Wednesday 9 April 2014

KHỦNG HOẢNG UKRAINA : BỐN KỊCH BẢN CAN THIỆP QUÂN SỰ CỦA NGA TẠI UKRAINA (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ ba 08 Tháng Tư 2014

Dự báo khả năng Nga dùng sức mạnh, Le Figaro có bài « Bốn kịch bản cho cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina », dẫn lại các nhận định của Rusi (Royal United Services Institute), một trung tâm tư vấn về an ninh và quốc phòng của Anh Quốc.

Tình hình Ukraina đầu tuần này tiếp tục nóng lên với các cuộc chiếm lĩnh trụ sở chính quyền địa phương ở một số tỉnh miền đông, sát biên giới với Nga. Tờ Le Figaro có bài « Tại miền Đông Ukraina, sự kích động của những người thân Nga tạo cơ hội đáng lo ngại cho việc Matxcơva dùng vũ lực can thiệp ».

Tại Donetsk, những người chủ trương ly khai yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc thành lập « nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk » vào ngày 11/05/2014, và dự định yêu cầu Matxcơva đưa « lực lượng gìn giữ hòa bình », trong trường hợp bị chính quyền Kiev - mà họ không công nhận - gây hấn. Cảnh sát Ukraina được lệnh không dùng sức mạnh chống lại người biểu tình… Chính quyền Kiev cáo buộc Nga đang chuẩn bị giai đoạn thứ hai nhằm giải thể quốc gia Ukraina, với ý đồ tái diễn một kịch bản Crimée tại miền Đông nước này.

Theo tổ chức OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu), 40.000 quân Nga đang tập trung tại vùng biên giới với Ukraina, bất chấp việc phương Tây liên tục đưa ra các khuyến cáo.

Dự báo khả năng Nga dùng sức mạnh, Le Figaro có bài « Bốn kịch bản cho cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina », dẫn lại các nhận định của Rusi (Royal United Services Institute), một trung tâm tư vấn về an ninh và quốc phòng của Anh Quốc. Royal United Services Institute dự đoán nhìn chung quân đội Ukraina, với 70.000 binh sĩ, trang bị tương đối kém, sẽ không có khả năng triển khai nhanh chóng và đủ sức để đối phó với cuộc tấn công của khoảng 50.000 lính Nga có mặt tại các vùng biên giới. 

Theo kịch bản thứ hai, quân Nga tại miền đông nam sẽ ngầm can thiệp để gây rối loạn tại khu vực biên giới tạo cớ cho cuộc hành quân nhằm lập ra một khu vực hành lang, nối liền bán đảo Crimée phía nam với vùng Donetsk ở phía đông. Kịch bản thứ ba là phần nối dài của kịch bản thứ hai, theo đó, toàn bộ khu vực Nam và Đông Ukraina bị Nga chiếm đóng. Còn theo kịch bản cuối cùng, cuộc tấn công của Nga sẽ đến từ phía tây (vùng Transnistria nói tiếng Nga thuộc Moldova). Theo trung tâm tư vấn quốc phòng và an ninh Anh Quốc, cuộc tấn công này « sẽ làm thay đổi hiện trạng của khu vực Hắc Hải, trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự Châu Âu ».

Rất có khả năng Nga sẽ tiến hành tấn công trong tháng Năm tới. Trên thực tế, từ ba tuần nay, các lực lượng Nga đã ở trong trạng thái báo động và sẵn sàng hành động.


Châu Âu thận trọng trước cuộc tấn công khí đốt của Nga chống Ukraina
Cũng về hồ sơ Ukraina, Le Monde có hồ sơ trên trang nhất : « Ukraina: Châu Âu lo ngại một ‘‘cuộc chiến tranh khí đốt mới’’ », với hàng tít phụ : « Việc tập đoàn khí đốt Nga Gazprom tăng giá năng lượng làm ngạt thở một đất nước đang trên bờ phá sản ». Để giúp Kiev bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Châu Âu hứa sẽ cung cấp cho Ukraina, lấy từ một phần khí đốt mà Nga cung cấp cho Châu Âu. Tuy nhiên giải pháp này gặp trở ngại là đi ngược lại với thỏa thuận giữa Châu Âu và Gazprom.
Trên mặt trận này, cũng như về vấn đề trừng phạt nhắm vào Nga, nhóm 28 nước Châu Âu có một thái độ thận trọng, tránh có thêm các biện pháp làm Nga tức giận. Châu Âu đang nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt, nhằm không để trở thành nạn nhân cho các trả đũa từ Nga. Hiện tại 60% lượng khí đốt từ Nga qua Châu Âu là qua ngả Ukraina. Trong tương lai, Châu Âu cố gắng để sẽ chỉ còn khoảng 1/4 lượng khí đốt qua Ukraina. Nga từng hai lần khóa đường ống khí đốt qua Ukraina vào năm 2006 và 2009, khiến nhiều nước Trung Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng.



No comments:

Post a Comment

View My Stats