Nhóm
phóng viên tường trình từ VN
2014-04-04
2014-04-04
Hàng rào kẽm gai giới hạn khuôn viên resort ở những bãi biển miền Trung
. RFA photo
Nhắc đến miền Trung mưa chang nắng cháy, phần nhiều
người ta hay nói về cảnh sống nghèo khổ, chật vật của người dân chân lấm tay
bùn và nói về thiên tai, lũ lụt như nói về số phận không mấy may mắn của đại bộ
phận người dân nơi đây trước Ông Trời khắc nghiệt. Nhưng, khi nói về miền
Trung, người ta cũng hay nghĩ đến những bãi biển thoai thoải cát vàng, nắng
chói và biển xanh. Những bãi biển miền Trung thơ mộng cứ như một ân sủng mà
Thượng Đế chỉ ban riêng cho miền Trung tội nghiệp. Thế nhưng, vài năm trở lại
đây, ân sủng này đang bị lấy đi bởi bàn tay con người, bãi biển đang hẹp dần.
Biển chỉ
dành cho khách du lịch
Một người dân ở đường Trường Sa, thành phố Đà Nẵng
bức xúc nói: “Tất nhiên là dân đâu có vào được vì khu vực đó đã giao cho nó
rồi mà. Những người ở trong khu resort thì có tiền cứ vào thôi, còn ngư dân
cũng không vô được, vì nó quy hoạch, đã giao cho nó vào. Cũng giống những khu
resort ở khu vực dưới đã giao cho nó, khu vực của nó thì không ai vào được.
Những ngư dân trước đây, họ đi tự do, chỉ cần thấy bờ biển là họ vào để về nhà,
nhưng giờ thì cũng không vào được, họ phải đi khỏi khu quy hoạch thì họ mới về
nhà.”
Theo ông này, chưa bao giờ ông thấy thất vọng về
thành phố được mệnh danh là có bờ biển đẹp bậc nhất quốc gia này lại rơi vào
tình trạng người dân nơi đây không tìm ra chỗ để tắm như hiện nay.
Không biết có phải do đã tính toán từ trước hay
không mà những năm 1997 đến 2000, khi thành phố vừa tách khỏi tỉnh Quảng Nam Đà
Nẵng lên thành phố trực thuộc trung ương thì hàng loạt những công trình xây
dựng vô lý ra đời.
Công trình vô lý nhất chính là công viên nước Đà
Nẵng trong khu liên hợp thể dục thể thao thành phố nằm trên đường 2 tháng 9 ở
phường Hòa Cường. Với một thành phố biển cùng thói quen của người dân mỗi chiều
rủ nhau ra tắm biển, chơi đùa và hóng gió, xây dựng một công viên nước chiếm số
tiền hàng trăm tỉ đồng thì e rằng quá xa xỉ và không mang lại hiệu quả kinh tế.
Thế nhưng sau khi công viên nước này đi vào hoạt
động cầm chừng thì hàng loạt khu resort ở các bãi tắm mọc lên. Tiếp theo sau
những khu resort này là hành động ngăn cản không cho người dân tắm biển, mỗi
resort tự rào bờ biển phía trước khu vực của mình lại để chỉ dành riêng cho
khách du lịch.
Rất có thể điều này hợp lý về mặt an ninh nhằm bảo
vệ tài sản cũng như nhiều vấn đề khác cho khách du lịch. Nhưng điều đó cũng
không thể tự cho phép rào bờ biển 24/24 để chỉ dành riêng cho khu resort được.
Vì xét cho cùng, bờ biển là tài sản quốc gia, tài sản của dân tộc, là thứ mà
nhân dân được toàn quyền sử dụng một cách hợp pháp và an toàn.
Thế nhưng sau nhiều lần nhân dân lên tiếng phản đối,
kể cả báo chí nhà nước cũng vào cuộc mà mọi việc vẫn cứ tiến triển theo chiều
hướng xấu đi, các bãi biển bị hẹp dần bởi hàng loạt khu nghỉ mát mọc lên, đặc
biệt là các khu nghỉ mát dành riêng cho người Trung Quốc trên đường Hoàng Sa
(mới đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp trong thời gian gần đây) đã bị rào kín
mít, ưu tiên cho khách Trung Quốc sử dụng diện tích bờ biển hàng chục km2 này.
