Thanh
Phương - RFI
Thứ hai 07 Tháng Tư 2014
Sau ba tuần chiếm giữ Quốc hội để phản đối hiệp
định thương mại dịch vụ với Trung Quốc, sinh viên Đài Loan coi như đã giành
thắng lợi, khi hôm qua, 06/04/2014, chủ tịch Quốc hội Vương Kim Bình cam
kết sẽ không chủ trì các cuộc thảo luận mới nào ở Quốc hội cho đến khi nào đưa
ra một đạo luật về việc giám sát các hiệp định thương mại với Trung Quốc.
Ông Vương Kim Bình đã đưa
ra lời cam kết như trên khi đích thân đi vào tòa nhà Quốc hội để gặp gỡ các
sinh viên. Trước một cử chỉ được là « thiện chí » của chủ tịch
Quốc hội Đài Loan, một phát ngôn viên của phong trào sinh viên mang tên «
Hoa Hướng Dương » hôm nay tuyên bố, họ đang thảo luận với nhau về khả năng
chấm dứt chiếm đóng trụ sở Quốc hội.
Ngay cả những người ủng
hộ phong trào sinh viên cũng đã kêu gọi họ nên rời khỏi tòa nhà Quốc hội. Báo
chí Đài Loan hôm nay cũng dự báo là sau nhân nhượng hôm qua của chủ tịch Quốc
hội Vương Kim Bình, các sinh viên sẽ chấm dứt việc chiếm đóng tòa nhà này.
Nhưng cũng có những thông tin chưa được xác nhận cho biết là một số thành phần
cực đoan trong trong phong trào sinh viên vẫn dứt khoát không chịu rút đi.
Khoảng 200 người biểu
tình, dẫn đầu là các sinh viên, đã chiếm đóng tòa nhà Quốc hội Đài Loan từ ngày
18/03 và đã được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, có lúc đã có đến hơn 10
ngàn người kéo đến tập hợp bên ngoài để yểm trợ tinh thần cho họ.
Nhưng trong nhiều ngày,
chính phủ của Quốc dân đảng dứt khoát không nhượng bộ, vì theo lời tổng thống
Mã Anh Cửu, việc không thông qua hiệp định thương mại với Trung Quốc sẽ là một
bước lùi trong nỗ lực của Đài Loan ký kết thêm các hiệp định tự do mậu dịch,
nhằm qua đó tránh nguy cơ bị cô lập trong bối cảnh mà nhiều khối kinh tế khu
vực đang hình thành.
Hiệp định thương mại về
mở cửa khu vực dịch vụ giữa Đài Loan với Trung Quốc là bước kế tiếp Hiệp định
Khung Hợp tác Kinh tế ký kết vào năm 2010 nhằm giảm bớt các hàng rào mậu dịch
giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Đến ngày 30/03, hàng chục
ngàn người đã xuống đường ở Đài Bắc để đòi tổng thống Mã Anh Cửu rút lại hiệp
định thương mại, mà theo họ sẽ gây tổn hại cho kinh tế Đài Loan và khiến nước
này dể bị áp lực chính trị từ phía Trung Quốc.
Trước một phong trào biểu
tình rầm rộ như vậy, tổng thống Mã Anh Cửu đã đồng ý với yêu cầu của các sinh
viên là đưa ra một đạo luật để giám soát toàn bộ các hiệp định thương mại với
Trung Quốc. Nhưng những người biểu tình đã bác bỏ đạo luật đó. Chỉ đến khi chủ
tịch Quốc hội Vương Kim Bình đưa ra cam kết hôm qua với sinh viên, người ta mới
lấy lóe lên hy vọng là bế tắc sẽ được giải toả.
Tóm lại, có thể nói là
trong cuộc đọ sức với chính quyền Đài Bắc, sinh viên Đài Loan đã giành chiến
thắng bởi vì phong trào của họ phản ánh mối quan hệ của người dân nước này, thể
hiện qua một kết quả thăm dò có đến gần 60% người dân Đài Loan muốn thương
lượng hiệp định thương mại dịch vụ với Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment