Posted by News on April 1st, 2014
Cũng như phần đầu, phần 2 này tiếp tục cung cấp cho
độc giả nhiều bài viết tập trung làm rõ hậu quả to lớn, lâu dài, ảnh hưởng đến
nhiều mặt từ hệ thống “bê bao”, làm lúa vụ 3. Đó chính là những thực tế sống
động, khách quan trong suốt 10 năm qua.
Người viết chỉ là kẻ chủ yếu tiếp thu những thông
tin, kiến thức đó, tập hợp lại để tiện cho độc giả theo dõi. Ngoài khẳng định
mạnh dạn như tựa đề và phần đầu, bài này chỉ đưa thêm vài gợi ý mà các bài báo
được dẫn ra có thể chưa nói đến.
Một gợi ý, là với một vấn đề quá lớn liên quan thủy
lợi cả một vùng châu thổ mênh mông của đất nước, thiết tưởng nhà nước phải rất
cẩn trọng để tiến hành các bước đi đầy đủ xung quanh quyết định của mình. Có
thể hình dung nó như sau:
Nghiên
cứu/đề xuất => Ra quyết định => Tạo khung pháp lý => Thực hiện =>
Nghiên cứu tiếp => Tổng kết => Điều chỉnh/Sửa sai
Thế nhưng, nếu như đúng là cần đến quy trình nêu
trên, thì đã thấy ngay rất nhiều lỗ hổng khổng lồ. Ví như văn bản quan trọng
nhất là Quyết
định số 99-TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 9/2/1996, trong đó nêu
ngay đầu tiên việc ra quyết định này là “Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ:
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính”.
Vậy thì tất cả các Ủy ban nhân dân các tỉnh của Vùng
đồng bằng Sông Cửu Long có “đề nghị” hay không, hay là họ … không thống nhất?
Đó là chưa nói tới ông Bộ Tài nguyên Môi trường, chẳng hiểu là do không lường
trước tác động môi trường ghê gớm, ảnh hưởng “tài nguyên nước” nghiêm trọng,
hay vì “ông ta” không tán thành, mà cũng không thấy có mặt?
Bên cạnh đó, việc chỉ với bản “Quyết định” như thế
thôi, để đi tới thực hiện một dự án khổng lồ trong suốt gần 20 năm qua, cũng là
một sự lạ. Đồng thời, cũng liên quan tới tính pháp lý, là sau khi ra quyết
định, liệu có được những văn bản pháp quy gì để điều chỉnh mọi hành vi liên
quan tới các công trình thủy lợi nêu trong quyết định, đặc biệt là “đê bao”?
Thử hình dung, trong suốt gần 20 năm đó, không biết
bao nhiêu triệu tỉ đồng từ nhà nước và dân phải bỏ ra cho hệ thống này,
nay vẫn chưa nghe được tổng kết, thế mà lại chỉ được điều chỉnh bằng vài văn
bản vừa yếu, vừa mơ hồ trong vài nội dung liên quan, như Luật Xây dựng, Luật Đê
điều, còn Luật Thủy lợi thì vẫn đang dự thảo từ nhiều năm qua. Trong suốt thời
gian đó, có kẻ nào bị xử lý, đi tù trong việc thực hiện đại dự án đó với “đê
bao”, “đường giao thông nông thôn”, “Chương trình nông thôn mới” … bằng việc
căn cứ vào các văn bản vừa dẫn chưa?
Chính một phần rất quan trọng nêu trên không được
nghiêm túc thực hiện, đã và sẽ dẫn tới việc không tính được hiệu quả kinh tế
khi phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ, xem có thực là “lãi” hay “lỗ”. Riêng
về tác động tới môi trường, thiệt hại về thủy sản, đời sống văn hóa biến dạng
thì có lẽ chẳng thể tính nổi.
Và, một điều đang canh cánh nhức nhối trong lòng 90
triệu người dân Việt Nam hiện nay, là vấn đề THAM NHŨNG. Với kiểu làm việc nặng
về mệnh lệnh chính trị, nhẹ về tính pháp quy và khoa học như vậy, có bao nhiều
tỉ đồng đã rơi vào tay những “Nhóm lợi ích”, từ trung ương tới thôn xã, ngay từ
những năm còn chưa ai nói tới khái niệm này, và có thể với ngay trong cả những
nhà khoa học, nhà báo … tham gia minh họa cho cái quyết định chính trị “vĩ đại”
đó.