Không riêng gì bờ biển Đà Nẵng, cách đó không xa,
chếch về phía Nam chừng mươi cây số, bờ biển Hà My, Điện Dương, Điện Bàn và
biển Cửa Đại ở thành phố Hội An cũng bị các khu resort chiếm gần hết diện tích,
việc đi tắm biển mỗi chiều trở nên chật chội, khó khăn và mất vệ sinh. Thay vì
trước đây người dân sinh hoạt, vui chơi và tắm táp thoải mái dọc theo bờ biển
thì bây giờ, hàng ngàn con người co cụm lại một khu vực nhỏ dành cho người dân
bản xứ. Còn những phần bãi biển thơ mộng trong các khu resort thì chỉ lèo tèo
vài khách du lịch nằm tắm nắng, đọc sách và tắm biển.
Ông này nói rằng chỉ nhìn vào hai hình ảnh đó, cũng
đủ hiểu sự ưu tiên dành cho ai và người dân Việt Nam bị coi rẻ, bị chèn ép đến
mức độ nào mà không cần bàn luận gì thêm.
Làm du
lịch thì ít mà buôn đất thì nhiều
Canh giữ bãi biển không cho người dân đi qua khu resort ở một bãi biển
miền Trung. RFA photo
Không riêng gì bãi biển Đà Nẵng, Hội An mà ở khắp
mọi nơi, nhất là Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, phía Nam Trung Bộ thì có Qui
Nhơn… đều rơi vào tình trạng bãi biển dành cho người dân Việt Nam rất nhếch
nhác, dơ dáy và chật chội nhưng bãi biển của các khu resort lại rộng thoáng,
sạch sẽ và cấm tuyệt đối không cho người Việt bước vào đó nếu không phải là
khách của các resort này.
Một nữ blogger ở Nha Trang than phiền chuyện làm du
lịch ở Việt Nam, đặc biệt là những khu đất vàng dọc các bờ biển miền Trung,
nghe ra có vẻ còn lắm chuyện mờ ám. Vì chuyện xây dựng resort phục vụ và thu
hút khách du lịch thì ít mà để chiếm đất, hợp thức hóa bờ biển thành đất tư và
sang nhượng, bán chác là chính. Hàng loạt khu resort được khởi công xây dựng cả
chục năm nay, rào không cho dân đến gần, không được tắm biển trong khuôn viên
resort nhưng chưa biết bao giờ sẽ khánh thành và đi vào hoạt động. Trong khi
đó, chủ nhân của những resort này công khai rao bán đất theo kiểu “chuyển
nhượng quyền sử dụng đất” mà trên thực tế là buôn bán bất động sản.
Sở dĩ có chuyện kì cục này là do trước đây, cái bong
bóng bất động sản bị thổi phồng lên một cách không kiểm soát được, người người
đua nhau buôn đất, nhà nhà thi nhau bán đất và nhà nước cũng hè nhau phù phép
nhiều mảnh đất để bán. Các tài phiệt nhà đất, kể cả những tài phiệt Trung Quốc
cũng nhảy vào Việt Nam để cưới vợ người Việt, nhập tịch Việt Nam và mua đất xây
dựng rồi bán kiếm lãi. Và đương nhiên, trong chiến dịch chiếm các điểm chiến
lược đầu não của Việt Nam thì đồi núi phía Tây và bờ biển phía Đông được người
Trung Quốc để ý nhiều nhất, họ bằng mọi giá phải mua nó theo nhiều cách, nhiều
thủ đoạn.
Thủ đoạn bơm giá đất bờ biển lên thật cao và chèo
kéo những doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc, hợp tác xây dựng, kinh doanh với họ
để rồi khi giá đất tuột dốc, kinh tế quốc gia khủng hoảng, doanh nghiệp Việt
buộc lòng phải bán non cho họ để duy trì tồn tại cũng là một trong những thủ
đoạn đạt hiệu quả cao của người Trung Quốc trong quá trình chinh phục, xâm lược
Việt Nam. Có thể nói, hiện tại, khắp các bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi đâu
cũng có những khu riêng biệt của người Trung Quốc mà người Việt Nam không được
quyền bước vào “lãnh địa” của họ để tắm hoặc dạo chơi. Tuy rằng bờ biển Việt
Nam nhưng rõ ràng là chủ quyền Trung Quốc.
Với đà dân số Việt Nam đang ngày càng gia tăng mà bờ
biển Việt Nam đang ngày càng nhỏ lại, có lẽ không bao lâu nữa, người Việt Nam
sẽ mua vé du lịch của người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc để vào
thăm thú, dạo chơi và tắm táp trên chính bờ biển quê hương mình!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment