Friday, 25 April 2014

ICJ : VIỆT NAM PHẢI DỠ BỎ HẠN CHẾ ĐI LẠI ĐỐI VỚI NGƯỜI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN (Defend the defenders)




April 25, 2014

Hôm nay, Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả lại hộ chiếu ngay lập tức cho nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Chí Dũng để ông có thể sang Mỹ tham dự cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ cuối tháng này.

*
Các Dân Biểu Loretta Sanchez và Zoe Lofgren đã mời ông Phạm Chí Dũng điều trần trước Quốc hội Mỹ về tự do truyền thông vào ngày 29.4.2014. Ông cũng có kế hoạch phát biểu tại cuộc hội thảo mang tên “Hướng tới nền truyền thông tự do ở Việt Nam” do các tổ chức phi chính phủ ở Washington tổ chức vào ngày 1.5.2014.

Tuy nhiên, ông sẽ không thể sang Mỹ được nếu nhà chức trách không trả lại hộ chiếu cho ông.

Hộ chiếu của ông Phạm Chí Dũng bị tạm giữ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Tp Hồ Chí Minh) ngày 1.2.2014, khiến ông không thể sang Geneva, Thuỵ Sỹ để tham dự một cuộc hội thảo về nhân quyền, được tổ chức bên lề một phiên họp do một cơ quan thuộc Hội đồng Nhân quyền LHQ tiến hành (nhằm xem xét thành tích nhân quyền của Việt Nam).

Nhà chức trách Việt Nam từng đưa ra cáo buộc là các “thế lực thù địch” đã lợi dụng sự kiện ở Geneva (vốn liên quan đến phiên họp thứ 18 của Nhóm Công tác Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Hội đồng Nhân quyền LHQ), mà ông Phạm Chí Dũng được mời tới và dự định có bài phát biểu, để “bôi nhọ” chính phủ Việt Nam.

Theo thông tin mà ICJ nắm được, ông Phạm Chí Dũng đã gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng Việt Nam, và đồng kính gửi cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Công an. Đơn khiếu nại của ông đã được chuyển cho Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh để điều tra thêm, song dường như đến nay nhà chức trách vẫn chưa có hành động đáng kể nào.

“Việc tiếp tục giữ hộ chiếu của ông Phạm Chí Dũng là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền của ông” – Sam Zarifi, giám đốc phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương của ICJ bày tỏ. “Thật đáng báo động là chính phủ Việt Nam lại sẵn sàng đi xa đến thể để đe doạ những người bảo vệ nhân quyền như ông Phạm Chí Dũng trong nỗ lực nhằm ngăn họ khỏi chia sẻ thông tin về tình hình nhân quyền ở Việt Nam với phần còn lại của thế giới.”

Với tư cách là một quốc gia đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, nhà chức trách Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của ông Phạm Chí Dũng. Hơn thế, Tuyên ngôn về Người Bảo vệ Nhân quyền (Declaration on Human Rights Defenders) mà Đại Hội đồng LHQ đã thông qua còn nêu rõ rằng tất cả mọi người đều có quyền nêu ý kiến cũng như thảo luận và thu hút sự chú ý đến việc tuân thủ nhân quyền.

Tuyên ngôn về Người Bảo vệ Nhân quyền còn quy định rõ là các nước phải có nghĩa vụ bảo đảm rằng những người bảo vệ nhân quyền được bảo vệ trước hành vi trả đũa do sự thực hành hợp pháp các quyền của mình khi nói về nhân quyền.

Tháng 10.2013, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tất cả các nước thành viên đảm bảo trách nhiệm giải trình trước mọi hành động đe doạ hay trả đũa nhằm vào những người tìm cách hợp tác với Liên Hợp Quốc và các cơ chế của nó.

“Là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền, chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải đảm bảo những chuẩn mực cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”, ông Zarif nói. “Việt Nam phải tiến hành những bước đi cụ thể để cho thấy là họ nghiêm túc đối với những cam kết về nhân quyền của mình.”


Liên hệ

Sam Zarifi, ICJ Asia-Pacific Regional Director, (Bangkok), t:+66 807819002,  e-mail: sam.zarifi(a)icj.org

Craig Knowles, ICJ Media & Communications, (Bangkok), t:+66 819077653, e-mail: craig.knowles(a)icj.org



No comments:

Post a Comment

View My Stats