Một gợi ý nữa, là với cái hệ thống “vĩ đại” đó, đã
kéo theo những hệ thống đê bao khác, vĩ đại không kém, buộc phải thực hiện vì
hậu quả của “đê bao” nông thôn, để bảo vệ toàn bộ các đô thị liên quan, đang
ngày càng mọc lên như nấm. Lại nữa, là toàn bộ các công trình xây dựng trong
các đô thị đó đều phải chạy theo đáp ứng với tình trạng lũ, triều dâng lên cao
hơn do “đê bao” nông thôn nay đã không thể kiểm soát nổi rồi. Bởi vì đê bao đô
thị đương nhiên không đáng tin cậy, không giải quyết kịp tình trạng úng ngập …
Thế rồi như một vòng luẩn quẩn bi hài mang tầm …
thiên niên kỷ, các đô thị này tiếp tục chạy đua trong tuyệt vọng, phải xây cho
cao hơn nữa đế đối phó với tốc độ lún sụt đặc thù của cả một vùng châu thổ lầy
trũng, nền móng yếu, để cuối cùng không có cách nào khác là một hệ thống đê
khổng lồ như … Hà Lan.
Tất cả chi phí đó là bao nhiêu, để cho cái mục tiêu
hàng đầu, chính yếu là “lúa vụ 3″? (Phải nhấn mạnh lúa vụ 3, bởi vì các mục
tiêu khác đều có thể thực hiện theo cách khác, không phải là “đê bao”).
Những gì nêu trên chắc không thể giúp cho thói quen
“đổ tại” dễ dàng tái diễn; như bảo là “đê bao”, “lúa vụ 3″ tràn lan gây hậu quả
xấu là do nông dân, do địa phương, do bọn tham nhũng, … còn “quyết định” của
trên thì luôn đúng đắn, y như tất tật đường lối chính sách của đảng.
—
LUẬT
- Luật
Xây dựng (2003). – Luật Đê điều (2006). “c) Quy hoạch đê sông, đê cửa sông,
đê bối, đê bao và đê chuyên dùng phải bảo đảm an toàn ứng với mực nước lũ thiết
kế và có giải pháp để bảo đảm an toàn đê khi xảy ra lũ lịch sử; phải có sự phối
hợp giữa các địa phương trong cùng một lưu vực, không ảnh hưởng đến quy hoạch
phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và cả hệ thống sông.”
- QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI XÂY
DỰNG DỰ ÁN LUẬT THỦY LỢI - BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN (8/2/2014). – Dự
thảo đề cương: Luật Thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi [20/12/12]. – PHÁP LỆNH Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của Ủy
ban Thường vụ quốc hội (2001).
—
SÁCH,
BÁO, ĐỀ TÀI
- Bất cập trong sống chung với lũ ở ĐBSCL (Sài Gòn GP,
21/6/2005). “Cách nay gần 30 năm, bà con nông dân An Giang có sáng kiến đắp
đê bao để bảo vệ lúa hè-thu khi mùa nước nổi. Đến giờ, ĐBSCL chằng chịt đê bao,
đủ loại, đủ kiểu. Lúa có cách của lúa, vườn có cách của vườn, phố có kiểu của
phố, mạnh ai nấy làm, với lý do là bảo vệ mình, lợi cũng có mà thiệt cũng
nhiều…”
“Trong khi chưa có một quy hoạch nào về đê bao, thì
kế hoạch thủy lợi đến năm 2010 do Bộ NN-PTNT xây dựng, sẽ tiến hành bao đê bảo
vệ các thị trấn, thị xã và thành phố như Tam Nông, Hồng Ngự (Đồng Tháp), Long
Xuyên, Châu Đốc (An Giang)… đồng thời bao đê bảo vệ vườn cây ăn trái ở Đồng
Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long. “
“Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng đê bao
triệt để là có hại và hoàn toàn không ủng hộ.”
“Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Dương Văn Nhã – Trường
ĐH An Giang (công trình nghiên cứu duy nhất về đê bao ở ĐBSCL tính đến thời
điểm này), ô nhiễm là vấn đề phức tạp trong khu vực có đê bao triệt để.”
“Câu hỏi đặt ra là tại sao không nghiên cứu kỹ lưỡng
và xây dựng quy hoạch khoa học đê bao ở ĐBSCL, trên cơ sở kinh nghiệm và thực
tiễn đã qua?”
- NGUYỄN VIẾT THỊNH (ĐH Tiền Giang): Cần xem lại những đê bao ở ĐBSCL (Tuổi trẻ, 21/10/2005). “Điều
cần bàn hơn hiện nay là điều kiện tự nhiên vốn rất tốt của đồng bằng sông Cửu
Long đã và đang bị bàn tay qui hoạch không hợp lý của con người làm cho méo mó.
