Thứ Hai, ngày 14 tháng 4 năm 2014
Đất nước Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự
thay đổi lớn lao nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Tự do cho người dân Việt
Nam và Dân chủ cho toàn xã hội. Đứng trước thời khắc lịch sử này, chúng ta,
những cá nhân, những tổ chức đã chuẩn bị những gì để đóng góp vào công cuộc xây
dựng thể chế dân chủ của đất nước? Nhìn sang các nước láng giềng Phi-lip-pin và
Thái lan, các nước đã có nền dân chủ mấy chục năm, chúng ta không khỏi lo lắng,
ái ngại. Xa hơn về không gian, nhưng gần hơn về thời gian xây dựng thể chế dân
chủ là các nước “Mùa Xuân Ả Rập”, đặc biệt là Ai Cập, một đất nước hỗn loạn và
ẩn chứa nhiều bất ổn. Ukraine, Nga, các nước đã chuyển đổi thể chế dân chủ từ
sự sụp đổ nhanh chóng và khá bất ngờ của các chế độ Cộng sản, cũng lại là sự
bất ổn, mong manh. Theo khảo sát tình trạng Dân chủ ở 167 quốc gia và cố gắng
định lượng chỉ số dân chủ do tạp chí The Economist ở Anh tiến
hành, chỉ có 28 quốc gia được đánh giá là các nước có chỉ số dân chủ đầy đủ, 53
quốc gia có thể chế dân chủ khiếm khuyết, 29 quốc gia có thế chế chính trị hỗn
hợp, 54 quốc gia là chính thể chuyên chế. Một cách đánh giá bao quát hơn, trong
số trên 150 quốc gia có đầy đủ các định chế của một nền dân chủ như: hiến pháp
dân chủ, các đảng phái chính trị (đa nguyên, đa đảng), tam quyền phân lập, tự
do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội và hội họp…nhưng chỉ có trên dưới 30 quốc
gia được xem là dân chủ tự do, số còn lại, hơn 120 nước được cho là chỉ có dân
chủ trong tuyển cử. Tại sao các quốc gia đều có các định chế dân chủ như nhau,
mà hơn 2/3 số nước lại không có được tự do thực sự của người dân?!? Với một tỷ
lệ như vậy, khi Việt Nam chuyển sang chế độ dân chủ, chúng ta sẽ chen chân vào
top 30 quốc gia dân chủ tự do, hay cũng sẽ nằm lại trong số hơn 120 quốc gia
chỉ có dân chủ trong tuyển cử? Đành rằng chuyển từ thể chế độc tài toàn trị
Cộng sản, sang một thể chế dân chủ khiếm khuyết (dân chủ tuyển cử) đã là một
bước tiến vĩ đại đối với dân tộc Việt Nam. Người dân sẽ được tự do hơn rất
nhiều, và mức sống cao hơn hẳn so với khi sống trong chế độ cũ. Nhưng ai cấm
chúng ta, những người con dân đất Việt, tìm ra những khiếm khuyết và thiếu sót
trong các thể chế dân chủ hiện hành và cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện
nay trên thế giới, để từ đó khắc phục các khiếm khuyết, thiếu sót đó, xây dựng
một nền dân chủ tự do thực sự cho đất nước Việt Nam.
Xây dựng thể chế dân chủ để
đem lại tự do, dân chủ thực sự là một thách thức vô cùng lớn. Trước hết, đó là
thách thức đặc thù, của một nước Việt Nam, với đầy đủ khó khăn và thuận lợi
trong công cuộc xây dựng nền dân chủ vĩ đại. Nhưng thách thức lớn hơn nhiều, đó
là vượt qua được lối mòn tai hại của cách thức xây dựng thể chế dân chủ phổ
biến hiện nay trên thế giới.
