Friday,
November 16, 2012 5:47:00 PM
Hiện nay Trung Quốc có 500 triệu người ra vào Internet. Trong
tháng trước, nhiều thanh niên đã thích thú theo dõi qua mạng những cuộc đấu
khẩu công khai giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trên truyền hình.
Nhiều
người nói nước họ khó áp dụng trò tranh cử này. Một sinh viên viết trên mạng Vi
Bác (weibo.com): “Dù Trung Quốc có dân chủ thế nào đi nữa, chắc cũng không thể
tổ chức tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống như ở Mỹ. Tại sao không? Vì
các nhà lãnh đạo nước ta nói năng rất chậm chạp, cuộc tranh luận sẽ kéo dài ba
bốn ngày mới xong!”
Người
Trung Hoa trong lục địa không lo phải mất thời giờ coi các ứng cử viên tranh
luận. Vì việc chọn những người lãnh đạo quốc gia đã được “các cụ ở trên” quyết
định giúp họ. Hơn 2,200 đại biểu đều do các cụ chọn trước, danh sách những
người được họ bầu lên cũng vậy. Ðiều đáng ngạc nhiên là tại sao trong cả một
tuần lễ Ðại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc phải họp kín, trong khi cả thế giới đã
biết, biết từ 5 năm trước, là kết quả họ sẽ đưa ông Tập Cận Bình lên làm chủ
tịch và ông Lý Khắc Cường sẽ là thủ tướng mới!
Nhưng
nhìn vào bẩy người ngồi trong Thượng Vụ Bộ Chính Trị thì mọi người có thể đoán
trong năm năm tới nước Trung Hoa sẽ không thay đổi bao nhiêu, mặc dù trên nhật
báo Nhân Dân đã viết: “Ðảng cầm quyền trước hết phải có tinh thần khẩn trương
và việc cải tổ phải đi bước trước sớm hơn cơn khủng hoảng sẽ tới.”
Tình trạng trì trệ
sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa, ảnh hưởng của Giang Trạch Dân vẫn còn rất nặng dù
năm nay ông ta đã 86 tuổi. Giang là người đã được Ðặng Tiểu Bình đặt lên ngôi để
“dẹp loạn” Thiên An Môn, nắm quyền từ 1989 đến 2002. Giang đã phải cất nhắc Hồ
Cẩm Ðào lên thay mình, vì chính Ðặng Tiểu Bình trước khi chết đã chỉ định họ
Hồ. Giang cũng muốn bắt chước Ðặng Tiểu Bình đóng vai thái thượng hoàng; chọn
Tập Cận Bình (Xi Jinping) trong lúc Hồ Cẩm Ðào muốn Lý Khắc Cường (Li Keqiang)
làm chủ tịch. Hồ và Lý thuộc cánh “đoàn phái,” cùng xuất thân từ Ðoàn Thanh
niên Cộng sản. Tập Cận Bình, con Tập Trọng Huân, được chọn vì thuộc cánh “vương
tôn,” con cháu những cận thần của Mao Trạch Ðông đời xưa. Con gái Tập Cận Bình đang
học Ðại Học Havard, dưới một tên giả. Trong bẩy người cầm đầu Trung Quốc bây
giờ, có bốn người thuộc cánh vương tôn; còn cánh đoàn phái chỉ có hai: Lý Khắc
Cường và Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan).
Ngoai hai người chủ
chốt Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, năm người còn lại đều là tay chân của Giang
Trạch Dân.
Khắc Cường đóng vai thủ
tướng sẽ có trách nhiệm về kinh tế quốc gia, nhưng sẽ bị kèm bởi hai
người được Giang Trạch Dân đưa vào là Vương Kỳ San (Wang Qishan) và Trương Cao Lệ (Zhang
Gaoli). Họ Vương đã nắm giữ quyền kinh tế trong bốn năm trước, sẽ được
nâng lên đứng đầu việc bài trừ tham nhũng; có khả năng vượt quyền thủ tướng.
