Wednesday, 9 April 2014

CALIFORNIA CÓ HƠN 15 TỶ THÙNG DẦU LỬA NHƯNG RẤT KHÓ KHAI THÁC (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát / Người Việt (Tổng Hợp)
Monday, April 07, 2014 6:59:38 PM

Trong những tầng đá phiến thạch ở vùng đất gọi là Monterey Foundation miền Trung California, có trữ lượng dầu lửa lớn nhất toàn quốc, ít nhất là 15 tỷ thùng và có thể trên 30 tỷ thùng, nhưng rất khó khai thác có lợi về mặt kinh tế.


Một mạch đá phiến thuộc hệ địa chất Monterey Formation trồi lên mặt đất tại Santa Barbara County. (Hình: CSULB)

Monterey Foundation nằm dưới một diện tích 1,750 dặm vuông (4,480 km2) trong phần phía Nam Thung Lũng Trung Tâm (San Joaquin Valley), vùng nông nghiệp quan trọng nhất của tiểu bang California. Khu vực chính của Monterey Foundation là từ Bakersfield đến Fresno, những khu vực khác nhỏ hơn rải rác tại Santa Barbara County, Ventura County,...

Hai khu vực quan trọng ở nội địa Hoa Kỳ hiện nay đang được khai thác dầu khí từ phiến thạch  là Bakken Formation, North Dakota và Eagle Ford Formation, Texas,  đều chỉ có trữ lượng dưới 4 tỷ thùng dầu thô.

Về phương diện địa chất, phiến thạch được cấu tạo từ các trầm tích dưới tác động của  nhiệt và áp lực, ép thành nhiều phiến mỏng, dễ bị phá vỡ khi chịu sức dồn nén sau đó qua lịch sử hàng triệu năm của Trái Đất.

Dầu thô nằm xen giữa các lớp đá phiến thạch đã được biết đến từ lâu nhưng chỉ trong vòng 5 năm gần đậy mới có thể khai thác hiệu quả nhờ kỹ thuật khoan xiên và phương pháp được gọi là 'fracking',  tên gọi tắt của 'hydraulic fracturing' nghĩa là bẻ gẫy bằng thủy lực. Người ta  bơm xuống  một hỗn hợp nước, cát, cùng các hóa chất và dùng áp lực mạnh để phá vỡ các vách đá phiến.

'Fracking' cần thiết khi những ngăn dầu nằm xen giữa hai lớp phiến thạch quá ít, nếu phải lấy dầu ở từng  ngăn bằng cách khoan một giếng thì quá tốn kém vì phải khoan quá nhiều giếng.  Vì vậy trước hết cần bẻ gẫy các lớp phiến thạch để giải thoát dầu kẹt giữa các vách đá.

'Fracking' cho đến nay ít được sử dụng ở California, nhưng nếu muốn khai thác dầu ở Monterey Formation thì bắt buộc phải dùng pương pháp này hay những cách tương tự với cùng mục đích là phá vỡ các lớp đá phiến. Các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng phương cách này gây nhiều hậu quả tai hại, phải sử dụng đến quá nhiều nước và sau đó nước thải chứa các hỗn hợp độc hại gây ô nhiễm các mạch nước ngầm. Cũng có lập luận cho rằng phương pháp này có thể gây ra những địa chấn nhỏ gọi là 'frackquake', căn cứ theo kinh nghiệm đã đo lường được ở Arkansas, Oklahoma, Pennsylvania. Tại California, khu vực dầu lửa Monterey Formation nằm ngay bên cạnh San Andreas Fault, đường nứt giữa mảng lục địa Bắc Mỹ và Thái Bình Dương đã phát sinh những trận động đất lớn và luôn luôn là mối đe dọa đáng lo ngại cho miền Nam tiểu bang.

