Wednesday, 2 April 2014

ĐI THEO KIỂU KHÔNG PHANH (Minh Văn)




Thứ Tư, ngày 02 tháng 4 năm 2014

Hà Nội những năm 80 của thế kỷ 20 còn nghèo lắm. Vật dụng gia đình được bày bán trên phố cũng rất ít và thô sơ. Ví như cái quạt điện mà người ta thường dùng là loại quạt con cóc, khi chạy thì phát ra tiếng kêu ù ù như tàu điện. Nhà nào sang và điều kiện hơn thì có chiếc quạt điện tai voi do Liên Xô sản xuất. Đây cũng là một kiểu quạt con cóc nhưng cánh quạt to hơn, tiếng kêu của nó cũng không nhỏ chút nào. Cái quạt con cóc thì không có vành đai bảo hiểm xung quanh, cho nên rất nguy hiểm cho người sử dụng. Nhất là với trẻ con, nếu nghịch ngợm mà chẳng may bị cánh quạt chém phải thì đau điếng và hoảng hồn mà khóc thét lên. Lắm vụ còn gây ra hoả hoạn chập điện do cánh quạt quấn phải màn. Phương tiện giao thông lúc này chủ yếu bằng xe đạp. Người nào công tác ở nước ngoài về, có chiếc xe máy mobylette là cũng đã thấy hãnh diện lắm. Loại xe này chạy vè vè trông giống như con cào cào, tuy vậy cũng sướng gấp vạn lần người đi xe đạp rồi.

Nếu ai từng đi xe đạp không phanh, nhất là trên đường phố đông đúc và hỗn loạn như ở Hà Nội thì mới thấm thía được cái nổi khổ này.

Khi tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội, dù là xe có phanh thì cũng đã đủ khó khăn nan giải rồi. Vì đầu óc người ta luôn phải tập trung đối phó với mọi tình huống tạt ngang, đâm chéo của đủ mọi loại phương tiện. Trong khi người đi xe đạp lại còn phải sử dụng đôi chân của mình để mà tạo cơ năng nữa. Mỗi lần dừng lại thì phải gồng mình lên mà đạp lấy đà mới có thể đi tiếp được, cho nên rất là mệt và khổ.  

Ấy nhưng đi xe đạp không phanh thì còn phải tập trung đầu óc hơn gấp nhiều lần, và đương nhiên là cũng phải tốn sức hơn nhiều lắm. Nếu không muốn đụng phải người ta, thì hai chân luôn phải ở tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ của chiếc phanh, mà đôi dép là má phanh, mặt đường nhựa thay chức năng vành xe vậy. Vì vậy mà đôi dép của khổ chủ nhanh chóng bị mòn vẹt và hết hạn sử dụng. Người đi xe luôn phải dự định mọi tình huống, để khi nào gần xẩy ra va chạm là thòng ngay đôi chân chà xát với mặt đường mà dừng xe lại. Đã thế lại không dám đi nhanh, lúc nào cũng phải thật chậm. Vì nếu nhanh thì khi gặp chướng ngại vật sẽ không thể nào phanh kịp.

Nếu đang đi trên đường đông người mà chẳng may va chạm xẩy ra, ghi đông xe đạp lại ngoắc cả vào nhau. Thế là vừa bực mình vừa mệt, những lúc ấy chỉ muốn ném cái xe đạp lên hè phố mà chửi vung cả trời đất lên. Nhưng chửi gì thì chửi, riêng nhà nước thì vẫn phải chừa cái mặt ra, mặc dù đó mới chính là nguyên nhân gây ra mọi nổi khổ trên.

Một lần ông anh họ dùng xe đạp chở tôi đi trên đường phố Hà Nội, chiếc xe lại không có phanh. Nhìn anh chật vật đối phó với tình huống giao thông, tôi lo lắng hỏi:
- Đường phố đông người như vậy, xe lại không có phanh, sao mà anh vẫn đi được?

Vừa đánh ghi đông để tránh chiếc xe đâm ngang, anh vừa vô tư trả lời:
- Xe không có phanh thì ta đi theo kiểu không phanh mà em...

Sau này, khi là sinh viên thì tôi có nhiều dịp để đi xe đạp trên đường phố Hà Nội. Có những lần vì lười thay chiếc dây phanh bị đứt mà đành phải đi theo kiểu không phanh như trên. Từ đó mà thấm thía cái khổ của người đi xe đạp không phanh, nhất là đằng sau xe lại có chở thêm người.

Cho dù điều kiện có khó khăn và bất công thì người ta vẫn phải sống và chịu đựng. Nhưng như thế thì khổ và nguy hiểm lắm. Mặc dù sống trong một xã hội vô pháp luật, lúc nào cũng phải chạy chọt van xin, nhưng người dân vẫn chưa dám lên tiếng phản đối. Vì sợ nhà tù và đàn áp mà họ đành phải tự an ủi “Thôi kệ! người ta sống được thì mình cũng sống được”. Như vậy là phải chịu thua và khuất phục hoàn cảnh. Lâu dần hình thành cái tâm lý cam chịu và sử dụng phép thắng lợi tinh thần nơi người dân.

Cho đến bây giờ nhà nước vẫn quản lý và điều hành đất nước đi theo kiểu không phanh đó vậy, với một nền kinh tế thị trường hoang dã mà họ vẫn gọi là “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Một xã hội tồn tại bằng sự độc tài toàn trị thì nó không có pháp luật. Xã hội mà không có pháp luật thì cũng giống như người ta đi xe đạp không phanh vậy. Nguy hiểm lắm, vì tai nạn luôn rình rập và có thể gây nguy hại cho con người bất cứ lúc nào. Đã thế lại không thể đi nhanh được.

Được đăng bởi Minh Văn vào lúc 01:30




No comments:

Post a Comment

View My Stats