Con sông vốn hiền lành đang dần trở nên hung dữ vì bị đê bao ngăn chặn…”
“Mô hình nhà nổi (ở khu vực sông La Ngà, Đồng Nai
chẳng hạn) cần được xem xét, nghiên cứu áp dụng để thay thế mô hình cụm, tuyến
dân cư tránh lũ vốn không hiệu quả, không thực tế như hiện nay.”
- Đồng Tháp: đê bao nuôi muỗi (Tuổi trẻ, 24/10/2005).
- Sách của Văn Nhã Dương: Tác động đê bao đến đời sống kinh tế xã hội và môi trường,
NXB Nông nghiệp 2006.
- ThS.NCS.Nguyễn Phú Quỳnh, GS.TSKH. Nguyễn Ân
Niên,Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Đê Bao đồng bằng sông Cửu Long có tính đến ảnh hưởng của biến
đổi khí hậu (climategis.com).
- ĐBSCL: Khuyến cáo nông dân không làm lúa vụ 3 (Sài Gòn GP,
25/7/2007). “… sản xuất liên tục lúa vụ 3 đã gây những tác động xấu đến môi
trường; đất bị bạc màu, mầm dịch bệnh đặc biệt là rầy nâu và bệnh vàng lùn xoắn
lá luôn tồn tại trên đồng ruộng.”
-
Trần Đăng Hồng-Kỹ-sư Canh Nông tại Sài Gòn, MSc và PhD tại Đại Học Reading, Anh
Quốc: Thử tìm giải pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long: Phần
1. Kinh Nghiệm Hoà Lan (The Netherlands) (vietsciences.free.fr,
27/11/2009). – Phần 2. Kinh nghiệm Mississippi. – Phần 3. Bangladesh. - Phần 4. Kinh nghiệm châu thổ Sông Hồng. - Phần 5.
Đồng bằng sông Cửu Long: Môi trường và hệ thống sông rạch thiên nhiên.
– Phần
6. Kinh đào và các biện pháp thủy lợi. – Phần 7:
Thách thức với lũ lụt. – Phần 8:
Thách thức với biển cả. – Phần
9: Đề nghị vài biện pháp.
- VÂN TRƯỜNG: Học kinh nghiệm từ dòng sông Mississippi, Mỹ: Giải cứu lưu vực
sông Mekong (Tuổi trẻ, 11/12/2009).
- Chinh Phục – Hồ Hùng: Mêkông, nhìn từ chuyện Mississippi! (Thời báo KTSG,
17/12/2009). “Còn phía hạ lưu, tại ĐBSCL, những năm qua hàng loạt kênh đào
để tháo chua, thoát lũ, tưới tiêu, phục vụ giao thông… đã xóa xổ gần hết các
rừng tràm trong đất liền; đê bao khép kín chống lũ, ngăn mặn, khai thác đất
nuôi tôm… đã làm cho rừng ngập mặn ven biển còn lại rất mỏng. Tình hình này
khiến người ta hình dung ngay những gì đã diễn ra ở sông Mississippi trong bốn
thập niên vừa qua!”
- Trị thủy Sông Mississippi (Bách khoa tri thức).
- Kỳ tích đê sông Hồng – Kỳ 1: Dời đô và đắp đê (Tuổi trẻ, 26/9/2010). – Kỳ 2: Những trận vỡ đê lịch sử. – Vụ án đê Yên Phụ. – Kỳ 4: Những tranh luận trên đê sông Hồng.
- GSTS Nguyễn Ngọc Trân: GHI NHẬN VỀ HÀ LAN ĐỐI MẶT VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN
DÂNG 1 (17/1/2011).
- Chiều theo con nước? (RFA, 23/5/2011).
- Từ chiếc nhà phao “sống chung với lụt”… (Tuổi trẻ,
5/10/2011).
- Từ giã đê bao khép kín đồng bằng Cửu Long? (RFA,
5/10/2011). “Hệ thống đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long sau hơn một
thập niên triển khai đã cho thấy lợi bất cập hại.“
- Nguyễn Văn Kiền, Giảng viên Đại học An Giang,
nghiên cứu sinh về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL tại Đại học Quốc gia Úc: Biến đổi khí hậu và phát triển đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL (Thời
báo KTSG, 15/10/2011). “Thực tế này đặt lại vấn đề nên chăng phát triển đê
bao khép kín ồ ạt để sản xuất lúa vụ ba như hiện nay trong viễn cảnh biến đổi
khí hậu ở ĐBSCL?”
