Saturday, 19 April 2014

TẠI SAO THẢ TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ & BỎ ĐĂNG CAI ASIAD 18 ? (Việt Hoàng - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ bảy, 19 Tháng 4 2014 20:14

Có ba sự kiện gây chú ý cho dư luận thời gian qua, thứ nhất là việc chính quyền Việt Nam trả tự do cho 5 tù nhân chính trị: Ông Nguyễn Hữu Cầu, người tù xuyên thế kỷ. Nhà giáo Đinh Đăng Định, người phản đối dự án Bô-xít Tây Nguyên. Ông Cù Huy Hà Vũ, ông Vi Đức Hồi và anh Nguyễn Tiến Trung. Sự kiện thứ hai là quyết định không đăng cai Thế vận hội Châu Á ASIAD 18 và thứ ba là xử trùm tài phiệt ngân hàng Nguyễn Đức Kiên.

Việc chính quyền Việt Nam thả 5 tù nhân chính trị có phải vì mục đích nhân đạo không? Chúng tôi đồng tình với đa số ý kiến của dư luận cũng như bản thân người trong cuộc là ông Vi Đức Hồi rằng không hề có chuyện nhân đạo hay khoan hồng gì cả. Nếu có một chút nhân đạo thì chính quyền đã không chờ thầy giáo Đinh Đặng Định sắp chết mới thả về mặc dù thầy đã bị ung thư di căn giai đoạn cuối và mặc dù dư luận Việt Nam cũng như thế giới đã nhiều lần yêu cầu trả tự do cho thầy. Nếu có một chút nhân đạo thì chính quyền cũng đã thả ông Nguyễn Hữu Cầu trước Tết như đã thông báo cho gia đình chứ không dây dưa mãi đến tháng Tư. Ông Cù Huy Hà Vũ là một người nổi tiếng và sẽ gây phiền toái cho chế độ dù rằng ông không nguy hiểm đối với chính quyền. Ngạc nhiên nhất là việc phóng thích ông Vi Đức Hồi và anh Nguyễn Tiến Trung. Ông Vi Đức Hồi là một người dân chủ bất khuất, ông xuất thân là quan chức đảng và quá trình tranh đấu của ông diễn ra bằng sự nhận thức lại cái đúng cái sai, cái thực tế và cái hão huyền. Ông là người dân chủ có chiều sâu tức là có hiểu biết và kiến thức vì vậy chúng tôi tin rằng ông sẽ còn đóng góp được rất nhiều cho phong trào dân chủ Việt Nam. Nguyễn Tiến Trung cũng là một thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết và là thủ lĩnh của tổ chức Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Hy vọng là anh sẽ thổi một nguồn sinh khí mới cho tổ chức thanh niên này.

Sự kiện Việt Nam hủy việc đăng cai ASIAD 18 đã khiến nhiều người phấn chấn và tin tưởng vào ngài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Chúng tôi rất tiếc là không có được niềm tin đó như nhà văn Nguyễn Quang Vinh với “Dấu cộng của niềm tin ở phút thứ 89 ”. Nếu ông ấy và ban tham mưu “sáng suốt”, “dũng cảm” và có nghĩ đến dân đến nước một chút thì họ đã không nhận việc đăng cai ASIAD 18 hay bất cứ một sự kiện gì tương tự. Ai cũng biết đầu tư cho những vụ đăng cai này đều thua lỗ nặng và nó chỉ có tác dụng quảng cáo cho hình ảnh và thương hiệu của một quốc gia. Hay nói thẳng ra, nó chỉ là “trò chơi của nhà giàu”. Việt Nam như thế nào thì có lẽ người dân cả nước và cả thế giới đều biết, không cần phải quảng cáo thêm. Những dự án này có chăng chỉ để quan chức có cơ hội đục khoét và tham nhũng thêm.