I/ Những thách thức đặc thù Việt Nam trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ
Việt Nam là một nước có thể
chế chuyên chính, độc tài toàn trị Cộng sản. Nhưng có sự khác biệt hơn so với
Liên Xô và các quốc gia Đông Âu trước khi sụp đổ, đó là Việt Nam đã có một thời
gian khá dài hội nhập với thế giới. Nền kinh tế đã tiếp xúc, làm quen với kinh
tế thị trường, các quan hệ quốc tế đã rộng mở, nhận thức của người dân có rất
nhiều thay đổi từ tiến trình này. Tuy nhiên, về khía cạnh chính trị, nhà cầm
quyền Việt Nam đã thành công trong việc độc quyền tồn tại một đảng Cộng sản giữ
vai trò lãnh đạo đất nước. Cũng chính vì sự độc quyền về chính trị này, với sự
can thiệp của chính trị vào tất cả các lĩnh vực (dù cách thức can thiệp có khác
trước đây), nền kinh tế Việt Nam đã phá sản hoàn toàn, xã hội Việt Nam bị dồn
nén cùng cực và sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Việt Nam đã hiển hiện trước mắt.
Hậu quả của việc chỉ có một đảng chính trị (đảng Cộng sản Việt Nam) thật là tai
hại trong hoàn cảnh chế độ sụp đổ không có lực lượng chính trị thay thế.
1/ Thách thức lớn - không có lực lượng chính trị thay thế
Chúng ta đều biết rằng, khi
một chế độ sụp đổ, nếu có lực lượng chính trị thay thế, xã hội sẽ giảm bớt được
rất nhiều sự hỗn loạn, không có khoảng trống quyền lực, một hoàn cảnh nguy hiểm
đưa tới thời cơ cho những kẻ cơ hội chính trị. Bối cảnh về các lực lượng chính
trị tại Việt Nam hiện nay, chỉ có một đảng chính trị, là đảng Cộng sản, các lực
lượng đối lập có một số tổ chức ở hải ngoại nhưng chưa xây dựng được cơ sở tại
Việt Nam (về cơ bản). Khi sự sụp đổ chế độ xảy ra, đảng Cộng sản là thủ phạm
đưa đất nước vào ngõ cụt dẫn tới sự sụp đổ chắc chắn không còn vai trò, tiếng
nói gì (với tư cách một lực lượng chính trị) trong việc xây dựng chế độ mới.
Các đảng phái hải ngoại, dù có chuyển toàn bộ bộ máy từ nước ngoài về trong
nước, cũng không thể kịp xây dựng thành một tổ chức hoàn chỉnh để có thể thay
thế vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam. Người dân trong nước, trừ một số người
tham gia và quan tâm tới vấn đề đấu tranh dân chủ, phần lớn còn chưa biết tới
sự tồn tại của các tổ chức, đảng phái đó. Chính vì vậy, cần có một thời gian để
xây dựng các tổ chức chính trị. Hệ quả của việc không có một lực lượng chính
trị thay thế, là các lực lượng chính trị, các tổ chức đảng phái sau này được
lập ra, hoặc được đưa từ nước ngoài về (để hoàn thiện) có vai trò như nhau,
không có lực lượng nào, tổ chức nào chiếm ưu thế. Điều này đòi hỏi một quá
trình làm việc chung, vừa hợp tác vừa đấu tranh, những hoạt động rất xa lạ với
phần lớn người dân trong nước.
2/ Phần lớn người dân bất ngờ khi chế độ sụp đổ, cả xã hội chưa có sự chuẩn bị
cho việc thay đổi chế độ.
Không chỉ có những người
dân thường, kể cả những người đấu tranh dân chủ, rất nhiều người không nghĩ, và
không tin chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Đây là điều
hết sức bình thường, ngoài việc sự kiện sụp đổ của một chế độ là vấn đề quá
lớn, quá phức tạp thì nguyên nhân khiến cho phần lớn người dân bất ngờ và không
nghĩ có sự thay đổi chế độ trong thời gian ngắn tới đây là do:
- Hàng ngày, hàng giờ người
dân tiếp xúc với hệ thống công quyền của chế độ, vẫn thấy nó hùng vĩ và không
có gì thay đổi so với trước đây.