- NGUYỄN VĂN KIÊN (giảng viên Đại học An Giang,
nghiên cứu sinh Đại học Quốc gia Úc): Liệu có nên tăng diện tích đê bao 3 vụ
như hiện nay chăng?- Nghĩ về phát triển đê bao đồng bằng sông Cửu Long (Tuổi
trẻ, 16/10/2011). “Một trong những động cơ cho việc xây dựng đê bao triệt để
là để hình thành những vùng sản xuất lúa vụ 3 nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh
lương thực và xuất khẩu để cải thiện đời sống nông dân, phục vụ giao thông nông
thôn. Hơn 50% sản luợng gạo được xuất khẩu hàng năm là từ ĐBSCL.”
- Mùa nước nổi: xưa và nay (Tuổi trẻ, 18/10/2011). “Làm
lúa vụ 3 lời ít hơn hai vụ lúa kia, nếu giá cả bấp bênh có khi còn lỗ vốn. Thêm
nữa, khi đắp đê thì trong vùng bao đê sẽ mất đi nguồn cá, đất đai mất nguồn phù
sa quý giá. Cỏ dại, sâu bệnh lưu cữu trên đồng làm tăng thêm chi phí cho các vụ
lúa sau. Nhưng vì đó là chủ trương của Nhà nước nên dù muốn dù không cũng phải
làm theo.”
- Phỏng vấn TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nguyên chủ nhiệm dự án Quy hoạch kiểm soát lũ
ĐBSCL: “Xin đừng gọi là đê bao chống lũ triệt để” (Lao động,
8/12/2011). Phóng viên: “Nhưng liệu đê bao có tách ĐBSCL ra khỏi sông Mekong
như đồng bằng sông Hồng đã từng tách khỏi sông Hồng như có nhiều ý kiến cảnh
báo?”, “Nhưng thực tế không ít nơi cho thấy đê bao đang là “gánh nặng”?”
- Đề nghị xây dựng đê bao khép kín (Cần Thơ, 22/3/2012). “Cử
tri huyện Phong Điền phản ánh, vừa qua Chính phủ và thành phố có chủ trương, kế
hoạch phân bổ kinh phí củng cố đê bao khép kín…”
- Sống
theo cơn nước đầu nguồn (Sài Gòn GP, 10/10/2012).
- Ứng phó biến đổi khí hậu: ĐBSCL phải bảo vệ lúa và thủy sản
(6/12/2012). ““ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn của cả nước, mà còn cung cấp
một lượng lớn gạo cho xuất khẩu, tuy nhiên, trong vấn đề quy hoạch sản xuất cần
phải tính đến yếu tố cơ cấu lịch thời vụ cho đúng bởi vì nếu chúng ta không
tính đến yếu tố này mà đấp đê bao, tăng vụ sẽ rất nguy hiểm”, ông Trân cho
biết.”
- Phỏng vấn thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia về
đất ngập nước thuộc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (WWF): ĐBSCL: Nếu đê bao vỡ, thiệt hại rất lớn (Dân Việt,
18/12/2012). “Nhiều đê bao khép kín ở khu vực ĐBSCL hiện nay đã quá lạm dụng
việc “chống lũ triệt để” chứ không còn là “đê bao kiểm soát lũ”. Thế nên, khi
tình trạng vỡ đê xảy ra thì hậu quả sẽ khó có thể lường nổi.”
- Nước lũ dâng do xây đê bao tràn lan (Tuổi trẻ, 22/12/2012).
“… tình trạng một số địa phương và người dân trong vùng ĐBSCL tự xây dựng hệ
thống đê bao, bờ bao tràn lan không theo quy hoạch đã làm mực nước lũ hằng năm
dâng cao, chất lượng môi trường bị biến đổi mạnh gây khó khăn cho quy hoạch
phát triển chung toàn vùng.”
- Cần cân nhắc sản xuất lúa vụ 3 (Thanh niên, 31/12/2012). “…
việc mất vai trò điều tiết nước tự nhiên, xâm nhập mặn sẽ ngày càng lấn sâu
hơn. Đó là những vấn đền cần phải nhìn nhận trong việc sản xuất lúa vụ 3.”
“Theo ông Nguyễn Minh Nhị, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh
An Giang, tính tự phát được phát huy tối đa trong quá trình phát triển ở ĐBSCL
những năm qua. Ngay cả các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng toàn đi đến đâu nghĩ đến
đó mà không có khoa học dẫn đường. Như vậy thì không thể phát triển bền vững
được.”
- Cần đánh giá lại việc sản xuất lúa 3 vụ (Đại học Cần Thơ).
- Sản
xuất lúa vụ 3: Cân nhắc được, mất vùng “túi lũ” (Sài Gòn GP, 3/1/2013).
