Arif
Havas Oegroseno
The Jarkarta Post (09/04/2014)
Dịch giả: Phan Văn Song
21/04/2014
Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Chủ tịch Kì họp thứ 20 của
các nước thành viên của UNCLOS 1982 cho giai đoạn 2010-2011
Có vẻ có một nỗi ám ảnh trong các nhà bình luận
chính trị ở châu Á và bên ngoài khi cho rằng Indonesia phải thừa nhận rằng mình
là một bên tranh chấp ở biển Đông và do đó, phải từ bỏ vai trò như là một
"trung gian hòa giải". Đây quả là chuyện buồn cười dưới góc độ luật
pháp quốc tế.
Đây là cách của tôi nắm bắt về vấn đề này.
Thứ nhất, bản chất thật sự của tranh chấp biển Đông,
nói dưới dạng đơn giản, là về nước nào làm chủ hàng trăm hòn đảo, đá, rạn san
hô, mặt bằng triều thấp và bãi cát ở quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Các bên tranh chấp là Brunei, Trung Quốc, Malaysia,
Philippines và Việt Nam. Đài Loan cũng được nhiều người coi là một bên tranh
chấp.
Kể từ khi giành được độc lập, Indonesia chưa bao giờ
nghĩ tới việc yêu sách chủ quyền đối với bất kì một trong hàng trăm thể địa lí
(feature) ở biển Đông. Ngay cả khi Thủ tướng lúc đó là Djuanda Kartawidjaja
tuyên bố vùng nước quần đảo của Indonesia năm 1957, Indonesia cũng không bao
gồm quần đảo Trường Sa vào. Indonesia không có bất kì tham vọng lãnh thổ nào
trong khu vực này.
Nếu các bên tranh chấp thực sự muốn giải quyết việc
nước nào sở hữu thứ gì và ở đâu, họ phải áp dụng các nguyên tắc chung của công
pháp và án lệ quốc tế tính từ ngày có phán quyết vụ Las Palmas / Miangas vào
năm 1928. Họ không thể sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm
1982 vì Công ước này không được vạch ra để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Thứ hai, nếu (chứ không phải khi) quyền sở hữu của
hàng trăm thể địa lí ở biển Đông được xác định thì việc thực hành kế tiếp sẽ là
việc phân định các vùng biển từ những thể địa lí này. Nguyên tắc luật pháp quốc
tế quy định rằng "đất thống trị biển", do đó, chiều rộng của bất kì
khu vực biển nào ở biển Đông phải được dựa trên việc quy từ đất ra.
Luật lệ áp dụng cho việc này nằm trong UNCLOS 1982,
cụ thể là Điều 15 (phân định lãnh hải), 74 (phân định vùng đặc quyền kinh tế
[EEZ]), 83 (phân định thềm lục địa) và 121 (quy chế về đảo).
Quy chế về đảo là một khía cạnh rất quan trọng của
luật biển trong việc xác định quyền được hưởng vùng biển của một đảo cụ thể.
Phái đoàn Trung Quốc tại phiên thứ 19 các thành viên nhà nước của UNCLOS nói
rằng theo điều 121 của UNCLOS, đảo đá (rock) nào không thể duy trì sự sống của
con người hay đời sống kinh tế sẽ không có EEZ hay thềm lục địa.
Vì hầu hết các thể địa lí có tranh chấp đều rơi vào
điều này, những gì có thể xảy ra sẽ là các "bong bóng" bao quanh vùng
lãnh hải 12 hải lí. Những bong bóng này có khả năng nằm cách xa khó mà chồng
lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở biển Đông.
Thứ ba, tất cả các bên tranh chấp đều đã làm cho các
tuyên bố chủ quyền của họ hết sức rõ ràng, tuy nhiên không có nước nào trong số
đó đã vạch ra tỉ mỉ cơ sở cho yêu sách của mình. Có lẽ lập luận của họ thiếu
căn cứ pháp lí nên tiết lộ ra sẽ là thảm hoạ.
Thứ tư, một trong các bên tranh chấp đã đưa ra một
mảnh bản đồ với một hình vẽ không nhất quán được biết với tên là đường 9 vạch.
Không nhất quán bởi vì đường đó không phải luôn luôn có 9 vạch. Đôi khi lại có
11 hoặc 10 vạch.
Đường nhiều vạch đó không liên tục. Các vạch có vẻ
không phải là đường phóng chiếu cho một vùng biển suy từ bất kì thể địa lí nào
ở biển Đông. Mảnh bản đồ mà trên đó đường 11/10/9 vạch được vẽ không có tọa độ,
không mốc quy chiếu cũng như không có hệ thống trắc địa.
Không ai có thể giải thích dứt khoát liệu bản đồ đó
nhằm thể hiện yêu sách chỉ đối với các thể địa lí hay đối với các thể địa lí
lẫn các vùng biển hay thậm chí đối với các thể địa lí, vùng biển lẫn biên giới
trên biển.
Trong vụ tranh chấp Burkina Faso - Mali toà quy định
rằng "Bản đồ [...] mà chỉ dựa trên sự tồn tại của một mình nó [...] không
thể tạo nên quyền sở hữu lãnh thổ". Trong việc phân xử vụ Eritrea kiện
Yemen, Tòa Công lí Quốc tế phán quyết rằng họ "không sẵn lòng với việc quy
ý nghĩa cho các đường chấm chấm. Các kết luận trên cơ sở này do Eritrea thúc
giục liên quan đến [...] bản đồ của họ không được chấp nhận".
