Monday 12 November 2012

THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU (Vũ Ánh - Sống Magazine)




11/12/2012 10:22 AM

Bây giờ mà lại lôi “thân phận nhược tiểu” ra mà nói chuyện, chắc cũng có một số độc giả chê bai là tôi bi quan, nhìn đời toàn bằng mầu xám cả. Thực ra lời chê bai, nếu có, thì cũng không có gì sai, bởi vì đã có khá nhiều người thất vọng khi thấy cả thế giới đều có vẻ kiêng nể Trung Quốc không dám có hành động gì gọi là “phải chăng” trước những hành động ngang ngược của Bắc Kinh tại Biển Đông, một thủy lộ quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, chứ không phải chỉ riêng có Việt Nam, Phi Luật Tân hay các quốc gia Đông Nam Á.

Nghĩ như thế, nên nhiều buổi tối làm việc khuya trên bàn viết, tẩn mẩn giở lại tấm bản đồ Á Châu thì thấy quả thật Việt Nam, Phi Luật Tân và các quốc gia Đông Nam Á chưa được bằng cái móng tay của Hoa Lục về diện tích và dân số. Nhưng tôi tự hỏi: với một quốc gia nhỏ bé như thế này, làm sao ông cha ta đã nhiều lần làm cho quân Tầu phải táng đởm kinh hồn? Các sử gia đều để lại cho con cháu người Việt Nam sau này những bài học có thể giải thích cho thắc mắc này. Đó là sự đoàn kết, muôn người như một chống ngoại xâm được biểu lộ bằng tinh thần Diên Hồng.
So về lực lượng thì 10 vạn quân Thanh không bằng một lực lượng cả nước Việt, vũ khí cũng tương đương nhau thôi: giáo mác, cung tên, ngựa và chiến thuyền. Thành thử yếu tố quyết định mặt trận là lòng dân và mưu lược của những tướng tài Việt Nam thuở trước. Ấy thế mà mỗi lần ông cha ta thắng trận xong thì lại phải cầu hòa triều cống, để “thắt chặt bang giao thần phục” Bắc phương. Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đuổi Tầu sang tận Châu Ung, Châu Liêm nghĩa là vào rất xa trong nội địa Trung Quốc. Nhưng sau chiến thắng, nhà vua đã gởi ngay một phái đoàn ngoại giao cầu hòa với Bắc Triều. Tại sao lại phải như vậy?

Dưới chế độ quân chủ, nhà vua nghĩ là dân nghĩ và may mắn cho dân tộc Việt, nhiều chế độ quân chủ với các vị vua ái quốc và sáng suốt đã vận dụng “nhu thắng cương” một cách tài tình với cách nhìn rất thực tế: đất nước phương Bắc là một vùng đất khổng lồ, người đông, quân mạnh, nhưng không thống nhất được, đất đai bị cắt cứ và luôn luôn có những cuộc nội chiến tranh bá đồ vương. Đánh thắng quân Tầu nhưng ông cha ta đã dạy cho kẻ thù phương Bắc bài học: “Chúng tao tát cho mi vài tát, nhưng mặt ngoài chúng tao vẫn tỏ ra thần phục mi để gỡ thể diện cho mi, thúc đẩy mi phải suy nghĩ trước khi xua quân vào nước khác”. Nhu thắng cương hàm chứa trong lý lẽ này.

Thế nhưng ngày nay, cán cân lực lượng giữa nước Tầu và các nước khác ở Đông Nam Á đã thay đổi nhiều. Trung Quốc đã thống nhất và Hoa Kỳ đã đánh thức con hổ ốm đói, ngủ vật ngủ vờ trở dậy với những pounds thịt bò tươi rói qua Bản Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972, một văn kiện được ký ở Bắc Kinh trên lưng các nước đồng minh trong cuộc chiến “ý thức hệ” Quốc-Cộng, mở cửa cho nước Tầu bành trướng như ngày nay. Lý do rất đơn giản: Tổng Thống Richard Nixon và những nhà tư bản Mỹ “mê đắm”cái thị trường mênh mông của một đất nước trên 1 tỷ dân nên bất kể hậu họa.

