Wednesday, 2 April 2014

NGÂN SÁCH VIỆT NAM NHƯ "BÒ" ĐỂ CÁC BÊN "TÙNG XẺO" (Người Việt)




Người Việt
Tuesday, April 01, 2014 3:00:50 PM

HÀ NỘI (NV) - Ðó là nhận định của ông Nguyễn Văn Ðực, phó chủ tịch Hiệp Hội Bất Ðộng Sản Sài Gòn, khi tham gia góp ý cho dự luật sửa Luật Xây Dựng hiện hành.

Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ-Môi Trường của Quốc Hội Việt Nam và Bộ Xây Dựng vừa tổ chức một cuộc thảo luận, thu thập góp ý cho dự luật sửa Luật Xây Dựng. Trong cuộc thảo luận này, lãng phí, thất thoát ngân sách trong các công trình xây dựng trở thành vấn đề nóng nhất.

Bộ trưởng Xây Dựng Việt Nam thừa nhận, lãng phí đã trở thành phổ biến ngay từ định hướng xây dựng đến thực hiện dự án, có khi lên tới 100% giá trị công trình. Lãng phí là nguyên nhân khiến ngân sách bội chi, nợ công, lạm phát và chỉ số tiêu dùng cùng tăng.

Viên bộ trưởng này nói thêm rằng, các qui định hiện hành là nguồn gốc tạo ra lãng phí vô hình và lãng phí hữu hình. Do chính quyền các địa phương là chủ đầu tư của đa số dự án nên địa phương nào cũng có hàng trăm “Ban Quản lý Dự án” mà đa số thành viên đều thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, không đủ khả năng quản lý, giám sát việc thực hiện dự án, cuối cùng khoán trắng cho nhà thầu, chưa kể việc cấp giấy phép xây dựng rất tùy tiện thành ra nhiều dự án không có mục tiêu, nhiều công trình không thể sử dụng, thậm chí để dang dở.

Khi được mời góp ý, ông Nguyễn Văn Ðực chỉ trích qui định cho phép cơ quan thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý được hưởng “phần trăm” trên tổng vốn đầu tư. Cũng vì vậy, các bên tìm mọi cách đẩy tổng giá trị, tổng chi phí của các dự án lên cao, bất kể hiệu quả.

Những yếu tố như vừa kể được xác định là nguyên nhân dẫn tới thực trạng, tại Việt Nam, năm nào chi tiêu cho đầu tư công cũng tăng so với dự tính, có năm tăng đến 30% song hiệu quả thì chẳng ra gì. Các chuyên gia xem đó là căn bệnh trầm kha trong quản trị, điều hành của Việt Nam.

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, khi được mời góp ý tại hội thảo về “Tái cấu trúc và đánh giá hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam,” ông Lê Xuân Bá - cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định, những “bệnh tật của đầu tư công” có từ thời ông ta còn là sinh viên và đến nay, tuy ông ta đã nghỉ hưu nhưng “bệnh tật của đầu tư công vẫn vậy.”

Ðầu tư của chính quyền Việt Nam cho các dự án xây dựng được các chuyên gia kinh tế nhận định là thường xuyên không có hiệu quả.

Về nguyên tắc, dự án đầu tư sẽ không được chi tiền nếu không nằm trong kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều dự án đầu tư không hề có trong kế hoạch đã được phê duyệt vẫn được chi tiền. Ông Lê Xuân Bá giải thích, thực trạng đó trở thành phổ biến vì chính quyền các địa phương có thể lập dự án đầu tư và “chạy” để “trung ương đồng ý chi tiền.”

Tình trạng cảng biển, phi trường quốc tế, khu kinh tế, khu công nghiệp mọc lên như nấm, ngốn hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác nhưng không sinh lợi đã trở thành bình thường. Lãng phí được xác định là “kinh khủng” nhưng không có ai chịu trách nhiệm.

Chính quyền Việt Nam đã ban hành đủ thứ luật: Luật Ngân Sách Nhà Nước, Luật Ðầu Tư, Luật Xây Dựng, Luật Ðất Ðai,... và giới thiệu mục tiêu của chúng là nhằm chống lãng phí trong đầu tư công. Tuy nhiên lại chậm chạp trong việc ban hành Luật Ðầu Tư Công. Các chuyên gia kinh tế giải thích lý do là vì “không viên chức nào muốn mất quyền lợi.”

Ngoài chuyện chi vô tội vạ cho các dự án đầu tư không nằm trong kế hoạch đã được duyệt, ông Vũ Ðình Ánh, một chuyên gia tài chính, còn cảnh báo về tình trạng “chi vượt dự toán” (chi quá mức đã được phê duyệt) của các dự án đầu tư.

Ðó cũng là lý do Việt Nam đối diện với nguy cơ vỡ nợ. Hồi tháng 5 năm ngoái, tuy chính phủ Việt Nam khẳng định, tổng số nợ công của Việt Nam chỉ chừng 55,4% GDP nhưng Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam khẳng định, nợ công của Việt Nam đã lên tới 95% GDP.

Vay mượn nhiều, thay vì dùng vốn đã vay để thực hiện các kế hoạch phát triển thì lại dồn vốn vào những dự án vô bổ, tạo ra lạm phát rồi quyết định “thắt chặt chi tiêu,”... đã khiến các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ lụn bại và ngân sách chẳng còn bao nhiêu nguồn để thu vào.

Mắt khác, tuy con số bội chi rất lớn nhưng chi tiêu của chính quyền Việt Nam cho giáo dục, y tế lại rất ít. Vào lúc này, trên khắp Việt Nam, nhiều dự án xây dựng, sửa chữa trường học, bệnh viện đang bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không có ngân sách. (G.Ð)


No comments:

Post a Comment

View My Stats