Vụ xử “bầu Kiên” một ông trùm tài chính của Việt Nam đã trục trặc ngay trong ngày đầu tiên vì một nhân chứng quan trọng đã không có mặt vì ốm là ông Trần Xuân Giá, cựu quan chức cấp cao của đảng. Vụ án này sẽ kéo dài và người dân sẽ được chứng kiến nhiều tấn bi hài kịch của giới tài chính cũng như chốn quan trường và tư pháp Việt Nam. Hình ảnh ông Nguyễn Đức Kiên nhỏ bé, tóc bạc trắng bị xích cả tay lẫn chân và bao quanh gần hai chục cảnh sát lăm lăm dùi cui, như là một thông điệp muốn gửi đến phe nhóm nào đó chăng? Bức ảnh này đã nhận được rất nhiều bình luận của người dân và không phải là không có lý của nó. Ông Kiên đã “hóa giải” sự đe dọa đó bằng một nụ cười rất tươi tắn và tự tin, ngay trong phiên đầu ông đã khẳng định là mình vô tội và yêu cầu triệu tập những nhân chứng quan trọng trong chính quyền, tòa đành phải tuyên bố hoãn để chờ …chỉ thị. Như chúng ta đã biết hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành một cách méo mó theo sự điều khiển của các nhóm lợi ích chứ không tuân thủ những qui định nghiệp vụ của ngân hàng. Núi nợ xấu đang đe dọa xóa sổ nhiều ngân hàng và thực tế đã có nhiều ngân hàng đã phải sát nhập, và sát nhập chỉ là một tên gọi khác của sự phá sản.

Chúng ta rút được gì qua ba sự kiện trên? Dù ba lĩnh vực đó là khác nhau (chính trị, thể thao và kinh tế) nhưng nó là ba miếng ghép của một bức tranh đen tối: Khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn nghiêm trọng. Vì muốn gia nhập TPP (Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) nên Việt Nam buộc phải trả tự do cho các tù nhân chính trị. Vì hết tiền nên Việt Nam phải bỏ đăng cai ASIAD 18, dù ai cũng biết là sự “kiêu ngạo cộng sản” của chính quyền là rất lớn, nhiều cái biết sai mười mươi ra đấy nhưng vì tự ái và sĩ diện nên họ vẫn cố làm bằng được, ví dụ việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Vì sợ hệ thống ngân hàng sụp đổ dây chuyền nên chính quyền muốn xử “bầu Kiên” thật nặng để răn đe giới tài chính ngân hàng…

Cho dù chính quyền có đưa ra những phương cách chạy chữa gì đi nữa thì căn bệnh “độc tài và toàn trị” của Việt Nam cũng giống như căn bệnh “ung thư di căn giai đoạn cuối” mà thầy Đinh Đăng Định đã mắc phải (do chế độ cố tình gieo rắc?), không sớm thì muộn nó sẽ phải kết thúc. Viễn cảnh kinh tế Việt Nam sụp đổ kéo theo sự thay đổi hệ thống chính trị cũng không còn xa, nó đã hiện hữu ngay trước mắt. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì nguy cơ vỡ quỹ hưu trí đã nhãn tiền . Khi nhà nước không còn bảo hiểm được cuốn sổ hưu cho cán bộ của mình thì không hiểu những người như đại tá, giáo sư Trần Đăng Thanh sẽ làm gì? Nghĩ gì?

Một sự kiện tuy nhỏ nhưng hậu quả khôn lường vừa xảy ra tại một làng quê nghèo khó của tỉnh Hà Tĩnh, đó là cuộc nổi dậy chống lại lực lượng công an và chính quyền của người dân Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Điểm đặc biệt nhất ở đây là những người lãnh đạo chính quyền tại địa phương như cấp thôn, cấp xã và cấp huyện đã đứng về phía người dân, công khai phản đối việc thu hồi đất canh tác của dân để giao cho công ty tư nhân làm nghĩa trang. Khi chính quyền cơ sở đã quay lưng lại với chính quyền trung ương cũng có nghĩa là nền móng của chế độ đã lung lay. Hiệu ứng này sẽ lan nhanh và không sớm thì muộn nó làm chính quyền trung ương mất kiểm soát.