Còn họ Trương trước đứng đầu thành phố Thiên Tân sẽ điều khiển kinh tế thay chỗ
họ Vương.
Người sẽ đóng vai chủ tịch Quốc Hội là
Trương Ðức Giang (Zhang Dejiang) không những cũng thuộc cánh vương tôn mà còn nằm trong
“băng Thượng Hải“của Giang Trạch Dân từ trước năm 1989. Trương Ðức Giang đã
được đưa từ Quảng Ðông về Trùng Khánh, thay thế Bạc Hy Lai khi tay này bị hạ
bệ; để yên lòng cánh vương tôn, vì cả hai đều là con các “công thần đời trước.”
Người cầm đầu Thượng Hải hiện nay là Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) tất nhiên cũng được đưa vào
Thường Vụ để bảo vệ di sản của Giang Trạch Dân. Băng Thượng Hải đã thay đổi chiều hướng kinh tế Trung Quốc kể từ năm
1990, bỏ rơi nông thôn và hướng về đô thị, do đó cũng chú trọng đến đầu tư xây
dựng các công trình to lớn nhiều hơn là nâng cao mức sống của dân tiêu thụ.
Một hậu quả là xã hội Trung Quốc ngày càng bất công, mỗi năm có hơn 100,000 vụ
dân biểu tình khiếu nại. Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo đã thay đổi đường lối đó một
phần, tha thuế cho nông dân và cải tổ hệ thống y tế cũng như quỹ hưu bổng để
nâng cao mức sống ở nông thôn. Nhưng quyền hành thực sự đã vượt khỏi tầm tay
của cả hai người được coi là lãnh đạo cao nhất.
Từ
khi Ðặng Tiểu Bình chết đi không còn người nào nắm quyền duy nhất. Trong 20 năm
qua, những người cầm đầu Trung Quốc không còn giữ quyền hành tuyệt đối như thời
Ðặng Tiểu Bình nữa. Hiện
nay có những phe cánh thành hình trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và họ
tìm cách gây ảnh hưởng trên chính sách quốc gia. Giang Trạch Dân đã phải chiều theo ý các “cố lão,” tức là các cụ
già từng nắm quyền sau thời Mao Trạch Ðông; và sau khi về hưu chính Giang đã
đóng vai một cố lão có ảnh hưởng mạnh nhất. Bên cạnh các ông già này, còn hai phe đảng rất mạnh. Một là những người nắm các doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước
họ muốn tiếp tục chính sách kinh tế cũ để bảo vệ vai trò độc quyền kiếm lời của
họ. Do đó, họ cản trở việc cải tổ hệ thống ngân hàng; chống việc mở rộng lãnh
vực kinh tế tư doanh; mà đó là hai điều thiết yếu cần phải cải tổ gấp để nước
Trung Hoa thoát một cơn khủng hoảng kinh tế luôn luôn đe dọa. Phe cánh thứ hai là các tướng lãnh, họ không những muốn được dành cho
thật nhiều tiền để trang bị vũ khí tối tân mà còn muốn lái chính sách ngoại
giao của Trung Quốc theo hướng hiếu chiến, đặc biệt là trong việc
bành trướng ảnh hưởng trong miền Ðông Nam Á. Cả ba phe cánh kể trên đều có
khuynh hướng chống thúc đẩy cải tổ nhanh hơn, họ lấn át tiếng nói của những
người có khuynh hướng muốn thay đổi, nhất là thay đổi về chính trị.
Với
những phe cánh kể trên, người ta thường gọi là những “nhóm lợi ích,” việc phân
bố địa vị trong Thường Vụ Bộ Chủ Tịch cũng trở thành một cuộc chạy đua tranh
giành ảnh hưởng và mua bán, trao đổi với nhau. Sau cùng quyền xếp đặt đã rơi
vào tay Giang Trạch Dân; với chủ trương bảo thủ hơn cả. Cho nên, trong kỳ họp
đại hội thứ 18 vừa qua, hai người được
coi là thuộc phe cải tổ đã bị rớt không vào được ban Thường Vụ, là Uông Dương (Wang Yang),
bí thư tỉnh Quảng Ðông và Lý
Nguyên Triều (Li Yuanchao), nguyên trưởng ban tổ chức. Cả hai người
này đều thuộc phe Hồ Cẩm Ðào, tất nhiên không được Giang Trạch Dân tin cậy.
