Wednesday, 9 April 2014

CÁCH THỨC ĐẢNG CSVN BIẾN ĐẤT NƯỚC THÀNH MỘT TỈNH CỦA TRUNG QUỐC (Nguyễn Chính Kết - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ tư, 09 Tháng 4 2014 21:18

Qua những sự kiện đang xảy ra trước mắt tại Việt Nam, người dân tinh ý hẳn nhiên phải nghi ngờ hay ít ra phải đặt câu hỏi: Phải chăng Việt Nam đang trên đường trở thành một tỉnh của Trung Quốc dưới sự điều động, tiếp tay của bộ chính trị đảng CSVN và với sự đồng lõa của Quốc hội và nhà nước CSVN?

Làm sao không nghi ngờ được khi mà suốt nửa thế kỷ nay, đảng CSVN đã liên tục có những hành động hết sức thuận lợi cho tham vọng bành trướng của Trung cộng về phía Việt Nam, nhưng lại vô cùng nguy hiểm cho tương lai dân tộc Việt?

Những hành động tiếp tay cho Trung cộng ấy, nhiều trang web lề trái đã đưa tin mà chúng ta có thể tổng hợp lại như sau:

− CSVN công nhận chủ quyền của Trung cộng trên quần đảo Hoàng Sa + Trường Sa qua công hàm bán nước mà Hồ Chí Minh ra lệnh cho Phạm Văn Đồng ký năm 1958.

‒ Vào thập niên 2000, Đảng CSVN đã lén lút ký mật ước nhượng hàng chục ngàn cây số vuông đất ở vùng biên giới phía Bắc và hàng trăm ngàn cây số vuông biển ở vịnh Bắc bộ cho Trung Quốc. Người dân nào tìm cách điều tra, tìm hiểu sự thật về hành động ám muội này của đảng, hoặc công bố sự thật này lên đều bị khủng bố hoặc bị đưa vào tù như trường hợp của Lê Chí Quang, Bùi Minh Quốc… Việc cố tình che dấu hành động này chứng tỏ đảng CSVN rất ý thức đó là một hành động phản quốc, bán nước, hại dân, nhưng họ vẫn quyết tâm “minh tri cố phạm”.

‒ Cũng trong thập niên 2000, CSVN cho Trung Quốc mở những đường hoả xa vào Việt Nam. Đây cũng là một cách dọn đường hay chuẩn bị cho Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, để họ có sẵn phương tiện chuyên chở quân đội và vũ khí vào Việt Nam. Việc mở rộng Đường mòn Hồ Chí Minh với quy mô từ 2 đến 8 làn xe dọc theo biên giới phía Tây Việt Nam cũng rất thuận lợi cho các đoàn xe của Trung cộng tiến thẳng vào Tây Nguyên cũng như vào Sàigòn.

− Năm 2007, CSVN cho Trung cộng vào Tây Nguyên để khai thác Bauxít bất chấp điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho Trung cộng đánh chiếm Việt Nam. Vì Tây Nguyên là một vị trí chiến lược rất quan trọng tại Việt Nam đúng như nhận định của Tướng Pháp De Lattre De Tassigny: “Ai làm chủ được vùng Tây Nguyên và Hạ Lào thì sẽ làm chủ được chiến trường Đông Dương”.

‒ Cho người Trung Quốc vào Việt Nam không cần visa khiến họ có thể dễ dàng xâm nhập vào toàn cõi Việt Nam để sinh sống, lập nghiệp, khiến hiện nay người Tầu đã lập nên những khu phố Tầu nhan nhản khắp Việt Nam như ở Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, v.v… với những biển hiệu quảng cáo, thực đơn dày đặc tiếng Trung Quốc, với đầy những biểu hiện văn hóa Tầu… Những khu phố này dường như CSVN không kiểm soát được, hay nói đúng hơn là không dám kiểm soát. Có thể nói không ngoa đó là những khu tự trị của người Tầu tại Việt Nam.

− CSVN tạo điều kiện cho các công ty của Trung cộng trúng thầu thực hiện đa số những công trình xây dựng quy mô tại Việt Nam để qua đó Trung cộng có cớ đưa công nhân của họ sang làm việc và lập nghiệp tại Việt Nam. Trong khi rất nhiều người dân Việt không có công ăn việc làm thì những việc làm béo bở lại được dành phần cho người dân Trung cộng ngay trên đất nước của mình.

− CSVN mặc tình cho hàng ngàn tàu các loại của Trung Cộng được tự tung tự tác trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình, tha hồ bắn giết các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam mà hải quân Việt Nam không hề có mặt để bảo vệ, thậm chí bộ ngoại giao CSVN cũng không dám lên tiếng phản đối để bênh vực ngư dân của mình.