Đặng Tiểu Bình là người nhìn xa được cái thế của Hoa Lục nên ngậm bồ hòn làm ngọt chấp nhận giá nhân công “rẻ thối”ở Trung Quốc để mê hoặc thế giới Tây phương trong khi ồ ạt gởi sinh viên du học sang những quốc gia Âu Châu, Canada và Hoa Kỳ vào năm 1980 để canh tân đất nước. Năm 2001, nhân chuyến du lịch Bắc Kinh, tôi có dịp nhìn thấy cả chuyến bay bằng loại máy bay 777 của hãng hàng không American Airlines từ Los Angeles về Hoa Lục, có đến 2/3 ghế ngồi là những sinh viên đang theo học ở Hoa Kỳ trở về quê hương nhân dịp các trường đại học Mỹ nghỉ mùa xuân. Sang tới Bắc Kinh, lại chứng kiến một cảnh khác: từ nhân viên tiếp tân ở khách sạn, đổi tiền, dịch vụ khách sạn cho tới các nhân viên bán hàng tại những cửa hàng bách hóa, siêu thị, nhà hàng... đều là những nhân viên thật trẻ, nói tiếng Anh thông thạo và xử sự với khách hàng như chúng ta thấy ở Hoa Kỳ hay Âu Châu. Tại nhà ga hàng không ở phi trường quốc tế Bắc Kinh, việc kiểm tra và đóng dấu nhập cảnh chỉ diễn ra trong vòng từ 1 đến 2 phút. Một vài thí dụ điển hình cho thấy sự thức giấc của một Trung Quốc sau cơn ngủ dài dưới chế độ bao cấp và bị cô lập sau bức màn sắt.

Trước đây khoảng 3 thập niên, người lao động Trung Hoa cắn răng nhận nửa xu Mỹ tiền công một giờ làm việc, rồi đầu thiên niên kỷ 2000, giờ công làm việc của họ đã lên tương đương với 25 xu Mỹ và nay đã từ $3 đến 5$ một giờ tùy theo từng khu vực. Cũng vẫn nhờ giá lao động rẻ mạt, kinh tế Trung Quốc đã vươn tới các nước Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nam Mỹ và nhất là khu vực phía Tây và Nam Phi Châu. Dĩ nhiên, nền kinh tế của Trung Quốc đang ở vị trí thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ và dĩ nhiên sự hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc chưa thể so sánh được với quân lực Hoa Kỳ và ngay cả lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Nhưng Bắc Kinh đã đủ là một mối đe dọa cho những nước nhỏ ở Á Châu, nhất là Đông Nam Á. Vì tự ái và tư tưởng bành trướng, Bắc Kinh cố ngoi lên ngôi vị ngang với Hoa Kỳ, nhưng còn phải một thời gian rất lâu nữa họ mới đạt được mức đó.

Như vậy thì so với khối Tây phương, Trung Quốc đang đứng ở vị thế nào hiện nay? Đối với Âu châu, chúng ta chỉ cần nhìn vào cuộc đón tiếp Thủ Tướng Trung Cộng Ôn Gia Bảo của nước Đức không thôi, chúng ta có thể đoán được. Nước Đức được coi như mạnh nhất Âu châu về kinh tế và phát triển. Ấy vậy mà bà Thủ Tướng Angela Merkel vẫn phải dành cho họ Ôn một cuộc đón tiếp linh đình khi ông này mở cuộc viếng thăm chính thức quốc gia của bà. Nhìn vào nghi thức đón tiếp trọng thể của Đức đối với Ôn Gia Bảo và buổi quốc yến sang trọng nhất dành cho ông ta tại Dinh Lierbermann tráng lệ ở ngoại ô phía Tây thành phố Wannsee, dư luận Tây phương có thể nhìn thấy vị thế ngoại giao của Trung Cộng đã ở trên nấc thang cao đối với nước Đức. Bà Angele Markel đã đưa nước Á châu khổng lồ này vào địa vị các thân hữu của Đức như Pháp, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Nga và Ấn Độ. Đức là thị trường lớn nhất của Bắc Kinh và ngược lại. Người ta ước tính rằng số ngoại tệ của Trung Quốc, lên tới hơn $3,000 tỷ tính bằng đồng euro, tức là đồng tiền chính thức của đa số các nước Âu châu.

Do chênh lệch cán cân mậu dịch cho nên hiện nay Trung Quốc đang là chủ nợ lớn của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Nhiều người do cảm tính đã “vớt vát” cái thế không còn thượng phong như trước đây của Hoa Kỳ bằng cách nói rằng: “là chủ nợ lớn thì họ không dám gây chiến bởi chiến tranh xảy ra thì mất nợ”. Nói thế cũng có lý phẩn nào vì số đầu tư của Hoa Kỳ tại Trung Cộng vẫnđứng hàng thứ 5 so với các nước phát triển. Nhưng thực tế của việc buôn bán hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, giữa Trung Cộng và những nước trong Liên Âu cho thấy sẽ chẳng bên nào muốn ra tay trước để gây chiến. Có điều, Bắc Kinh lợi dụng tối đa nỗi lo sợ của những quốc gia Tây phương và Mỹ trước hiểm họa một cuộc chiến tranh cấp vùng bùng nổ để o ép các nước nhỏ gần với Trung Quốc.