Phe
Hồ Cẩm Ðào đã xuống quá, cho nên ngay trong kỳ đại hội, họ Hồ đã phải nhường cả
chức chủ tịch Quân Ủy Trung Ương cho Tập Cận Bình. Trước đây, khi Giang Trạch
Dân đã lên cầm đầu đảng và nhà nước rồi, Ðặng Tiểu Bình vẫn nắm chức chủ tịch
quân ủy. Giang Trạch Dân noi gương đó, ngồi mãi ở chức vụ này, hai năm sau khi
Hồ Cẩm Ðào lên. Năm nay, Tập Cận Bình một lúc được trao cho ba
chức vụ lớn nhất, cầm đầu đảng, nhà nước, và quân ủy. Cánh vương tôn đã lấn áp
cánh đoàn phái.
Tập
Cận Bình vốn là con ông cháu cha cho nên có thể tự tin hơn, và sẽ giành lấy
nhiều quyền quyết định hơn. Nhưng với đa số ban Thường Vụ là tay chân Giang
Trạch Dân, Bình cũng khó làm gì để thay đổi nguyên trạng. Ðiều ông ta hy vọng
là trong 5 năm nữa, đến kỳ đại hội đảng thứ 19, năm thành viên thủ cựu nhất đều
đến tuổi về hưu, vì tất cả hiện nay đều trên 64 tuổi. Năm nay Tập Cận Bình mới
59 tuổi, và tới năm 2017 ông ta có thể đã đủ thời giờ chuẩn bị cho lớp người do
chính mình nâng lên.
Người dân Trung Hoa
tiếp tục chờ đợi.
Như họ vẫn quen nhẫn nhục chờ đợi. Trong khi đó, các công dân Internet không
thể làm gì hơn là chế nhạo các phụ lão nắm quyền. Khi một đại biểu dự đại hội
tuyên bố đã vỗ tay hăng hái quá đến nỗi tê cả hai bàn tay, một công dân mạng đã
ví bà ta như những cán bộ Bắc Hàn chỉ biết vỗ tay. Một đại biểu thú nhận đã
“khóc năm lần” vì cảm động khi nghe bài diễn văn của Hồ Cẩm Ðào, các thanh niên
trên mạng đã nói đùa rằng nhiều người cũng khóc năm lần khi ăn phải ớt nhiều
quá!
Lời
chế nhạo trên mạng chính xác nhất có lẽ là của nhà báo Chúc Hoa Tân (Zhu
Huaxin), tổng thư ký báo mạng Nhân Dân. Trước ngày đại hội, ông đã viết một bài
bình luận kêu gọi cải tổ nhiều hơn, vì dân chúng đã chán lắm rồi. Ông ví đảng
Cộng sản như ông vua không mặc quần trong chuyện cổ tích: “Người dân thường như
chúng tôi đã biết hoàng đế không mặc cái quần cái áo nào hết. Chính hoàng đế
cũng biết mình ở truồng. Ông cũng biết là chúng tôi biết. Vậy mà ông vẫn cứ
bước đi như không có gì lạ cả!”
Trong
khi tổng thống Ðài Loan gửi bức điện chúc mừng đầu tiên đến ông Tập Cận Bình,
mà không nhắc gì đến tấm gương Quốc Dân Ðảng đã dân chủ hóa Ðài Loan từ 25 năm
trước, người dân Trung Hoa trong lục địa sẽ còn tiếp tục chờ đợi thêm ít nhất 5
năm nữa.
Đọc
thêm :
No comments:
Post a Comment