- Người dân bị bưng bít
thông tin về những vấn nạn kinh tế, xã hội, chính trị. Về kinh tế, số liệu
không chính xác và bị bóp méo, cũng như cách giải thích né tránh khủng hoảng
sâu sắc và toàn diện của nền kinh tế. Về xã hội, chính trị, họ không biết được
quá trình cướp đất của quan chức, của nhà nước đã tạo ra đội ngũ dân oan hàng
triệu người trên khắp mọi miền đất nước. Sự đàn áp và dồn nén không trừ một tôn
giáo nào khiến cho hàng triệu tín đồ phẫn nộ. Sự nhu nhược của nhà cầm quyền
trước sự thôn tính và bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và trên khắp đất
nước khiến cho bao thanh nien, trí thức căm phẫn, uất hận…tất cả là một sự dồn
nén đến cùng cực của xã hội.
- Điều quan trọng nhất, rất
nhiều người không nghĩ và không tin có sự thay đổi chế độ trong tương lai gần
là do người ta không nhìn thấy lực lượng nào, tổ chức nào thách thức sự lãnh
đạo của đảng Cộng sản Việt nam. Người ta luôn nghĩ, muốn thay đổi một chế độ
thì phải có lực lượng thách thức, đánh đổ đảng Cộng sản và thể chế hiện thời.
Người ta không biết, không nghĩ và không tin rằng, chế độ Cộng sản Việt Nam có
thể sụp đổ chỉ giản dị là hết tiền để nuôi, duy trì hệ thống khổng lồ, giúp cho
đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước. Người ta không biết rằng, sự cạn
kiệt nguồn lực của chế độ đã đến cùng lúc với một nền kinh tế hoang tàn, niềm tin
đổ vỡ hoàn toàn, cùng sự dồn nén cùng cực của rất nhiều giai tầng trong xã hội.
Chính vì vậy mà tuy sống trong khó khăn, cảm nhận sự bức bối, nhưng phần lớn
người dân không nghĩ rằng sẽ có sự sụp đổ của chế độ trong tương lai gần.
Đây là thách thức không
nhỏ, cho quá trình xây dựng thể chế dân chủ. Bởi vì người dân quá bất ngờ, sự
hoảng loạn sẽ diễn ra rất khốc liệt gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình xây
dựng thể chế dân chủ trong tương lai.
3/ Phần lớn người Việt nam chưa có kỹ năng làm việc tập thể một cách tự
nguyện, các tổ chức, lực lượng chính trị chưa có kinh nghiệm hợp tác, đối thoại
trong những công việc chung.
Như chúng ta biết, người
dân Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt, cao đẹp, nhưng cũng có nhiều nét tính cách
hạn chế, khiếm khuyết. Một trong số hạn chế lớn là khả năng, kỹ năng làm việc
chung, tập thể. Có nhiều người gọi khiếm khuyết này, ở phạm vi hẹp, là kỹ năng
làm việc theo nhóm. Ở quy mô lớn hơn, gọi là văn hóa tổ chức. Đây đúng là hạn
chế, khiếm khuyết lớn trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai.
Thực ra, từ trước tới nay, người Việt Nam chúng ta cũng vẫn làm việc trong
nhiều tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, đó là việc làm có tính chất bắt buộc (tham
gia các đoàn thể), làm việc ở cơ quan. Nhưng những công việc xây dựng thể chế
dân chủ, tính chất tự nguyện rất rõ nét và chiếm ưu thế, thì chúng ta yếu và
thiếu trầm trọng kỹ năng cũng như kinh nghiệm làm việc. Mặt khác, do chưa có
các tổ chức chính trị, đoàn thể tự nguyện, nên chúng ta cũng rất hạn chế trong
việc phối hợp, hợp tác và đối thoại giữa các tổ chức, đơn vị đoàn thể với nhau
cho các công việc chung. Ở hải ngoại, chúng ta cũng có một số tổ chức, đoàn thể
nhưng kinh nghiệm qua nhiều năm cho thấy, hiệu quả phối hợp, làm việc chung và
đối thoại rất hạn chế và khiêm tốn.