− Năm 2010, CSVN cho các doanh nghiệp Trung cộng thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) để họ trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích lên đến hàng mấy trăm ngàn hécta.

− Khi Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa, chính thức sát nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời rất nhiều lần xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên các vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam (như cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam năm 2011-2012), đảng CSVN dường như hoàn toàn im lặng chấp nhận.

− Điều tệ nhất của CSVN trong việc tiếp tay Trung cộng là: Nếu hèn nhát không dám phản đối trước những hành động ngang ngược của Trung cộng xâm phạm trầm trọng chủ quyền của Việt Nam, thì đúng ra CSVN phải dựa vào thế của người dân và để cho người dân trong nước được tự do phản đối những hành động xâm phạm đó. Đằng này CSVN lại thẳng tay đàn áp và khủng bố một cách tàn bạo những người dân yêu nước có ý thức trách nhiệm trước hiểm họa ngoại xâm dám lên tiếng phản đối Trung cộng, đồng thời dùng bạo lực và những hành động hết mức bỉ ổi để dẹp tan những cuộc biểu tình của người dân phản đối việc xâm phạm lãnh thổ lãnh hải này của Trung cộng.

− Ngay cả việc biểu lộ lòng biết ơn đối với những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong các trận chiến ở Hoàng Sa – Trường Sa năm 1974 và 1988, ở các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979 mà đáng lẽ chính nhà nước CSVN phải đứng ra tổ chức, họ cũng không dám làm. Không dám biểu lộ lòng biết ơn ấy đã đành, CSVN còn quyết chí cấm đoán và phá đám khi người dân biểu lộ lòng biết ơn ấy.

− v.v… và v.v…

Trước những sự kiện ấy, người dân có thể suy đoán để quả quyết một cách có cơ sở rằng CSVN đang chuẩn bị những bước tiệm tiến để biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung cộng. Vì sợ “dục tốc bất đạt”, CSVN cũng như Trung cộng không dám thực hiện ngay điều chúng muốn vì sợ người dân phẫn nộ, có thể tạo nên một cuộc cách mạng đẫm máu lật đổ chế độ. Vì thế chúng phải thực hiện việc này một cách tiệm tiến cho đến lúc sự việc đã rồi,  không còn thay đổi được nữa.

Thiết tưởng người dân Việt trong và ngoài nước cần nhìn vào những sự kiện thực tế đang xảy ra để theo một trình tự hợp lý đoán ra bản chất sự việc mà CSVN đang cố ý che giấu. Một nguy cơ rất lớn cho cả dân tộc Việt Nam đang được hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thực hiện một cách tiệm tiến. Do đó, mỗi người cần nhận chân nguy hiểm ấy sớm chừng nào hay chừng nấy để kịp thời hành động, chứ chờ mọi sự trở thành rõ ràng thì đã quá muộn.

Đọc tin tức về hành động của nhà cầm quyền Moscow đối với Ukraine trong vụ Crimea mà giật mình khi nghĩ đến trường hợp tương tự có thể xảy ra cho đất nước mình. Putin và quốc hội Nga lấy cớ bảo vệ dân Nga ở Crimea để đem quân sang Ukraine, bất chấp luật quốc tế mà Nga đã ký kết.

Nhìn vào thực tế đất nước mình, có thể nói: chưa bao giờ dân Trung cộng lại đông như hiện nay tại Việt Nam. Những khu phố Tàu đã và đang được mọc lên khắp nơi trong nước, mà nguy hiểm nhất là tại Tây Nguyên. Giả như tại Việt Nam bùng nổ một cuộc cách mạng tương tự như tại Ukraine và thành công buộc đảng CSVN phải từ bỏ quyền cai trị, làm sao Trung cộng lại không bắt chước Nga đem quân vào Việt Nam, lấy cớ bảo vệ dân Tàu rất đông đảo đang sinh sống tại Việt Nam? Với bản chất phản quốc của đảng CSVN, làm sao tránh được chuyện Bộ Chính trị đảng gọi điện cầu cứu Trung cộng đem quân qua để bảo vệ chế độ? Và đám dân đông đảo của Trung cộng đang hiện diện khắp nơi tại Việt Nam chẳng lẽ lại không tiếp tay cho đoàn quân xâm lược của Trung cộng vào lúc ấy?

