Thursday, 3 April 2014

TẠI SAO PUTIN HÀNH ĐỘNG NHƯ VẬY ? (Thư tòa soạn - Báo Tổ Quốc 178)




Thư tòa soạn  -  Báo Tổ Quốc 178
Phát hành : 1/04/2014

Tưởng-niệm vì Dân Chủ cho Ukraina và Crimea

Một kinh nghiệm trong lịch sử thế giới là người ta không thể dự đoán một cách chắc chắn hành động của những chế độ độc tài. Chúng tự thân là một sự vô lý và không hành động một cách hợp lý.
Chiếm đóng và sáp nhập Crimea không có lợi gì cho Nga cả mà trái lại còn có hại lớn. Ngay cả nếu thế giới không có phản ứng nào thì trong nhiều năm sắp tới bán đảo Crimea cũng sẽ chỉ là một gánh nặng cho Nga.  Nhưng việc xâm chiếm Crimea là một thách thức với công pháp quốc tế và chắc chắn sẽ khiến Nga phải chịu đựng những biện pháp trừng phạt, nhất là của Hoa Kỳ và Châu Âu.

Sau hành động thách thức của Putin, nhiều người đã thất vọng vì Hoa Kỳ và Châu Âu đã phản ứng quá yếu ớt và không gây được thiệt hại nào đáng kể cho chế độ Putin. Nhiều người còn cho rằng Putin đã thắng và giải thích rằng Hoa Kỳ và Châu Âu đã thụ động vì không thể làm gì khác, các biện pháp trừng phạt chỉ có hiệu quả giới hạn và đàng nào cũng gây thiệt hại cho cả hai bên. Thực tế là trừng phạt đã có và sẽ còn gia tăng, Nga đã thiệt hại nặng và sẽ còn phải trả giá bi đát hơn nữa trong tương lai.

Một ngày Dân Chủ cho Ukraina

Thiệt hại lớn nhất cần được nhận diện là uy tín của nước Nga. Chỉ trong một vài tuần lễ mọi cố gắng của Nga để tranh thủ cảm tình và sự kính trọng của thế giới đã tan biến, nhường chỗ cho hình ảnh của một nhà nước côn đồ. Cho tới nay không phải là người ta không nhìn thấy những mặt xấu của chế độ Putin –như tham nhũng,  mafia- nhưng vẫn có nhiều người coi đó là những di sản Mác-Lênin chỉ có thể khắc phục dần dần. Ngày nay sau những gì vừa xẩy ra cái nhìn bao dung đó hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho một sự lên án dứt khoát. Cũng như mọi nước nhưng tận tình hơn rất nhiều nước, Nga đã dồn những cố gắng lớn để tạo cho mình một hình ảnh đẹp, và vừa mới đổ ra hàng chục tỷ USD cho Thế Vận Hội Mùa Đông Sochi trong mục đích đó. Biến cố Crimea đã triệt tiêu các cố gắng đó và khiến Nga trở thành đáng ghét một cách không thể đảo ngược.

Nga cũng đã thiệt hại lớn về tài chính. Thị trường chứng khoán Nga cũng như trị giá đồng Rúp đều sụt giá nặng làm hàng trăm tỷ USD bốc hơi trong một vài ngày. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại sẽ liên tục được tung ra gây khó khăn ngày càng lớn cho các trao đổi với Hoa Kỳ và Châu Âu; Hai bên không thiệt hại như nhau bởi vì trọng lượng và sức chịu đựng quá chênh lệch. Hoa Kỳ và Châu Âu có GDP gộp chung lại là 40.000 tỷ USD, hơn 20 lần GDP của Nga (1.800 tỷ USD). Một thiệt hại nhỏ đối với Hoa Kỳ và Châu Âu có thể là tai họa không chịu đựng nổi cho Nga. Một làn sóng đào thoát của tư bản khỏi nước Nga đang diễn ra chính vì mọi người đều nhìn thấy trước kết quả của cuộc đọ sức không cân xứng này; nó sẽ càng làm cho chính quyền Putin khốn đốn hơn.

Putin nuôi tham vọng đưa nước Nga trở lại vị trí siêu cường ngày xưa nhưng hậu quả tức khắc của cuộc xâm chiếm Crimea chỉ là khiến Nga bị trục xuất khỏi khối G8 của tám nước mạnh nhất thế giới. Nga mất tiếng nói trong những quyết định lớn trước khi khủng hoảng nặng.

Tại sao Putin lại hành động điên rồ như vậy? Câu hỏi này cũng không khác câu hỏi của nhiều sử gia: tại sao các chế độ quốc xã Đức, phát xít Ý và quân phiệt Nhật lại gây ra Thế Chiến II để rồi thảm bại?

Cùng một câu trả lời: sự điên dại nằm trong bản chất của các chế độ độc tài bạo ngược.


Ban Biên Tâp Tổ Quốc



No comments:

Post a Comment

View My Stats