Gần đây Thượng Viện Hoa Kỳ đã chấp thuận một nghị quyết lên án Trung Cộng gây hấn tại Biển Đông. Dù là nghị quyết không có giá trị cưỡng chế, nhưng việc Lập Pháp Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ như thế có thể được coi là “đèn xanh” thúc giục Hành Pháp Hoa Kỳ hành động mạnh hơn để cảnh cáo Trung Quốc. Nhưng mạnh hơn ở đây có lẽ cũng chỉ xoay quanh việc tập trận biểu dương lực lượng như Hoa Kỳ đã làm với Phi Luật Tân và sắp tới với Việt Nam. Những hoạt động này thực ra cũng chỉ là những thông điệp mà Hoa Thịnh Đốn gởi cho Bắc Kinh: “Hoa Kỳ có quyền lợi ở Biển Đông” chứ chưa phải là một cảnh cáo: “Hoa Kỳ có quyền lợi ở Biển Đông. Nếu Bắc Kinh o ép các nước nhỏ như Việt Nam hay Phi Luật Tân gây bất ổn định trong vùng thì đó là hành động xâm phạm vào quyền lợi của Hoa Kỳ”.

Biên giới giữa lời khuyến cáo và những hành động tích cực hơn của Hoa Kỳ để bênh vực các quốc gia nhỏ như Phi Luật Tân hay Việt Nam vẫn còn rất rõ nét và khá kiên cố. Chính vì thế mà Việt Nam đã không thể ngả hẳn về phe nào. Họ vẫn phải tiếp tục đi dây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Cho nên thế giới mới chứng kiến được cái cảnh Việt Nam Cộng Sản vẫn cho lực lượng hải quân thao diễn quân sự với Hải Quân Hoa Kỳ, nhưng mặt khác Thứ Trưởng Ngoại Giao VNCS Hồ Xuân Sơn vẫn phải gặp Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Cộng Đới Bình Quốc để nói rõ quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Cộng theo phương châm “16 chữ Vàng và tinh thần 4 Tốt”.

Chắc chắn hành động của Hà Nội hiện nay trong cái thế có vẻ vẫn thần phục Bắc Triều sẽ bị chỉ trích là hèn nhát, là khiếp nhược. Xét về lịch sử mối bang giao “thắm thiết” giữa Việt Nam Cộng Sản và Trung Cộng, Hà Nội xứng đáng nhận những tĩnh từ mà người Việt Nam từng dành cho Lê Chiêu Thống khi xưa. Nhưng vấn đề hiện nay không phải là xét công, tội của nhà cầm quyền và đảng Cộng Sản Việt Nam mà là mối quan tâm rộng lớn hơn về tổ quốc Việt Nam trước đại họa Trung Quốc. Liệu Việt Nam với sách lược đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có giữ được nước hay không? Liệu Việt Nam có thể chọn lựa ngả về phía Trung Quốc hoặc ngả hẳn về Hoa Kỳ hay không? Liệu Trung Quốc có thực sự muốn có một cuộc xung đột vùng ở Biển Đông hay chỉ muốn dùng hành động của mình để làm áp lực buộc các quốc gia nhỏ phải chịu nhận một số những thiệt thòi về kinh tế và khai thác tài nguyên trên biển?

Biết bao nhiêu câu hỏi và không có câu hỏi nào người Việt Nam có thể trả lời một cách hời hợt hoặc trả lời theo cảm tính yêu ghét được. Nó phải dựa vào tình hình thực tế, cán cân lực lượng và nhất là mối buôn bán giao thương giữa những cường quốc như Hoa Kỳ với Trung Cộng. Túi tiền của Bắc Kinh ngày càng phồng to nhờ vào việc mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Cho nên bất cứ một cuộc xung đột nào dù chỉ ra trong khu vực Biển Đông cũng làm cho nhiều nước trên thế giới hoảng sợ và thắt hầu bao lại. Đây là điều mà Trung Quốc ngại nhất. Và vì thế người ta hiểu tại sao Bắc Kinh vẫn áp dụng chính sách hai mặt “vừa lấn, vừa đàm”, phần lớn chỉ là vì thể diện và muốn gột sạch hẳn hình ảnh một con hổ đói, vật vờ ngủ ngay trong mùa xuân là mùa đi kiếm thịt. Động thái này tương tự như hành động của một anh võ nghệ cao cường, nhưng du côn, mang cột dây kẽm gai rào đất nhà mình nhưng lại đóng lấn sang đất nhà hàng xóm. Chuyện đổ bể, anh mồm loa mép giải đòi thương lượng song phương với từng nhà, bớt một thêm hai để rồi cuối cùng thế nào anh ta cũng lợi hơn.