- Mai Ngọc: Vựa lúa ĐBSCL đang đánh đổi những gì? (Diễn đàn ĐT,
28/3/2013).
- GS.TS. Trần Như Hối và KS. Lê Khánh Chiên – Viện
khoa học Thủy lợi miền Nam: Một
số nhận xét về hệ thống đê bao, bờ bao kiểm soát lũ hiện nay ở vùng ngập lũ
ĐBSCL (23/4/2013). “…bên cạnh những tác động tích cực, vẫn tồn tại nhiều
mặt tiêu cực, do hệ thống đê bao hiện nay chưa được đồng bộ do hầu hết đều
thiếu cống, chất lượng lại thấp và thiếu linh hoạt, thiếu sự quản lý vận hành
một cách khoa học nên phát huy hiệu quả chưa cao.”
- Một hạt lúa cõng bao nhiêu phí? (Tuổi trẻ, 27/5/2013). “Gần
đây, để tăng thêm sản lượng lúa, các địa phương đã mở rộng diện tích trồng lúa
vụ ba, buộc nông dân đóng góp xây dựng đê bao, làm cống bửng. Thế rồi hệ thống
đê bao khép kín để tăng vụ ấy càng làm tăng thêm chi phí trong canh tác, thu
hoạch. Gánh nặng cứ thêm chất chồng.”
“Lợi nhuận từ trồng lúa vốn đã không đủ trang
trải cuộc sống, làm vụ ba lại phải đóng góp làm đê bao, thủy lợi… càng chất
chồng thêm khó khăn cho nông dân.”
- Sản xuất lúa vụ 3: Mất nhiều hơn được (Dân Việt, 8/6/2013).
- Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ): Thấm đòn lúa vụ ba (Tuổi trẻ, 27/8/2013).
- Mike Ives – Yale Environment 360: Tác động môi trường từ hệ thống thủy lợi ĐBSCL (Tia sáng,
30/8/2013).
-
Bộ NN-PTNT: Lúa vụ 3 lợi nhiều hơn hại (TBKTSG, 26/10/2013). – Nông dân lại nói làm lúa vụ 3 hại nhiều hơn lợi (TBKTSG,
10/11/2013).
- Không bỏ lúa vụ ba mà còn tăng diện tích (RFA, 1/11/2013).
- Nông dân tâm sự trồng lúa vụ 3 (Đại biểu ND, 16/11/2013).
- Mai Thanh Truyết: NƯỚC LÀ NGUỒN SỐNG VIỆT NAM (9/12/2013). “Xã hội chủ
nghĩa của Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện
tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân ĐBSCL
phải gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không
có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ
Mékong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông
hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm làm
đầy hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.”
- Các
tổ chức về môi trường cùng hành động chống việc xây đập ở Lào (VOA). – Việt
Nam cần nỗ lực chống đập Don Sahong tại Lào (RFI).
- Nhiều nguyên thủ tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong (Pháp
luật TPHCM, 1/4/2014).
- Đầu tư 11.000 tỷ đồng xây đê bao chống ngập cho TP HCM
(VNExpress). – Xây đê bao khép kín quanh TP.HCM (Tuổi trẻ, 3/11/2010). – Chống ngập bằng đê bao khép kín (Tuổi trẻ, 19/11/2010). Các
đô thị phải “chạy theo” đê bao nông thôn.
—–
BÀI
LIÊN QUAN
-
Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử
cận đại (1) (Đảng Xanh - 22/3/2014).
-
Lê Phú Khải: ĐÊ BAO Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG KHÔNG SAI LẦM “VĨ ĐẠI” NHƯ TÁC
GIẢ ĐẢNG XANH ĐÃ PHÁN! (Ba Sàm - 29/3/2014).
Theo Từ điển tiếng Việt, thì nghĩa của “PHÁN” là: nhận
xét, phát biểu với giọng kẻ cả, trịch thượng (Trung tâm Từ điển học, 2007,
tr. 1190). Để tránh cho không khí tranh luận bị mất đi tính ôn hòa, lịch sự,
cởi mở và bình đẳng, xin không bàn về vấn đề này.
-
Những SAI LẦM với Dân nhưng ĐÚNG ĐẮN với Đảng (Đảng
Xanh -
29/3/2014).
KS
Doãn Mạnh Dũng: Từ
thóat lũ ra biển Tây đến cảng cửa ngõ Trần Đề (KTB) 29-3-2014
-
Tô Văn Trường: Nói
lại cho rõ về đê bao – bờ bao (1/4/2014).
No comments:
Post a Comment