Saturday, 17 November 2012

TRUNG QUỐC HOẠT ĐỘNG THỰC SỰ RA SAO ? (Andreas Lorenz)




Andreas Lorenz

Phan Ba   dịch
Tháng Mười Một 17, 2012

Một dân tộc đang tiến đến tương lai: những hàng ngũ dường như vô tận của sinh viên, công nhân đường sắt, y tá và đại diện cho các nghề nghiệp khác kéo qua trên “đường Hòa bình Vĩnh cữu” ở Bắc Kinh. Họ mang những hàng chữ như “Cả đất nước tạo nên thịnh vượng.”

Trước đó vài phút, với một sự chính xác đáng sợ, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã mời cả thế giới xem một màn biểu diễn đầy vũ khí và đã phô bày, ngoài những thứ khác, các tên lửa xuyên lục địa mới của họ. Đó là ngày 1 tháng 10 năm 2009, kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, một buổi sáng đẹp trời có nắng. Cùng với đồng nghiệp và giới ngoại giao, tôi ngồi trên khán đài dành cho khách trước Thiên An Môn và đã trở thành nhân chứng của một cuộc trình diễn: Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc – và: không thể đùa với Trung Quốc được.

Các chính trị gia, những người gửi thông điệp đấy ra thế giới, đứng ở phía trên chúng tôi ở cái cổng đi vào Cấm Thành ngày xưa. Từ ở đó, nhà lập quốc Mao Trạch Đông đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân sau cuộc nội chiến kéo dài: “Trung Quốc đã phục sinh!”

Đứng đối diện với chúng tôi từ ban sớm là tròn 80.000 trẻ em trong những bộ quần áo màu xanh lá cây và xanh nước biển, cầm những chùm hoa giấy trên tay và tạo chữ nhanh như chớp – ví dụ như chữ “Quốc Khánh”. Nhiều thành viên của cuộc diễu hành là sinh viên, bị bắt buộc tham dự sự kiện này, và tôi không thể xua đuổi được ấn tượng rằng chẳng ai trong số họ cảm thấy thích thú cả.

Trước khi sự kiện này bắt đầu, sếp nhà nước và Đảng Hồ Cẩm Đào mặc bộ quần áo kiểu Mao trong một chiếc limousine hiệu “Cờ Đỏ” đã chào những người lính. Hồ cũng là tổng tư lệnh của quân đội, cái chỉ đứng riêng dưới quyền của Đảng. Ông ấy chào mừng quân đội với lời chào truyền thống: “Các đồng chí, các đồng chí nhận lấy gánh nặng và cực nhọc lên mình.” Những người lính, đứng thành hàng dài cho tới những cửa hàng đắt tiền của Oriental Plaza cách đó một kilômét, hét trả: “Lãnh tụ tối cao, chính lãnh tụ nhận lấy gánh nặng và cực nhọc.”

Ngay sau đó, tôi có cảm giác giống như đã trở về với những thời Xô viết đen tối. Trong đoàn diễu hành xuất hiện những tấm chân dung khổng lồ của những người quan trọng nhất của Trung Quốc mới, theo quan điểm của giới lãnh đạo ngày nay: đi trước là Mao Trạch Đông, rồi kế tiếp theo sau đó là nhà cải cách kinh tế Đặng Tiểu Bình, nguyên sếp nhà nước và Đảng Giang Trạch Dân và cuối cùng là Hồ Cẩm Đào. Ở ngoài kia có nhiều người Trung Quốc bối rối. Đó là Trung Quốc mới ư? Sự tôn sùng cá nhân này phù hợp với nước Triều Tiên chuyên chế, nhưng không phù hợp với một đất nước đang khởi đầu tiến lên.

Lần duyệt binh này có “tầm quan trọng chính trị to lớn, vì nó làm tăng niềm tin vào sức lãnh đạo của Đảng và vào Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, quân đội tuyên bố. Thêm vào đó, nó tượng trưng cho “lần thức tỉnh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc như là kết quả của một cuộc đấu tranh bền bỉ”.

Đầu tàu Trung Quốc
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã bừng tỉnh. Thế giới nhìn đến một châu Á mới, hùng mạnh – và có ý muốn nói đến trước hết là Trung Quốc. Không có Trung Quốc và sức mạnh kinh tế của nó thì không thể giải thích được lần vươn lên của cả châu lục này.

Làm sao được như thế? Hiện giờ, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản như là quyền lực kinh tế lớn thứ nhì của thế giới và qua nước Đức như là quán quân xuất khẩu trên thế giới. Với 3,04 ngàn tỉ dollar Mỹ vào cuối tháng 3 năm 2011, nó có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Chậm nhất là 30 năm nữa, Trung Quốc có thể thay thế Hoa Kỳ trở thành quyền lực kinh tế mạnh nhất và tạo tròn 40% tổng sản lượng thế giới.