Ngày nay, Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước Đông Nam Á phải đối phó một cách khó nhọc với Trung Quốc là điều dễ hiểu. Bởi ngay cả Hoa Kỳ và Nhật Bản muốn ngăn cản Bắc Kinh không bành trước xuống phương Nam cũng không phải dễ dàng. Sau những trận cuồng phong ở Biển Đông, Việt Nam Cộng Sản vẫn phải đưa sứ giảsang “làm hòa” với Bắc Kinh. Thực tế,không chỉ có Việt Nam mà thôi. Hoa Thịnh Đốn cũng đã phải gởi Đô Đốc Mike Mullen, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Hoa Kỳ sang viếng thăm Trung Quốc vào tháng này. Trong khi phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục lên tiếng dọa nạt không những Việt Nam mà nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không nên đùa với lửa.

Nhưng nhìn kỹ lại, đây cũng mới chỉ là trận giặc “võ miệng” và những hành động di quân cờ để dọa nạt nhau trên bàn cờ Biển Đông mà thôi chứ chưa bên nào có những hành động tích cực khiến xuất hiện nguy cơ một cuộc đụng độ cấp vùng. Viện Nghiên Cứu Lowy của Úc Đại Lợi đã công bố một phản phúc trình những chi tiết về các biến động xảy ra ở vùng Biển Đông từ hơn một năm qua và lo sợ cuộc tranh chấp ở Biển Đông ngày một gay gắt có tiềm năng dẫn đến một cuộc thư hùng. Các chuyên viên thượng thặng của Viện này đưa ra nhận xét hiện nay mối liên hệ giữa các nước nhỏ trong vùng Thái Bình Dương vẫn lỏng lẻo nên khó đoàn kết và đây là một trong những điểm yếu khiến Trung Cộng đẩy mạnh sách lược lấn dần, mỗi ngày một chút.

Người Việt Nam ở hải ngoại có khuynh hướng không ưa cả Trung Cộng lẫn chính quyền Cộng Sản Việt Nam nên thường lên tiếng chỉ trích thái độ hèn nhát của Hà Nội đối với Trung Cộng và thường hay so sánh thái độ này với sự mạnh miệng của Phi Luật Tân. Tuy nhiên, nếu nhìn trên bản đồ, chúng ta thấy Việt Nam nằm sát với biên giới Trung Cộng trong khi Phi Luật Tân ở một vị trí xa hơn. Manila cho tới nay vẫn còn là một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ và hai quốc gia đã có một hiệp ước an ninh. Cho nên, thái độ chưa ngả hẳn về Trung Cộng hay Mỹ của Việt Nam là thái độcó thể hiểu được. Trước hết, Hoa Kỳ hiện chưa có cam kết nào với Hà Nội trong khi Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vẫn còn liên hệ rất thắm thiết trong giao thương. Lịch sử vẫn chưa nhạt nhòa hành động Hoa Kỳ quay lưng với Việt Nam Cộng Hòa và khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hải chiến với chiến hạm Trung Cộng tại Hoàng Sa thì Đệ Thất Hạm Đội Mỹ hoạt động rất gần đó vẫn lạnh lùng quay mặt.

Cuối cùng, người ta thấy gì? Ở thời nào cũng vậy, nước nhỏ khó ngoi ra khỏi thân phận nhược tiểu khi có tranh chấp đất đai hay lãnh hải với Hoa Lục. Trong hoàn cảnh này chiến thuật đi dây giữa các siêu cường của một quốc gia nhỏ như Việt Nam cũng khó khăn như thân phận của nó, bởi vì đi dây hay ngả hẳn về phe nào đều có những nguy cơ. Điều tiên quyết cho Hà Nội vào lúc này là họ phải có khả năng đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, với bản chất của chế độ, Hà Nội chưa bao giờ thực sự mong muốn điều này, và như thế, Việt Nam có thể bị rơi trở lại thời kỳ Bắc thuộc. (V.A)






No comments:

Post a Comment

View My Stats