Đi sâu vào nghiên cứu lịch
sử, chúng ta biết rằng, trước đây tổ tiên của chúng ta, thậm chí đời ông của
chúng ta hiện nay, cũng không phải không có kinh nghiệm làm việc chung. Chúng
ta có “lệ làng” ở tất cả các vùng nông thôn, được tổ chức và điều hành hoạt
động rất hay và hiệu quả. Nhưng đến thời kỳ Cộng sản, những nét tính cách, văn
hóa đó bị phá hủy vì bị đánh đồng với văn hóa phong kiến. Đây là điều vô cùng
đáng tiếc. Sau khi mở cửa, hội nhập, những nét văn hóa và lễ hội đang dần được
phục hồi, đi kèm theo là cách thức làm việc chung, tự nguyện đang được gây dựng
trở lại.
Trên đây là khái quát những
khó khăn, thách thức đặc thù trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong
tương lai. Còn rất nhiều thách thức đặc thù Việt Nam trong việc này, như tâm lý
bầy đàn khá đậm nét của người Việt Nam, thói háo danh, hư danh và sĩ diện cũng
rất trầm trọng. Hạn chế về những kiến thức xã hội, nhân văn và quản trị xã hội
trong môi trường giáo dục Việt nam cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình
xây dựng nền dân chủ. Tuy nhiên, với tất cả các thách thức đặc thù Việt nam,
cũng chỉ chiếm 30% nỗi lo lắng, lo ngại Việt Nam không xây dựng thành công thể
chế dân chủ hiệu quả. Số phần trăm còn lại, 70% lo lắng giành cho việc chúng ta
sẽ rơi vào “lối mòn tai hại’ của việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên
thế giới. Mặt khác, nếu chúng ta thoát được “lối mòn tai hại” của việc xây dựng
nền dân chủ, chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết các thách thức đặc thù của Việt
nam.
II/ Thách thức lớn nhất:
khiếm khuyết, nhầm lẫn và thiếu sót trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ
phổ biến hiện nay trên thế giới.
1/ Khảo sát sơ lược các nền dân chủ, một số vấn đề lý luận
Như phần đầu bài viết có đề
cập, thế giới có trên 150 quốc gia, có thể chế dân chủ, nhưng chỉ có xấp xỉ 30
quốc gia, có được dân chủ tự do. Cách xem xét về chỉ số dân chủ, cũng cho kết
quả tương tự, gần 30 quốc gia có chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ. Vấn đề
là, tất cả 150 quốc gia ấy, đều cơ bản có các định chế dân chủ, bao gồm
hiến pháp dân chủ, cơ chế tam quyền phân lập, các quyền con người tự nhiên và
dân sự…mà tại sao chỉ có chưa đến 30 quốc gia có tự do cho người dân. Điều này
cũng có nghĩa là, phần lớn các quốc gia có đầy đủ các định chế dân chủ nhưng
người dân chỉ có dân chủ trong tuyển cử, chứ không có dân chủ tự do thực sự. Tại
sao và vì sao???
Đi sâu vào xem xét, trong
số gần 30 quốc gia đạt được dân chủ tự do, hay chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ
đầy đủ, chúng ta thấy có ba trường phái để xem xét, nghiên cứu. Đầu tiên là
Nhật, Đức, hai quốc gia xây dựng thể chế dân chủ sau khi chế độ độc tài đổ vỡ
hoàn toàn, nhưng lại có bước tiến thần kỳ nhất. Tiếp theo là những quốc gia
châu Âu, điển hình là các nước Tây-Bắc Âu. Cuối cùng là trường hợp của
Hoa Kỳ.