Nếu Trung Quốc cứ tăng trưởng mỗi năm 8% trong vòng 20 năm tới đây, mỗi một người Trung Quốc trong năm 2013 trung bình sẽ thu nhập được 20.000 dollar theo giá trị của ngày nay, Jonathan Anderson tính toán, chuyên gia tài chính của ngân hàng UBS Thụy Sỹ.[1] Điều này nghe có vẻ quá hân hoan, khi người ta nghĩ rằng hiện người Mỹ có tròn 40.000 dollar trong một năm, dân cư Bắc Kinh mới có khoảng 3700 dollar.

Với sức mạnh kinh tế của mình, hiện giờ Trung Quốc không chỉ kéo theo các láng giềng, mà cả nhiều nước ở châu Phi, Mỹ La tinh và châu Âu. Chính là người Trung Quốc đã kéo người Nhật ra khỏi khủng hoảng. Ngay năm 2003, họ đã tạo ra hai phần ba tăng trưởng xuất khầu của Nhật Bản, năm 2009 Trung Quốc chuyển cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế khoảng tiền trợ giúp là 50 tỉ dollar. Ở Trung Quốc hiện giờ có nhiều cánh quạt gió quay hơn là ở Hoa Kỳ. Tròn 420 triệu người lướt Internet, hơn 600 triệu người sở hữu một điện thoại di động. Đó là những con số gây ấn tượng, nhưng: cho tới nay, tất cả các hàng hóa và dịch vụ được tạo ra chỉ bằng một phần ba ở Mỹ, và trong khi đấy thì dân cư ở Trung Quốc nhiều gấp bốn lần khi so với Hoa Kỳ.

Quân đội Trung Quốc tuy đang chuẩn bị bắn một tàu thăm dò lên Mặt trăng, nhưng trước sau gì thì đất nước này vẫn còn nghèo. Và tuy vậy, cựu trợ lý ngoại giao và ngày nay là nữ khoa học gia Susan Shirk vẫn viết rằng, “chúng ta cảm nhận được hơi thở nóng bỏng của con rồng kinh tế này ở sau gáy của chúng ta”.[2]

Ở rìa của vực thẳm
Một cái nhìn vào lịch sử mới đây sẽ giúp để hiểu được sự phát triển đáng ngạc nhiên của Trung Quốc: trước đây một trăm năm, các nhà cách mạng dưới quyền của bác sĩ Tôn Dật Tiên đã lật đổ hoàng đế, nhưng họ không giữ được lâu. Các tư lệnh quân đội địa phương chiếm quyền lực. Người lãnh đạo quân đội, Viên Thế Khải, tự phong mình lên làm hoàng đế trong một thời gian ngắn. Trong những năm 30, một cuộc nội chiến đã diễn ra ác liệt mà trong đó người Cộng sản dưới quyền Mao và người Quốc gia dưới quyền Tưởng Giới Thạch đã tranh nhau quyền thống trị. Nó chỉ bị gián đoạn bởi cuộc chiến chống người Nhật, những người năm 1931 chiếm đóng nhiều phần rộng lớn của đất nước này. Trong vụ Thảm sát Nam Kinh năm 1937, theo thông tin của Trung Quốc đã có 300.000 người dân chết.

Người Nhật vừa bị đuổi đi năm 1945 thì cuộc nội chiến lại bùng nổ trở lại. Bốn năm sau đó, ĐCS thành lập nước Cộng hòa Nhân dân. Địch thủ của Mao, Tưởng Giới Thạch rút lui cùng với quân đội của ông ấy và những người theo ông ấy sang đảo Đài Loan, mang theo kho báu quốc gia từ Cấm Thành.

Tiếp theo sau đó là những năm của sự cô lập: ĐCS chìm vào trong những cuộc thử nghiệm Xã hội Chủ nghĩa – lúc ban đầu với sự giúp đỡ của Liên bang Xô viết – và vào trong những chiến dịch tàn phá như Đại Nhảy Vọt (1958 đến 1959) và Cách mạng Văn hóa (1966 đến 1976), khi Hồng Vệ Binh dưới câu khẩu hiệu “Oanh tạc các trụ sở” đã hoành hành trên đường phố, đi tìm những người được cho là gián điệp Xô viết và phản cách mạng. Vẫn còn gây tranh cãi đến ngày hôm nay là việc đã có bao nhiêu triệu người mất mạng sống của mình trong những năm đấy – chết đói, bị đẩy đến chỗ phải tự sát, bị tra tấn, bị giết chết. Chỉ riêng trong nạn đói cuối những năm năm mươi đầu những năm sáu mươi đã có cho tới 45 triệu người chết. Đất nước đứng ở rìa của vực thẳm.[3] Khi Mao qua đời năm 1976 và cái được gọi là Bè lũ bốn tên cực tả dưới sự lãnh đạo của người vợ góa của Mao, Giang Thanh, bị lật đổ qua một cuộc đảo chính nội bộ, thời gian của những cuộc thử nghiệm chết người tạm thời chấm dứt. Tuy Trung Quốc trong thời gian đấy đã trở thành cường quốc nguyên tử, nhưng là một đất nước nghèo nàn vô cùng.

