Tạp ghi Quỳnh Giao
Friday,
November 16, 2012 3:15:15 PM
Nếu quý vị thích nghe trình tấu dương cầm thì người viết này xin
được nhắc là khi nào thấy báo tin có Conrad Tao thì nên tìm mua vé thật sớm.
Thính giả tại thành phố Dallas của tiểu bang Texas càng nên lắng nghe nhạc
Conrad Tao, nhân lễ kỷ niệm 50 năm sau khi Tổng TJohn Kenneday bị ám sát vào
ngày 22 tháng 11.
Lần
đầu Quỳnh Giao được nghe Conrad Tao là khi anh bất ngờ được mời qua thay Wuja
Wang với dàn nhạc Pacific Symphony dưới cây đũa của nhạc trưởng Carl St.Clair
tại rạp Segerstrom Concert Hall nổi tiếng ở Costa Mesa. Lần đó khán giả sững sờ
vì tài nghệ của một dương cầm thủ mới hơn 16 tuổi. Với người viết này, bản
“Rhapsodie sur un Thème de Paganini” của Rachmaninoff gợi lên những kỷ niệm
riêng của một người dạy dương cầm từ mấy chục năm nay. Nhưng đêm hôm đó thì quả
là hội hoa đăng! Trên cột báo này vào tháng 6 năm ngoái, Quỳnh Giao đã viết về
buổi hòa nhạc đó.
Cách
đây hai tháng thì gia đình không hụt được buổi trình diễn của Conrad Tao cũng
với St.Clair bờm sư tử và dàn Pacific Symphony trên sân khấu tráng lệ của Costa
Mesa.
Năm
nay đã 18, tay diệu thủ dương cầm đưa bản Concerto cho Dương cầm của Grieg vào
không gian của khoa học giả tưởng! Vào một cuốn phim với màu sắc huy hoàng và
âm thanh choáng váng rồi lãng đãng như trong một truyện thần tiên.
Sinh
năm 1994 tại tiểu bang Illinois, Conrad Tao là con trai một gia đình người Mỹ
gốc Hoa. Cha mẹ đều tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Princeton và làm việc trong
lãnh vực khoa học. Họ có người con thần đồng vì Conrad trình tấu dương cầm lần
đầu trên sân khấu khi mới lên bốn và tám tuổi đã độc tấu nhạc Mozart với các
ban nhạc lớn.
Ðược
nhận vào trường Juilliard khét tiếng khi còn nhỏ xíu, Conrad đoạt thêm giải
thưởng về vĩ cầm!
Giới
yêu nhạc cổ điển thường nghĩ rằng hai nhạc cụ này là hai thế giới riêng, là
dương cầm thủ thì khó trở thành diệu thủ vĩ cầm. Conrad Tao học cả hai và thành
công trong cả hai thế giới đó khi còn rất trẻ! Nhưng chú bé còn học cả nghệ
thuật soạn nhạc và 10 tuổi đã đoạt giải thưởng nhờ viết bản concerto có tên là
“Hình với Bóng”, và liên tục nhận tám giải thưởng hàng năm trao cho các nhà
soạn nhạc trẻ... Báo chí Hoa Kỳ không ngớt lời ca tụng tài soạn nhạc của một
nhạc sĩ có lẽ đã phải biết nhạc từ tiền kiếp!
Chúng
ta thường có chữ rất kêu như “thần đồng” hay “thiên tài” để nói về các nghệ sĩ
tý hon, nổi tiếng khi chưa cao bằng nhạc cụ rồi còn viết ra những tuyệt tác
người đời chưa được thấy trước đó. Một thí dụ ai ai cũng nhớ là Mozart.
Nếu
có dùng hai chữ xưng tụng này cho Conrad Tao thì có lẽ cũng xứng.
Conrad
vừa tốt nghiệp trung học năm ngoái và năm nay bước vào cấp đại học cũng trong
trường Juilliard khét tiếng, nhưng đã có những đĩa nhạc đầu tiên như một nghệ
sĩ trung niên. Anh còn được vinh danh với tước vị US Presidential Scholar of the Arts và nhiều phần thưởng danh dự
khác. Kể ra không hết biết bao huy chương hay bằng tưởng lục mà cậu bé chất đầy
nhà như trẻ em cất đồ chơi!
Chúng
ta thắc mắc là làm sao một thiếu niên chỉ sống 24 tiếng một ngày như mọi người
mà có thể lưu diễn khắp nơi với những dàn nhạc nổi tiếng hoàn vũ mà vẫn theo
học trường Juilliard tại New York. Và Conrad học cùng lúc cả dương cầm lẫn vĩ
cầm và sáng tác, với những bậc thầy của nghệ thuật âm nhạc Hoa Kỳ.
Một
cậu sinh viên chưa đến tuổi đôi mươi đã được ký hợp đồng sáng tác trong hai năm
liền tại Chicago. Kèm trong túi và trong đầu là các buổi trình diễn trên toàn
nước Mỹ một sáng tác của mình là bản Tứ tấu cho dàn dây đã ký với dàn nhạc
thính phòng Brooklyn. Ngoài ra là các buổi lưu diễn với những ban nhạc nổi danh
tiếng để trình tấu Mozart, Rackmaninoff, Grieg, Chopin, v.v...
Năm
ngoái, Conrad Tao còn là nhạc sĩ duy nhất được tờ báo chuyên đề Forbes xếp loại
vào hàng “30 người danh tiếng nhất ở tuổi dưới ba mươi”!
Với
người viết này, Lang Lang của Trung Quốc là dương cầm thủ có tài, với cách
trình tấu láng lẩy dưới dáng vẻ lập dị. Conrad Tao lại có phong cách khác hẳn.
Cậu bé nhũn nhặn ngồi trước phím đàn, làm nổi lên giông bão với hai bàn tay
thần diệu, rồi ngoan ngoãn cúi chào khán giả bàng hoàng ở dưới.
Nếu
được nghe tác phẩm Conrad Tao viết về Tổng Thống Kennedy cho thành phố Dallas,
không biết rằng chúng ta có đủ chữ nghĩa để diễn tả hay chăng.
No comments:
Post a Comment