Các công ty dầu lửa bảo đảm là họ áp dụng những kỹ thuật và biện pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro, nhưng chỉ Hoa Kỳ có đủ trình độ kỹ thuật khai thác dầu bằng 'fracking'. Phương pháp này gặp sự phản đối mạnh mẽ tại nhiều nước Âu Châu. Nga có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào chưa cần khai thác đến dầu khí trong đá phiến mà theo dự đoán có thể trữ lượng rất lớn, nên cũng là một trong những nước không dùng 'fracking'. Trung Quốc cũng là nước có nhiều dầu khí trong đá phiến và đang ở giai đoạn đầu của việc thăm dò khai thác.

Theo một nghiên cứu do các công ty dầu khí tài trợ, năm ngoái Đại Học USC đưa ra một phúc trình nói rằng sản lượng dầu lửa California sẽ tăng lên gấp 7 lần nếu khai thác dầu lửa không quy ước. Hầu hết các mỏdầu California đã khai thác từ 100 năm bằng phương pháp quy ước,  hiện nay đã gần cạn và người ta có thể gặp rất nhiều giếng dầu với những “con cò” (pumpjack) không còn gật gù hoạt động. Nếu dầu ở Monterey Formation   được khai thác, tới năm 2020 tiểu bang sẽ có thêm 2.3 việc làm và tổng sản lượng quốc dân GDP tăng 14%, thuế thu được cho công quỹ trên $20 tỷ.

Nhưng trên thực tế và theo một số phân tích khác thì viễn tượng không dễ dàng và lạc quan như vậy. Tầng đá phiến thạch ở Monterey Formation có những nơi nằm sâu tới 12,000 feet dưới mặt đất và cấu tạo rất phức tạp do tác động của các hoạt động địa chấn ở California. Một giếng dầu quy ước, có thể thấy tại Bakersfield hay phía Bắc đèo Tejun cạnh xa lộ liên bang số 5 từ Los Angeles đi Sacramento, sâu 1,000 feet,  tổn phí khoan khoảng  $100,000. Còn khoan một giếng dầu thăm dò ở Monterey Formation có thể tốn kém tới $5 triệu mà kết quả có thể là giếng khô.

Các công ty dầu lửa cũng phải thuê đất  của các nông trại, giá thuê một mẫu từ mấy dollars một acre năm 2007 lên tới $500 sau năm 2010. Các giếng dầu cũng sẽ tiêu thụ một lượng nước rất lớn đã được chia cho các nông trại và do đó phải trả rất nhiều tiền cho nông dân nếu như họ đồng ý. Đất của nông nghiệp như thế sẽ mất nhiều vì mỗi giếng dầu phải chiếm diện tích từ 1 đến 2 acres và từ 2010 đến bây giờ đã có gần 300 giếng dầu được khoan dò. Nông dân phàn nàn về tình trạng ô nhiễm do dầu, hóa chất chảy ra trên mặt dất và khí methane bay lên trong không khí. Nếu sau này có hàng ngàn giếng dầu khác được khoan, nhiều nơi ở San Joaquin Valley sẽ không còn là các nông trại xanh tươi nữa.

Mặc dầu tất cả những tốn kém và khó khăn như thế, các công ty dầu lửa vẫn hy vọng vào trữ lượng khổng lồ trong các mạch đá phiến để tìm cách khai thác. Hai vấn đề chính chưa giải quyết được từ mấy năm qua là kỹ thuật và điều kiện khả thi về mặt kinh tế. Nhưng viễn ảnh về lợi nhuận quá lớn trong tương lai khiến cho những nỗ lực nghiên cứu và công tác thăm dò thực tế vẫn tiến triển mạnh. Ban đêm đi trên đường 5 hay đường 99 từ Nam lên Bắc California người ta nhìn thấy ở chân trời những nơi sáng rực như sân vận động, tại đó xe tải cùng các thiết bị nặng hoạt động suốt đêm và các công nhân khoan đào hết giếng này đến giếng khác hãy còn với mục tiêu thăm dò. Và kết quả của những nổ lực này  đi đến đâu,  mấy năm nữa mới biết đươc.  (HC)




No comments:

Post a Comment

View My Stats