Cho dù việc thả tù nhân chính trị của chính quyền chỉ là những bước đi chiến thuật nhằm kéo dài tuổi thọ cho chính thể nhưng nó cũng chứng tỏ được một điều quan trọng là việc thay đổi thể chế chính trị từ một nhà nước toàn trị về phía tự do dân chủ và pháp quyền là điều không thể cưỡng lại được. Đó là qui luật tất yếu của lịch sử. Biết rõ điều này để phong trào dân chủ Việt Nam và các lực lượng dân chủ Việt Nam lên kế hoạch và lộ trình tiến tới việc tập hợp đội ngũ, liên kết lại với nhau để hình thành một liên minh dân chủ. Có tổ chức và có sức mạnh, phong trào dân chủ sẽ động viên được người dân, cùng gây sức ép lên chính quyền buộc họ thay đổi về phía dân chủ. Sức ép của Hoa Kỳ hay của thế giới chỉ cứu được một vài người chứ không thể buộc Việt Nam thay đổi thể chế chính trị. Chỉ có sức ép mạnh mẽ của đa số người dân Việt Nam mới có thể buộc chính quyền thay đổi tận gốc chế độ toàn trị. Và cũng chỉ khi đó thì phong trào dân chủ và người dân Việt Nam mới nhận được sự hậu thuẫn và ủng hộ to lớn về mọi mặt của các nước dân chủ và dư luận tiến bộ trên thế giới.

Chính quyền Trung Quốc, kẻ bảo trợ cho chính quyền Việt Nam đã và đang đối mặt với ngày càng nhiều thác thức từ chính trong nội bộ của mình nên khó lòng can thiệp sâu rộng vào công việc nội bộ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Một sự kiện chứng minh cho nhận định bất ổn của Trung Quốc đã lan tới tận Việt Nam là vụ tấn công ở một đồn biên phòng tỉnh Quảng Ninh khiến 7 người chết. Những người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc đã gây ra vụ này. Theo dư luận lề trái thì những người nhập cư trái phép Trung Quốc đang cố tình nhập cảnh vào Việt Nam là những người Hồi giáo Tân Cương, họ đang trốn chạy chế độ Trung Quốc và muốn quá cảnh Việt Nam để đến một nước Đông Nam Á nào đó. Vì bị biên phòng Việt Nam bắt giữ và trao trả về Trung Quốc nên nhóm người này đã tuyệt vọng, đường nào cũng chết, họ đã cướp súng bắn chết hai sĩ quan biên phòng Việt Nam và sau đó tự sát. Cũng theo báo Dân trí thì ngay ngày hôm sau bộ đội biên phòng Việt Nam lại tiếp tục phát hiện một nhóm người Trung Quốc khác (có liên quan đến nhóm người tấn công đồn biên phòng Quảng Ninh) nên đã ngăn chặn họ và phía Trung Quốc đã bắt giữ nhóm người này. 

Như vậy rõ ràng là đang có một chiến dịch truy quét những người Tân Cương nổi loạn tại Trung Quốc nên họ và gia đình đang tìm mọi cách trốn chạy khỏi Trung Quốc, kể cả qua cửa Việt Nam. Trung Quốc đang có loạn chứ không hề “ổn định” như chính quyền tuyên truyền. Chiến dịch “chống tham nhũng” của chủ tịch Tập Cận Bình với việc tịch thu toàn bộ tài sản của họ hàng nội ngoại của cựu Ủy viên Thường trực Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang với số tiền khổng lồ lên đến 15 tỉ đôla đang khiến nội bộ chính quyền Trung Quốc chao đảo và bất an hơn bao giờ hết. Ai cũng lo lắng vì không biết bao giờ sẽ đến lượt mình?

Thời cơ và cơ hội đang rất thuận lợi cho phong trào dân chủ Việt Nam. Cần tập trung vào việc xây dựng các tổ chức chính trị để hình thành một “Giải pháp thay thế" cho chế độ toàn trị Việt Nam. Đừng để Việt Nam thay đổi theo kiểu nước Nga, khi thay thế một nhà nước toàn trị cộng sản bằng một nhà nước ma-phia và độc tài cá nhân.

Việt Hoàng




No comments:

Post a Comment

View My Stats