November 17, 2012 5:01 PM
Mấy năm trước đây, Bắc Kinh luôn phản
đối mạnh việc Tokyo cấp chiếu khán nhập cảnh Nhật Bản cho vị Phật sống lưu vong
Tây Tạng vì theo Bắc Kinh thì Đức Đạt Lai Lạt Ma thuộc thành phần muốn “phân
hóa đất nước và chia rẽ sự đoàn kết dân tộc Trung quốc”.
Mỗi lần bị phản đối như vậy Tokyo
phải lên tiếng thanh minh rằng chính sách ngoại giao của Nhật Bản vẫn nhất quán
luôn coi chỉ có một Trung quốc, nhưng việc cấp visa cho vị Phật sống Tây Tạng
là một chuyện khác. Đối với bất cứ người ngoại quốc nào hội đủ điều kiện theo
luật pháp hiện hành của Nhật thì chính phủ Tokyo phải cấp chiếu khán nhập cảnh
mà thôi, không cấp là vi phạm pháp luật.
Nói thì nói thế, nhưng Tokyo vẫn ngại
sự phản đối của Bắc Kinh nên luôn đặt điều kiện với Đức Đạt Lai Lạt Ma khi đến
Nhật chỉ được hoạt động về mặt tôn giáo mà thôi, không được vận động đòi độc
lập cho Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hứa và luôn giữ đúng lời. Ngài chỉ đi
giảng đạo và chỉ đề cập đến quyền được sống của một con người trên thế gian
trong những bài thuyết pháp để yêu cầu chính quyền Bắc Kinh nới rộng thêm quyền
tự trị cho dân tộc Tây Tạng ở Trung quốc. Vì Đức Đạt Lai Lạt Ma là một vị chân
tu nên những lời thuyết giảng của Ngài ăn sâu vào lòng người Nhật, trong đó có
nhiều vị trong chính giới. Cựu Thủ tướng Abe là một trường hợp điển hình.
Từ
việc chính phủ Nhật yêu cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma khi nhập cảnh không được tiếp
xúc với các tổ chức chính trị ở Nhật đến chuyện Quốc hội nước này chính thức
mời Ngài đến diễn thuyết là một chặn đường dài 17 năm kể từ chuyến viếng thăm
Nhật đầu tiên của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1995.
Nhiều chính trị gia tên tuổi của
Nhật, kể cả cựu Thủ tướng Abe, đã vận động cho việc Quốc hội Nhật chính thức
mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến diễn thuyết. Mặc dù biết việc đến nói chuyện này
chắc chắn sẽ làm cho chính quyền Bắc Kinh tức giận và tìm mọi cách trả đũa,
nhưng Chủ tịch Quốc hội Nhật vẫn quyết định mời sau khi đã phân tích lợi hại.
Lý do chính là vì Nhật Bản là một quốc gia dân chủ, tam quyền phân lập rõ ràng
nên việc quyết định của người đứng đầu ngành Lập pháp không bị chi phối bởi
ngành Hành pháp tức là phía chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Ngược lại, phía
chính phủ cũng không phải chịu trách nhiệm về một quyết định của phía Quốc hội.
Trong
cuộc nói chuyện tại Quốc hội Nhật, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến chuyện
những cuộc tự thiêu của nhiều người dân Tây Tạng, Ngài nói chính quyền Trung
ương Bắc Kinh cần phải nghiêm chỉnh điều tra nguyên nhân chứ không thể căn cứ
theo các báo cáo không chính xác của chính quyền địa phương. Ngài cũng yêu cầu các dân biểu, nghị sĩ các quốc gia trên
thế giới, đương nhiên bao gồm cả Nhật Bản, nên đến hiện trường điều tra. Chỉ nỗ
lực đó mới có thế tạo áp suất khiến chính quyền Trung quốc phải gởi quan chức
cao cấp đi kèm hầu biết sự thật, biết về nguyện vọng của người dân Tây Tạng. Và
đó là bước khởi đầu để tìm cách giải quyết nhằm ngăn chận các cuộc tự thiêu
tiếp diễn trong tương lai.
Trong thời gian Đức
Đạt Lai Lạt Ma có mặt ở Nhật, liên minh siêu đảng phái của các dân biểu, nghị
sĩ Nhật đã ra một bản kiến nghị chung yêu cầu chính quyền Trung quốc hãy cải
thiện tình trạng nhân quyền và ngưng ngay việc đàn áp đối với người Tây Tạng và
người Tân Cương (Uyghur). Những người
ký tên khẳng định chính sách đàn áp nhân quyền chỉ tự làm tổn thương Bắc Kinh
và đất nước Trung quốc trên chính trường quốc tế mà thôi.
Đúng như dự đoán, chính quyền Bắc
Kinh đã quyết liệt lên tiếng phản đối việc này, hôm 13 tháng 11 vừa qua, phát
ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc gay gắt lên án chính quyền Nhật Bản đã có
những hành vi đi ngược lại chính sách ngoại giao giữa hai nước. Bắc Kinh tố cáo
Tokyo đã hỗ trợ các phần tử phản động muốn phân hóa đất nước và tình đoàn kết
dân tộc Trung quốc, mà Đạt Lai Lạt Ma là một kẻ điển hình.
Theo các bình luận gia chính trị Nhật
Bản thì việc Quốc hội Nhật mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến nói chuyện là một điều
đáng khen ngợi vì từ trước đến nay các chính trị gia Nhật chỉ đề cao việc tôn
trọng nhân quyền một cách tổng quát, chứ ít có ai dám chính thức lên tiếng phê
phán các quốc gia vi phạm nhân quyền, đặc biệt những nước đang có quan hệ
thương mãi đáng kể với Nhật. (Do đó, Nhật chỉ phê bình Bắc Triều Tiên mà thôi).
Tuy nhiên trong thời gian gần đây thái độ hiếu chiến và thù địch của chính
quyền Trung quốc đối với Nhật Bản đã quá sức chịu đựng truyền thống của người
dân Nhật. Và từ đó, các chính trị gia nước này buộc phải đáp ứng nguyện vọng
của nhân dân trong chính sách và thái độ đối với Bắc Kinh.
Nhưng xem ra công luận Nhật vẫn chưa hài lòng. Họ coi việc
“chạy theo” của chính giới Nhật và việc lên tiếng chỉ vì nay quyền lợi kinh tế
Nhật trên đất Trung Quốc không còn nhiều, là không xứng với tầm vóc của đất
nước và dân tộc Nhật Bản trên trường quốc tế. Giới trí thức Nhật đang dẫn đầu trong việc vận động chính
phủ Nhật từ nay lên tiếng cho nhân quyền vì đó là giá trị cao đẹp và đương
nhiên của nhân loại, trong đó có dân tộc Nhật Bản.
Ngô Quảng
No comments:
Post a Comment