Trường hợp của Nhật, Đức,
chúng ta không thấy có một sự khác biệt nào về hiến pháp, về các định chế dân
chủ so với các quốc gia khác. Đồng thời, chúng ta cũng không nghe ai nói, ca
ngợi gì về nền dân chủ của hai nước này. Vậy sự thần kỳ có được là do đâu?
Trước hết, cả hai quốc gia đều có truyền thống dân chủ trước khi các chế độ độc
tài được lập ra và bị xóa sổ. Nhưng quan trọng hơn, người Nhật và người Đức đều
có các yếu tố quý giá sau đây trong tính cách, văn hóa dân tộc: tự trọng, kỷ
luật và tự tôn dân tộc rất cao. Điều này có nghĩa là, cùng thể chế dân chủ như
nhau (mới chỉ là điều kiện cần), họ còn có các yếu tố văn hóa và tâm lý dân tộc
giúp cho đất nước và nền dân chủ phát triển, đạt được các kết quả thần kỳ đó.
Cũng không thể bỏ qua một yếu tố nhỏ khách quan, là sự hỗ trợ tuyệt đối của Mỹ
sau thế chiến thứ hai cho hai quốc gia này.
Đối với các nước Tây - Bắc
Âu, cũng có nét tương tự, tuy rằng biểu hiện có khác nhau. Chúng ta cũng chỉ
nghe nói, các nước Bắc Âu, có cuộc sống và mức phúc lợi cao, chứ cũng chưa hề
nghe nói về nền dân chủ có sự khác biệt nào về thể chế so với các quốc gia
khác. Tuy nhiên, các quốc gia Tây - Bắc Âu có truyền thống dân chủ lâu đời, lại
nằm trong vòng ảnh hưởng của đạo Cơ Đốc, đạo Tin Lành, những tôn giáo có sự khoan
dung, chấp nhận các khác biệt ở mức độ cao. Như vậy, tâm lý và văn hóa của các
quốc gia châu Âu cũng vẫn là yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng nền dân chủ
tự do của họ.
Vậy có quốc gia nào, mà sự
phát triển của đất nước họ, tự do của người dân chỉ đơn thuần dựa vào
thiết chế dân chủ của họ không? Câu trả lời: Có! đó chính là Hoa Kỳ. Tại sao?
Tại vì Hoa Kỳ là quốc gia đa sắc tộc, đa tính cách và đa văn hóa (Hợp Chủng
quốc Hoa Kỳ). Họ không có một dân tộc thuần nhất (đã hình thành) trước khi xây
dựng thể chế dân chủ. Đồng thời, quá trình xây dựng thể chế dân chủ cũng chính
là quá trình dung nạp các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau. Chúng ta không
thể nói, Hoa Kỳ là dân tộc có tâm lý và văn hóa phù hợp với sự phát triển được,
mà chúng ta chỉ có thể nói, sự phát triển của nền dân chủ, của đất nước Hoa Kỳ
là do chính từ thể chế dân chủ của nó. Đây là kết luận vô cùng quan trọng và
giá trị, có nghĩa là các quốc gia có thể xây dựng thể chế dân chủ bảo đảm tự do
của người dân và khả năng phát triển đất nước không phụ thuộc vào tâm lý và văn
hóa dân tộc. Đây cũng chính là điều mà nền dân chủ Hoa Kỳ được ca ngợi và học
theo trên toàn thế giới.
Một câu hỏi quan trọng tiếp theo,
vậy tại sao, các quốc gia chuyển đổi thể chế, chế độ xã hội sau này (thậm chí
hiện nay), có đầy đủ hiến pháp, cơ chế tam quyền phân lập, quyền tự do ứng cử
và bầu cử, tự do lập hội và hội họp, tự do ngôn luận và báo chí, …có các cơ
quan đại diện pháp luật không thiếu và không kém gì Hoa Kỳ lại không thể phát
triển được như vậy?
Phải chăng các nền dân chủ
sau này chưa tìm được các nguyên lý, yếu tố cốt lõi quyết định tự do cho người
dân và sự phát triển của nền dân chủ và đất nước Hoa Kỳ để từ đó xây dựng thể
chế dân chủ đặt trọng tâm và xoay quanh các nguyên lý và yếu tố đó?