Đặng Tiểu Bình, người đồng chí cùng chiến đấu của Mao, sau nhiều năm liền bị lưu đày nội bộ đã được phục hồi, bắt đầu cải tổ đất nước. Thời đấy, những người nông dân nhiều can đảm trong tỉnh An Huy đã bắt đầu rời bỏ công xã, phân chia đất đai ra cho nhau và sản xuất tự lập. ĐCS ngày càng cho phép kinh tế tư nhân nhiều hơn. Thời kỳ của những tiểu doanh nhân với cái được gọi là “mũ đỏ” bắt đầu: về mặt chính thức, nhà hàng, cơ xưởng và ô tô của họ thuộc nhà nước, trên thực tế thì chúng là sở hữu tư nhân.

Một ngọn gió mới thổi qua Trung Quốc vào đầu những năm tám mươi, trong phòng khách, quan chức, khoa học gia và nghệ sĩ suy nghĩ về những cải cách chính trị. Diễn tiến trong nước láng giềng Liên bang Xô viết, nơi vừa được Mikhail Gorbachev đảo lộn qua perestroika và glasnost, thu hút nhiều người Trung Quốc. Trong tháng 4 năm 1989, nguyên sếp Đảng Hồ Diệu Bang qua đời, một quan chức được yêu thích vì tính thật thà và ngay thẳng của ông ấy. Đặng đã đẩy ông ấy ra rìa hai năm trước đó, vì ông ấy trong chính trị đã trở thành quá tự do. Bây giờ thì hàng chục ngàn sinh viên ở Bắc Kinh xuống đường. Họ giải thích rằng Đảng không tôn kính đúng mức người chết. Và họ nhân cơ hội này để chống lại sự chuyên quyền của các quan chức trong Đảng.

Các cuộc biểu tình của mùa Xuân năm 1989, cái lúc đầu cũng chống lại việc giá cả tăng nhanh, trở thành một phong trào dân chủ lan rộng khắp nước. Sinh viên dựng trên Quảng trường Thiên An Môn một bức tượng, “Nữ thần Tự do”. Cuối tháng 5, giới lãnh đạo già của ĐCS quanh Đặng cảm thấy đã đủ. Họ nhìn trong đó một cuộc “phản cách mạng” đe dọa quyền lực của họ. Chống lại mọi điều lệ, họ phế truất người lãnh đạo Đảng Triệu Tử Dương, người có thiện cảm với các sinh viên. Vào buổi tối của ngày 3 tháng 6 năm 1989, Đảng ra lệnh cho quân đội nghiền nát cuộc nổi dậy bằng xe tăng. Con số người chết trên các đường phố Bắc Kinh vẫn còn chưa biết rõ. Theo các ước đoán có thể có cho tới 3000 người chết. Công nhân và sinh viên, như những “người làm loạn”, bị tù giam nặng, bị làm nhục công khai và bị kết án trong những phiên tòa nhanh. ĐCS giữ được quyền lực của họ, nhưng đã đánh mất sự thiện cảm của nhiều người dân. Trong tình thế đó, Đặng – sau một thời tê liệt trong nội bộ Đảng – nắm lấy thế chủ động. Ông ấy đến thành phố Thâm Quyến ở miền Nam Trung Quốc và tuyên bố rằng người này có thể giàu sang nhanh hơn người khác. Sau đó, ông ấy tiếp tục để cho tự do hóa nền kinh tế. ĐCS tuy không khoan dung cho tự do chính trị nhưng cho phép có nhiều tự do cá nhân hơn nữa.

Những phần không gian tự do này làm thay đổi một cách cơ bản cuộc sống hàng ngày của người dân. Bây giờ họ được phép đi học tại bất cứ trường đại học nào mà họ muốn, tự lựa chọn nghề nghiệp của mình, đi ra nước ngoài, mua hộ ở và ô tô, nếu như họ có tiền cho việc đó. “Làm giàu là vinh quang”, Đặng tuyên bố. Nhưng từ đấy cũng có một thỏa thuận không được viết ra giữa người dân và Đảng. Thỏa thuận đấy đại khái là: chúng tôi cho phép các anh, giới tinh hoa của xã hội, một hạnh phúc nhỏ, bù lại các anh không được phép đặt nghi vấn về sự độc quyền của Đảng.

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn đón đọc

Chú thích :
[1] Xem thảo luận “The Color of China” by Minxin Pei and Jonathan Anderson, 03/09/2009, http://www.nationalinterest.org/article.aspx?id=20953
[2] Susan L. Shirk: “China-Fragile Superpower”, Oxford University Press, 2007
[3] Xem ngoài những tác phẩm khác: Frank Dikötter: “Mao’s Great Famine, The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 1958 – 1962″, Walker&Company, New York, 2010, và Jaspar Becker: “Hungry Ghost: Mao’s Secret Famine”, Henry Holt and Company, New York, 1996







No comments:

Post a Comment

View My Stats