đó là chưa nói đến phần tiền lương cho các thành viên ban biên tập để duy trì sự tồn tại của họ. Với cách làm báo mạng lề trái như hiện nay, khi các thành viên ban biên tập làm việc theo kiểu bất vụ lợi, trong lúc họ vẫn phải làm các công việc khác để kiếm sống thì cũng khó đòi hỏi những trang báo mang tính chuyên nghiệp để có thể đáp ứng các nhu cầu thông tin của người đọc.

Đây là những thách thức chung của báo chí và truyền thông trong thời đại internet, không chỉ của truyền thông lề trái mà cả truyền thông nhà nước cũng mắc phải khi bài toán kinh phí hoạt động đã không có lời giải. Khi mà đa phần báo chí trong nước coi báo chí online là trọng điểm, cộng với sự tài trợ kinh phí của ngân sách đối với các tòa báo không đủ nuôi đội ngũ phóng viên, biên tập viên... và trang trải các chi phí hoạt động. Đó là lúc lãnh đạo các tòa báo phải phá rào để tồn tại và đó cũng chính là lý do vì sao gần đâu trên báo Nhân dân đã có bài viết "Trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí" để chấn chính hiện tượng này. Trong đó có phê phán báo chí nhà nước, bài báo có nhấn mạnh "... còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm, thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, thậm chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời đối tượng phục vụ, thiên về phản ánh các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội…".

Điều đó cho thấy một khi phải đối mặt với vấn đề kinh phí để làm báo thì mọi tòa báo, không kể là theo xu hướng nào đều rất dễ bị rơi vào vùng xoáy của cám dỗ tài chính từ các thế lực chính trị nắm giữ một nguồn tài chính khổng lồ. Nếu anh chấp nhận làm báo theo cách của tôi yêu cầu thì tôi sẽ đăng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông của anh, đôi bên cùng có lợi.

Đây cũng là một thách thức đối với những người làm báo trong hiện tại cũng như tương lai, khi Việt nam là một xã hội tự do dân chủ. Khi ấy để thoát khỏi vòng cương tỏa của những cái vòi bạch tuộc của các chính trị gia tài phiệt trong vấn đề dùng tài chính để khống chế và quy phục các tòa báo là vấn đề không dễ dàng chút nào. Nhất là khi họ phải lựa chọn sự đánh đổi, đó là sự tồn tại của bản thân cũng như tòa báo của mình hay chọn cho mình một cách làm báo chân chính.

Ngày 19 tháng 04 năm 2014

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA



No comments:

Post a Comment

View My Stats