Nội bộ của đảng CSVN cũng như Bộ Chính Trị đảng cũng đã có những Trọng Thủy sẵn sàng làm nội tuyến cho kẻ thù. Trong nước thì CSVN đã chuẩn bị sẵn một lực lượng đông đảo của kẻ thù mai phục khắp nơi, và CSVN cũng đã chuẩn bị sẵn những con đường rộng rãi để kẻ thù có thể tiến thẳng vào Hà Nội cũng như vào Sàigòn. Tình thế quả thật rất nguy hiểm và hết sức bất lợi cho dân tộc.

Giữa lúc đất nước đang nguy hiểm tương tự như “ngàn cân treo sợi tóc” thì nhiều người Việt mang danh là chống Cộng chống Tàu lại quan tâm chống nhau nhiều hơn chống hai kẻ thù kia. Trong cuộc hành quân chống lại địch thủ mạnh hơn mình, thật không gì nguy hiểm và dại dột cho bằng quân mình lại bắn lẫn nhau. Thay vì hướng mũi súng về phía kẻ thù thì lại hướng về phía đồng đội, chỉ vì những đồng đội này không chịu bắn theo kiểu của mình, không mặc áo giống mình, không dùng cùng một loại súng với mình!

Trước tình trạng nguy hiểm như hiện nay, thiết tưởng mọi người dân Việt cần tập trung năng lực vào việc cứu nguy đất nước. Không nên để những việc nhỏ làm sao lãng công việc tối quan trọng này. Nguy hiểm do sự khác biệt nhau không là gì cả so với nguy hiểm của cả dân tộc đang trên bờ vực thẳm!

Nguyễn Chính Kết

---------------------

Phụ đính:

“Châu chấu đá xe”, làm sao để “xe nghiêng”?
(Nguyễn Chính Kết)

Cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam dành lại quyền tự do dân chủ khỏi ách thống trị của CSVN là một cuộc đấu tranh không cân sức, không khác gì chuyện “châu chấu đá xe”. Tuy nhiên, nếu trong lịch sử đã có chuyện “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!” thì chuyện đó vẫn có thể xảy ra trong cuộc đấu tranh không cân sức hiện nay, miễn là...

Chữ “miễn là” này rất quan trọng. Miễn là… những người đấu tranh, những tổ chức đấu tranh biết liên kết và chiến đấu một cách khôn ngoan, có sách lược đàng hoàng. Nó là điều kiện tối cần thiết để niềm mong ước “tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng” trở thành hiện thực. Cha ông chúng ta đã làm cho quân Nam Hán, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh phải ôm hận nhục nhã rút về nước chính là nhờ tinh thần liên kết và chiến đấu có sách lược.

Trong cuộc đấu tranh chống độc tài hiện nay, khi so sánh lực lượng giữa hai phía ta thấy: CSVN có rất nhiều lợi thế về nhân lực, quyền lực, về tiền bạc, về ảnh hưởng quốc tế, về công an quân đội, v.v... Trong khi đó, phía đấu tranh dân chủ thì rất hạn chế về tất cả những mặt đó. Chúng ta còn bất lợi hơn CSVN về một phương diện nữa, đó là CSVN có thể sử dụng tất cả những phương tiện xấu, ác, đê hèn, bẩn thỉu, tiểu nhân, còn những người đấu tranh cho tự do dân chủ thì chỉ có thể sử dụng những phương tiện tốt, cao thượng. Có như thế chúng ta mới giữ được chính nghĩa.

Chính nghĩa chính là lợi điểm quan trọng nhất mà chúng ta có, trong khi CSVN thì không. Nhờ có chính nghĩa chúng ta mới có thể lôi kéo được quần chúng, kể cả những người đang phục vụ cho đảng cộng sản, đứng về phía chúng ta, để nhờ đó chúng ta có sức mạnh. Chính vì thế, chúng ta cần phải giữ cho chính nghĩa của chúng ta luôn luôn sáng tỏ.

Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta vốn ít nhân lực, ít điều kiện so với đối phương (đảng CSVN), nên chúng ta cần tập trung năng lực vào những gì cần thiết trong hiện tại. Những gì cần thiết trong tương lai, chúng ta chỉ nên tạm thời nghĩ đến chứ chưa nên đặt nặng. Nếu với lực lượng và khả năng quá hạn hạn hẹp mà chúng ta lại trải tất cả sức lực của mình lên mọi lãnh vực, cả về không gian lẫn thời gian, thì chẳng một việc nào chúng ta làm hữu hiệu được. Mặt trời với một năng lượng to lớn vô cùng nhưng trải rộng ra khắp mặt địa cầu thì đâu tạo được một đám cháy nào. Nhưng chỉ cần một kính lúp để tập trung một lượng ánh sáng rất nhỏ có diện tích vừa bằng bề mặt kính lúp ấy thì vẫn có thể gây nên một ngọn lửa. Ngọn lửa ấy có thể đốt cháy cả một khu rừng.