(câu trả lời đầy đủ và rõ ràng
có trong cuốn sách Dân Chủ - Nguyễn Vũ Bình)
Câu trả lời là đúng như
vậy, tất cả các lý thuyết và sách báo về vấn đề dân chủ không chỉ ra được, đâu
là những nguyên lý cốt lõi, đâu là yếu tố hạt nhân của nền dân chủ Hoa Kỳ và
làm thế nào để xây dựng, thực hiện, thực thi được các nguyên lý, yếu tố đó. Khi
tôi đi vào tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết, nguyên lý về tự do, về dân chủ, về
việc xây dựng thể chế dân chủ, tôi đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra rằng,
không có một định nghĩa chung về dân chủ. Thật kỳ lạ! các sách báo còn chỉ ra
rằng, tính đến những năm 60 của thế kỷ XX, có trên 500 định nghĩa, khái niệm về
dân chủ!!! Chúng ta biết rằng, định nghĩa, khái niệm của một thuật ngữ chính là
để chỉ ra yếu tố cốt lõi nhất của nội hàm khái niệm đó. Vậy mà chúng ta có,
tính đến những năm 60 thế kỷ trước, trên 500 định nghĩa, có nghĩa là chưa chỉ
ra được yếu tố cốt lõi, của khái niệm, của nền dân chủ. Như vậy, việc chưa tìm
ra các yếu tố, nguyên lý cốt lõi và cách thức xây dựng, thực hiện và thực thi
các yếu tố đó trong các thể chế dân chủ sau này chính là nguyên nhân dẫn tới
các nền dân chủ chỉ dừng lại ở mức dân chủ tuyển cử, không có được nền dân chủ
tự do mà người dân hằng mong đợi.
2/ Những yếu tố cốt lõi của thể chế dân chủ và thách thức trong việc xây dựng
thể chế dân chủ trong tương lai.
a/ Những yếu tố cốt lõi của thể chế dân chủ
Có hai yếu tố quan trọng
nhất của thể chế dân chủ Hoa Kỳ, giúp cho thể chế này vượt qua mọi cam go, thử
thách đưa nhân dân và đất nước Hoa kỳ tới vị thế ngày nay trên thế giới. Thứ
nhất, đó là sự bình đẳng của các cá nhân, của mọi công dân trước pháp luật. Đây
chính là tiền đề của dân chủ. Thứ hai, ý thức tự bảo vệ quyền con người của mỗi
cá nhân, khi có các cơ chế thực hiện, sẽ trở thành khả năng tự bảo vệ các quyền
con người của mỗi cá nhân trong xã hội. Đối với xã hội Hoa Kỳ, sự bình đẳng ban
đầu của những cá nhân tham gia xây dựng thể chế dân chủ là tự nhiên (quá trình
xây dựng thể chế dân chủ Hoa Kỳ cũng chính là quá trình hình thành và xây dựng
quốc gia Hoa Kỳ), còn đối với tất cả các quốc gia khác sau này, đó là quá trình
xây dựng tiền đề của dân chủ: Là sự chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác
biệt của mỗi cá nhân con người, mỗi một nhóm người, tập thể đại diện cho từng
sắc tộc, tôn giáo, vùng và địa phương.
Ý thức tự bảo vệ quyền con
người của người dân được bảo đảm bới các yếu tố: 1- nhận thức của người dân về
tự do, dân chủ; 2- sự tham gia trực tiếp của người dân vào việc xây dựng thể
chế dân chủ; 3- cơ chế bảo vệ quyền con người để người dân có thể tự bảo vệ
quyền con người của mình.
