LS Trần Vũ Hải
Posted by basamnews on 12/11/2012
Cuộc trao đổi giữa Giáo sư Đặng Hùng Võ với
đại diện những người dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên tại trụ sở Bộ
Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) chiều ngày 08/11/2012 tập trung vào 02 Tờ
trình của Bộ TN-MT mà ông đã ký số 14/TTr-BTNMT ngày 12/03/2004 để Thủ tướng ký
quyết định 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004; số 99/TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 để Thủ
tướng ký quyết định 742/QĐ-TTg, giáo sư Đặng Hùng Võ thừa nhận những điểm sau:
1. Ông ký 02 Tờ trình này trình Thủ
tướng Chính phủ ra quyết định là trái pháp luật, vì thẩm quyền quyết định những
nội dung liên quan là Chính phủ (không phải là Thủ tướng Chính phủ) theo quy
định tại những thời điểm này.
2. Hai Tờ trình này (để thẩm tra nội dung
đề nghị từ UBND tỉnh Hưng Yên) đã không thẩm tra việc phù hợp với quy hoạch sử
dụng đất đai đã được duyệt cho tỉnh Hưng Yên, thực tế những nội dung này không
phù hợp với Quy hoạch đã duyệt. Nói cách khác, các quyết định liên quan của
Thủ tướng Chính phủ (do ông Võ tham mưu) không phù hợp quy hoạch theo quy định
của Luật đất đai tại thời điểm đó.
3. Quyết định 742/QĐ-TTg tuy có tiêu đề là
quyết định giao đất, nhưng thực chất là quyết định thu hồi đất, không phải là
quyết định giao đất và ông Võ có sai sót khi không làm rõ trong Tờ trình này. Quyết
định 742/QĐ-TTg không có hiệu lực ngay với các hộ dân Văn Giang vì không ghi
tên các hộ dân và diện tích đất cụ thể của họ bị thu hồi.
4. Biên bản thẩm định hồ sơ đất đai đề ngày
20/06/2004 (là ngày chủ nhật) được coi do Sở Tài nguyên và Môi trường
Hưng Yên lập và cấp cho ông Võ có ghi: “Biên bản lập xong vào hồi 17 giờ
cùng ngày, đọc cho mọi người cùng nghe nhất trí ký tên”. Nhưng trong 35
người tham gia, chỉ có ông Bùi Thế Cử – cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ký
tên, nhưng không đóng dấu. Vì vậy, biên bản này không có giá trị.
5. Tờ trình số 211/TT-UB ngày 25/02/2004
của UBND tỉnh Hưng Yên để xin xét duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng
đất năm 2004, 2005 là trình không đúng thời điểm theo quy định của Nghị định
68/2001/NĐ-CP và Thông tư 1842/2001/TT-TCĐC (nếu điều chỉnh bổ sung kế
hoạch năm 2004 phải trình sau ngày 01/07/2003 và trước ngày 15/09/2003; điều
chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2005 phải trình sau ngày 01/07/2004 và do đó phải
theo điều chỉnh của luật Đất đai năm 2003).
LS Trần Vũ Hải và GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: VNExpress.
Tuy nhiên, giáo sư Đặng Hùng Võ đã giải
thích rằng do Dự án xây đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội đã được xác định là
dự án trọng điểm, mang lại lợi ích cho tỉnh Hưng Yên và nhân dân Văn Giang.
Hưng Yên là tỉnh nghèo, khi có nhóm nhà đầu tư cho Dự án này nên cần phải tạo
mọi điều kiện cho họ, cuộc sống không đợi luật. Nói cách khác, giáo sư
Võ cho rằng tuy làm trái luật nhưng mục đích vì nước vì dân. Ngoài ra,
từ 15/03/1993 đến 30/06/2004, đã có hơn 3.000 văn bản Thủ tướng Chính phủ ký
sai thẩm quyền liên quan đến đất đai. Trường hợp ông ký 02 Tờ trình sai không
phải là ngoại lệ.
Chúng tôi hoan nghênh ông Đặng Hùng Võ đã thừa nhận lỗi
và trách nhiệm của mình, nhưng thấy cần phải làm rõ về những lý do nêu trên của
ông Võ:
1. Dự án xây dựng đường liên tỉnh Hưng Yên
– Hà Nội thực chất là một dự án xây đường quốc lộ. Tuy nhiên, chúng tôi không
thấy dự án này trong quy hoạch về giao thông đường bộ đang có hiệu lực của toàn
quốc và tỉnh Hưng Yên tại thời điểm 2004. Nếu là một Dự án giao thông trọng
điểm, lẽ ra Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phải có ý kiến đề xuất, phê duyệt
hoặc trình duyệt. Nhưng đến 30/06/2004, chưa thấy Bộ GTVT có ý kiến như vậy.
Phải chăng đây là dự án chui?
2. Nhà đầu tư mà ông Võ nói chính là Công
ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO), thành lập tháng
08/2003, vốn điều lệ 70 tỷ đồng, không có cổ đông nào có kinh nghiệm về xây
dựng giao thông đường bộ. Một nhà đầu tư như vậy khó có thể tin cậy để giao 02
Dự án có giá trị gần 4500 tỷ đồng (theo dự toán tại thời điểm năm 2004), trong
đó có một Dự án giao thông trọng điểm.
3. Thực chất nhóm nhà đầu tư trên chỉ mong
muốn 500 ha đất để làm khu đô thị với giá đền bù rẻ mạt, đường giao thông mới
nếu xây cũng chỉ phục vụ tăng giá trị cho Khu đô thị. Thực tế, mặc dù đã được
giao đất làm đường, nhà đầu tư này vẫn chưa làm xong đường theo cam kết (hoàn
thành trong năm 2009), và chưa thấy có dấu hiệu con đường này sẽ hoàn thành
trong thời gian sắp tới.
4. Khi BộTN-MT được thành lập tháng
11/2002, Chính phủ đã chấn chỉnh việc ban hành quyết định liên quan đến đất đai
không phù hợp Luật đất đai. Cụ thể Nghị định 66/2001/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định
số 04/2000/NĐ-CP, theo đó Chính phủ đã thay thế Thủ tướng Chính phủ để quyết
định các vấn đề về đất đai. Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định về chức năng,
nhiệm vụ và quyền hạn của BộTN-MT đã nhắc lại điều đó (BộTN-MT trình Chính phủ,
không trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành những quyết định về đất đai). Như
vậy, ông Võ phải biết rõ điều đó và khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng BộTN-MT vào
năm 2002 phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về nội dung này,
không thể lấy lý do thông lệ trái luật để trình sai địa chỉ và trái luật Đất
đai.
Chúng tôi hi vọng giáo sư Đặng Hùng Võ sẽ
nhận thức được những vấn đề trên để thành thật nhận lỗi và trách nhiệm./
T.V.H.
—-
Mời xem các bài
liên quan:
No comments:
Post a Comment