Cũng vậy, muốn bẻ gẫy một nó đũa, nếu ta cầm nguyên cả bó mà bẻ thì khó mà bẻ nổi. Nhưng nếu bẻ từng chiếc một, thì ta có thể bẻ hết bó này tới bó khác một cách dễ dàng. Cuộc đấu tranh chống lại chế độ CSVN vừa độc tài vừa nham hiểm để xây dựng một chế độ dân chủ là một việc hết sức khó khăn, đòi hỏi rất nhiều hy sinh gian khổ cũng như sự khôn ngoan, mưu trí. Tương tự như chuyện bó đũa, nếu chúng ta không chia nhỏ công cuộc khó khăn này thành nhiều phần nhỏ hay nhiều giai đoạn, mà cứ muốn làm tất cả cùng một lúc thì không bao giờ thành công. Trong mỗi giai đoạn ta chỉ nên tập trung năng lực vào mục tiêu của giai đoạn đó, những gì liên quan tới những giai đoạn khác, chúng ta tạm gác sang một bên, chỉ nên để một số người đặc biệt quan tâm đến chúng thôi. Thực hiện xong giai đoạn này, chúng ta mới nên bước sang giai đoạn khác.

Để phá một khu rừng hầu xây dựng một thành phố, chúng ta nên chia công việc ấy ít nhất thành hai giai đoạn: giai đoạn phá rừng và giai đoạn xây thành phố. Khi phá rừng, chúng ta cần tập trung vào việc phá rừng, chưa cần nghĩ đến việc tuyển mộ những kỹ sư, các nhà thầu khoán để xây thành phố... Giai đoạn đầu, chúng ta chỉ cần thu nhận những người có khả năng cưa cây, đốn cây, khiêng cây, dọn dẹp, di chuyển... Ai có những khả năng tối thiểu này và đồng ý phá rừng thì chúng ta nên mời họ làm việc. Thu nhận người phá rừng, ta không nên đặt nặng vấn đề đạo đức, tuổi tác, học thức, tài chuyên môn, hay cách thức phá rừng… Nếu cứ đặt tiêu chuẩn phải là người trong sạch, không có tật xấu, phải có trình độ mới chấp nhận cho họ phá rừng, hoặc đòi hỏi họ phải biết cưa máy mới chịu nhận, và loại bỏ những ai chỉ biết chặt cây bằng dao, hoặc cưa bằng tay… thì lực lượng phá rừng của chúng ta chẳng được bao nhiêu, và việc phá rừng sẽ phải tốn rất nhiều thời gian. Chỉ khi nào sắp phá xong khu rừng thành bình địa và chuẩn bị xây dựng thành phố thì chúng ta mới cần tuyển mộ những kỹ sư, những nhà thầu khoán, thiết kế, những thợ xây, thợ mộc, v.v...

Hiện nay, việc đầu tiên chúng ta phải làm là làm sao lật đổ chế độ độc tài cộng sản trước đã. Việc xây dựng một chế độ tự do dân chủ là giai đoạn kế tiếp, chúng ta cũng cần nghĩ tới. Nhưng trong giai đoạn này, thiết tưởng chúng ta chỉ nên để cho những nhà chính trị hoặc những người chuyên môn lo, hầu khi cộng sản sụp đổ, chúng ta có thể thực hiện ngay. Còn đại đa số chúng ta không nên quan tâm quá nhiều vào giai đoạn ấy, mà nên tập trung vào giai đoạn đầu là lật đổ chế độ phản dân hại nước này.
Trong giai đoạn lật đổ chế độ độc tài, chúng ta cần sức mạnhcần sự hợp tác của toàn dân, trong nước cũng như hải ngoại, và sự hợp tác của chính phủ các quốc gia có lý tưởng dân chủ như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, v.v... Không có sức mạnh thật lớn để tạo sức ép lên chế độ độc tài thì CSVN không bao giờ chịu từ bỏ quyền lực. Vì thế, tất cả những lời nói hay việc làm nào bất lợi cho việc tăng cường sức mạnh của lực lượng đấu tranh, nhất là những gì gây chia rẽ, làm lực lượng đấu tranh bị yếu đi, hay làm chính nghĩa của chúng ta bị lu mờ, thì ta nên tránh.