b/ Thách thức lớn nhất trong việc xây xây dựng thể chế dân chủ trong tương
lai
Các nước chuyển đổi thể chế
chính trị, từ các hình thức độc tài sang thể chế dân chủ phần lớn thực hiện các
bước đi và hoạt động sau: Xây dựng hiến pháp (phần lớn thuê các chuyên gia hiến
pháp nổi tiếng thế giới); định hình các đảng phái chính trị; ấn định lịch trình
bầu cử, công bố và xin ý kiến nhân dân về hiến pháp mới…Điều đáng lưu ý là các
hoạt động này được tiến hành trước hết và chủ yếu trên bình diện quốc gia. Các
hoạt động xây dựng thể chế dân chủ vùng và địa phương được thực hiện sau và
không phải là trọng tâm xây dựng thể chế dân chủ của các quốc gia. Nội dung xây
dựng thể chế dân chủ của các quốc gia bao gồm: Xây dựng cơ chế tam quyền phân
lập; xây dựng các thiết chế luật pháp bảo đảm các quyền tự do cá nhân của con
người, ví dụ quyền sống, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do ngôn luận…; xây dựng
các thiết chế, luật pháp bảo đảm quyền công dân (quyền tự do chính trị, dân
sự), ví dụ quyền tự do ứng cử và bầu cử, tự do hội họp và lập hội, tự do báo
chí…
Thông qua cách thức và nội
dung xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới, chúng ta có nhận xét sau:
* Việc xây dựng thể chế dân chủ
chủ yếu trên bình diện quốc gia. Vai trò của người dân là hết sức mờ nhạt.
* Không có sự nhấn mạnh, ưu
tiên nào trong tất cả các định chế được đề cập
* Không có cơ chế để người
dân tự bảo vệ quyền con người của mình
Có thể hình dung, toàn bộ
quá trình xây dựng thể chế dân chủ trên thế giới hiện nay mới chỉ xây dựng phần
“xác” của thể chế dân chủ. Phần “hồn” của thể chế dân chủ, chính là nhận thức
của người dân về tự do, dân chủ, về cách thức xây dựng tự do dân chủ; sự tham
gia của người dân trong xây dựng thể chế dân chủ; và cuối cùng, ý thức và khả
năng tự bảo vệ quyền con người của người dân mới giúp cho thể chế dân chủ hoạt
động hiệu quả, có cả xác và hồn.
(xem thêm bài viết: Tại
sao Ai Cập...? Tại sao dân chủ...? – Nguyễn Vũ Bình)
**********************
Chúng ta đang đứng trước
một cơ hội lớn, xây dựng thể chế dân chủ từ con số không, giống như một ngôi
nhà cũ được đập bỏ và xây mới hoàn toàn. Dù có rơi vào “lối mòn tai hại” trong
cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay, thì nhân dân và đất nước cũng bước
sang một trang sử mới. Sức bật của đất nước gần 100 triệu người dân vừa thoát
khỏi chế độ độc tài là rất đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhận thức được những hạn chế
của phần lớn các nền dân chủ hiện nay, chúng ta có thể tránh được các giới hạn,
tạo lập một thể chế dân chủ hiệu quả, tạo ra sự khác biệt và rút ngắn được thời
gian tiến kịp các nước phát triển hiện nay. Chúng ta sẽ có cơ hội, chúng ta cần
nhận thức và quyết tâm, để xây dựng thể chế dân chủ cả thế giới phải ngưỡng mộ
và học tập, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng Giấc Mộng Việt Nam./.
(Xin mời quý vị đón đọc bài cuối cùng trong loạt bài
này: Nắm tay nhau xây dựng nền Dân chủ: Giấc Mộng Việt Nam)
Hà Nội, ngày 14/4/2014
Nguyễn
Vũ Bình
Được đăng bởi Nguyễn Vũ Bình vào lúc 08:42
(Để có thể hiểu rõ hơn về toàn bộ những nội dung xây
dựng thể chế dân chủ, quý vị và bạn đọc có thể tham khảo thêm trong cuốn sách
Dân Chủ của tôi theo đường Links: http://www.amazon.com/dp/B00AVM3LDK)
-------------------------
DÂN CHỦ 14-10-2013
No comments:
Post a Comment