Trong việc giải thích yêu sách của mình, Trung Quốc
đã sử dụng các thuật ngữ không có trong UNCLOS 1982, cụ thể là "vùng biển
liên quan" (relevant waters) và "vùng biển liền kề" (adjacent
waters). Các nhà bình luận Trung Quốc cũng nói rằng bản đồ này thể hiện quyền
lịch sử hoặc vùng nước lịch sử.
Tuy nhiên, trong UNCLOS 1982 chỉ có khái niệm vịnh
lịch sử (historic bay) và sở hữu / danh nghĩa lịch sử (historic title) liên
quan đến lãnh hải.
Thứ năm, vùng biển Indonesia trong khu vực đó được
đường bao ngoài của vành đai lãnh hải 12 hải lí chia thành hai phần. Đường bao
ngoài này phát sinh từ đường cơ sở quần đảo đã được nộp cho Liên Hiệp Quốc và
được coi là phù hợp với nguyên tắc quần đảo của UNCLOS 1982.
Vùng biển bên trong đường bao ngoài này là lãnh hải
của Indonesia và vùng nước quần đảo được gọi là biển Natuna. Vùng biển bên
ngoài đường bao ngoài này cho tới ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của
Indonesia là một bộ phận của biển Đông. Indonesia và Malaysia đã nộp hiệp ước
về phân định thềm lục địa của hai nước ở biển Đông cho Tổng thư kí Liên Hiệp
Quốc vào tháng 10 năm 1969.
Không một quốc gia đơn lẻ nào đã thách thức tính hợp
lệ của hiệp ước lâu 45 năm này [dù] hiệp ước này lấy đi một phần đáng kể của
biển Đông.
Thứ sáu, việc Indonesia tuyên bố chính mình là một
bên trong tranh chấp biển Đông vì có cái bản đồ 11/10/9 vạch sẽ là vô lí.
Như một vấn đề pháp lí, thực tế và logic cho thấy
rằng việc Indonesia sẽ bắt đầu phải che phủ công trình rất chính xác và đúng đắn
về mặt pháp lí của mình với một bản đồ không hoàn chỉnh, không chính xác, không
nhất quán và có vấn đề về mặt pháp lí là điều không thể hiểu được.
Indonesia đã bày tỏ lập trường về bản đồ nhiều vạch
đó trong công hàm gửi Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc vào ngày 08 tháng 7 năm 2010,
nêu rằng bản đồ đó thiếu cơ sở pháp lí quốc tế và tương đương với việc làm đảo
lộn UNCLOS 1982.
Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã tái khẳng định việc
Indonesia bác bỏ tính hợp pháp của bản đồ đó vào ngày 19/3.
Là một nước tuân thủ luật pháp quốc tế, Indonesia
luôn luôn bác bỏ bất kì đường nào trên vùng biển mà thiếu cơ sở theo UNCLOS
1982, như Hiệp ước Paris năm 1898[1] và bản đồ nhiều vạch này.
Trong lĩnh vực luật biển quốc tế, chúng không không
có chút giá trị pháp lí nào cả. Không có sự mơ hồ, chiến lược hay gì gì khác.
Thứ bảy, lập luận của một số nhà bình luận như Tiến
sĩ Murphy của Mĩ và Tiến sĩ Batongbacal của Philippines cho rằng Indonesia đã
đánh mất vai trò của mình như là trung gian hòa giải trong tranh chấp biển Đông
là một sai lầm không chữa được. Indonesia không phải là một "trung gian
hòa giải" vì tranh chấp chưa bước vào giai đoạn"hòa giải".
Không có bất kì nghi ngờ hợp lí nào là tranh chấp
hiện còn đang ở giai đoạn thảo luận, chưa phải hoà giải, theo Nhóm công tác
chung ASEAN - Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên
ở biển Đông mới vừa họp cuối tháng 3 tại Singapore.
Việc Indonesia không ngừng tạo thuận lợi trong tiếp
cận vòng hai có tên là Hội thảo về Quản lí xung đột tiềm năng ở biển Đông,
không nhằm định vị Indonesia như một trung gian hoà giải. Đó là một biện pháp
xây dựng lòng tin để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Sự tồn tại đơn thuần của một bản đồ không đầy đủ,
không chính xác, không nhất quán và có vấn đề về mặt pháp lí sẽ không buộc
Indonesia phải từ bỏ nỗ lực tạo thuận lợi trong xây dựng lòng tin cũng như
không đột nhiên làm cho Indonesia đánh mất niềm tin vào công trình chính xác
cao, đúng đắn về pháp lí và đã nộp cho LHQ về phân giới biển ở biển Đông của
mình.
A.H.O.
Dịch giả gửi BVN
[1] Hiệp ước giữa MĨ và Tây Ban
Nha theo đó đế quốc Tây Ban Nha nhượng quyền kiểm soát Cuba, nhượng Porto Rico,
nhiều phần của West Indies, đảo Guam và Philippines cho Mĩ. Liên quan tới
Philippines, hiệp ước này dính dáng tới tranh chấp đảo Palmas/Miangas mà trong
tài quốc tế đã có phán quyết nghiêng về Indonesia như tác giả có nhắc đến trong
bài. (ND)
No comments:
Post a Comment