Để có được sức mạnh của toàn dân, chúng ta cần sự hợp tác hay liên kết của mọi người Việt trong nước cũng như hải ngoại. Muốn thế, chúng ta nên đặt thấp tiêu chuẩn hợp tác xuống một chút. Ai cùng lý tưởng chống cộng với chúng ta thì trong giai đoạn này chúng ta nên sẵn sàng hợp tác với họ hoặc mời họ hợp tác với mình. Hãy chấp nhận sự khác biệt giữa họ với nhau: có người chống cộng vì lý tưởng tự do dân chủ nhưng cũng có người chống cộng vì hận thù; có người chống cộng vì yêu nước nhưng cũng có người chống cộng vì tham vọng cá nhân; có người đấu tranh vì lợi ích của cả đất nước, mà cũng có người đấu tranh vì lợi ích cá nhân; người chống cộng kiểu này, người chống cộng kiểu khác…

Trong giai đoạn này, chúng ta nên chấp nhận tất cả, đừng chỉ trích khi thấy ông A có tật này, bà B có khuyết điểm kia, ông C đấu tranh vì tiền, bà D vì lợi ích cá nhân, v.v... Những người đã dấn thân vào công cuộc chống độc tài cộng sản, dù có khác nhau cũng đều phải hy sinh thì giờ, tiền bạc, công lao, sức khỏe… chẳng ai muốn bị phê bình chỉ trích. Nếu dấn thân vào cuộc đấu tranh mà cứ bị hết người này chỉ trích đến người kia soi mói những khuyết điểm của mình, thì rất dễ nản chí và bỏ cuộc. Rất nhiều người đã bỏ cuộc vì lý do này. Mà có ai lại không có khuyết điểm? Những người hay tiếng chỉ trích có bao giờ tự xét mình không? Chẳng lẽ họ là người toàn vẹn, không có khuyết điểm? Thật đáng buồn cảnh “thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm!”

Trong giai đoạn cần sức mạnh, cần sự hợp tác của toàn dân −tôi muốn nhấn mạnh chữ “toàn” ở đây, “toàn” có nghĩa là tất cả− để chống lại cộng sản, thì chúng ta không nên loại trừ ai chỉ vì những khuyết điểm, sai sót của họ. Tốt nhất, chúng ta nên nhìn vào những ưu điểm của họ và khuyến khích họ, chứ không nên nhìn vào những khiếm khuyết của họ để chê trách. Có rất nhiều người lập được biết bao thành tích rất đáng nể phục trong cuộc đấu tranh hiện nay, tuy nhiên trong quá trình đấu tranh của họ cũng phạm ít nhiều lỗi lầm hay sai sót trong lời nói hoặc trong việc làm. Chuyện sai sót đó làm sao tránh được? Chúng ta đâu phải toàn là những vị thánh hay toàn là những người sáng suốt! Chỉ những người không đấu tranh, không làm hay không nói gì cả thì mới không sai sót. Thế nhưng nhiều người đấu tranh khác lại chỉ nhìn thấy những khuyết điểm sai sót của họ và phóng đại lên, làm họ bị mất uy tín, mà không hề thấy hay đếm xỉa gì đến những việc tốt đẹp lớn lao họ đã làm được. Như thế thật là bất công! Hành động như thế thì có lợi cho ai?

Sẽ tới lúc chúng ta cần phải phê bình và quan tâm ít nhiều tới những khuyết điểm của những người đấu tranh. Đó là lúc chúng ta bắt đầu xây dựng đất nước, chúng ta cần tuyển chọn những người tài đức, xứng đáng lãnh đạo đất nước hay lãnh đạo tổ chức, đoàn thể qua những cuộc bầu cử. Chỉ lúc đó chúng ta mới cần phê bình, loại trừ những người kém cỏi, thiếu tài thiểu đức. Còn hiện nay, chúng ta cần sự hợp tác và liên kết chặt chẽ của toàn dân (xin lưu ý chữ “toàn”) để có đủ sức mạnh trong cuộc đấu tranh chưa cân sức này. Chưa tới lúc chúng ta cần loại trừ những người thiếu tài thiếu đức. Do đó, việc phê bình chỉ trích giữa hàng ngũ đấu tranh với nhau hiện nay không có lợi, hoặc lợi ít hại nhiều. Vì thế chúng ta nên hạn chế tối đa việc chỉ trích này. Nếu bất đắc dĩ phải chỉ trích, thì hãy chỉ trích trong tinh thần xây dựng và tế nhị.

Nguyễn Chính Kết



No comments:

Post a Comment

View My Stats